Nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý 2 dự thảo Luật; nghe và thảo luận Báo cáo công tác phòng, chống vi phạm pháp luật; Báo cáo của Viện trưởng Viện KSND Tối cao, Chánh án TAND Tối cao; Báo cáo về công tác thi hành án

08:10, 27/10/2014

Ngày 24-10 là ngày làm việc thứ năm của kỳ họp thứ tám, QH khóa XIII. Tại hội trường, các đại biểu QH nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) và Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (BĐS) (sửa đổi). Các đại biểu QH đã thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của hai dự thảo Luật nêu trên.

Cân nhắc thành lập Quỹ Phát triển nhà ở xã hội

Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) nêu rõ: Trong các ngày 27-5 và 18-6-2014, các vị đại biểu QH đã thảo luận ở tổ và hội trường cũng như tại hội nghị đại biểu QH chuyên trách (10-9-2014) về dự án Luật Nhà ở (sửa đổi). Về cơ bản, các đại biểu tán thành với nhiều nội dung của dự thảo Luật, đồng thời đóng góp thêm các ý kiến nhằm hoàn thiện dự thảo Luật. Trên cơ sở ý kiến của các vị đại biểu QH, Ủy ban Thường vụ QH đã chỉ đạo cơ quan thẩm tra phối hợp với các cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu để chỉnh lý hoàn thiện dự thảo Luật.

Góp ý về dự thảo Luật này, việc có nên thành lập hay không Quỹ Phát triển nhà ở xã hội là một trong những nội dung được nhiều đại biểu QH quan tâm, phát biểu ý kiến. Các đại biểu Đỗ Văn Vẻ (Thái Bình), Lê Đắc Lâm (Bình Thuận) và một số đại biểu khác cho rằng, không nên thành lập Quỹ này vì việc tìm nguồn vốn cho quỹ là không khả thi, không nên dùng ngân sách Nhà nước và tiền đóng thuế của nhân dân để thành lập quỹ. Mô hình của quỹ là quỹ tài chính ngoài ngân sách, trong khi hiện nay nước ta đang có những quỹ ngoài ngân sách hoạt động nhưng không kiểm soát được hiệu quả. Bên cạnh đó, quỹ này có thể hoạt động như một ngân hàng và trong hoàn cảnh kinh tế hiện nay sẽ tiềm ẩn rất nhiều rủi ro không thể kiểm soát.

Không phản đối việc thành lập quỹ nhưng đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) cho rằng, dự thảo Luật cần làm rõ hơn nữa các nguyên tắc, phương thức, tổ chức hoạt động của quỹ; có cần thiết phải thành lập quỹ tại tất cả các tỉnh, thành phố hay không? Về nội dung này, đại biểu Trần Du Lịch (TP Hồ Chí Minh) không chọn cả hai phương án mà nêu quan điểm: Việc phát triển nhà ở xã hội cần giao cho chính quyền các địa phương chịu trách nhiệm triển khai thực hiện, Nhà nước chỉ nên hỗ trợ các địa phương về chính sách, cơ chế. Liên quan việc xây dựng nhà ở xã hội cho người nghèo, người có thu nhập thấp, đại biểu Lê Thị Công (Bà Rịa - Vũng Tàu) và một số đại biểu khác cho rằng, muốn phát triển mạnh hơn nữa nhà ở xã hội cần có quy hoạch quỹ đất hợp lý, đồng thời xây dựng các chính sách ưu đãi, giảm thuế, hỗ trợ các nhà đầu tư khi tham gia xây dựng nhà ở xã hội.

Nhiều ý kiến thống nhất với quy định của dự thảo Luật về việc mở rộng đối tượng và điều kiện được sở hữu nhà ở tại Việt Nam của tổ chức, cá nhân nước ngoài. Thời gian qua, đã có hơn 200 trường hợp người nước ngoài mua, sở hữu nhà ở Việt Nam nhưng chưa có tác động tiêu cực và phát sinh các vấn đề cần lưu ý. Tuy nhiên, một số đại biểu đề nghị, dự thảo Luật cần có những quy định chặt chẽ hơn về thời hạn cư trú tại Việt Nam cũng như các điều kiện hạn chế cụ thể khác để tránh đầu cơ, gây lũng đoạn thị trường nhà ở tại Việt Nam.

Ngăn chặn kinh doanh bất động sản "ảo"

Thảo luận về dự án Luật Kinh doanh BĐS (sửa đổi), các đại biểu quan tâm về điều kiện đối với các loại BĐS được đưa vào kinh doanh (Điều 9). Theo đó, một số ý kiến đề nghị cho phép chủ đầu tư được huy động vốn của khách hàng ngay tại thời điểm đã hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng và dự án đã có quy hoạch chi tiết 1/500. Điều đó giúp bảo đảm quyền, lợi ích của khách hàng khi mua, thuê, thuê mua nhà, công trình xây dựng hình thành trong tương lai. Vì thế tán thành việc Luật quy định các chủ đầu tư chỉ được bán, cho thuê, cho thuê mua nhà, công trình xây dựng khi đã hoàn thành hạ tầng kỹ thuật theo tiến độ dự án. Đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết (An Giang) và một số đại biểu cho ý kiến về yêu cầu đối với dự án đầu tư BĐS về kinh doanh (Điều 12), tại khoản 1 có quy định "Dự án đầu tư BĐS để kinh doanh phải phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng, quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng nông thôn...". Theo các đại biểu, hiện nay việc cấp phép đầu tư nhiều khu đô thị mới, phát triển nhà không căn cứ vào kế hoạch, chưa phù hợp nhu cầu thị trường. Vì thế, quy định dự án đầu tư BĐS kinh doanh như trong dự thảo Luật vẫn còn rất chung chung, rất khó thực hiện, sẽ tạo khe hở, lập lại hiện trạng hiện nay phát triển BĐS theo thị trường ảo, tạo gánh nặng cho nền kinh tế.

Về quy định cho phép các chủ đầu tư kinh doanh BĐS được bán, cho thuê, cho thuê mua BĐS hình thành trong tương lai (Chương III), ý kiến của các đại biểu cho rằng, quy định mở rộng việc cho phép các chủ đầu tư kinh doanh BĐS được bán, cho thuê, cho thuê mua BĐS hình thành trong tương lai có nhiều rủi ro, dễ nảy sinh tranh chấp. Do vậy, đề nghị cần quy định chặt chẽ để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bên mua, bên thuê, bên thuê mua BĐS hình thành trong tương lai.

Theo đại biểu Đỗ Văn Đương (TP Hồ Chí Minh), tại nhiều địa phương, có hàng nghìn ha đất để hoang hóa, dân thì không có nhà, đến nơi vẫn chỉ là bãi cỏ hoang, thậm chí nhiều doanh nghiệp không thực hiện nghĩa vụ tài chính của mình, trách nhiệm với người dân, không đóng thuế cho Nhà nước. Như thế là lừa cả người dân, lừa cả Nhà nước. Những hành vi bị cấm nêu trong dự thảo Luật là quá nhẹ, cần phải quy định là những hành vi bị truy cứu trách nhiệm hình sự trong kinh doanh BĐS...

Ngày 25-10, kỳ họp thứ tám, QH khóa XIII tiếp tục chương trình làm việc tại hội trường. Các đại biểu QH đã nghe: Báo cáo công tác phòng, chống vi phạm pháp luật; Báo cáo công tác của: Viện trưởng Viện KSND Tối cao, Chánh án TAND Tối cao và Báo cáo về công tác thi hành án; Báo cáo thẩm tra các báo cáo nêu trên. Các đại biểu QH đã thảo luận về những nội dung này.

Tình hình tội phạm tiềm ẩn nhiều phức tạp, nguy hiểm

Báo cáo của Chính phủ năm 2014 về công tác phòng, chống vi phạm pháp luật cho thấy: Cùng với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương, nhất là lực lượng Công an, hoạt động của các loại tội phạm đã được kiềm chế.

Đã khởi tố mới 77.913 vụ án, với 121.039 bị can. Số vụ án tăng 2% nhưng giảm 2,19% số bị can so với năm 2013. Cơ quan điều tra cả nước đã khởi tố điều tra 25.934 vụ với 55.944 bị can liên quan đến tội phạm xâm phạm trật tự xã hội, giảm 1,59% về số vụ. Một số tội phạm nghiêm trọng như giết người, chống người thi hành công vụ giảm.

Tuy nhiên, hoạt động của các băng, nhóm tội phạm tại các thành phố, khu vực giáp ranh dưới dạng bảo kê, đòi nợ thuê, cho vay nặng lãi, cưỡng đoạt tài sản, tổ chức đánh bạc, cá độ bóng đá tiềm ẩn nhiều phức tạp, thủ đoạn hoạt động của các băng, nhóm tội phạm ngày càng tinh vi, núp dưới vỏ bọc doanh nghiệp, đối tượng cầm đầu không trực tiếp gây án khiến việc phát hiện, xử lý gặp nhiều khó khăn. Tội phạm sử dụng súng, vật liệu nổ, diễn ra nghiêm trọng. Tội phạm mua bán người tăng 10% so với năm 2013. Tội phạm đánh bạc xảy ra khá phổ biến. Tội phạm xâm phạm trật tự quản lý kinh tế phát hiện tăng 1,62%, đã khởi tố điều tra 1.318 vụ.

Tội phạm trong lĩnh vực ngân hàng, tài chính diễn biến phức tạp, gây thất thoát lớn tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, tác động xấu đến quá trình tái cơ cấu nền kinh tế và hoạt động của hệ thống ngân hàng, tài chính. Tình hình buôn lậu, buôn bán hàng giả diễn ra phổ biến, nhất là các tuyến biên giới. Toàn quốc phát hiện, khởi tố điều tra 303 vụ tội phạm về tham nhũng. Ngoài những vụ tham nhũng lớn, có tổ chức, tình trạng sai phạm, tiêu cực trong lĩnh vực hành chính, dịch vụ công diễn ra khá phổ biến nhưng khó phát hiện, do người dân ngại tố cáo, tố giác, thiếu chứng cứ xử lý. Tội phạm ma túy, môi trường tăng cao gây nhức nhối trong nhân dân...

Kiên quyết triệt phá, trấn áp các loại tội phạm

Thảo luận tại hội trường, các đại biểu QH cơ bản đồng tình với các báo cáo của các cơ quan tư pháp, đây là năm đầu triển khai thi hành Hiến pháp sửa đổi, các cơ quan đã có nhiều cố gắng khắc phục khó khăn, triển khai nhiều biện pháp đồng bộ, thực hiện tốt hơn chức năng nhiệm vụ công tác tư pháp, công tác phòng, chống và đấu tranh với các loại tội phạm vi phạm pháp luật.

Tuy nhiên, báo cáo của Chính phủ về công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm chưa phản ánh toàn diện về tình hình vi phạm pháp luật, cũng như việc xử lý vi phạm hành chính trong các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội. Tỷ lệ khám phá tội phạm trộm cắp tài sản chưa nhiều, sự tồn tại của nhiều ổ nhóm trộm cắp chuyên nghiệp gây bức xúc trong nhân dân. Góp ý về công tác khởi tố, điều tra, truy tố, đại biểu Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) cho rằng, trong năm 2014, ngành Công an đã khởi tố điều tra hơn 159.062 bị can nhưng phải tạm đình chỉ điều tra 3.206 bị can, đình chỉ 2.302 bị can, tăng 12%. Đặc biệt, 91 công dân bị oan sai, trong đó ngành Công an phải đình chỉ điều tra 60 bị can do không phạm tội, hành vi không cấu thành tội phạm. Ngành Tòa án tuyên 21 bị cáo không phạm tội. Đại biểu này cho rằng, con số này chứng tỏ công tác khởi tối, điều tra tội phạm vẫn còn hạn chế, gây mất lòng tin trong nhân dân vào công lý, luật pháp.

Các đại biểu QH lưu ý tình hình vi phạm pháp luật và tội phạm trên một số lĩnh vực tiếp tục diễn biến phức tạp, nhất là tội phạm trong lĩnh vực kinh tế, tham nhũng, môi trường, cá cược bóng đá, đánh bạc, tội phạm công nghệ cao, tội phạm có yếu tố nước ngoài. Tình hình an ninh trật tự xã hội ở vùng nông thôn có những diễn biến phức tạp. Một trong những nguyên nhân gia tăng các vụ vi phạm pháp luật, tội phạm, có nguyên nhân chủ quan về: trách nhiệm của cơ quan chức năng, cán bộ thi hành công vụ, tham nhũng, hối lộ, nhũng nhiễu.

Thảo luận về báo cáo của Viện trưởng Viện KSND Tối cao, các đại biểu QH cho rằng tình trạng áp dụng tạm giam đối với bị can phạm tội ít nghiêm trọng còn nhiều, số vụ án về tham nhũng bị tòa án trả hồ sơ để điều tra bổ sung tăng do bỏ lọt tội phạm và người phạm tội. Khá nhiều vụ, Viện KSND truy tố chưa đúng điều khoản pháp luật, chưa đủ chứng cớ phạm tội. Việc chấp hành pháp luật trong xác minh, giải quyết tố giác, tin báo tội phạm, điều tra, thu thập chứng cứ, áp dụng các biện pháp ngăn chặn còn nhiều vi phạm. Số vụ Viện Kiểm sát hủy các quyết định tố tụng tăng, số vụ phải tạm đình chỉ tăng. Đáng chú ý, còn để xảy ra một số vụ dùng nhục hình gây hậu quả nghiêm trọng, làm chết người, gây bức xúc trong dư luận. Công tác kiểm soát việc thi hành án treo, cải tạo không giam giữ còn một số hạn chế.

Về báo cáo của Chánh án TAND Tối cao, tỷ lệ các bản án, quyết định của tòa án sơ thẩm bị kháng cáo, kháng nghị tăng nhiều hơn năm 2013. Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) cho rằng: Số đơn đề nghị giảm phúc thẩm, tái thẩm còn tồn đọng khá lớn. Năm 2014, số đơn của các năm trước tồn đọng gần 11 nghìn đơn nhưng mới giải quyết được bốn nghìn đơn, gây mất niềm tin của người dân vào công lý. Một số vụ án lớn tồn đọng qua nhiều năm chưa được giải quyết triệt để gây bức xúc trong dư luận.

Các đại biểu QH cũng đã chỉ ra một số hạn chế như: án tồn đọng còn nhiều, đơn thư khiếu nại tố cáo về thi hành án dân sự tăng. Số cán bộ thi hành án dân sự vi phạm bị xử lý kỷ luật vi phạm tăng cao hơn năm trước. Tình trạng quá tải phạm nhân trong các trại giam, cơ sở vật chất xuống cấp, số lượng án tử hình chưa được thi hành còn lớn, áp lực cho các cơ sở giam giữ.

Chủ nhật, ngày 26-10-2014, QH nghỉ.

Hôm nay, thứ hai, ngày 27-10-2014, QH họp phiên toàn thể tại hội trường, buổi sáng, nghe báo cáo về Bộ luật Dân sự (sửa đổi), Luật Tổ chức TAND (sửa đổi) và thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Tổ chức TAND (sửa đổi); buổi chiều, nghe báo cáo và thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Tổ chức Viện KSND (sửa đổi)./.

PV



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com