Ngày 7-4-2016, Sở NN và PTNT tỉnh tổ chức hội nghị triển khai nhiệm vụ nuôi trồng thủy sản (NTTS) năm 2016.
Năm 2015, công tác nuôi thủy sản phải đối mặt với nhiều khó khăn như: hiện tượng El Nino hoạt động mạnh tạo nên những bất thường về thời tiết, thị trường tiêu thụ các mặt hàng thủy sản gặp nhiều khó khăn, giá nhiều loại thủy sản chủ lực giảm mạnh trong khi giá thức ăn lại tăng cao. Song diện tích nuôi thủy sản của tỉnh vẫn đạt 15.933ha, sản lượng đạt 76.962 tấn, tăng 14,99% so với năm 2014, đạt 101,4% so với kế hoạch; giá trị ước đạt 2.040 tỷ đồng (theo giá cố định năm 2010). Diện tích nuôi thủy sản mặn - lợ 6.469ha; sản lượng đạt 38.912 tấn, tăng 17,24% so với năm 2014. Các đối tượng nuôi chủ lực là tôm sú, tôm thẻ chân trắng, ngao, cua, cá bống bớp, cá song, cá vược… Diện tích nuôi thủy sản nội đồng là 9.464ha; tổng sản lượng đạt 38.050 tấn, tăng 12,77% so với năm 2014. Các con nuôi đặc sản nước ngọt tiếp tục được người dân trong tỉnh quan tâm nuôi thả như: ba ba, cá trắm đen, cá lăng… Toàn tỉnh có 63 trại sản xuất giống hải sản, đã sản xuất được 9.250 triệu con giống các loại, tăng 2,21% so với năm 2014 với các loại giống như: tôm sú, cua biển, cá bống bớp, ngao. Ngoài các đối tượng đã làm chủ được công nghệ, các cơ sở giống trong tỉnh đang tích cực nghiên cứu và sản xuất giống một số đối tượng mới như: sò huyết, ốc hương để đáp ứng nhu cầu nuôi của người dân trong tỉnh và các tỉnh lân cận. Nguồn giống sản xuất tại chỗ đáp ứng 60-70% nhu cầu nuôi thả của tỉnh, thương hiệu giống thủy sản Nam Định đã được khẳng định. Bên cạnh đó, 22 trại giống nước ngọt trên toàn tỉnh cũng sản xuất giống cung cấp cho thị trường được 1.510 triệu con cá bột, ương nuôi được 950 triệu con cá giống các loại, đáp ứng 100% nhu cầu con giống của tỉnh và một phần nhu cầu của các tỉnh lân cận. Công tác thú y thủy sản được tăng cường chặt chẽ, dịch bệnh đã được kiểm soát.
Năm 2016, ngành NN và PTNT tiếp tục phát triển mạnh sản xuất giống hải sản, nâng cao chất lượng giống thủy sản nước ngọt, tiến tới đáp ứng đủ nhu cầu giống cả về số lượng và chất lượng cho các vùng nuôi; từng bước đưa Nam Định trở thành trung tâm giống ngao của vùng đồng bằng sông Hồng, góp phần thực hiện hiệu quả đề án tái cơ cấu ngành; triển khai tốt công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản, đặc biệt là bảo tồn và phát triển bền vững giống ngao bản địa; phấn đấu đưa NTTS phát triển ổn định, bền vững và thân thiện với môi trường. Các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu để phát triển NTTS là: triển khai có hiệu quả đề án tái cơ cấu nông nghiệp, đặc biệt là các nội dung thuộc lĩnh vực thủy sản; làm tốt công tác quản lý sản xuất và cung ứng giống thủy sản; tăng cường công tác khuyến ngư, tích cực áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào phát triển NTTS; tăng cường công tác thú y, cảnh báo môi trường dịch bệnh trong NTTS; tăng cường quản lý chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm thủy sản; tiếp tục tìm kiếm thị trường tiêu thụ, xây dựng và thực hiện các cơ chế chính sách khuyến khích phát triển NTTS; đầu tư phát triển xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật phục vụ cho NTTS; tăng cường quản lý Nhà nước, trách nhiệm của các cấp, các ngành trong chỉ đạo NTTS./.
Thanh Hoa