Giám đốc Sở Tư pháp
Cách đây 65 năm, ngày 28 tháng 8 năm 1945, tại Hà Nội, Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ra tuyên cáo công bố Danh sách Nội các thống nhất quốc gia với 13 Bộ do Chủ tịch Hồ Chí Minh làm Chủ tịch, trong đó có Bộ Tư pháp. Ngày 7-11-1995, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 715/TTg lấy ngày 28-8 hàng năm là Ngày truyền thống của ngành Tư pháp Việt Nam.
Trải qua 65 năm xây dựng và phát triển, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh và Bộ Tư pháp, ngành Tư pháp Nam Định đã vượt qua khó khăn, thử thách, vững bước trưởng thành. Là cơ quan chuyên môn của UBND các cấp, các cơ quan Tư pháp tỉnh luôn bám sát nhiệm vụ chính trị của địa phương và sự chỉ đạo của Bộ Tư pháp để thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao trên tất cả các lĩnh vực công tác theo chức năng, nhiệm vụ của ngành. Công tác xây dựng và kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, luôn được xác định là công tác trọng tâm của ngành. Sở Tư pháp đã soạn thảo kế hoạch, chương trình xây dựng văn bản pháp quy hàng năm trình UBND tỉnh ban hành; Sở Tư pháp thẩm định tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất của các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật do các ngành trong tỉnh soạn thảo trước khi trình UBND tỉnh. Công tác rà soát, hệ thống hoá văn bản pháp luật được thực hiện thường xuyên góp phần đưa công tác quản lý văn bản quy phạm pháp luật đi vào nền nếp. Bên cạnh đó, Sở Tư pháp còn hướng dẫn nghiệp vụ, chỉ đạo công tác rà soát, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật của UBND các huyện, thành phố; tổ chức lấy ý kiến xây dựng các dự thảo văn bản pháp quy của Trung ương. Các Phòng Tư pháp có nhiều cố gắng phục vụ yêu cầu ban hành văn bản pháp luật ở địa phương, đảm bảo đúng nguyên tắc pháp luật.
Lãnh đạo, công chức Sở Tư pháp tiếp nhận, nghiên cứu văn bản pháp luật mới ban hành, triển khai tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho nhân dân.
Ảnh: Thu Hà
|
Để công tác phổ biến giáo dục pháp luật trên địa bàn tỉnh triển khai thực hiện có hiệu quả, ngành Tư pháp đã không ngừng củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Hội đồng phối hợp công tác phổ biến giáo dục pháp luật, phát huy vai trò, trách nhiệm của các thành viên tham gia; củng cố, đổi mới lực lượng làm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật theo hướng đảm bảo về số lượng, nâng cao chất lượng nguồn lực cán bộ, công chức làm nhiệm vụ này. Hiện nay, toàn tỉnh có 75 báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh, gần 2000 tuyên truyền viên pháp luật xã, phường, thị trấn và đội ngũ cán bộ làm công tác pháp chế ở các ngành, doanh nghiệp, cộng tác viên trợ giúp pháp lý, tư vấn viên pháp luật, hoà giải viên ở cơ sở, phóng viên, biên tập viên phụ trách phổ biến, giáo dục pháp luật… thường xuyên được cung cấp tài liệu, bồi dưỡng nghiệp vụ phổ biến, giáo dục pháp luật, kiến thức pháp luật đây là lực lượng nòng cốt phổ biến pháp luật ở các đơn vị và địa phương.
Với phương châm "Hướng mạnh công tác phổ biến giáo dục pháp luật về cơ sở", ngành Tư pháp tỉnh đã định hướng rõ nội dung cần tuyên truyền, phổ biến trong từng giai đoạn, bám sát các chủ trương, chính sách của Đảng và phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ chính trị của địa phương, lấy tiêu chí đặc điểm địa bàn và đối tượng tuyên truyền làm cơ sở để xây dựng và triển khai kế hoạch phổ biến, giáo dục pháp luật. Đồng thời, ngành thường xuyên đổi mới cách thức phổ biến, giáo dục pháp luật phù hợp với đặc điểm đối tượng, địa bàn để đưa pháp luật thực sự đến với nhân dân. Những hình thức phổ hiến, giáo dục pháp luật truyền thống tiếp tục được thực hiện có hiệu quả với nhiều cải tiến phong phú, sáng tạo về hình thức, nội dung, phương thức thể hiện. Cụ thể như: kết hợp giữa phổ biến, giáo dục pháp luật với tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý, hoà giải cơ sở, giải quyết khiếu nại tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật trong từng vụ việc cụ thể; tổ chức các cuộc thi tìm hiểu pháp luật; nâng cao các chuyên trang, chuyên mục về pháp luật trên các phương tiện thông tin đại chúng; đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền pháp luật trực tiếp thông qua đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật; đổi mới phương pháp giảng dạy, nâng cao hiệu quả công tác giáo dục đào tạo pháp luật cho học sinh, sinh viên trong nhà trường; kiện toàn, tăng cường việc sử dụng có hiệu quả các thiết chế thông tin pháp luật ở cơ sở để nâng cao hoạt động tuyên truyền, phố biến, giáo dục pháp luật. Thông qua đó, các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước cũng như các chính sách mới của tỉnh đã được truyền tải sâu rộng đến mọi tầng lớp nhân dân.
Về công tác hoà giải, đến nay, trên địa bàn tỉnh có 3573 tổ hoà giải với 20676 hoà giải viên được thành lập ở tất cả các thôn, xóm, tổ dân phố, cụm dân cư thuộc các xã, phường, thị trấn; hoạt động có nền nếp, cơ cấu tổ chức chặt chẽ, phù hợp với đặc điểm tình hình của từng địa phương. Các hoà giải viên là những người có trình độ tư vấn về các lĩnh vực pháp luật, có lòng nhiệt tình và trách nhiệm. Do đó khi các tranh chấp mâu thuẫn xảy ra trong cộng đồng dân cư, hoà giải viên của tổ hoà giải đã chủ động giải quyết ngay từ cơ sở. Bên cạnh đó, ngành tư pháp cũng không ngừng củng cố và mở rộng tủ sách pháp luật. Hiện nay, 100% xã, phường, thị trấn đã có tủ sách pháp luật, đang từng bước phát huy vai trò là công cụ hữu ích hỗ trợ cán bộ và nhân dân ở cơ sở trong việc tìm hiểu và thực thi đúng pháp luật, tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức của các tầng lớp nhân dân, tăng cường tinh thần tự giác chấp hành pháp luật trong cộng đồng dân cư.
Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh ngày càng khẳng định vị trí, vai trò của mình là một tổ chức quan trọng trong đời sống pháp luật ở địa phương. Để nâng cao chất lượng các đợt trợ giúp pháp lý lưu động, trước khi tiến hành trợ giúp pháp lý, Trung tâm đã tiến hành khảo sát nhu cầu trợ giúp pháp lý của nhiều người dân địa phương để nắm bắt được nhu cầu trợ giúp pháp lý của họ, những vướng mắc khó khăn mà đối tượng thường gặp phải để từ đó chuẩn bị tốt nội dung trợ giúp pháp lý. Từ khi được thành lập đến nay, Trung tâm đã tiến hành trợ giúp pháp lý lưu động 213 đợt ở 193/229 xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh thực hiện tư vấn hơn 9000 vụ việc. Trong các đợt trợ giúp pháp lý lưu động này thường kết hợp thực hiện tư vấn tại chỗ về các vụ việc cho nhân dân và phổ biến các văn bản pháp luật về trợ giúp pháp lý và các văn bản hướng dẫn thi hành luật.
Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Tư pháp đã tập trung thực hiện cải cách thủ tục hành chính theo cơ chế "một cửa" ở những lĩnh vực công tác liên quan nhiều đến tổ chức và công dân như: công chứng, hộ tịch, cấp phiếu lý lịch tư pháp. Các mặt công tác trên đều công khai về hồ sơ, thủ tục, lệ phí, thời hạn giải quyết từng loại việc, phục vụ nhanh chóng đúng pháp luật các yêu cầu của tổ chức và công dân. Đặc biệt, công tác quản lý và đăng ký hộ tịch được thực hiện nghiêm túc theo quy định của pháp luật, nhất là đăng ký hộ tịch có yếu tố nước ngoài.
Hiện nay, Sở Tư pháp đã có 15,6% cán bộ có trình độ cử nhân, cao cấp chính trị, nhiều cán bộ có trình độ trung cấp chính trị, 91% cán bộ tư pháp có trình độ đại học. Cán bộ tư pháp hộ tịch cấp xã hầu hết có trình độ trung cấp luật, một số cán bộ tốt nghiệp Đại học Luật. Bằng sự phấn đấu nỗ lực bền bỉ của cán bộ công chức toàn ngành trong suốt 65 năm qua, ngành Tư pháp tỉnh đã được Đảng, Nhà nước, Bộ Tư pháp và Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh đánh giá cao.
Nhiệm vụ của ngành Tư pháp trong thời gian tới rất nặng nề. Để hoàn thành tốt nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao, ngành Tư pháp Nam Định tiếp tục đổi mới, xây dựng tổ chức vững mạnh. Mỗi công chức, viên chức ngành Tư pháp nguyện thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện theo lời dạy của Bác Hồ kính yêu: Cán bộ Tư pháp phải "phụng công, thủ pháp, chí công vô tư"./.