Theo Bộ Y tế, tính đến hết ngày 31-7, cả nước đã tiêm được 6.203.866 liều vaccine phòng COVID-19, trong đó số người tiêm 1 mũi là 5.583.255, tiêm mũi 2 là 620.611.
Tại nước ta, chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 bắt đầu thực hiện từ ngày 8-3 và đến hết ngày 31-7, số mũi tiêm vaccine vượt mốc 6 triệu.
Nhiều địa phương đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng
Trong cuộc họp mở rộng của Ban Thường vụ Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức chiều 31-7, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh tiêm vaccine là chìa khóa quan trọng để bảo vệ sức khỏe nhân dân.
Tại Thành phố Hồ Chí Minh, trong chiến dịch tiêm chủng vaccine đợt 5 (từ ngày 20 đến 31-7), đã có 622.558 người được tiêm chủng/930 nghìn liều vaccine được phân bổ. Riêng trong ngày 31-7, đã có 104.269 người được tiêm vaccine phòng COVID-19. Lũy kế đến nay, Thành phố Hồ Chí Minh đã tiêm được khoảng 1,5 triệu liều vaccine phòng COVID-19. Thành phố Hồ Chí Minh quyết tâm phấn đấu trong tháng 8, tỷ lệ tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân đạt trên 70%.
Tại Hà Nội, kế hoạch tiêm chủng đợt 5 được triển khai từ ngày 27-7 với khoảng 200 nghìn mũi tiêm/ngày. UBND thành phố yêu cầu việc tiêm chủng cần thực hiện nhanh nhất, an toàn nhất, đồng thời bảo đảm an toàn cho lực lượng tham gia tiêm chủng và người dân.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố cho biết Hà Nội đã được Bộ Y tế cấp 2.340 liều vaccine Pfizer; 563.500 liều vaccine AstraZeneca và 60.480 liều vaccien Moderna để phục vụ chiến dịch tiêm chủng đợt này.
Còn tại Bình Dương, cùng với khống chế dịch bệnh, để nhanh chóng tạo miễn dịch cộng đồng, tỉnh đã ban hành kế hoạch tiêm 1 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 cho công dân trên địa bàn.
Đối tượng tiêm chủng trong chiến dịch này của Bình Dương rất đa dạng, trong đó ưu tiên cho lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch và lực lượng sản xuất tuyến đầu (y tế, công an, quân đội, hải quan, cán bộ làm công tác xuất nhập cảnh, người cung cấp dịch vụ thiết yếu, người trên 65 tuổi; người sinh sống tại các vùng có dịch; người nghèo, đối tượng chính sách xã hội…).
Để đẩy nhanh tiến độ, Bình Dương bố trí 282 bàn tiêm chủng công lập và ngoài công lập cố định đủ điều kiện tiêm chủng; mỗi điểm tiêm tổ chức tiêm cho không quá 100 người/1 bàn tiêm/1 buổi tiêm. Trong một ngày có thể tiêm được 28 nghìn liều nếu tổ chức 1 buổi và đạt được 56 nghìn liều nếu tổ chức tiêm 2 buổi/ngày…
Tại Cần Thơ, từ ngày 30-7, thành phố bắt đầu triển khai đợt tiêm chủng thứ 4, dự kiến kéo dài từ 8-10 ngày, với 84.290 liều vaccine được Bộ Y tế phân bổ.
Sở Y tế thành phố Cần Thơ đã huy động các bệnh viện tư nhân, bệnh viện của bộ, ngành Trung ương, bệnh viện công an, quân đội và sinh viên tình nguyện... tham gia chiến dịch tiêm chủng.
Tính lũy kế đến hết ngày 31-7, toàn thành phố đã tiêm được 46.080 liều vaccine, trong đó có 6.695 người được tiêm đủ 2 mũi./.
PV