Bác Hồ với nông dân!

06:02, 18/02/2013

Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn luôn quan tâm đến vấn đề nông dân - một lực lượng to lớn của cách mạng.

Ngày 10-10-1923, Đại hội Quốc tế Nông dân đầu tiên, khai mạc tại gian phòng lớn An-đrây-ep-xki ở Điện Krem-li. Ngày 12-10, dưới đầu đề “Tại Đại hội Nông dân toàn thế giới”, báo Pra-vđa đưa tin: “Tại phiên họp thứ hai, đồng chí Nguyễn Ái Quốc đã thay mặt Đông Dương phát biểu ý kiến. Diễn giả chỉ ra rằng nông dân Đông Dương bị hai tầng áp bức, một là với tư cách nông dân nói chung, hai là với tư cách nông dân một nước thuộc địa”.

Trong bài phát biểu tại một phiên họp của đại hội, đồng chí Nguyễn Ái Quốc đã nêu rõ: “Quốc tế của các đồng chí chỉ trở thành một quốc tế thật sự khi mà không những nông dân phương Tây, mà cả nông dân ở phương Đông, nhất là nông dân ở các thuộc địa là những người bị bóc lột và bị áp bức nhiều hơn các đồng chí, đều tham gia...”. Cả đại hội đã sôi nổi vỗ tay, tán thành ý kiến của Người.

Bác Hồ dùng thử máy cấy tại trại thí nghiệm lúa thuộc Sở Nông lâm Hà Nội, năm 1960
Bác Hồ dùng thử máy cấy tại trại thí nghiệm lúa
thuộc Sở Nông lâm Hà Nội, năm 1960
.

Và chính trong Đại hội này, đã tiến hành bầu các cơ quan lãnh đạo của Quốc tế Nông dân. Đồng chí Nguyễn Ái Quốc một nhà hoạt động cách mạng nổi tiếng, thay mặt nông dân châu Á đã được bầu vào đoàn chủ tịch. Lúc đó Bác của chúng ta 33 tuổi.

Năm 1927, khi viết cuốn “Đường Kách mệnh”, ở mục “Ai là những người Kách mệnh” Bác Hồ viết:

“Vì bị áp bức mà sinh ra cách mệnh, cho nên ai mà bị áp bức càng nặng thì lòng cách mệnh càng bền, chí cách mệnh càng quyết. Khi trước tư bản bị phong kiến áp bức cho nên nó cách mệnh. Bây giờ tư bản lại đi áp bức công nông, cho nên công nông là người chủ cách mệnh”…

Mùa Xuân Tân Tỵ năm 1941, Bác Hồ của chúng ta đã trở về Tổ quốc, trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Ngay từ những ngày đầu tiên ấy, Bác đã sống với những người nông dân miền núi và giác ngộ họ làm cách mạng. Đồng thời những người nông dân nghèo khổ và bị áp bức ấy đã chở che, giúp đỡ Bác và các đồng chí của mình. Pác-Bó, Cao Bằng đã vinh dự trở thành “Đại bản doanh” đầu tiên của cách mạng nước ta.

Rồi trong những năm trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, Định Hoá (Thái Nguyên), Tân Trào, Chiêm Hoá (Tuyên Quang) đã trở thành an toàn khu của cách mạng. Những người nông dân đã che chở, bảo vệ, nuôi dưỡng lực lượng kháng chiến, cũng như hàng chục triệu người nông dân trong cả nước vừa đánh giặc vừa góp gạo nuôi quân, góp phần làm nên chiến thắng.

Tháng 11-1949, trong Thư gửi Hội nghị cán bộ Nông dân cứu quốc toàn quốc, Bác viết: 


“Nông dân là một lực lượng rất to lớn của dân tộc, một đồng minh rất trung thành của giai cấp công nhân. Muốn kháng chiến kiến quốc thành công, muốn độc lập thống nhất thực sự ắt phải dựa vào lực lượng của nông dân. Đồng bào nông dân sẵn có lực lượng to lớn, sẵn có lòng nồng nàn yêu nước, sẵn có chí khí kiên quyết đấu tranh và hy sinh".

Trong Di chúc của mình Bác dặn dò:

“Nhân dân lao động ta ở miền xuôi cũng như ở miền núi, đã bao đời chịu đựng gian khổ, bị chế độ phong kiến và thực dân áp bức bóc lột, lại kinh qua nhiều năm chiến tranh. Tuy vậy, nhân dân ta rất anh hùng, dũng cảm, hăng hái, cần cù. Từ ngày có Đảng, nhân dân ta luôn luôn đi theo Đảng, rất trung thành với Đảng. Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân”.     

 *

Đồng chí Vũ Kỳ, thư ký của Bác Hồ kể lại: Tết Kỷ Dậu 1969 - Cái Tết cuối cùng của Bác, Bác vẫn bảo tổ chức cho Bác đi thăm nông dân. Bác hỏi:   

- Chú Kỳ! Các chú đã chuẩn bị cho Bác đi thăm những đâu? Mồng 1 Tết này, chúng ta xuất hành phương nào?

Thấy Bác hỏi, tôi rất lo lắng vì năm ấy Bác đã 79 tuổi, lần khám sức khỏe gần nhất Hội đồng bác sĩ đã nói Bác cần tránh đi lại nhiều và tránh những xúc động mạnh. Bác lại hỏi:  

- Chú có nhớ Bác phát động Tết trồng cây năm nay là năm thứ mấy rồi không?

- Thưa Bác, năm thứ 10 ạ!

- Đúng! Nhân dịp kỷ niệm 10 năm Tết trồng cây, các chú bố trí cho Bác đi trồng cây ở một địa phương có nhiều thành tích...

Mặc dù biết sức khỏe của Bác không được tốt, nhưng chúng tôi cũng không ngăn được lòng mong muốn của Bác đến với nông dân. Và Tết năm ấy, sau khi đi thăm bộ đội phòng không, không quân, khoảng 11 giờ trưa Bác mới đến được xã Vật Lại, Ba Vì. Trồng cây đa xong, Bác vui vẻ cùng mọi người quây quần dưới tán bạch đàn. Bác rất vui, trò chuyện với bà con nông dân, với các cụ phụ lão và các cháu thiếu nhi. Bác dặn đồng chí nữ bí thư đảng ủy xã: Phải dân chủ với dân, phải để cho dân phê bình cán bộ, đảng viên.

Thật là cảm động khi nhìn thấy Bác Hồ vui vẻ ngồi giữa những người nông dân như một cụ già trồng cây hiền từ ngồi cùng con cháu. Và chúng ta còn cảm động hơn nữa, khi biết lúc ấy trong Di chúc của mình Bác Hồ đã viết:

“Trong bao năm kháng chiến chống thực dân Pháp tiếp đến chống đế quốc Mỹ, đồng bào ta, nhất là đồng bào nông dân đã luôn luôn hết sức trung thành với Đảng và Chính phủ ta ra sức góp của góp người, vui lòng chịu đựng mọi khó khăn gian khổ. Nay ta đã hoàn toàn thắng lợi, tôi có ý đề nghị miễn thuế nông nghiệp một năm cho các Hợp tác xã nông nghiệp để cho đồng bào hỉ hả, mát dạ, mát lòng, thêm niềm phấn khởi, đẩy mạnh sản xuất”.

Nhà báo Mỹ Đa-vit Han-bớt-stem đã viết:

"Ông Hồ thường mặc bộ quần áo đơn giản… Địa vị càng cao, ông càng giản dị, trong sạch hơn. Ông luôn giữ được những giá trị vĩnh viễn của người Việt Nam".

Mùa xuân này, khi đời sống của những người nông dân đã đổi mới khác xưa. Nước Việt Nam đã trở thành một nước xuất khẩu gạo hàng đầu trên thế giới. Nhiều con cái của những người nông dân đã trở thành những giáo sư, tiến sĩ, những cán bộ lãnh đạo đất nước. Trong niềm vui ấy, lòng chúng ta càng nhớ đến Bác kính yêu - Người xây dựng nên nước Việt Nam mới, lãnh tụ vĩ đại của Đảng và của dân tộc, người suốt đời quan tâm, gần gũi với nông dân và nông thôn Việt Nam./.

Vũ Thái



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com