Hôm qua, 20-5: Khai mạc trọng thể kỳ họp thứ năm Quốc hội khóa XIII

07:05, 21/05/2013

Đúng 9 giờ sáng 20-5, tại Thủ đô Hà Nội, Quốc hội khóa XIII đã khai mạc trọng thể kỳ họp thứ năm - Kỳ họp đầu tiên của năm 2013 với các nội dung quan trọng về xây dựng pháp luật, giám sát, quyết định những vấn đề quan trọng về việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Phiên khai mạc được truyền hình, truyền thanh trực tiếp để đông đảo cử tri và nhân dân cả nước theo dõi.

Dự phiên khai mạc có Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; nguyên Tổng Bí thư: Lê Khả Phiêu và Nông Đức Mạnh; Chủ tịch nước Trương Tấn Sang; nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương; Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng; Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng; nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An; Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Huỳnh Đảm; nhiều vị khách mời; các vị đại biểu Quốc hội các khóa trước; đại diện các đoàn ngoại giao tại Hà Nội.

 Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đọc Diễn văn khai mạc kỳ họp. Ảnh: Nhan Sáng - TTXVN
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đọc Diễn văn khai mạc kỳ họp.
Ảnh: Nhan Sáng - TTXVN

Trước phiên khai mạc, các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước và đại diện các Đoàn đại biểu Quốc hội đã đặt vòng hoa, vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tiếp đó, Quốc hội họp phiên trù bị, thảo luận và biểu quyết thông qua chương trình làm việc của kỳ họp.

Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng chào mừng các vị lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam, các bậc lão thành cách mạng, các vị đại biểu Quốc hội, các vị khách quý, các vị trong đoàn ngoại giao, các tổ chức quốc tế đã đến dự phiên khai mạc kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa XIII.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nêu rõ kỳ họp thứ năm của Quốc hội được tiến hành trong lúc tình hình kinh tế khu vực và thế giới đang trong quá trình phục hồi, nhưng chưa thực sự bền vững. Năm tháng đầu năm 2013, tăng trưởng kinh tế trong nước cao hơn cùng kỳ năm trước; lạm phát được kiềm chế, giá cả ổn định, lãi suất giảm, kim ngạch xuất khẩu tăng khá; an sinh xã hội tiếp tục được quan tâm; độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ được giữ vững; hoạt động đối ngoại được tăng cường; quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm... Tuy nhiên, kinh tế vĩ mô vẫn chưa ổn định, nhiều khó khăn thách thức còn hiển hiện, các lĩnh vực kinh tế tiếp tục gặp khó khăn; việc tái cấu trúc hệ thống ngân hàng, xử lý nợ xấu chậm được giải quyết; tồn kho hàng hóa và bất động sản còn lớn; số doanh nghiệp ngừng hoạt động, giải thể, phá sản tiếp tục tăng; việc làm, thu nhập và đời sống của một bộ phận người lao động gặp nhiều khó khăn... Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh, tình hình đó đòi hỏi chúng ta có những giải pháp tích cực và đồng bộ, nỗ lực phấn đấu vượt qua khó khăn, thách thức để thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2013, tạo đà phát triển bền vững cho những năm sau.

Trên tinh thần đó, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị các vị đại biểu Quốc hội tiếp tục nêu cao tinh thần trách nhiệm, phát huy trí tuệ, tập trung nghiên cứu, thảo luận dân chủ, đóng góp nhiều ý kiến, góp phần để kỳ họp thành công tốt đẹp, đáp ứng lòng mong đợi của nhân dân.

Các đại biểu Quốc hội dự kỳ họp.
Các đại biểu dự kỳ họp.

Theo chương trình, tại kỳ họp thứ năm, Quốc hội sẽ tiếp tục cho ý kiến hoàn thiện Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 trên cơ sở tiếp thu ý kiến đóng góp của nhân dân; xem xét dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Quốc hội sẽ xem xét các báo cáo bổ sung của Chính phủ về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2012; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2013; quyết toán ngân sách nhà nước năm 2011; thông qua 10 dự án luật và Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2014, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh khóa XIII, năm 2013 của Quốc hội và cho ý kiến về 7 dự án luật khác.

Quốc hội cũng sẽ dành thời gian giám sát chuyên đề “Việc thi hành Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ cho đầu tư xây dựng cơ bản giai đoạn 2006-2012;” xem xét một số báo cáo kết quả giám sát của các cơ quan của Quốc hội; nghe Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XIII; tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội; thông qua Nghị quyết về Chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2014; xem xét các báo cáo công tác của các cơ quan của Quốc hội, Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát Nhân dân Tối cao và xem xét, quyết định một số vấn đề quan trọng khác.

Đặc biệt, tại kỳ họp này, lần đầu tiên, Quốc hội sẽ tổ chức lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Đây là đổi mới quan trọng trong đời sống chính trị đất nước nhằm thực hiện chủ trương của Đảng, các quy định của pháp luật, đề cao quyền làm chủ của nhân dân thông qua việc thực hiện quyền giám sát của Quốc hội đối với những cán bộ chủ chốt của Đảng và Nhà nước.

Kết quả lấy phiếu tín nhiệm sẽ giúp người được lấy phiếu tín nhiệm thấy được mức độ tín nhiệm của mình để tiếp tục phấn đấu, rèn luyện phẩm chất, năng lực, nâng cao hiệu quả hoạt động.

Tại phiên khai mạc, Quốc hội đã nghe Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thay mặt Chính phủ trình bày Báo cáo bổ sung kết quả thực hiện nhiệm vụ năm 2012; tình hình thực hiện nhiệm vụ bốn tháng đầu năm và những giải pháp chủ yếu tập trung chỉ đạo, điều hành trong những tháng còn lại của năm 2013.

Báo cáo của Chính phủ nhận định: “Trong tổng số 15 chỉ tiêu kế hoạch năm 2012, có thêm chỉ tiêu giảm nghèo vượt kế hoạch đề ra. Như vậy, có 11 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch, 4 chỉ tiêu không đạt. So với số đã báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ tư, có 7 chỉ tiêu đạt cao hơn, 2 chỉ tiêu đạt thấp hơn và 6 chỉ tiêu không đổi". Theo Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, mặc dù kinh tế - xã hội 4 tháng đã có những chuyển biến tích cực, đúng hướng và đạt được kết quả bước đầu, nhưng còn chậm, chưa vững chắc và còn nhiều hạn chế, yếu kém. Dự báo, kinh tế toàn cầu tiếp tục diễn biến phức tạp, phục hồi chậm và chưa ổn định. Tình hình kinh tế - xã hội trong nước vẫn còn nhiều khó khăn. Căn cứ mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2013 mà các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ đề ra và xuất phát từ thực tiễn tình hình những tháng gần đây, Chính phủ xác định nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới: Tiếp tục thực hiện nhất quán mục tiêu tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đạt mức tăng trưởng cao hơn năm 2012; tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, xử lý nợ xấu, phát triển thị trường, tăng sức mua, đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa; triển khai thực hiện có kết quả các nhiệm vụ trọng tâm tái cơ cấu kinh tế; Bảo đảm an sinh xã hội và phúc lợi xã hội, tăng cường phòng, chống thiên tai, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu; đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, tăng cường phòng chống tham nhũng, lãng phí và tăng cường quốc phòng, an ninh, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội; nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại. Chính phủ đề nghị Quốc hội, MTTQ Việt Nam, các đoàn thể nhân dân và đồng chí, đồng bào cả nước tăng cường giám sát, phối hợp hành động, nỗ lực phấn đấu tạo chuyển biến đồng bộ và mạnh mẽ hơn nữa trên các mặt công tác để quyết tâm hoàn thành thắng lợi Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2013, góp phần thực hiện thành công Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011-2015.

Tiếp đó, Quốc hội đã nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu trình bày Báo cáo thẩm tra Báo cáo của Chính phủ đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2012; việc triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2013.

Tán thành với Báo cáo của Chính phủ, đánh giá về kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2012, tuy nhiên, Báo cáo Thẩm tra cũng cho rằng, nền kinh tế đang đối mặt với nhiều thách thức, khó khăn, có mặt còn nghiêm trọng hơn so với năm trước. Tăng trưởng kinh tế cả năm chỉ đạt 5,03% là mức tăng chưa hợp lý, thấp hơn số báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ tư là 5,2% và thấp hơn nhiều so với Nghị quyết của Quốc hội tăng từ 6-6,5%. Tổng phương tiện thanh toán tăng 22,4% trong khi dư nợ tín dụng cả năm chỉ tăng 8,91%, nối tiếp đà sụt giảm mạnh dư nợ tín dụng từ tăng 31% năm 2010 xuống còn mức tăng 14,41% năm 2011. Chỉ số hàng tồn kho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng; tồn kho bất động sản và nợ xấu vẫn ở mức cao. Số lượng doanh nghiệp giải thể, phá sản, ngừng hoạt động năm 2012 là 54.261 doanh nghiệp, cao hơn năm 2011…

Về tình hình 4 tháng đầu năm 2013, cơ quan thẩm tra nhận định, tốc độ tăng trưởng GDP quý I-2013 tăng 4,89% có cao hơn quý I-2012 (tăng 4,75%) nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với quý I-2011 (tăng 5,53%) và quý I-2010 (tăng 5,84%). Từ tình hình trên Ủy ban Kinh tế cho rằng nhiệm vụ trong những tháng còn lại của năm 2013 là hết sức nặng nề; vấn đề đặt ra là phải xử lý hài hòa và đảm bảo thực hiện cả hai mục tiêu tăng trưởng và kiềm chế lạm phát trong điều kiện nền kinh tế còn tiềm ẩn nhiều yếu tố bất ổn.

Cũng trong buổi làm việc buổi sáng, Quốc hội đã nghe Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Huỳnh Đảm trình bày Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri. Theo đó, chuẩn bị cho kỳ họp thứ năm Quốc hội khóa XIII, tính đến nay, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phối hợp với Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổng hợp được 1.724 ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước gửi tới Quốc hội. Nhìn chung, cử tri cho rằng, những tháng đầu năm 2013, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức do tác động của suy thoái kinh tế thế giới và những tồn tại, yếu kém của nền kinh tế trong nước, tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu như hạn hán, nước biển xâm mặn, lốc xoáy, mưa đá… gây thiệt hại ở nhiều nơi, nhưng với sự nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, lạm phát bước đầu được kiềm chế, mặt bằng lãi suất đã giảm, nền kinh tế có chiều hướng phục hồi; an sinh xã hội được quan tâm; an ninh chính trị, trật tự và an toàn xã hội được giữ vững; các tầng lớp nhân dân cả nước sôi nổi tham gia góp ý vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.

Tuy nhiên, cử tri và nhân dân còn nhiều băn khoăn, lo lắng trước thực trạng phát triển chưa bền vững của nền kinh tế; giá điện, xăng dầu và một số mặt hàng thiết yếu, nhất là giá vật tư nông nghiệp còn cao gây nhiều khó khăn cho sản xuất và đời sống của nhân dân; nhiều dự án sử dụng đất kém hiệu quả, gây lãng phí; nhiều doanh nghiệp nhà nước làm ăn thua lỗ, thất thoát tài sản nhưng việc xử lý trách nhiệm chưa nghiêm; hậu quả của đầu tư công dàn trải, hiệu quả thấp; tình trạng tham nhũng, lãng phí chưa được đẩy lùi; đời sống, việc làm của nhân dân gặp nhiều khó khăn; chênh lệch giàu nghèo tiếp tục gia tăng; tình trạng ô nhiễm môi trường, mất vệ sinh an toàn thực phẩm, tai nạn giao thông, tội phạm và tệ nạn xã hội diễn biến phức tạp gây bức xúc trong nhân dân.

Buổi chiều, trong phần làm việc được truyền hình trực tiếp, Quốc hội đã nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, Trưởng ban biên tập Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 Phan Trung Lý trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến nhân dân và chỉnh lý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992./.

Theo Nhân dân

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com