Thực hiện Quy chế dân chủ trong xây dựng nông thôn mới - Ghi nhận từ thực tiễn

08:03, 19/03/2012

Hiện nay, tỉnh ta đang đẩy mạnh thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM), trong đó người dân nông thôn vừa là chủ thể thực hiện vừa trực tiếp hưởng lợi. Thực hiện nghiêm, hiệu quả Quy chế dân chủ là một yếu tố quan trọng, quyết định thắng lợi của chủ trương lớn, quan trọng này.

 Khi dân chủ được phát huy

Đường Dây Nhất chạy qua địa bàn các xã Nghĩa Lạc, Nghĩa Hồng, Nghĩa Bình (Nghĩa Hưng) dài hơn 10km trước đây chỉ là một con đường nhỏ. Mới đây, tuyến đường này được địa phương đầu tư mở rộng, nâng cấp thành con đường khá hiện đại, mặt đường rộng hơn 10m. Một trong những yếu tố giúp địa phương sớm hoàn thành việc đầu tư mở rộng, nâng cấp, đặc biệt tiết kiệm được chi phí đầu tư là do nhiều hộ dân sinh sống hai bên đường đã tự nguyện hiến đất và sớm bàn giao mặt bằng cho các đơn vị thi công. Trong đó, riêng xã Nghĩa Lạc có 70 hộ dân tham gia hiến gần 1.500m2 đất.

Ông Nguyễn Văn Thành ở xóm 7, thôn Đồng Lạc không chỉ hiến đất mà còn tự nguyện dỡ hẳn chiếc mái hiên vừa đầu tư xây dựng hết 26 triệu đồng để bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công. Ông Trần Đức Hiệt, Chủ tịch Uỷ ban MTTQ xã cho biết, khi cấp uỷ, chính quyền có chủ trương, kế hoạch đầu tư, MTTQ, các đoàn thể nhân dân địa phương đã tích cực phối hợp tuyên truyền, phổ biến tới nhân dân; nhiều lần tổ chức họp bàn để vận động nhân dân hiến đất phục vụ việc mở rộng đường. Ban đầu không phải tất cả các hộ dân đều đồng thuận ngay, bởi “tấc đất tấc vàng”. Tuy nhiên, khi được thông tin đầy đủ, được bàn thảo về trách nhiệm, quyền lợi, hầu hết nhân dân địa phương đều thấy rõ lợi ích, sự cần thiết của việc làm đường. Khi đường được mở rộng, nâng cấp sẽ thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển, mở ra cho người dân địa phương nhiều cơ hội, hướng làm ăn mới, hiệu quả. Từ chỗ phản đối hoặc “do dự”, cuối cùng hầu hết nhân dân đều đồng tình, nhất trí. Trong đó gia đình các cán bộ, đảng viên ở địa phương là những người gương mẫu đi đầu trong việc hiến đất.

Làng quê Duyên Hưng, xã Nam Lợi (Nam Trực) hôm nay.
Làng quê Duyên Hưng, xã Nam Lợi (Nam Trực) hôm nay.

Công tác dồn điền đổi thửa (DĐĐT) là một việc khó khăn, phức tạp bởi liên quan đến trách nhiệm, quyền lợi của nhiều người. Tuy nhiên, trong năm 2011, một số địa phương trong tỉnh đã tích cực triển khai, sớm hoàn thành chủ trương lớn và quan trọng này. Đến nay cả 35 xã, thị trấn của huyện Hải Hậu, một số xã thực hiện thí điểm xây dựng NTM của các huyện Giao Thuỷ, Nghĩa Hưng, Trực Ninh đã hoàn thành các bước dồn đổi, giao ruộng mới cho nông dân trên thực địa. Thành công lớn nhất của các địa phương trên sau DĐĐT là khắc phục được tình trạng ruộng đất manh mún, bình quân mỗi hộ chỉ còn từ 1 đến 2 thửa canh tác, diện tích đất công cũng đã được các địa phương dồn đổi, tạo quỹ đất để xây dựng các công trình phúc lợi. Đạt được kết quả trên có nhiều nguyên nhân trong đó cấp uỷ, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể nhân dân ở các địa phương đã áp dụng, thực hành nghiêm Quy chế dân chủ ở cơ sở, qua đó tạo được sự đồng thuận, tích cực tham gia thực hiện của nhân dân địa phương. Chủ trương, kế hoạch DĐĐT đều được cấp ủy, chính quyền địa phương tổ chức họp bàn, lấy ý kiến đóng góp xây dựng trong hệ thống chính trị, đặc biệt là lấy ý kiến đóng góp của người dân ở các thôn, đội sản xuất. Đồng chí Trần Văn Lực, Phó Chủ tịch UBND xã Giao Châu (Giao Thủy) cho biết, từ khi triển khai công tác DĐĐT đến kết thúc, mỗi xóm, đội trong xã tổ chức 4 lần họp dân. Khi phương án dồn đổi được 100% số hộ trong xóm nhất trí, UBND xã mới phê duyệt, triển khai thực hiện. Nhờ được thông tin, tham gia họp bàn dân chủ, công khai, trong đợt thực hiện DĐĐT, nhân dân ở 5 xã thực hiện thí điểm của huyện Giao Thủy gồm Giao Hà, Giao Tiến, Giao Châu, Giao Thịnh, Bình Hòa đã tự nguyện hiến hàng chục nghìn m2 đất phục vụ việc mở rộng, nâng cấp hệ thống giao thông, thủy lợi nội đồng.

Trên đây chỉ là một trong nhiều kết quả sinh động trong việc áp dụng, triển khai Quy chế dân chủ ở cơ sở. Trên địa bàn toàn tỉnh, nhiều công trình, phần việc do nhân dân trực tiếp đóng góp công sức thực hiện như mở rộng, nâng cấp đường làng ngõ xóm, xây dựng nhà văn hoá… xuất hiện ngày một nhiều, góp phần quan trọng cải thiện đời sống dân sinh. Không chỉ đảm bảo quyền làm chủ, phát huy công sức, trí tuệ của nhân dân, việc áp dụng, thực hiện tốt Quy chế này ở nhiều địa phương trong tỉnh thời gian qua còn góp phần tác động, đổi mới phương thức lãnh đạo, quản lý của cấp uỷ, chính quyền cơ sở theo hướng ngày càng dân chủ, cụ thể và bám sát thực tiễn hơn, khắc phục được tình trạng quan liêu, cửa quyền. Thông qua hoạt động triển khai Quy chế dân chủ ở cơ sở, MTTQ và các đoàn thể, ban thanh tra nhân dân gắn bó hơn với đoàn viên, hội viên, năng lực hoạt động thực tiễn được nâng lên, tăng thêm uy tín, góp phần xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh.

Để Quy chế dân chủ thực sự là động lực, mục tiêu của sự phát triển

Bên cạnh những chuyển biến tích cực, việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở tại nhiều địa phương vẫn đang bộc lộ những hạn chế. Biểu hiện rõ nhất là đến nay nhiều người ở nông thôn trong tỉnh vẫn rất “mơ hồ” về chủ trương, kế hoạch xây dựng NTM của địa phương. Điều này cho thấy công tác thông tin, tuyên truyền về chủ trương, kế hoạch xây dựng NTM của địa phương chưa thực sự sâu rộng và hiệu quả. Quá trình triển khai, cấp uỷ, chính quyền ở một số địa phương chưa coi trọng việc thực hiện quy chế. Ở một số xã, khi xây dựng đề án xây dựng NTM chính quyền địa phương chọn “giải pháp” bỏ tiền thuê rồi “khoán trắng” cho đơn vị tư vấn, bỏ qua việc lấy ý kiến đóng góp của nhân dân địa phương, nếu có cũng rất qua loa, chiếu lệ. Nhiều nội dung, phần việc quan trọng liên quan trực tiếp đến trách nhiệm, quyền lợi của mình nhưng người dân chưa được chính quyền địa phương tổ chức tham gia bàn thảo kỹ lưỡng. Thiếu sự tham gia đóng góp ý kiến của nhân dân, không ít các kế hoạch, mục tiêu không sát thực tiễn, không phù hợp với nhu cầu, khả năng của người dân, do vậy không có tính khả thi. Quan trọng hơn, việc không triển khai, áp dụng thực hiện quy chế một cách nghiêm túc là nguyên nhân khiến nhiều địa phương đến nay vẫn chưa phát huy được các nguồn lực trong nhân dân để thực hiện các chương trình, dự án theo kế hoạch. Vai trò chủ thể của nhân dân trong xây dựng NTM ở một số địa phương do vậy chưa thực sự rõ nét.

Để khắc phục tình trạng này đồng thời đưa việc thực hành Quy chế dân chủ ở cơ sở thành nền nếp, trước hết các cấp uỷ Đảng, chính quyền, đặc biệt ở cấp cơ sở phải quán triệt, nâng cao nhận thức về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở. Các tổ chức chính trị, xã hội tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, vận dụng thực hiện trong quá trình triển khai nhiệm vụ. Phối hợp thực hiện nghiêm những quy định của Pháp lệnh Thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn, thực hiện công khai những việc nhân dân được biết; những việc nhân dân được bàn và quyết định trực tiếp; những việc nhân dân được bàn, biểu quyết để cấp có thẩm quyền quyết định; những việc nhân dân được tham gia ý kiến trước khi cấp có thẩm quyền quyết định và những việc nhân dân được tham gia giám sát. Cùng với việc đảm bảo, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, cần xử lý nghiêm những hành vi lợi dụng dân chủ như: Lấn chiếm đất công, sử dụng đất không đúng mục đích, không theo quy hoạch; không thực hiện nghĩa vụ đóng góp; tố cáo không đúng sự thật gây mất đoàn kết, mất an ninh nông thôn rất cần các cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể nhân dân có biện pháp tuyên truyền, giáo dục, ngăn chặn, xử lý kịp thời, đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật. Qua đó, tạo sự đoàn kết, đồng thuận và huy động được nhiều nguồn lực trong nhân dân, đẩy nhanh công cuộc xây dựng NTM./.

Bài và ảnh: Duy Hưng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com