Phát huy vai trò giám sát và phản biện xã hội

07:32, 02/04/2024

Xác định công tác giám sát, phản biện xã hội là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) và các tổ chức chính trị - xã hội, thời gian qua, MTTQ các cấp trong tỉnh luôn chú trọng thực hiện, góp phần tham gia xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh.

Nhờ phát huy vai trò giám sát và phản biện xã hội nên việc xây dựng, kiến thiết nông thôn mới xã Giao Phong (Giao Thủy) luôn được sự đồng thuận cao.
Nhờ phát huy vai trò giám sát và phản biện xã hội nên việc xây dựng, kiến thiết nông thôn mới xã Giao Phong (Giao Thủy) luôn được sự đồng thuận cao.

MTTQ tỉnh thường xuyên phối hợp tuyên truyền, phổ biến các văn bản có liên quan đến hoạt động giám sát, phản biện xã hội đến cán bộ, đảng viên, công chức, các tầng lớp nhân dân, các tổ chức thành viên của Mặt trận từ tỉnh đến cơ sở bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú như: tổ chức hội nghị tập huấn; thông qua các cuộc họp, sinh hoạt của Mặt trận và các đoàn thể; thông tin trên các trang thông tin điện tử tổng hợp của Mặt trận và các đoàn thể các cấp… Hàng năm, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh ban hành kế hoạch tổ chức các hội nghị tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, trong đó có các nội dung về công tác giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam; triển khai kịp thời, có hiệu quả các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cũng như nâng cao chất lượng về công tác giám sát, phản biện ở cơ sở. Trên cơ sở định hướng, hướng dẫn của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp trong tỉnh chủ động xây dựng kế hoạch giám sát, có sự lãnh đạo của cấp ủy, sự phối hợp của chính quyền. Nội dung giám sát, phản biện có trọng tâm, trọng điểm, lựa chọn những vấn đề được dư luận xã hội quan tâm, liên quan đến quyền lợi của người dân để tổ chức giám sát, phản biện; hình thức giám sát phù hợp, trong đó có sự kết hợp giữa hình thức giám sát trực tiếp và giám sát gián tiếp thông qua báo cáo.

Trong 5 năm qua, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh đã thực hiện các nội dung giám sát như: “Công tác quy hoạch và giới thiệu cán bộ ứng cử các chức danh lãnh đạo Ủy ban MTTQ cấp xã và cấp huyện trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2014-2019”; việc thực hiện công khai kết luận thanh tra; việc thực hiện Luật Tiếp công dân; việc thực hiện quản lý, sử dụng các nguồn “Quỹ cứu trợ” theo Nghị định 64/2008/NĐ-CP của Chính phủ ngày 14-5-2008, “Quỹ vì người nghèo” các cấp; việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt, cán bộ, đảng viên (Quy định số 124-QĐ/TW ngày 2-2-2018 của Ban Bí thư); việc hướng dẫn chỉ đạo và thực hiện Luật Người cao tuổi năm 2009; việc huy động các nguồn đóng góp của nhân dân trong xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu... Đồng thời thực hiện giám sát 2 chuyên đề theo kế hoạch của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam: việc thực hiện chính sách pháp luật của Nhà nước về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho các hộ dân thuộc Dự án tuyến đường bộ ven biển và Cụm công nghiệp Yên Bằng (Ý Yên) bằng hình thức giám sát trực tiếp; việc giải quyết ý kiến, kiến nghị cử tri và nhân dân của các bộ, ngành và chính quyền địa phương các cấp bằng hình thức giám sát thông qua nghiên cứu văn bản. Sau các cuộc giám sát, các đoàn giám sát đã báo cáo kết quả giám sát với Thường trực Tỉnh ủy và các ngành có liên quan những vấn đề còn tồn tại, hạn chế, khó khăn vướng mắc và kiến nghị các biện pháp tháo gỡ, đồng thời thông báo kiến nghị sau giám sát đến các cơ quan, đơn vị được giám sát để có giải pháp khắc phục những tồn tại, hạn chế. Nhìn chung, các đối tượng được giám sát đồng tình với thông báo kết quả giám sát, tiếp thu, xử lý các kiến nghị của đoàn giám sát.

Bên cạnh đó, MTTQ tỉnh định hướng các xã, thị trấn thực hiện chức năng giám sát thông qua hoạt động Ban thanh tra nhân dân, Ban giám sát đầu tư của cộng đồng, tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện việc giám sát trực tiếp và phản ánh về MTTQ xã. Ban thanh tra nhân dân, Ban giám sát đầu tư của cộng đồng đã phát huy được vai trò trong công tác giám sát; thường xuyên được củng cố, kiện toàn chất lượng hoạt động ngày càng được nâng lên. Từ năm 2010-2023,

Ban thanh tra nhân dân, Ban giám sát đầu tư của cộng đồng đã tổ chức các cuộc giám sát về một số lĩnh vực như: việc sử dụng đất đai tại xã, phường, thị trấn; thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở; bình chọn các đối tượng nghèo đề nghị hỗ trợ nhà Đại đoàn kết; theo dõi việc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân; thi công các công trình có vốn đầu tư của Nhà nước và đóng góp của nhân dân; thực hiện công tác bồi thường giải phóng mặt bằng; chi trả chế độ chính sách của Nhà nước đối với các đối tượng chính sách; thu chi, quyết toán ngân sách, quản lý các khoản đóng góp của nhân dân; các khoản thu chi của các nhà trường; giám sát kết quả giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân, giám sát việc thu hồi đất, giải tỏa, đền bù, tái định cư; giám sát việc triển khai thực hiện các vấn đề an sinh xã hội có liên quan trực tiếp tới người dân; việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19; giám sát thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội; vệ sinh an toàn thực phẩm… Ngoài ra, trong những năm qua, Ban thường trực Ủy ban MTTQ các cấp trong tỉnh đã tích cực tham gia có hiệu quả các đoàn giám sát của các cơ quan, tổ chức có liên quan như: Thường trực HĐND, các Ban của HĐND; các tổ chức chính trị - xã hội; Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh…

Cùng với công tác giám sát, công tác phản biện xã hội được Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh quan tâm hướng dẫn MTTQ các cấp thực hiện. MTTQ tỉnh chủ trì tổ chức hội nghị góp ý vào dự thảo báo cáo chính trị trình Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, lần thứ XX. MTTQ các huyện, thành phố xây dựng kế hoạch tổ chức 130 hội nghị góp ý với 3.599 lượt ý kiến góp ý vào nhiều nội dung quan trọng nhằm phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Các đoàn thể chính trị - xã hội tỉnh tổ chức các hội nghị phản biện với hàng nghìn ý kiến góp ý vào các nội dung liên quan đến lĩnh vực của ngành. MTTQ cấp huyện, cấp xã đã tích cực tham gia góp ý vào các dự thảo của các cơ quan chủ trì soạn thảo như: tham gia góp ý sửa đổi Luật MTTQ Việt Nam, Luật Tín ngưỡng tôn giáo, các dự thảo tờ trình, dự thảo nghị quyết, các kế hoạch, đề án về phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng và an ninh của địa phương…

Thời gian tới, MTTQ các cấp tiếp tục tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, sự ủng hộ và phối hợp của HĐND, UBND cùng cấp; đa dạng hóa các hình thức giám sát, phản biện xã hội và biện pháp tổ chức thực hiện của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội bảo đảm phù hợp và phát huy hiệu quả, thu hút được sự tham gia rộng khắp của mọi tổ chức, cá nhân trong xã hội. Lựa chọn nội dung giám sát, phản biện là các vấn đề dư luận nhân dân đang quan tâm. Tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy làm công tác giám sát, phản biện xã hội của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp; tăng cường tập huấn, bồi dưỡng, đào tạo nâng cao năng lực, trình độ và kỹ năng cho đội ngũ cán bộ trực tiếp làm công tác giám sát, phản biện xã hội; khuyến khích, phát huy tinh thần, trách nhiệm của các chuyên gia, nhà khoa học có chuyên môn sâu theo lĩnh vực tham gia vào hoạt động giám sát, phản biện xã hội. Tăng cường các hoạt động kiểm tra, đánh giá, rút kinh nghiệm để hoạt động giám sát, phản biện xã hội ngày càng đi vào chiều sâu, đạt hiệu quả hơn./.

Bài và ảnh: Lam Hồng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com