Học tập cách viết báo của Chủ tịch Hồ Chí Minh

08:06, 22/06/2010

Bác Hồ làm việc tại phủ chủ tịch.    Ảnh: Tư liệu
Bác Hồ làm việc tại phủ chủ tịch.                                Ảnh: Tư liệu
"Hồ Chủ tịch rất chú trọng cách viết. Người rất cẩn trọng ngay đến cách dùng một từ nhỏ, một dấu chấm câu, cách bố cục một bài viết. Hồ Chủ tịch là một nhà ngôn ngữ nghiêm khắc… Cũng như Lê-nin, Người dùng rất ít chữ, mà là những chữ đúng nhất, cần thiết nhất, để từ một Viện sĩ hàn lâm đến người nông dân đều có thể hiểu được…".

Trong lý lịch còn giữ tại kho lưu trữ của Quốc tế cộng sản trước đây, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ghi ở phần nghề nghiệp: "Nghề viết báo" bên cạnh một số nghề khác.

Đồng chí Phạm Văn Đồng viết: "Hồ Chí Minh là nhà chiến lược, nhà lãnh đạo, nhà tổ chức, đồng thời là nhà văn hoá, nhà thơ lớn. Suốt đời Hồ Chí Minh là người cầm bút chiến đấu trên mặt trận văn hoá, báo chí, với một văn phong đa dạng, nhiều sắc thái". Đồng chí Phạm Văn Đồng cũng viết:

"Người ta đã nói nhiều về phong cách nói và viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tôi không nhắc lại, nhưng phải nhấn mạnh rằng: Anh em, đồng chí chúng ta vẫn chưa học được phong cách tuyệt vời của Bác. Trong một bài viết hoặc bài nói, Bác không chỉ chú ý từng câu, từng chữ, mà còn chú ý nói cái gì trước, cái gì sau, bởi vì có khi đó lại chính là điều quan trọng nhất" (1).

Khi đọc Bác Hồ, nhà văn Hoài Thanh viết: "Có một điều lạ hết sức. Tôi cứ nghĩ không biết làm sao, mà giữa bao nhiêu công việc bề bộn, Bác lại có thể viết được nhiều như vậy. Những anh chị em còn trai tráng và chuyên nghề viết, cũng ít người viết được như thế. Chưa nói gì khác, riêng cái khối lượng sức lao động đó, cũng là một bài học lớn đối với chúng ta. Nhưng chuyên cần mà không vất vả. Sự làm việc chuyên cần hình như đã biến thành một điệu sống tự nhiên. Câu văn của Bác không lúc nào thấy khắc khổ. Nó không khô khan mà còn chứa chan tình cảm" (2).

Một điều rất dễ nhận thấy là các bài viết của Bác Hồ thường ngắn. Phải có bản lĩnh, có trí tuệ phong phú mới viết ngắn được ! Lê-nin cũng thường viết ngắn, và lần nào gửi bài cho báo Sự Thật mà viết hơi dài thì Lê-nin thường ghi: "Vì ít thời gian nên bài này tôi viết hơi dài, các đồng chí sửa chữa giúp !". Như vậy, theo Lê-nin nếu có thời gian thì ông sẽ viết ngắn hơn, chứ không phải như nhiều người chúng ta thường nói: "Bận quá, nên không viết được dài !".

Những bài báo của Bác được viết ra với một mục đích cụ thể là để người đọc Hiểu được - Nhớ được - Làm theo được. Và muốn thế, Người nói: "Muốn cho người đọc hiểu được, nhớ được, làm được thì phải viết cho đúng trình độ người xem" (3). Bác còn viết, nhiều người cứ tưởng mình viết gì, nói gì, người khác đều hiểu cả !

Trong cách nói, cách viết, Bác Hồ luôn chú ý tránh những thông tin thừa, những gì mọi người đã biết rồi thì Bác không viết nữa. Trong nhiều cuộc nói chuyện Bác thường nói: "Điều đó, chắc các cô, các chú đã hiểu, Bác không nói nhiều". Trong những bài viết, Bác thường dùng những câu ngắn, giản dị, sáng rõ.

Trong bài "Thư gửi thiếu nhi Việt Nam đêm Trung thu đầu tiên của Nước Việt Nam Dân chủ cộng hoà" ngày 22 tháng 9 năm 1945, in trên Báo Cứu Quốc số 49, Bác Hồ chỉ viết có 192 từ. Thư gửi Báo Thiếu Sinh số 1, tờ báo của trẻ em đầu tiên, Bác chỉ viết có 49 từ. Thư gửi các vị phụ lão ngày 20 tháng 9 năm 1945, Bác viết có 299 từ.

Ngay đến một văn kiện quan trọng bậc nhất, đó là Bản Tuyên ngôn độc lập - Một văn bản lập quốc vĩ đại, đọc tại Ba Đình lịch sử ngày 2-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng chỉ viết có 1025 từ.

Là một người được làm việc gần Bác trong nhiều năm, đồng chí Trường Chinh đã viết: "Về văn phong, cách nói và cách viết của Hồ Chủ tịch có những nét rất độc đáo: Nội dung khẳng khái, thấm thía, đi sâu vào tình cảm con người, chinh phục cả trái tim và khối óc của người ta; hình thức sinh động, giản dị, dễ hiểu, giàu tính dân tộc và tính nhân dân. Người rất ghét văn chương sáo rỗng, nhạt nhẽo, rất ghét nói và viết dài dòng, khó hiểu, lung tung, lằng nhằng, và kiên quyết phản đối dùng chữ nước ngoài không cần thiết".

Đồng chí Trường Chinh nêu ra một vài câu Bác viết trong những lời kêu gọi hoặc những bài viết khác của Người, mà đọc lên chúng ta thấy âm vang tinh thần quật cường, bất khuất của dân tộc:

"Toàn dân Việt Nam chỉ có một lòng: Quyết không làm nô lệ, chỉ có một chí: Quyết không chịu mất nước".

"Chỉ có một mục đích: Quyết kháng chiến để tranh thủ thống nhất và độc lập cho Tổ quốc".

"Sự đồng tâm của đồng bào ta đúc thành một bức tường đồng chung quanh Tổ quốc. Dù địch hung tàn, xảo quyệt đến mức nào, đụng đầu nhằm bức tường đó, chúng cũng phải thất bại". Văn Hồ Chủ tịch thường ngắn gọn, nhưng thấm thía, xúc động lòng người. Hồ Chủ tịch viết y như nói, tiếng nói của dân tộc, của nhân dân Việt Nam" (4).

Bác Hồ rất hay vận dụng ngôn ngữ và cách nói của quần chúng. Bác thường khuyên: "Chúng ta muốn tuyên truyền quần chúng, phải học cách nói của quần chúng, mới lọt tai quần chúng. Vì cách nói của quần chúng rất đầy đủ, rất hoạt bát, rất thiết thực mà lại giản đơn (5).

Chúng ta đều biết, những thành ngữ, ca dao, tục ngữ vốn là sản phẩm của quần chúng lao động, là phương tiện biểu hiện tư tưởng, tình cảm, có từ rất lâu trong đời sống lao động của con người. Nó từ quần chúng, và đi vào quần chúng rất dễ dàng, thấm thía. Chúng ta có thể dẫn ra đây một số câu của Bác:

- "Đạo đức cách mạng không phải trên trời rơi xuống".

- "Năm ngón tay cũng có ngón ngắn ngón dài. Nhưng ngắn dài đều hợp nhau lại nơi bàn tay. Trong mấy triệu người cũng có người thế này, thế khác, nhưng thế này, thế khác đều là dòng dõi của Tổ tiên ta. Vậy nên ta phải khoan hồng đại độ, ta phải nhận rằng đã là con Lạc cháu Hồng thì ai cũng có ít hay nhiều lòng ái quốc" (thư gửi đồng bào Nam Bộ 5-1946).

- "Sinh hoạt xa hoa, tiêu xài bừa bãi. Tiền bạc đó ở đâu ra ? Không xoay của Đảng thì xoay của đồng bào. Việc dễ thì tranh lấy cho mình. Việc khó thì đùn cho người khác. Gặp việc nguy hiểm thì tìm cách trốn tránh" (Sửa đổi lối làm việc).

- "Kéo bè, kéo cánh, bà con, bạn hữu không tài năng gì, thì cũng chức này chức nọ. Người có tài, có đức nhưng không vừa lòng mình thì đẩy ra ngoài".

- "Việc gì lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân, ta phải hết sức tránh. Chúng ta phải yêu dân, kính dân thì dân mới yêu ta, kính ta" (Thư gửi UBND các kỳ. Hồ Chí Minh toàn tập - tập 4 trang 57).

Những câu viết của Bác giản dị, sâu sắc và đi thẳng vào lòng người, khiến người đọc chỉ một lần đã nhớ.

*

Lần nào nói chuyện với các nhà báo, Bác cũng nhắc nhở, báo chí của ta còn nhiều bài viết dài dòng quá. Bác phê bình cái lối viết "rau muống" và còn "ham dùng chữ". Các ông viết báo nhà mình hay dùng chữ quá. Những chữ tiếng ta có mà không dùng, lại dùng cho được chữ kia. Ba tháng thì nói "tam cá nguyệt", xem xét thì nói "quan sát", máy bay thì nói "phi cơ", người đánh cá thì nói "ngư dân", nhà in lại in nhầm chữ ư thành chữ u, thế là do bệnh dùng chữ mà người đánh cá hoá thành ngu dân ! (6).

Bác nhắc nhở những chữ mà tiếng ta có thì phải dùng tiếng ta. Nhưng đến nay, đọc các báo chúng ta vẫn còn thấy bệnh dùng chữ nước ngoài và hình như gần đây bệnh đó lại có xu hướng lan tràn hơn !

Bác Hồ là người hết lòng yêu mến, quý trọng tiếng Việt và tin tưởng vào khả năng to lớn của tiếng Việt. Bác đã nói: "Tiếng nói là thứ của cải lâu đời và vô cùng quý báu của dân tộc. Chúng ta phải giữ gìn nó, quý trọng nó, làm cho nó phổ biến, ngày càng rộng khắp" (7).

Bác Hồ là người đã đóng góp lớn cho sự phong phú của tiếng Việt. Bác đã sáng tạo ra một số từ ngữ mới, mà chúng ta đang quen dùng như: Giặc đói, giặc dốt, óc bè phái, óc hẹp hòi, thói ba hoa, nghị quyết túi áo, báo cáo túi quần, bệnh quan liêu, tệ lãng phí, nạn tham nhũng, thói mệnh lệnh, óc địa phương, vùng trời, vùng biển, quân đội nhân dân, chữ thập đỏ, người đi trước rước người đi sau, người đi sau theo mau người đi trước, ruộng rẫy là chiến trường, cuốc cày là vũ khí, không có việc gì khó, chỉ sợ lòng không bền, các dân tộc anh em, các đảng bạn, các nước bầu bạn, miền Nam thành đồng Tổ quốc, đồng bào Công giáo kính chúa yêu nước…

Nhà thơ Tố Hữu đã viết: "Văn chương của Hồ Chủ tịch đã in sâu lên thời đại chúng ta. Nó chung đúc đến độ tinh vi cái đẹp bình dị của văn chương vô sản. Nó kết hợp một cách kỳ diệu những tư tưởng khoa học với điệu cảm cách nói dân tộc" (8).

Nhà văn Nguyễn Đình Thi viết: "Khi Hồ Chủ tịch nói, là nhà hiền triết và người thi sĩ trong lòng mỗi người dân nói lên, vì tiếng nói đó động thấu những niềm sâu xa và đẹp đẽ nhất của lòng người" (9).

Nhà văn hoá Hà Huy Giáp cũng viết: "Hồ Chủ tịch rất chú trọng cách viết. Người rất cẩn trọng ngay đến cách dùng một từ nhỏ, một dấu chấm câu, cách bố cục một bài viết. Hồ Chủ tịch là một nhà ngôn ngữ nghiêm khắc. Cũng như Lê-nin, Người dùng rất ít chữ, mà là những chữ đúng nhất, cần thiết nhất, để một viện sĩ hàn lâm đến người nông dân đều có thể hiểu được (10)./.

--------------------

(1) "Hồ Chí Minh một con người, một dân tộc, một thời đại, một sự nghiệp" NXB Giáo dục 1997.

(2) "Hồ Chí Minh - Tác giả, tác phẩm, nghệ thuật ngôn từ" NXB Giáo dục 1997 - trg 127.

(3) "Nâng cao hơn nữa chất lượng của báo chí" Báo Nhân dân số 3095 ngày 9-9-1962.

(4) "Hồ Chí Minh - Tác giả, tác phẩm…" NXB Giáo dục 1997 - trg 51.

(5) "Sửa đổi lối làm việc" Hồ Chí Minh toàn tập - Tập 5 trg 301.

(6) Bài nói của Bác Hồ tại Đại hội lần thứ 2 Hội Nhà báo Việt Nam - HCM toàn tập - Tập 9 trg 415.

(7) Bài nói của Bác Hồ tại Đại hội lần thứ 3 Hội Nhà báo Việt Nam - HCM toàn tập - Tập 10 trg 615.

(8) Sách đã dẫn. NXB Giáo dục 1997 - trg 217.

(9) "Hồ Chủ tịch, Nhà Văn hoá của Nhân dân" Nguyễn Đình Thi Báo Văn nghệ số 23 - tháng 5-1950.

(10) Sách đã dẫn. NXB Giáo dục 1997 - trg 123./.

Bùi Công Bính

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com