Ngành Ngân hàng đưa ra nhiều giải pháp chống lừa đảo trực tuyến

07:30, 14/06/2024

Tình trạng lừa đảo trực tuyến thời gian qua luôn là một thách thức đối với các ngành chức năng vì các đối tượng tội phạm ngày càng có nhiều thủ đoạn mới, nhắm đến các khách hàng sử dụng dịch vụ ngân hàng online thiếu kinh nghiệm nhằm chiếm đoạt tài sản. Vì thế, đi đôi với phát triển ngân hàng số, ngành Ngân hàng đang tích cực phối hợp với các ngành liên quan gia tăng các giải pháp bảo vệ tài khoản, khách hàng với độ bảo mật cao hơn, quy định chặt chẽ hơn trong giao dịch.

Nhân viên Ngân hàng Vietcombank Chi nhánh Nam Định hướng dẫn các giải pháp bảo mật trên ứng dụng điện thoại thông minh.
Nhân viên Ngân hàng Vietcombank Chi nhánh Nam Định hướng dẫn các giải pháp bảo mật trên ứng dụng điện thoại thông minh.

Không ít người dân bị các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tiền giao dịch, thanh toán trên nền tảng ngân hàng số. Thủ đoạn của bọn chúng rất tinh vi, tự xưng là cơ quan chức năng như công an, thuế, thanh tra giao thông... tạo các tình huống giả khiến người dân mất cảnh giác, truy cập vào phần mềm và đường link, website có mã độc. Sau đó, bọn chúng đăng nhập được vào tài khoản, thậm chí chiếm quyền kiểm soát điện thoại để lấy tiền trong tài khoản. Trong bối cảnh có nhiều hình thức gian lận như hiện nay, không ít người dân chưa ý thức được việc bảo vệ dữ liệu cá nhân nên đã xuất hiện tình trạng mua/bán/thuê/mượn tài khoản, lộ lọt thông tin cá nhân, lộ mật khẩu ngân hàng điện tử, mã OTP… từ đó bị chiếm đoạt tiền trong tài khoản ngân hàng. Hiện tại, người dùng - vốn là mắt xích yếu nhất trong chuỗi bảo mật - lại không được trang bị bất kì công cụ nào để phòng, chống và phát hiện lừa đảo. Chưa kể, nhiều người dân vẫn có tâm lí chủ quan trước những chiêu thức lừa đảo đã lặp đi lặp lại và được cảnh báo. Do đó, ngành Ngân hàng đã tiếp tục đẩy mạnh truyền thông trang bị nâng cao kĩ năng cho người dân trong sử dụng dịch vụ ngân hàng trên nền tảng số, giúp giảm thiểu rủi ro, tránh nguy cơ bị mất tiền trong tài khoản. Theo các chuyên gia, người dân cần nắm vững nguyên tắc 3 “KHÔNG”: KHÔNG click vào các đường link được gửi qua tin nhắn hay mạng xã hội, đặc biệt khi chưa xác thực được nguồn gốc; KHÔNG tải các ứng dụng không nằm trên kho ứng dụng của Google Play hay App Store; KHÔNG nghe theo những tư vấn từ người lạ qua điện thoại hay trên mạng xã hội. Bên cạnh đó, người dân nên đọc kĩ thông tin và cảnh báo được gửi về điện thoại, trước khi thực hiện giao dịch.

Cùng với đó, ngày 18/12/2023, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam đã ban hành Quyết định số 2345/QĐ-NHNN về triển khai các giải pháp an toàn, bảo mật trong thanh toán trực tuyến và thanh toán thẻ ngân hàng (Quyết định số 2345/QĐ-NHNN). Trong đó, quy định rõ: Từ ngày 1/7/2024, khách hàng phải xác thực sinh trắc học khi giao dịch ngân hàng lần đầu bằng Mobile Banking. Giao dịch chuyển tiền dưới 10 triệu đồng/lần thì xác thực bằng mã OTP, còn chuyển tiền trên 10 triệu đồng thì bên cạnh xác thực bình thường như hiện nay, người thực hiện giao dịch còn phải xác thực khuôn mặt. Chuyển từ 10 triệu đồng trở xuống và tổng số tiền chuyển các lần trong ngày không quá 20 triệu đồng thì không phải xác thực sinh trắc học. Khi tổng số tiền đã chạm mức 20 triệu đồng thì đến lần chuyển tiếp theo dù chỉ chuyển 1 đồng, người thực hiện giao dịch phải xác thực sinh trắc học trước khi chuyển. Quy định này nhằm ngăn chặn thiệt hại cho chủ tài khoản khi kẻ gian rút tiền nhiều lần với số lượng lớn, đảm bảo đúng là chính chủ đang thực hiện chuyển tiền, qua đó góp phần đảm bảo an toàn cho chủ tài khoản. Công nghệ định danh và xác thực thông minh bên cạnh việc giúp ngân hàng, ví điện tử đảm bảo an toàn, an ninh bảo mật, giảm chi phí... còn là tiền đề cho các dịch vụ ứng dụng phân tích, quản trị dữ liệu lớn, cung cấp thông tin hỗ trợ cho nhiều nghiệp vụ khác của ngân hàng. Nhiều ngân hàng khác như TPBank, Techcombank, OCB, ACB, BIDV... cũng đang triển khai thu thập dữ liệu sinh trắc học hoặc đã áp dụng xác thực khách hàng giao dịch bằng khuôn mặt thay vì dùng mật khẩu hay mã OTP.

Từ 3 năm trở lại đây, công nghệ sinh trắc học đã được áp dụng tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Tiên phong (TPBank) Chi nhánh Nam Định. Công nghệ này giúp hàng nghìn khách hàng rút ngắn thời gian mở tài khoản với những thao tác đơn giản để đăng kí thông tin cá nhân và nhận diện khuôn mặt. Công nghệ nhận diện khách hàng bằng sinh trắc học giúp khách hàng của TPBank tìm kiếm nhanh tính năng trên ứng dụng. Khách hàng còn có thể dùng khuôn mặt, vân tay để thay thế cho mật khẩu hay mã OTP khi đăng nhập hay xác thực các giao dịch. Với nền tảng ngân hàng số OCB OMNI hiện đại, Ngân hàng Thương mại cổ phần Phương Đông (OCB) Chi nhánh Nam Định đã tích cực triển khai nhiều phương thức xác thực an toàn và nhanh chóng nhằm bảo vệ quyền lợi và tài sản của khách hàng khi lựa chọn sử dụng dịch vụ của OCB, trong đó có phương thức xác thực bằng sinh trắc học. Với phương thức xác thực bằng sinh trắc học, sau khi cài đặt thành công hình ảnh khuôn mặt hoặc dấu vân tay chính chủ trên thiết bị di động thông minh qua ngân hàng số OCB OMNI, tất cả các giao dịch sẽ được xác thực chỉ trong vòng 1 giây. Tính năng này không chỉ giúp khách hàng tiết kiệm được thời gian giao dịch, mà còn hạn chế tối đa việc rò rỉ thông tin, tránh nguy cơ gian lận, lừa đảo trực tuyến. Khách hàng OCB có thể cài đặt xác thực sinh trắc học theo một trong hai cách: Truy cập ngân hàng số OCB OMNI, chọn “Đăng nhập và xác thực”, sau đó chọn “Xác thực sinh trắc học” để kích hoạt chế độ “Xác thực vân tay/Khuôn mặt”, thực hiện “Xác thực SMS OTP” hoặc tại màn hình giao dịch thành công, người dùng có thể đăng kí bật tính năng “Xác thực sinh trắc học” khi nhấn vào banner “Xác thực sinh trắc học cho giao dịch dưới 5 triệu đồng”, sau đó nhấn “Đăng ký ngay” để hoàn thành cài đặt.

Việc bổ sung tính năng sinh trắc học vào thanh toán là một bước phát triển mới trong hoạt động của các ngân hàng. Bởi tính năng xác thực sinh trắc học trên điện thoại thông minh đã phổ biến, với 82% người tiêu dùng hiện đang sử dụng một số hình thức sinh trắc học để mở khóa thiết bị di động của mình. Và người tiêu dùng giờ đây đã sẵn sàng đón nhận công nghệ này không chỉ đơn thuần là mở khóa điện thoại. Vì thế, ngành Ngân hàng kỳ vọng giải pháp này sẽ tạo đòn đánh mạnh vào tội phạm công nghệ lừa đảo trong giao dịch, thanh toán thời gian tới, góp phần bảo vệ tiền tài khoản của khách hàng. Bên cạnh những giải pháp về mặt chính sách, để hạn chế tình trạng lừa đảo trực tuyến, hiện tại, NHNN Chi nhánh tỉnh sẽ tiếp tục triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06); Kế hoạch triển khai Đề án 06 giữa Bộ Công an và NHNN trên địa bàn tỉnh, từ đó làm sạch dữ liệu khách hàng, khai thác hiệu quả dữ liệu căn cước công dân gắn chíp trong xác minh thông tin nhận biết khách hàng… đối với hoạt động mở, sử dụng tài khoản thanh toán/thẻ ngân hàng.

Bài và ảnh: Đức Toàn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com