(Trao đổi giữa PV Báo Nam Định với Bác sĩ, Thầy thuốc Nhân dân Đặng Thị Minh, Giám đốc Sở Y tế về những kết quả đã đạt được của ngành Y tế tỉnh nhà trong năm 2011 và những giải pháp để thực hiện tốt hơn nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ nhân dân trong thời gian tới).
Hội thi tuyên truyền thực hiện quy tắc ứng xử ngành Y tế tỉnh Nam Định năm 2011. Ảnh: Thu Trang |
PV: Xin đồng chí cho biết những kết quả nổi bật của ngành Y tế trong năm 2011?
Thầy thuốc Nhân dân Đặng Thị Minh: Năm 2011, được sự quan tâm chỉ đạo của Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh, của Bộ Y tế; sự phối hợp của các cấp, các ngành trong tỉnh, ngành Y tế tỉnh đã thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ nhân dân. Công tác truyền thông, giáo dục sức khoẻ đã tập trung phổ biến những kiến thức cơ bản về phòng, chống các dịch bệnh. Ngành Y tế tỉnh đã tham mưu với UBND tỉnh tổ chức phát động “Tháng hành động vệ sinh môi trường”, “Tháng hành động vì chất lượng VSATTP”, “Ngày thế giới phòng chống Lao”, “Ngày thế giới phòng chống AIDS ”..., góp phần nâng cao nhận thức và hành vi của người dân đối với việc tự bảo vệ sức khoẻ. Công tác phòng chống dịch, phát hiện sớm, dập dịch đã được triển khai tích cực, hiệu quả nên không để dịch lớn xảy ra. Các chương trình mục tiêu y tế quốc gia, kiểm soát và phòng, chống các bệnh xã hội, các bệnh dịch phổ biến đã hoàn thành và vượt chỉ tiêu. Chương trình tiêm chủng mở rộng được triển khai hiệu quả, tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ đạt trên 98%. Công tác ATVSTP được tăng cường. Ngành Y tế đã thường xuyên phối hợp với các ngành chức năng tiến hành kiểm tra, xử lý các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm ăn uống không đủ tiêu chuẩn điều kiện ATVSTP nên đã hạn chế số vụ và số người bị ngộ độc thực phẩm. 100% dân số được bảo vệ bởi chương trình chống lao quốc gia, tỷ lệ bệnh nhân lao điều trị khỏi đạt trên 90%. Dự án chăm sóc sức khoẻ tâm thần tại cộng đồng đã được triển khai tại 229 xã, phường, thị trấn. Công tác phòng, chống HIV/AIDS được triển khai, thực hiện đồng bộ đã làm thay đổi ý thức, hành vi của người dân trong phòng, chống HIV/AIDS và đối xử với người nhiễm HIV/AIDS. Dự án phòng, chống suy dinh dưỡng trẻ em được triển khai có hiệu quả, tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng theo cân nặng đã giảm, còn 14,93% (năm 2010 là 15,9%), trẻ sơ sinh dưới 2.500 gam chỉ còn dưới 3%. Về công tác DS-KHHGĐ, năm 2011, tỷ lệ giảm sinh đạt 0,23%o (đạt chỉ tiêu đề ra), tỷ lệ sinh con thứ 3 giảm 1% so với cùng kỳ...
Trong năm 2011, các cơ sở khám, chữa bệnh trong tỉnh đã hoàn thành tốt các chỉ tiêu kế hoạch về công tác khám, chữa bệnh, công suất sử dụng giường bệnh tuyến tỉnh đạt 120%, tuyến huyện đạt 115%. Số lần khám bình quân đạt 2,6 lần/người/năm, tai biến trong điều trị giảm, chất lượng khám, chữa bệnh từng bước được nâng cao. Các bệnh viện đều chấp hành nghiêm quy chế, triển khai chăm sóc bệnh nhân toàn diện tại các khoa phòng, áp dụng các kỹ thuật mới, công nghệ cao như mổ nội soi, mổ phaco lạnh, chụp cắt lớp, nắn chỉnh xương dưới sự trợ giúp của màn hình tăng sáng, phẫu thuật thay khớp háng, mổ chấn thương sọ não, kết hợp xương cột sống… Số lượng, chất lượng khám, chữa bệnh đã có những tiến bộ, các sai sót chuyên môn được hạn chế. Công tác xã hội hoá y tế được tăng cường với nhiều hình thức liên doanh, liên kết. Thực hiện Đề án 1816 của Bộ Y tế, các bệnh viện tuyến tỉnh tiếp nhận 52 lượt cán bộ y tế có trình độ chuyên khoa sâu của các bệnh viện Trung ương về công tác tại các bệnh viện tuyến tỉnh, trực tiếp khám, điều trị và chuyển giao kỹ thuật y tế tiên tiến về các chuyên khoa: ngoại, chấn thương, YHCT, tiết niệu, chẩn đoán hình ảnh, triển khai các dự án quản lý các bệnh không lây nhiễm (tiểu đường, tăng huyết áp)... Nhiều kỹ thuật cao, phương pháp điều trị tiên tiến được áp dụng góp phần vào điều trị thành công một số ca bệnh hiểm nghèo, giảm 15% người bệnh phải chuyển lên tuyến trên điều trị. Công tác củng cố, kiện toàn mạng lưới y tế cơ sở được chú trọng. Sở Y tế chỉ đạo Trung tâm Y tế các huyện, thành phố phối hợp với UBND cấp xã hướng dẫn các trạm y tế trong chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2015 thực hiện mục tiêu về y tế theo tiêu chí nông thôn mới.
Bên cạnh những kết quả đạt được, trong năm qua, ngành Y tế vẫn còn những hạn chế, bất cập. Công tác giám sát, phát hiện, chế độ báo dịch, ngộ độc thực phẩm ở một số đơn vị y tế cơ sở còn chậm. Sự phối hợp các chương trình mục tiêu quốc gia trong công tác truyền thông chưa chặt chẽ trên lĩnh vực phòng chống dịch bệnh, vệ sinh môi trường và phổ biến pháp luật về y tế. Đội ngũ cán bộ y tế còn thiếu về số lượng, hạn chế về chất lượng, cơ cấu chưa hợp lý, đặc biệt là thiếu thầy thuốc, chuyên gia đầu ngành giỏi; tỷ lệ bác sĩ trên dân số còn thấp. Do thiếu nhân lực nên khó phát triển được các kỹ thuật trong khám, chữa bệnh; việc thực hiện Đề án 1816 của một số bệnh viện tuyến tỉnh và bệnh viện tuyến huyện triển khai chưa đồng đều, thường xuyên nên tình trạng bệnh nhân chuyển lên tuyến trên vẫn còn cao. Ở một số đơn vị, cán bộ quản lý còn yếu về năng lực điều hành, tinh thần thái độ của một số thầy thuốc trong phục vụ người bệnh chưa đúng mực. Công tác xã hội hoá các hoạt động y tế còn hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu khám, chữa bệnh ngày càng cao của nhân dân. Công tác DS-KHHGĐ tuy thực hiện đạt chỉ tiêu kế hoạch nhưng tỷ số giới tính khi sinh còn mất cân đối...
PV: Xin đồng chí cho biết những giải pháp để thực hiện tốt hơn nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ nhân dân trong thời gian tới?
Thầy thuốc Nhân dân Đặng Thị Minh: Trong năm 2012 ngành Y tế sẽ tăng cường công tác truyền thông - GDSK, phối kết hợp, lồng ghép các chương trình mục tiêu quốc gia về y tế, VSATTP, phòng chống HIV/AIDS, DS-KHHGĐ để tăng hiệu quả thực hiện các dự án. Nâng cao năng lực hệ thống y tế dự phòng tuyến tỉnh, tuyến huyện để có khả năng phòng chống, giám sát, phát hiện dịch, chủ động khống chế, dập dịch, xử lý ổ dịch nhanh chóng, hiệu quả và không để tử vong do dịch. Nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh trên cơ sở xây dựng, nâng cấp cơ sở hạ tầng, trang thiết bị y tế, ứng dụng kỹ thuật - công nghệ y học tiên tiến, công nghệ tin học, cải thiện chất lượng nguồn nhân lực, nâng cao năng lực quản lý điều hành, thực hiện tốt quy chế bệnh viện, đổi mới công tác chỉ đạo tuyến, tăng quy mô giường bệnh ở các tuyến. Tăng cường công tác quản lý Nhà nước về dược, các cơ sở hành nghề dược tư nhân, phát triển mạng lưới cung ứng thuốc trên các tuyến, thực hiện đấu thầu thuốc, cung ứng đủ thuốc thiết yếu, chuyên năng, bảo đảm chất lượng, an toàn, giá phù hợp cho các cơ sở y tế công lập. Củng cố hội đồng thuốc tại các bệnh viện, thực hiện tốt công tác kiểm nghiệm dược phẩm và đẩy mạnh phát triển sản xuất theo hướng CNH-HĐH. Triển khai thực hiện Chỉ thị số 08-CT/TW ngày 21-10-2011 của Ban Bí thư Trung ương về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với vấn đề ATVSTP trong tình hình mới; Chỉ thị số 10-CT/TU ngày 22-12-2011 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về nâng cao chất lượng công tác khám, chữa bệnh cho nhân dân. Triển khai đồng bộ kế hoạch thực hiện Đề án 1816 của Bộ Y tế tại các bệnh viện tuyến tỉnh, bệnh viện tuyến huyện. Xây dựng Đề án đào tạo theo địa chỉ, Đề án đào tạo nguồn nhân lực đến giai đoạn 2015-2020. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các chủ đầu tư tổ chức thực hiện tốt các dự án đầu tư xây dựng, nâng cấp, cải tạo bệnh viện từ nguồn trái phiếu Chính phủ, nguồn Chương trình mục tiêu quốc gia, đẩy nhanh tiến độ thi công, giải ngân vốn và đưa các công trình vào sử dụng. Đẩy mạnh công tác truyền thông DS-KHHGĐ, nâng cao năng lực quản lý điều hành tổ chức thực hiện các đề án, dự án, thực hiện các kỹ thuật dịch vụ KHHGĐ, tiếp thị các phương tiện tránh thai và kiểm soát dân số vùng ven biển, phấn đấu đạt chỉ tiêu giảm tỷ lệ sinh từ 0,15-0,2%o, giảm tỷ lệ sinh con thứ 3 và nâng cao chất lượng dân số. Hướng dẫn triển khai, tổ chức thực hiện Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống y tế tỉnh Nam Định đến năm 2020 đã được UBND tỉnh phê duyệt và bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã giai đoạn 2011-2020. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát các đơn vị thực hiện các nhiệm vụ, chỉ tiêu kế hoạch, quy chế, chế độ chính sách nhằm đạt được mục tiêu: Xây dựng và phát triển hệ thống y tế đồng bộ, bền vững, công bằng hiệu quả, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của nhân dân về bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ, giảm tỷ lệ mắc bệnh, giảm tử vong, tăng tuổi thọ, cải thiện chất lượng dân số, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, chất lượng nguồn nhân lực. Tăng cường công tác giáo dục, nâng cao y đức, thực hiện tốt Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” và lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Lương y phải như từ mẫu”; xây dựng và làm đẹp hơn hình ảnh người thầy thuốc Việt Nam có y đức tốt, có trình độ chuyên môn cao, đoàn kết, tâm huyết với nghề, yêu thương người bệnh; phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ và chăm sóc sức khoẻ nhân dân.
PV: Xin cảm ơn đồng chí!
Minh Thuận (thực hiện)