Tiếp tục tổ chức thực hiện và hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ trên cả ba lĩnh vực: Người có công, Lao động và Xã hội

02:08, 23/08/2010
Nguyễn Văn Vinh
Tỉnh uỷ viên, Giám đốc Sở LĐ-TB-XH

Cách đây 65 năm, ngày 28-8-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký tuyên cáo thành lập Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Trong 13 bộ đầu tiên của Chính phủ cách mạng nước ta, có các bộ phụ trách công tác cứu tế xã hội và lao động.

 

Cán bộ Sở Lao động - Thương binh và Xã hội giải quyết chế độ chính sách cho người có công.  Ảnh: Xuân Thu
Cán bộ Sở Lao động - Thương binh và Xã hội giải quyết chế độ chính sách cho người có công.
Ảnh: Xuân Thu

65 năm qua, theo quá trình phát triển của sự nghiệp cách mạng của đất nước, của tỉnh đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ngành Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh luôn bám sát các nhiệm vụ, mục tiêu chính trị, kinh tế - xã hội của đất nước và của tỉnh để tham mưu, tổ chức thực hiện và hoàn thành tốt các nhiệm vụ trên cả 3 lĩnh vực: Người có công, Lao động và Xã hội. Ở mỗi giai đoạn và trên từng mặt công tác, ngành đều đạt được những thành tựu quan trọng. Giai đoạn 1945-1954, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, cơ quan làm công tác lao động tỉnh đã chọn lọc những nội dung tiến bộ, phù hợp trong luật lệ của chính quyền cũ áp dụng vào thực tiễn, kịp thời tạo điều kiện cho khu vực sản xuất, kinh doanh tiếp tục phát triển, làm ra của cải để thực hiện chủ trương chống giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm, bảo vệ nền độc lập khi còn non trẻ. Bên cạnh đó, công tác giải quyết hậu quả của chiến tranh được đặc biệt quan tâm với các phong trào quyên góp tiền bạc, quần áo, thuốc men nuôi dưỡng chiến sỹ bị thương. Giai đoạn 1954-1975, miền Bắc lập lại hoà bình, tỉnh ta tiến hành cải tạo công thương nghiệp tư bản, tư doanh, phát triển mạnh HTX, khôi phục nhiều ngành nghề truyền thống, triển khai 3 đợt cải tiến tiền lương nâng cao đời sống nhân dân, nhất là cán bộ, công nhân viên chức, lực lượng vũ trang, đóng góp mạnh mẽ vào công cuộc xây dựng XHCN của miền Bắc. Chính sách thương binh, liệt sỹ được tập trung giải quyết tích cực với nhiều chế độ mới bổ sung về đời sống và việc làm cho gia đình bộ đội, thương binh, liệt sỹ, thành lập các trạm, trại điều dưỡng cũng như phát động nhân dân toàn tỉnh tham gia các phong trào chăm sóc, đỡ đầu đối tượng chính sách. Công tác giải quyết tệ nạn xã hội được quan tâm thực hiện. Giai đoạn 1976-1986, khởi đầu thời kỳ hoà bình, thống nhất đất nước, tỉnh ta tập trung nhân lực hàn gắn vết thương chiến tranh xây dựng lại những nhà máy, xí nghiệp, công trình thuỷ lợi, giao thông bị máy bay địch bắn phá; tăng cường phân bổ dân cư trên địa bàn tỉnh hợp lý, quản lý lao động ở các xí nghiệp quốc doanh; phát động, hướng dẫn gần 7 vạn đồng bào trong tỉnh đi xây dựng vùng kinh tế mới và gần 5500 lao động đi hợp tác quốc tế. Công tác thương binh, liệt sĩ tập trung vào các vấn đề lớn như chuyển mức hưởng trợ cấp một lần sang hưởng trợ cấp hàng tháng, thống nhất chế độ tiền tuất với liệt sĩ các thời kỳ và trợ cấp thân nhân liệt sĩ, triển khai tu bổ, tôn tạo, xây dựng các công trình ghi ơn liệt sĩ ở các xã, phường trong tỉnh. Công tác xã hội đã bảo đảm được hoạt động cứu trợ đột xuất kịp thời để nhân dân ổn định đời sống trong mọi điều kiện, duy trì thường xuyên các hoạt động bài trừ tệ nạn xã hội. Giai đoạn từ 1986 đến nay được đánh giá là thời kỳ trưởng thành vượt bậc của ngành Lao động - Thương binh và Xã hội với những chỉ số đóng góp quan trọng vào quá trình đổi mới của đất nước và sự phát triển kinh tế - xã hội mạnh mẽ của tỉnh. Ngành đã tham mưu với UBND tỉnh thực hiện hiệu quả chương trình "Giải quyết việc làm xóa đói, giảm nghèo" trên địa bàn tỉnh. Đến cuối năm 2009, tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị của tỉnh giảm xuống còn 4,15%, tăng tỷ lệ sử dụng thời gian lao động ở  khu vực nông thôn lên trên 84%; tỷ lệ hộ nghèo còn 6,72%, dự kiến năm 2010 là 5,99%. Từ năm 2000 đến nay, trung bình mỗi năm tỉnh ta giải quyết được từ 35 đến 40 nghìn việc làm mới cho người lao động trong tỉnh. Công tác dạy nghề đã xây dựng được mạng lưới dạy nghề đa dạng, đa cấp, trải rộng, phủ kín địa bàn tỉnh, tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt 30% (năm 2009). Công tác giải quyết chính sách người có công của tỉnh ta giai đoạn này được đánh giá là điểm sáng của toàn quốc. Ngành Lao động - Thương binh và Xã hội đã tham mưu, vận động thực hiện đầy đủ, bảo đảm các chính sách, chế độ đối với thân nhân của 3,5 vạn liệt sỹ, 1230 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, gần 530 cán bộ hoạt động tiền khởi nghĩa và lão thành cách mạng, trên 37000 thương, bệnh binh và 1500 người hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày, 170000 người hoạt động kháng chiến - giải phóng dân tộc, 12000 người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hoá học. Xét duyệt, giải quyết tồn đọng cho trên 240571 lượt hồ sơ đối tượng người có công và thân nhân hưởng trợ cấp. Cuộc vận động xây dựng các phong trào "Đền ơn đáp nghĩa" đã huy động được toàn thể các tầng lớp nhân dân trong tỉnh tự nguyện tham gia với tổng quỹ "Đền ơn đáp nghĩa" ở cả 3 cấp mỗi năm đạt từ 2 đến 3 tỷ đồng, xây dựng 202 nhà, sửa chữa 2312 nhà tình nghĩa tặng người có công. Vận động nhân dân lập và trao tặng 13500 sổ tiết kiệm và đóng góp hàng vạn ngày công giúp đỡ thương bệnh binh, gia đình liệt sĩ. Từ năm 2003, tỉnh ta là 1 trong 3 tỉnh đầu tiên của toàn quốc có 100% xã, phường, thị trấn đạt tiêu chuẩn nâng cao mức sống và an toàn nhà ở cho các hộ chính sách. Đặc biệt sau 3 năm đầu tư xây dựng, bằng nguồn ngân sách địa phương và hỗ trợ của Trung ương, tỉnh đã hoàn thành công trình Đài tưởng niệm Liệt sỹ tỉnh Nam Định là công trình văn hoá lớn của tỉnh có giá trị giáo dục truyền thống cho các thế hệ mai sau.

Song song với việc triển khai thực hiện tốt công tác dạy nghề, tạo việc làm cho người lao động, chính sách đối với người có công, các mặt công tác về chính sách xã hội, phòng chống tệ nạn xã hội cũng được thực hiện hiệu quả. 100% đối tượng xã hội được cấp thẻ BHYT và trợ cấp xã hội. Toàn tỉnh vận động, xây dựng "Quỹ vì người nghèo" được gần 22,6 tỷ đồng, sửa chữa và xây mới 4444 nhà tranh tre, dột nát cho các hộ nghèo. Mỗi năm cai nghiện cho 800 đến 1163 người trong đó vận động toàn xã hội góp sức vào công tác cai nghiện tại gia đình và cộng đồng khá hiệu quả...

Với những thành tích trên, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã được Nhà nước tặng thưởng 3 Huân chương Lao động hạng Nhất, Nhì, Ba và Huân chương Độc lập hạng Ba; nhiều năm được Chính phủ, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, UBND tỉnh tặng Bằng khen và Cờ thi đua. Có được thành tích trên, là nhờ sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; sự phối hợp chặt chẽ, có hiệu quả của các sở, ban, ngành, đoàn thể, các huyện thành phố và sự nỗ lực phấn đấu không ngừng của các thế hệ cán bộ, công chức, viên chức ngành Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh.

Kế tục truyền thống và những thành tích đạt được của 65 năm, tập thể cán bộ, công chức, viên chức ngành Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh nhà nguyện đoàn kết nhất trí, tích cực thi đua học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, lập thành tích chào mừng Đại hội thi đua yêu nước tỉnh, Đại hội Đảng bộ tỉnh, hướng tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI góp phần cùng Đảng bộ, nhân dân trong tỉnh xây dựng tỉnh nhà ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại./.



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com