Công tác phòng, chống tệ nạn xã hội (TNXH), ma túy, mại dâm và buôn bán phụ nữ, trẻ em luôn được các cấp ủy, chính quyền trong tỉnh quan tâm chỉ đạo, góp phần gìn giữ, phát huy truyền thống văn hóa của dân tộc, bảo vệ danh dự, nhân phẩm con người, hạnh phúc gia đình, bảo đảm trật tự an toàn xã hội.
Buổi chiếu phim nội dung phòng, chống tệ nạn xã hội của Trung tâm Văn hóa, Điện ảnh và Triển lãm tỉnh tại Trường THPT Giao Thủy (Giao Thủy). |
Theo Chi cục Phòng chống TNXH tỉnh (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội), những năm gần đây, tình hình buôn bán và sử dụng ma túy có diễn biến phức tạp; bên cạnh các loại heroin, katemin, ma túy đá còn xuất hiện thêm nhiều chất gây nghiện khác đầu độc giới trẻ như: thuốc lắc, bóng cười, nấm ảo giác, lá khát, cỏ Mỹ… Xác định công tác bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội, ngăn ngừa, phòng chống tội phạm, TNXH là nhiệm vụ chung của các cấp, các ngành, các địa phương trong tỉnh, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chỉ đạo Trung tâm Văn hóa, Điện ảnh và Triển lãm (VH, ĐA và TL) tỉnh xây dựng các chương trình, kế hoạch chiếu phim, tuyên truyền về phòng chống tệ nạn xã hội, ma túy, mại dâm và buôn bán phụ nữ, trẻ em tới từng địa bàn các vùng nông thôn, khu dân cư trên địa bàn tỉnh. Trung tâm VH, ĐA và TL tỉnh thường xuyên phối hợp với Chi cục Phòng chống TNXH tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Phòng Công tác Chính trị (Công an tỉnh) tổ chức các đợt tuyên truyền nhân Tháng hành động phòng chống ma túy, Ngày toàn dân phòng chống buôn bán người, Tháng hành động quốc gia phòng chống bạo lực gia đình, Tháng hành động quốc gia phòng chống HIV/AIDS, Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng chống bạo lực trên cơ sở giới…
Đội tuyên truyền lưu động của Trung tâm VH, ĐA và TL tỉnh đã xây dựng lịch hoạt động cụ thể; chuẩn bị nội dung, phương thức, chuyên đề tuyên truyền với các chủ đề phù hợp với cơ sở và tình hình thực tiễn tại các địa phương. Các thông tin tuyên truyền trong mỗi chuyên đề luôn chính xác, trọng tâm. Nội dung tuyên truyền tập trung các vấn đề như: bạo lực gia đình, tình trạng tảo hôn; bài trừ tệ nạn mê tín dị đoan; phòng chống ma túy và tác hại của thuốc lá, rượu, bia và các TNXH… Qua các buổi tuyên truyền đã truyền tải tới người dân những thông tin về tác hại, sự nguy hiểm của các TNXH; từ đó, nâng cao ý thức pháp luật, cảnh giác với các hành vi vi phạm pháp luật và đấu tranh với các loại tội phạm. Phòng Chiếu phim của Trung tâm đã thực hiện nhiều buổi chiếu phim lưu động miễn phí tại các địa điểm: Rạp Tháng Tám, Tiền sảnh Nhà Văn hóa 3-2 tỉnh (thành phố Nam Định), Trung tâm Văn hóa - Thể thao các huyện, nhà văn hóa các xã, thị trấn, thu hút sự quan tâm của đông đảo cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Các buổi chiếu gồm các chương trình phim tài liệu, phóng sự truyền hình đặc sắc mang giá trị giáo dục tư tưởng, đạo đức, thẩm mỹ và nhân văn; tiêu biểu như các phóng sự: “Phòng, chống buôn bán phụ nữ và trẻ em”; “Phòng, chống ma túy, mại dâm, HIV/AIDS”; các đĩa CD tuyên truyền phòng, chống, ngăn ngừa tệ nạn xã hội, nạn buôn bán người xuyên biên giới, bạo lực học đường, tác hại của ma túy… hay các phim truyện Việt Nam được khán giả cả nước quan tâm như: “Hai Phượng”, “Nước mắt của cha”, “Tháng năm rực rỡ”, “Cánh đồng bất tận”, “Đêm đường biên”, “Trái tim bé bỏng”… Đây không chỉ là hoạt động mang ý nghĩa chính trị quan trọng mà còn là những buổi sinh hoạt văn hóa cộng đồng có ý nghĩa thiết thực đối với người dân. Thông qua các phóng sự, bộ phim, câu chuyện bằng hình ảnh về những nhân vật có thật đã từng một thời chật vật đoạn tuyệt với chất gây nghiện để vươn lên trong cuộc sống, những người từng bị bán sang biên giới thoát được trở về hòa nhập với cộng đồng đã tác động mạnh tới nhận thức, cảm xúc của người xem.
Để thu hút được nhiều tầng lớp nhân dân hưởng ứng, tham dự các buổi chiếu phim tại địa phương, Trung tâm VH, ĐA và TL tỉnh đã phối hợp với Phòng Văn hóa - Thông tin, Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao, Công an các huyện, thành phố trong tỉnh tuyên truyền rộng rãi trên đài phát thanh, hệ thống loa truyền thanh tại cơ sở, căng treo băng rôn, pa nô, khẩu hiệu tại các địa điểm chiếu, tuyên truyền trên loa ô tô lưu động… trước các buổi chiếu. Chị Nguyễn Thị Hải, thị trấn Quất Lâm (Giao Thủy) chia sẻ: “Mặc dù bận rộn với công việc thường ngày, nhưng khi được thông báo có đội tuyên truyền, chiếu phim lưu động về địa phương, tôi đều sắp xếp công việc để đến xem. Sau khi được tuyên truyền và xem phim phóng sự về công tác phòng, chống TNXH, tôi hiểu sâu thêm về các tác hại của tệ nạn ma túy, mại dâm, buôn bán phụ nữ, trẻ em, thủ đoạn của bọn tội phạm, các nguy cơ “sa bẫy” TNXH, các quy định của pháp luật về phòng, chống TNXH, từ đó có ý thức tự giác về bản thân cũng như vận động người thân chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về phòng chống TNXH, nhất là thế hệ trẻ trong gia đình; tích cực tham gia đấu tranh, tố giác các loại tội phạm”.
Thời gian tới, Trung tâm VH, ĐA và TL tỉnh tiếp tục đẩy mạnh lồng ghép công tác tuyên truyền phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội với hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao. Tăng cường tổ chức các đợt chiếu phim tại chỗ, lưu động tại địa bàn cơ sở về phòng, chống buôn bán phụ nữ và trẻ em, phòng chống ma túy, mại dâm, HIV/AIDS theo chương trình, kế hoạch đáp ứng yêu cầu chính trị của tỉnh. Tích cực phối hợp với các cơ quan, đơn vị chức năng hướng dẫn các địa phương trong tỉnh tổ chức các hoạt động thông tin, tuyên truyền, tập huấn, xây dựng và nhân rộng các mô hình phòng, chống tội phạm và TNXH tại cơ sở bằng nhiều hình thức phong phú, góp phần xây dựng đời sống văn hóa, môi trường văn hóa an toàn, lành mạnh và đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh./.
Bài và ảnh: Khánh Dũng
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin