Thị trấn Lâm (Ý Yên) trong công cuộc đổi mới. Ảnh: Xuân Thu |
Tiếp nối truyền thống cách mạng vẻ vang của quê hương, bước vào thời kỳ đổi mới, Đảng bộ và nhân dân Ý Yên đã đoàn kết một lòng, vượt qua nhiều khó khăn thử thách, vươn lên giành nhiều thành tích quan trọng trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội. Bộ mặt nông thôn đổi thay từng ngày, đời sống vật chất tinh thần của nhân dân được cải thiện rõ rệt. Điểm nổi bật những năm qua, nhất là từ năm 2005 đến nay, huyện đã tập trung mọi nỗ lực vào nhiệm vụ phát triển kinh tế, khai thác tiềm năng thế mạnh sẵn có để thực hiện CNH-HĐH nông nghiệp, nông thôn. Huyện đã tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng, từng bước đẩy mạnh thuỷ lợi hoá, cơ giới hoá, áp dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, phát triển ngành nghề đa dạng, giải quyết tốt vấn đề việc làm, đổi mới cơ cấu giống và cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nâng cao hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích canh tác; chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển phù hợp với từng cơ sở nhưng vẫn trong tổng thể phát triển chung của huyện, định hướng chung là giảm dần tỷ trọng nông nghiệp, tăng dần tỷ trọng CN-TTCN và dịch vụ trong cơ cấu kinh tế của huyện. Với định hướng đúng trong phát triển kinh tế - xã hội 5 năm qua, kinh tế của huyện liên tục tăng trưởng với tốc độ khá, bình quân 11%/năm. Nông nghiệp tiếp tục phát triển, tăng về chất lượng, giá trị trên đơn vị diện tích, giá trị thu nhập bình quân 1ha canh tác năm 2009 đạt 69,48 triệu đồng, tăng 35 triệu đồng/ha so với năm 2005. Tỷ trọng ngành CN-TTCN và thương mại dịch vụ trong cơ cấu kinh tế đã chiếm 62%, tăng 8% so với năm 2005. Thu nhập bình quân đầu người 1 năm đạt 12,35 triệu đồng, tăng 2,7 lần so với đầu nhiệm kỳ. Hiện nay, trên địa bàn huyện có 4 cụm công nghiệp và 13 điểm công nghiệp. Hai cụm công nghiệp Yên Xá, Yên Ninh và các điểm công nghiệp ở các xã: Yên Trị, Yên Nghĩa, Yên Lợi, Yên Tiến, Yên Lương, Yên Cường… đang hoạt động hiệu quả, thu hút 81 doanh nghiệp đầu tư với số vốn 545 tỷ đồng. Sản xuất CN-TTCN phát triển, đã thu hút nhiều lao động, tạo thêm việc làm, tăng thu ngân sách và đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động theo hướng tích cực.
Trong điều kiện nguồn thu ngân sách trên địa bàn còn hạn hẹp, huyện đã tranh thủ các nguồn hỗ trợ của các cấp, các ngành, các chương trình dự án, cùng với việc tiết kiệm ngân sách địa phương và huy động đóng góp của nhân dân để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, tập trung vào một số lĩnh vực quan trọng như đường giao thông nông thôn, trường học, các công trình phúc lợi công cộng. Hiện nay, hệ thống đường tỉnh, đường huyện đã và đang được đầu tư về cơ bản nhựa hoá, đường liên xã và thôn xóm dần được nhựa hoá, bê tông hoá; các trường học được đầu tư theo hướng đạt chuẩn. Trong các năm (2005-2009), tổng vốn đầu tư phát triển từ các nguồn của huyện đã đạt 1839 tỷ đồng.
Cùng với phát triển kinh tế, huyện chú trọng chăm lo lĩnh vực văn hoá xã hội. Các cấp uỷ Đảng, chính quyền, đoàn thể từ huyện đến cơ sở đều thực hiện tốt các chính sách xã hội, tạo điều kiện cho các hoạt động văn hoá, thể thao, phát thanh - truyền hình, viễn thông bưu điện phát triển. Công tác bảo vệ chăm sóc sức khoẻ nhân dân, dân số - KHHGĐ được triển khai đồng bộ và tổ chức thực hiện có chất lượng. Sự nghiệp GD-ĐT tiếp tục giữ vững là một trong những đơn vị đứng đầu tỉnh. Hàng năm, huyện có tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS vào THPT bằng các loại hình đạt 79,5%, 100% các xã, thị trấn có trường đạt chuẩn quốc gia, 63% số làng trong huyện được công nhận danh hiệu làng văn hoá, 100% cơ quan đạt tiêu chuẩn cơ quan có nếp sống văn hoá; 43700 gia đình (bằng 71% số hộ toàn huyện) đạt tiêu chuẩn gia đình văn hoá. Đặc biệt, công tác xoá đói giảm nghèo những năm qua đã đạt kết quả tốt. Hàng năm, ban chỉ đạo xoá đói giảm nghèo của huyện có kế hoạch điều tra đánh giá thực trạng, mức độ nguyên nhân của hộ nghèo, từ đó đề ra các giải pháp hỗ trợ về kinh tế, hướng dẫn và phổ biến phương pháp, kinh nghiệm sản xuất cho nhân dân, đồng thời tạo mọi điều kiện để người nghèo được khám, chữa bệnh miễn phí. Với những cố gắng đó, đời sống nhân dân trong huyện đã được cải thiện đáng kể, tỷ lệ hộ nghèo đã giảm từ 10,3% (năm 2006) xuống còn 8% (năm 2009).
Trong khi đặt trọng tâm vào nhiệm vụ phát triển KTXH, huyện thường xuyên coi trọng nhiệm vụ củng cố quốc phòng an ninh. Hàng năm, Huyện uỷ có nghị quyết chuyên đề về công tác QPAN ở địa phương. Việc khám tuyển và giao quân hàng năm đều đạt 100% chỉ tiêu. Lực lượng dự bị động viên và DQTV được biên chế, tổ chức chặt chẽ, thường xuyên được giáo dục, nâng cao bản lĩnh chính trị, được huấn luyện các phương án chiến đấu, thực sự đóng vai trò là nòng cốt trong việc giữ vững ANCT-TTATXH ở địa phương, góp phần cùng nhân dân giữ gìn thôn xóm bình yên, gia đình hoà thuận. Nhận thức sức mạnh của khối đoàn kết toàn dân bền vững là nền tảng vững chắc cho sự phát triển KTXH, đảm bảo QPAN, ở mỗi địa phương, huyện luôn quan tâm thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, gắn với việc xây dựng Đảng bộ, chi bộ và chính quyền trong sạch vững mạnh; củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ chức đoàn thể quần chúng. Trong 2 năm lại đây, huyện tập trung củng cố đội ngũ cán bộ các xã, bổ sung những đồng chí có trình độ, năng lực, có tín nhiệm vào các cương vị lãnh đạo; kiên quyết xử lý những tổ chức, những cán bộ vi phạm, tạo được niềm tin của nhân dân đối với Đảng, với chính quyền. Hiện nay, Đảng bộ huyện có 90 tổ chức cơ sở Đảng, trong đó có 37 Đảng bộ và 53 chi bộ trực thuộc với hơn 1 vạn đảng viên. Số đảng bộ, chi bộ cơ sở trong sạch vững mạnh năm 2006 chiếm tỷ lệ 74,4%, đến năm 2009 đạt 80%, tăng 5,6%, không còn tổ chức cơ sở Đảng yếu kém. Số đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ tăng từ 72,5% (năm 2005) lên hơn 81% (năm 2009). Mỗi năm, đảng bộ huyện phát triển thêm trên 200 đảng viên mới. Những kết quả đã đạt được trong phát triển kinh tế - xã hội và công tác xây dựng Đảng của Đảng bộ Ý Yên trong 5 năm qua đã tạo tiền đề quan trọng để thực hiện thắng lợi nghị quyết Đảng bộ huyện Ý Yên vững bước vào đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXII nhiệm kỳ 2010-2015./.
Phạm Hồng Chuyên
(Đài PTTH Ý Yên)