Tiếp tục kỳ họp thứ năm, QH khóa XIII, sáng 21-5, QH làm việc tại hội trường, thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Phòng, chống khủng bố. Phó Chủ tịch QH Huỳnh Ngọc Sơn điều khiển phiên họp.
Báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Phòng, chống khủng bố của UBTVQH nêu rõ, trong những năm gần đây, tình hình khủng bố trên thế giới có những diễn biến phức tạp, nghiêm trọng, ảnh hưởng đến an ninh, chính trị của nhiều quốc gia. Ở Việt Nam, tuy chưa xảy ra khủng bố do tổ chức khủng bố quốc tế thực hiện, nhưng đã phát hiện một số âm mưu tiến hành khủng bố. Hiện nay, Việt Nam đã tham gia nhiều điều ước quốc tế liên quan đến chống khủng bố và trên thực tế đã tích cực triển khai các hoạt động phòng, chống khủng bố, nhưng chưa có văn bản pháp lý dưới hình thức là một đạo luật để điều chỉnh về lĩnh vực này. Việc xây dựng và thông qua Luật nhằm tạo cơ sở pháp lý vững chắc phục vụ hoạt động phòng, chống khủng bố và hợp tác quốc tế về phòng, chống khủng bố trong thời điểm hiện nay.
Các ĐBQH cơ bản tán thành với các nội dung của Báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Phòng, chống khủng bố của UBTVQH. Các đại biểu cho rằng, báo cáo đã nghiêm túc nghiên cứu, tiếp thu có trách nhiệm và chỉnh lý dự thảo Luật theo các ý kiến đóng góp của các ĐBQH tại kỳ họp thứ tư. Đi sâu vào một số vấn đề cụ thể, các đại biểu đã cho ý kiến về các nội dung như việc có hay không thành lập Ban chỉ đạo phòng, chống khủng bố; các biện pháp phòng, chống khủng bố; quy định về người chỉ huy chống khủng bố và công tác hợp tác quốc tế trong phòng, chống khủng bố.
Đoàn đại biểu Quốc hội của tỉnh tại kỳ họp. |
Thảo luận về quy định thành lập Ban chỉ đạo phòng, chống khủng bố đa số các đại biểu tán thành thành lập cơ quan này và đề nghị làm rõ cơ cấu thành viên Ban Chỉ đạo. ĐBQH Nguyễn Minh Kha (Cần Thơ) đề nghị thành lập 2 cấp ban chỉ đạo phòng, chống khủng bố là cấp Trung ương và cấp tỉnh. Trong đó, Ban chỉ đạo phòng, chống khủng bố cấp Trung ương do Thủ tướng làm trưởng ban, đại diện Bộ Công an là phó ban thường trực, đại diện Bộ Quốc phòng làm phó ban. Ban chỉ đạo cấp tỉnh do Chủ tịch UBND cấp tỉnh làm trưởng ban, Giám đốc công an cấp tỉnh làm phó ban thường trực và đại diện lực lượng quốc phòng cấp tỉnh làm phó ban. Tán thành với quan điểm này, ĐBQH Nguyễn Anh Sơn (Nam Định) cho rằng, không nên quy định cơ quan tham mưu giúp việc cho Ban chỉ đạo phòng, chống khủng bố cấp tỉnh mà chỉ nên quy định là có bộ phận tham mưu giúp việc. Theo đại biểu, quy định này nhằm tránh việc lợi dụng quy định để đẻ thêm bộ máy hành chính vốn đã cồng kềnh hiện nay.
Bên cạnh đó, cũng có một số đại biểu cho rằng chưa nên thành lập cơ quan này vì chưa thật cần thiết. ĐBQH Nguyễn Công Hồng (Đồng Nai) đề nghị không nên thành lập Ban chỉ đạo về phòng, chống khủng bố mà nên mở rộng chức năng, nhiệm vụ phòng, chống khủng bố cho Ban chỉ đạo Chương trình quốc gia phòng, chống tội phạm.
Về quy định người chỉ huy chống khủng bố, các ĐBQH đề nghị cần làm rõ thẩm quyền của từng cấp. Các đại biểu đề nghị, cần sửa quy định người chỉ huy chống khủng bố sẽ do Ban chỉ đạo phòng, chống khủng bố quyết định thay vì ghi do cơ quan có thẩm quyền quyết định một cách chung chung như dự thảo Luật. ĐBQH Nguyễn Văn Minh (Bắc Kạn) đề nghị, luật cần làm rõ cấp thẩm quyền quyết định người chỉ huy chống khủng bố là cấp nào, tránh trường hợp khi khủng bố xảy ra thì các lực lượng dẫm chân lên nhau, không có người chỉ huy và chịu trách nhiệm xử lý tình huống. ĐBQH Nguyễn Anh Sơn (Nam Định) đề xuất, trong trường hợp khẩn cấp, chưa có người chỉ huy chống khủng bố do cấp có thẩm quyền quyết định thì Luật nên quy định người đứng đầu cơ quan trực tiếp sẽ là người chỉ huy chống khủng bố. Đại biểu ví dụ, khi khủng bố xảy ra tại một trường học thì hiệu trưởng của trường học này sẽ là người chỉ huy chống khủng bố. ĐBQH Phạm Trường Dân (Quảng Nam) cho rằng nên quy định người đứng đầu cơ quan công an cấp huyện sẽ là người chỉ huy chống khủng bố trong trường hợp chưa có người chỉ huy chống khủng bố. Cũng có ý kiến của đại biểu cho rằng, ở cấp tỉnh, khi chưa có người chỉ huy thì Luật nên quy định người đứng đầu cơ quan công an cấp tỉnh sẽ là người chỉ huy chống khủng bố.
Về hợp tác quốc tế trong phòng, chống khủng bố, đa số các đại biểu thống nhất sự cần thiết phải hợp tác quốc tế trong phòng, chống khủng bố và cho rằng, hợp tác quốc tế về phòng, chống khủng bố có ý nghĩa quan trọng, góp phần tăng cường hiệu quả phòng, chống khủng bố của Nhà nước ta và thể hiện vai trò của Việt Nam trong việc thực hiện cam kết quốc tế. Đồng thời, tán thành việc xây dựng một chương riêng quy định về hoạt động hợp tác quốc tế trong lĩnh vực này với những quy định chặt chẽ, không để sơ hở ảnh hưởng đến độc lập, chủ quyền, an ninh quốc gia. Nhiều đại biểu đề nghị, dự thảo Luật cần bỏ Điều 43 Về những trường hợp từ chối đề nghị hợp tác quốc tế. ĐBQH Nguyễn Minh Kha (Cần Thơ) cho rằng, nên bỏ quy định tại Điều 43, tùy từng trường hợp cụ thể mà Ban chỉ đạo phòng, chống khủng bố sẽ có các quyết định tham gia hoặc không tham gia hợp tác.
Bên cạnh đó, các ĐBQH cũng đã cho ý kiến về một số khái niệm, về kỹ thuật xây dựng văn bản, về cách sắp xếp các chương, điều của dự thảo Luật. Ngoài ra, các đại biểu cũng đề nghị cần làm rõ hơn vai trò của quân đội đặc biệt là bộ đội biên phòng, vai trò của hải quan, Bộ Tài chính và các bộ, ngành liên quan. Những ý kiến góp ý của ĐBQH sẽ được cơ quan soạn thảo tiếp thu, chỉnh lý, trình QH xem xét thông qua tại kỳ họp này theo chương trình.
Cũng trong buổi sáng, QH đã nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy chữa cháy.
Buổi chiều các đại biểu thảo luận ở tổ về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng; Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp./.
Theo Nhân dân