Hiện nay, do ảnh hưởng của bệnh dịch tả lợn châu Phi nên nhiều hộ chăn nuôi lợn đã chuyển sang nuôi gia cầm. Qua kiểm tra của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) số lượng đàn vịt thịt tăng cao ở nhiều địa phương. Với đặc điểm chăn nuôi vịt thịt theo mùa vụ, tự phát nên đa số các hộ nuôi thiếu kiến thức kỹ thuật, không có chuồng nuôi nhốt (thả tự do ngoài đồng từ sau khi gột đến lúc xuất bán), không tiêm phòng vắc-xin cúm gia cầm tiềm ẩn nguy cơ phát sinh, lây lan dịch cúm gia cầm trên địa bàn tỉnh. Ðặc biệt từ ngày 23 đến ngày 26-6, dịch cúm gia cầm A/H5N6 đã xảy ra trên đàn vịt thịt của 1 hộ chăn nuôi ở xã Thụy Hồng, huyện Thái Thụy (Thái Bình).
Ðể ngăn chặn dịch cúm gia cầm phát sinh, lây lan trên địa bàn tỉnh, bảo vệ sản xuất, bảo vệ sức khỏe nhân dân, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị UBND các huyện, thành phố, các sở, ngành liên quan tập trung chỉ đạo các cơ quan chuyên môn và UBND các xã, phường, thị trấn chủ động thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống bệnh cúm gia cầm. Tăng cường thông tin, tuyên truyền bằng nhiều hình thức tới người dân về nguy cơ, tác hại và các biện pháp phòng, chống dịch cúm gia cầm. Tổ chức tập huấn, phổ biến kiến thức cho người chăn nuôi kỹ thuật chăm sóc gia cầm, cách chọn giống, nhập con giống khỏe mạnh, an toàn dịch bệnh. Tuyên truyền, vận động người dân không ăn tiết canh gia cầm; không giết mổ gia cầm ốm, chết làm thực phẩm; không bán chạy, không vứt xác gia cầm chết ra môi trường; khi tiếp xúc với gia cầm phải sử dụng bảo hộ cá nhân (khẩu trang, găng tay), sau khi tiếp xúc với gia cầm phải rửa tay kỹ bằng xà phòng. Tổ chức quản lý chặt chẽ tổng đàn gia cầm, giám sát dịch bệnh đến tận hộ chăn nuôi. Khi phát hiện gia cầm có triệu chứng của bệnh cúm như: ủ rũ, giảm ăn, chảy nước mũi, sưng mí mắt, mào tích tím tái, tiêu chảy, run rẩy, nghẹo đầu, xã cánh, giảm đẻ, chết nhanh… phải báo ngay cho chính quyền địa phương, cơ quan chuyên môn để kiểm tra, lấy mẫu bệnh phẩm xác định nguyên nhân bệnh và triển khai ngay các biện pháp bao vây dập dịch, không để dịch lây lan. Yêu cầu chủ cơ sở chăn nuôi, vận chuyển, buôn bán, giết mổ gia cầm cam kết không buôn bán, vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ gia cầm bị bệnh, gia cầm ốm chết. Tổ chức lực lượng kiểm tra việc vận chuyển gia cầm trái phép trên địa bàn, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật. Hướng dẫn các hộ chăn nuôi thực hiện các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học; cải tạo chuồng trại đảm bảo thoáng mát; nhập con giống có nguồn gốc rõ ràng, khai báo đúng số lượng đàn gia cầm với chính quyền cơ sở để quản lý và làm căn cứ hỗ trợ khi xảy ra rủi ro dịch bệnh; thực hiện tốt vệ sinh, tiêu độc, khử trùng chuồng nuôi; bổ sung các loại vitamin, khoáng chất vào khẩu phần ăn để nâng cao sức đề kháng cho gia cầm; đối với những đàn vịt nuôi thả đồng, ban đêm phải lùa về chuồng có mái che để tránh mưa gió. Hướng dẫn các hộ chăn nuôi tiêm phòng đầy đủ, đúng quy trình các loại vắc-xin cho đàn gia cầm.
Ðặc biệt trước nguy cơ phát sinh dịch cúm gia cầm rất cao, nhất là trên đàn vịt thịt, các địa phương phải yêu cầu các hộ chăn nuôi chủ động mua vắc-xin cúm tiêm triệt để cho đàn vịt khỏe mạnh, tiêm mũi 1 cho vịt từ 14 ngày tuổi trở lên, tiêm nhắc lại mũi 2 sau 28 ngày (sử dụng vắc-xin Navet-Vifluvac do Công ty Cổ phần Thuốc Thú y Trung ương Navetco sản xuất hoặc vắc-xin H5N1 chủng Re6 của Trung Quốc sản xuất). Chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phòng Kinh tế, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp phân công cán bộ tăng cường xuống địa bàn để kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn triển khai các biện pháp phòng, chống bệnh cúm gia cầm./.
Ngọc Ánh