Trong xu thế bùng nổ công nghệ thông tin, bên cạnh ưu điểm mở rộng kết nối với xã hội trên môi trường mạng thì đây cũng là cơ hội để các đối tượng xấu lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người sử dụng mạng về công nghệ, thao túng tâm lý họ để thực hiện nhiều vụ lừa đảo trực tuyến, chiếm đoạt thông tin, tài sản. Trên địa bàn tỉnh, có không ít cá nhân và cả đơn vị bị lừa đảo trực tuyến. Các cơ quan chức năng đã vào cuộc triển khai nhiều biện pháp ngăn chặn và cảnh báo các kiểu hành vi, dấu hiệu để người dân cân nhắc, tránh những thiệt hại không đáng có.
Cán bộ Sở Thông tin và Truyền thông thường trực theo dõi hệ thống đảm bảo an ninh thông tin. |
Vừa thấy con gái đi làm về đến nhà, bà Lê Thị Thục, tổ dân phố số 1, phường Trường Thi (thành phố Nam Định) đã vội vàng khoe: “Mẹ vừa được Công ty thiết bị nhà bếp gọi điện thông báo tặng thưởng một chiếc tủ lạnh Panasonic 1.200 lít trong chương trình tri ân khách hàng thân thiết đã từng mua các đồ gia dụng điện tử tại hệ thống đại lý của họ. Theo họ hướng dẫn, mẹ chỉ cần cung cấp thông tin số định danh cá nhân, địa chỉ nhận hàng, kết bạn zalo với nhân viên và truy cập vào đường link họ gửi trong tin nhắn để hoàn thiện hồ sơ nhận thưởng mà không phải mất một đồng chi phí nào. Thời gian nhận thưởng sẽ được Công ty thông báo khi hoàn tất thủ tục”… Mới nghe đến đây chị Nga, con gái bà vội vàng hỏi ngay: “Mẹ đã cung cấp thông tin gì chưa, cái này là lừa đảo đấy, mẹ tuyệt đối không được tham gia đâu nhé. Chỉ cần mẹ cung cấp thông tin cá nhân, tải app nhận quà là rất có thể mẹ sẽ bị chiếm quyền truy cập điện thoại, tài khoản ngân hàng và mạng xã hội để lợi dụng uy tín làm việc xấu”… Chị cũng kể lại một số vụ, việc liên quan đến hình thức lừa đảo qua mạng mà chị được biết cho bà nghe. Theo các chuyên gia về an ninh mạng, khi người được gọi điện nhận lời kết bạn zalo thì tài khoản zalo của họ sẽ được gom vào một nhóm tương tác chung để nhận quà. Tại nhóm zalo này, các thành viên khác (mồi) thi nhau khoe quà được nhận nhằm kích thích tâm lý người mới tham gia làm theo các bước hướng dẫn để được nhận quà. Từ vài món quà ban đầu tạo “niềm tin”, nhân viên dẫn dắt tham gia vào việc chuyển tiền để giúp Công ty hoàn thành nhiệm vụ tăng doanh số và số tiền này sẽ được chuyển lại ngay sau 3-5 phút kèm theo lãi suất. Ban đầu số tiền từ vài chục nghìn, đến vài trăm nghìn đồng, rồi đến khi phía bên kia thông báo không hoàn tiền lại được do người dùng nhập sai dữ liệu, muốn tiếp tục lại phải gửi thêm tiền để lấy biên lai khác…, cứ như thế số tiền lên đến vài triệu, vài chục triệu đồng lúc nào không hay. Lúc này bà Thục mới giật mình vì đã quá tin vào lời “nói ngọt “ của người xưng danh là nhân viên Công ty thiết bị nhà bếp.
Việc lừa đảo trực tuyến xuất hiện không chỉ nhắm vào các đối tượng người già, trẻ nhỏ, học sinh, sinh viên, mới đây tình trạng này xuất hiện liên tục đối với các cơ quan Nhà nước, chính quyền địa phương có sử dụng dịch vụ chữ ký số (CKS). Theo Sở Thông tin và Truyền thông (TT và TT) từ đầu năm 2024 đến nay, Sở nhận được nhiều tin báo của các địa phương phản ánh với nội dung email thông báo về việc CKS của Công ty đã hết hạn và cần gia hạn ngay như: “Dấu điện tử của Công ty đang thuộc diện token: bản cũ - hết hạn. Ngừng ký gửi thầu, hóa đơn, kê khai thuế sau ngày… Công ty cần liên hệ ngay để gia hạn dịch vụ, tránh bị khóa tài khoản…” hoặc “Token bị khóa và tạm ngừng ký gửi thuế cần liên hệ với hệ thống hoặc giao dịch viên để gia hạn dịch vụ. Ngừng ký gửi thầu, hóa đơn, kê khai tại ngày…”. Qua điều tra, xác minh thì kẻ mạo danh yêu cầu khách hàng gia hạn nhằm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trong khi gói dịch vụ đang còn thời hạn sử dụng. Các email giả mạo này thường có đuôi “@gmail” hoặc tên miền từ nước ngoài. Nội dung email chỉ nêu chung chung không thể hiện được đơn vị cung cấp hoặc đại lý được ủy quyền. Số điện thoại liên hệ trong mail chỉ là số điện thoại của giao dịch viên và được thay đổi liên tục.
Trước tình trạng lừa đảo trên mạng gia tăng, Cục An ninh Mạng (Bộ TT và TT) đã xây dựng cuốn cẩm nang nhận diện và phòng, chống lừa đảo trực tuyến, cảnh báo đến người dân 3 nhóm lừa đảo chính (giả mạo thương hiệu, chiếm đoạt tài khoản và các hình thức kết hợp khác) với 24 hình thức lừa đảo đang diễn ra trên không gian mạng, khu biệt cụ thể từng hình thức lừa đảo của từng nhóm đối tượng và kỹ năng phòng tránh để người dân dễ dàng nhận biết. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia phòng, chống tội phạm hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản với nhiều hình thức như: tuyên truyền trên báo chí; cảnh báo trực tiếp đến người dân, tuyên truyền trên các trang mạng xã hội... Cụ thể là không nên kết bạn với người không quen biết, không nghe điện thoại khi thấy số điện thoại có đầu số lạ, nhất là các số máy có đầu số nước ngoài. Nếu lỡ nghe điện thoại của người lạ thì không được làm theo hướng dẫn. Tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân như: số căn cước công dân, tài khoản ngân hàng…; không chuyển tiền, nộp tiền vào bất kỳ tài khoản ngân hàng của cá nhân, tổ chức nào khi chưa biết rõ họ là ai. Không thực hiện yêu cầu chuyển tiền thông qua tin nhắn của các trang mạng xã hội như: Facebook, Zalo, Viber... kể cả là của người thân, bạn bè. Cần gọi điện thoại xác nhận nếu người đó là người thân, bạn bè nhằm tránh trường hợp người thân, bạn bè bị hack tài khoản. Không truy cập, đăng nhập vào các đường dẫn do đối tượng gửi đến qua tin nhắn. Sở TT và TT đã có văn bản cảnh báo hình thức lừa đảo “thông báo dịch vụ CKS hết hạn” đến các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố; các xã, phường, thị trấn; các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ CKS công cộng để chủ động phòng tránh. Đồng thời khẳng định CKS chuyên dùng công vụ được cung cấp miễn phí, phục vụ hoạt động của các cơ quan Nhà nước. Các cơ quan, đơn vị có nhu cầu cấp mới, gia hạn, thay đổi thông tin, thu hồi, khôi phục mật khẩu CKS chuyên dùng công vụ đề nghị thực hiện theo hướng dẫn tại Văn bản số 195/STTTT-CĐS ngày 15-3-2023 của Sở TT và TT. Đối với CKS công cộng (do các doanh nghiệp viễn thông như VNPT, Viettel…) cung cấp cho các cơ quan Nhà nước trên địa bàn tỉnh sử dụng để thực hiện các nghiệp vụ thuế, ngân hàng, bảo hiểm xã hội…, là dịch vụ có phát sinh phí theo hợp đồng cung cấp và sử dụng dịch vụ giữa các bên. Sở TT và TT khuyến cáo khi nghi ngờ email giả mạo yêu cầu gia hạn CKS, các tổ chức, cá nhân cần chủ động liên hệ với nhà cung cấp dịch vụ CKS để được hướng dẫn kiểm tra thời hạn, cũng như hợp đồng đăng ký dịch vụ. Nếu phát hiện dấu hiệu lừa đảo trực tuyến, đề nghị thông báo về cơ quan chức năng (Sở TT và TT, Công an tỉnh…) để được hỗ trợ xử lý. Sở cũng cử một cán bộ kỹ thuật hỗ trợ trực tiếp cho các cán bộ, công chức, người dân, doanh nghiệp khi gặp những băn khoăn về các hình thức lừa đảo trực tuyến. Các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ CKS công cộng tổ chức các biện pháp bảo vệ quyền lợi khách hàng sử dụng dịch vụ. Xây dựng và triển khai chặt chẽ quy trình cấp mới, gia hạn, thay đổi thông tin, thu hồi, khôi phục mật khẩu CKS để phòng, tránh kẻ gian lợi dụng, lừa đảo./.
Bài và ảnh: Nguyễn Hương
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin