Thủ tướng Phạm Minh Chính định hướng nhiệm vụ những tháng cuối năm

07:11, 08/11/2021

Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10-2021 diễn ra trong bối cảnh nước ta sau cao điểm phòng, chống đại dịch COVID-19 trong đợt bùng phát lần thứ 4, đến nay tình hình dịch bệnh cơ bản được kiểm soát. Kinh tế - xã hội (KT-XH) tháng 10 có nhiều chuyển biến tích cực, kinh tế phục hồi trở lại và có nhiều khởi sắc do đã chuyển hướng chiến lược từ tập trung sang phân cấp tới tận cơ sở trong triển khai các biện pháp y tế theo phương châm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19. Theo báo cáo do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình bày, kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát ở mức thấp, các cân đối lớn được bảo đảm. Chỉ số CPI tháng 10 giảm 0,2% so tháng 9; 10 tháng tăng 1,81% so cùng kỳ, thấp nhất từ năm 2016. Thị trường tiền tệ, tỷ giá ổn định, lãi suất có xu hướng giảm. Sản xuất công nghiệp tiếp tục phục hồi. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 10 tăng 6,9% so với tháng trước, 10 tháng tăng 3,3%. Số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tháng 10 tăng 111,2% và tăng 73,9% về vốn so với tháng 9. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa 10 tháng tăng 22%, trong đó xuất khẩu tăng 16,6%. Trong tháng 10-2021, số doanh nghiệp thành lập mới tăng 111,2%, số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng 29,8%. Công tác an sinh xã hội được triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả. Trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; quốc phòng, an ninh được giữ vững. Đối ngoại được đẩy mạnh, đặc biệt ngoại giao vắc-xin. Hoạt động sản xuất, kinh doanh phục hồi, từng bước hoạt động trở lại ổn định trong trạng thái bình thường mới.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực đạt được, nước ta vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, trong đó lớn nhất là dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, khó lường, gây ra khó khăn, thách thức đối với phát triển KT-XH; việc bảo đảm các cân đối lớn và giữ ổn định kinh tế vĩ mô còn tiềm ẩn nhiều rủi ro…

Kết luận phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh sự kiện quan trọng trong tháng 10 là kể từ ngày 11-10, “chúng ta bắt đầu đổi mới tư duy, phương pháp cũng như cách tổ chức thực hiện công tác phòng, chống COVID-19 sang một giai đoạn mới, từ chủ trương theo đuổi “zero COVID” sang chủ trương thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”.

Thủ tướng nêu rõ, “không có lựa chọn hoàn hảo mà chỉ có lựa chọn tối ưu”. Tuy nhiên, tuyệt đối không được chủ quan, lơ là. Chỗ nào phát sinh ổ dịch thì tập trung dập dịch theo đúng 3 trụ cột trong công tác phòng, chống dịch: Cách ly nhanh nhất, hẹp nhất, nghiêm ngặt nhất; có mục tiêu và lộ trình để có giải pháp phù hợp, hiệu quả. Bộ Công an, Bộ Quốc phòng cùng tham gia hỗ trợ các địa phương.

Đề cập cụ thể đến tình hình KT-XH, Thủ tướng khẳng định, có nhiều điểm tích cực. Trước hết, dịch bệnh dần được kiểm soát, thực hiện quyết liệt chính sách an sinh xã hội, chiến lược vắc-xin được đẩy mạnh (gồm cả nhập khẩu, thúc đẩy sản xuất trong nước và tiêm chủng). Thủ tướng đánh giá hoạt động sản xuất kinh doanh, sản xuất công nghiệp đang phục hồi, xuất nhập khẩu duy trì đà tăng tích cực; khắc phục được nhập siêu và trở lại xuất siêu. Giữ vững các cân đối lớn của nền kinh tế. Lạm phát được kiểm soát tốt. Về xu hướng thu hút FDI gia tăng, Thủ tướng lưu ý phải làm tốt hơn nữa công tác cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Thủ tướng cho biết trong các chuyến thăm Anh, Pháp, các nhà đầu tư nước ngoài đều thể hiện tin tưởng đối với Việt Nam, đặc biệt là đối với con người Việt Nam và ổn định chính trị, cho rằng khó khăn của Việt Nam là nhất thời.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả nổi bật, Thủ tướng yêu cầu không được chủ quan, cần nhìn nhận rõ các rủi ro, thách thức. Dịch bệnh còn diễn biến phức tạp; rủi ro tài khóa, nợ công, sức ép lạm phát... Phải đẩy nhanh tốc độ tiêm vắc-xin, bảo đảm an toàn, hiệu quả, khoa học, không chần chừ, nhất là tập trung cho các địa bàn, khu vực trọng điểm như các tỉnh miền Tây Nam Bộ. Hiện nay chúng ta đã có hơn 120 triệu liều vắc-xin mà mới tiêm được 88 triệu liều, Thủ tướng yêu cầu phải phấn đấu tiêm hết số vắc-xin còn lại trong tháng 11.

Định hướng nhiệm vụ thời gian tới, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ tiếp tục thực hiện các mục tiêu: Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19 theo tinh thần quản lý rủi ro và đẩy mạnh phục hồi kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội; bảo đảm an ninh, trật tự xã hội; giữ vững chủ quyền, lãnh thổ; chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, khai thác hiệu quả các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết.

Tiếp tục hoàn thiện Chiến lược tổng thể phòng, chống dịch bệnh, bảo đảm đồng bộ với Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế. Thủ tướng lưu ý, phải tăng cường năng lực y tế, nhất là về nguồn nhân lực; chăm lo an sinh xã hội cho những đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh; hỗ trợ cho những doanh nghiệp gặp khó khăn, sức chống chịu chưa cao. Kết hợp tốt chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ để tạo đòn bẩy cho phục hồi kinh tế. Khẩn trương thực hiện các gói hỗ trợ đã được thông qua gắn với tăng cường kiểm tra, kiểm soát, chống tiêu cực, nhũng nhiễu; tăng cường trách nhiệm của các bộ, ngành trong đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế. Để có thể tập trung mở cửa thị trường, mở cửa nền kinh tế cần đẩy nhanh tốc độ tiêm vắc-xin. Bộ Y tế cần tổ chức chiến dịch cho các tỉnh tiêm vắc-xin còn chậm.

Bộ Y tế phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo và các bộ, ngành liên quan triển khai chương trình tiêm vắc-xin cho học sinh, cùng với biện pháp 5K, để tiến tới mở cửa trường học với tinh thần mở cửa phải bảo đảm an toàn, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh.

Thủ tướng cũng lưu ý, các thành viên Chính phủ chuẩn bị kỹ, bảo đảm chất lượng, tiến độ các báo cáo phục vụ kỳ họp thứ hai Quốc hội khóa XV, kịp thời cung cấp thông tin, giải trình, trả lời chất vấn./.

PV



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com