Nâng cao hiệu quả phục vụ trong giải quyết thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công  (kỳ 2)

17:43, 09/04/2024

Kỳ I: Nhận diện những “điểm nghẽn”

(Tiếp theo và hết)

Sau tiếp nhận kết quả đánh giá, tham vấn của các bộ, ngành Trung ương, hiện nay tỉnh chỉ đạo các cấp chính quyền, ngành chức năng quyết liệt tháo gỡ các “điểm nghẽn”, khắc phục các bất cập, hạn chế để đạt kết quả cao hơn trong thực hiện Bộ chỉ số chỉ đạo, điều hành và đánh giá chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hành chính (TTHC), cung cấp dịch vụ công (DVC) theo thời gian thực trên môi trường điện tử (sau đây gọi tắt là Bộ chỉ số), không ngừng nâng cao hiệu quả phục vụ, tạo điều kiện tốt nhất cho người dân và doanh nghiệp (DN).

Cán bộ xã Vĩnh Hào (Vụ Bản) hướng dẫn người dân tra cứu thủ tục hành chính.
Cán bộ xã Vĩnh Hào (Vụ Bản) hướng dẫn người dân tra cứu thủ tục hành chính.

 

Kỳ II: Quyết liệt tháo gỡ các "điểm nghẽn"

 

Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu các cấp chính quyền, ngành chức năng tiếp tục kiên định với mục tiêu tỉnh đặt ra trong lộ trình chuyển đổi số (CĐS), phấn đấu đến cuối năm 2025 là địa phương nằm trong “top” dẫn đầu cả nước về cải cách TTHC gắn với CĐS; tiếp tục coi việc thực hiện Bộ chỉ số là thước đo quan trọng đánh giá hiệu quả công tác giải quyết TTHC và xác định được mức độ CĐS ở địa phương mình, chủ động nâng điểm từng nhóm chỉ số, bảo đảm hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ về CĐS của tỉnh. Trước mắt, mỗi ngành, mỗi địa phương chủ động soi chiếu vào đơn vị mình để tập trung tháo gỡ từng nút thắt trong thực hiện TTHC và DVC. Cụ thể, yêu cầu bộ phận “một cửa” các cấp thực hiện đúng quy định về tiếp nhận, giải quyết TTHC theo quy định tại Nghị định số 61/2018/NĐ-CP của Chính phủ; kiểm tra lại việc đồng bộ hồ sơ giữa các hệ thống và cập nhật, giải quyết TTHC trên các hệ thống thông tin. Định kỳ hàng tháng công khai kết quả đánh giá Bộ chỉ số phục vụ người dân, doanh nghiệp trong thực hiện TTHC, DVC và danh sách cán bộ, công chức, viên chức, cơ quan, đơn vị để xảy ra chậm trễ theo Quyết định số 766/QĐ-TTg ngày 23-6-2022 của Thủ tướng Chính phủ trên Cổng thông tin điện tử của cơ quan, đơn vị. Nâng cao trách nhiệm, kỷ luật, kỷ cương hành chính của cán bộ phụ trách bộ phận một cửa, tăng cường trách nhiệm giải trình, xin lỗi người dân, DN khi có vướng mắc xảy ra. Đối với nhóm “điểm nghẽn” về thanh toán trực tuyến; khai thác, sử dụng lại thông tin, dữ liệu số hóa và đảm bảo thực hiện DVC trực tuyến toàn trình, UBND tỉnh yêu cầu tăng cường các hình thức thanh toán trực tuyến đối với phí, lệ phí, nghĩa vụ tài chính (đặc biệt là lĩnh vực đất đai, hộ tịch...); mở rộng việc thanh toán không dùng tiền mặt tại các bộ phận “một cửa” (QRcode, chuyển khoản...). Các sở, ngành, UBND cấp huyện, cấp xã, cán bộ, công chức giải quyết TTHC, DVC triển khai thực hiện đúng quy định việc khai thác, sử dụng lại thông tin, dữ liệu số hóa và số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC, cung cấp kết quả điện tử theo quy định tại Nghị định số 45/2020/NĐ-CP, Nghị định số 107/2021/NĐ-CP bảo đảm chỉ tiêu Chính phủ giao (100%). Đồng thời tái cấu trúc quy trình toàn bộ DVC đang tích hợp trên Cổng DVC quốc gia và Cổng DVC của tỉnh.

Bên cạnh đó, về lâu dài, các ngành, các địa phương tiếp tục thực hiện 17 nhiệm vụ, nhóm nhiệm vụ tại Chỉ thị số 27/CT-TTg ngày 27-10-2023 của Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục các giải pháp cải cách và nâng cao hiệu quả giải quyết TTHC, cung cấp DVC phục vụ người dân, DN. Trong đó chú trọng thực hiện nghiêm việc công bố công khai, minh bạch, đầy đủ TTHC theo quy định; 100% hồ sơ TTHC của địa phương phải được tiếp nhận, giải quyết trên hệ thống thông tin giải quyết TTHC và phải liên thông, đồng bộ với Cổng DVC quốc gia để người dân, DN theo dõi, đánh giá quá trình thực hiện. Tập trung rà soát kỹ và cấu trúc lại quy trình, cắt giảm, đơn giản hóa TTHC trên cơ sở liên thông điện tử và tái sử dụng dữ liệu để xây dựng, cung cấp DVC trực tuyến đáp ứng số lượng và chất lượng, thanh toán trực tuyến, bảo đảm tuân thủ nguyên tắc lấy người dùng làm trung tâm.

Thực hiện nghiêm công tác phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị trong giải quyết TTHC bảo đảm chặt chẽ, kịp thời, hiệu quả, nhất là các nhóm TTHC, dịch vụ công liên thông. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính; kịp thời khắc phục đối với các trường hợp để xảy ra chậm, muộn trong giải quyết TTHC của cơ quan, đơn vị; thanh tra, kiểm tra công vụ, kiên quyết xử lý nghiêm các cơ quan, đơn vị, cán bộ, công chức, viên chức làm phát sinh thêm TTHC, hồ sơ, giấy tờ, yêu cầu điều kiện, hoặc nhiều lần để xảy ra tình trạng chậm trễ trong tiếp nhận, giải quyết TTHC. Thực hiện nghiêm công tác tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị về quy định hành chính; người đứng đầu thường xuyên tổ chức đối thoại với người dân, DN. Nâng cao chất lượng trả lời phản ánh, kiến nghị, chấm dứt tình trạng không trả lời hoặc trả lời chung chung, không cụ thể, rõ ràng, né tránh, đùn đẩy trách nhiệm.

Tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị về nâng cao chất lượng phục vụ trong thực hiện TTHC, cung cấp DVC trực tuyến. Định kỳ hàng tháng công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng kết quả đánh giá thực hiện Bộ chỉ số phục vụ người dân, DN trong thực hiện TTHC, DVC trực tuyến và danh sách cán bộ, công chức, viên chức, cơ quan, đơn vị để xảy ra chậm trễ theo Quyết định số 766/QĐ-TTg ngày 23-6-2022 của Thủ tướng Chính phủ. Bên cạnh đó, tỉnh tiếp tục quan tâm chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao về phân cấp giải quyết TTHC; rà soát, đơn giản hóa TTHC nội bộ; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động công vụ.

Trên cơ sở chỉ đạo của tỉnh, Văn phòng UBND tỉnh đã tăng cường công tác tuyên truyền và tổ chức thực hiện những nội dung, nhiệm vụ được phân công trong Kế hoạch cải cách hành chính của tỉnh; theo dõi thực hiện tốt công tác kiểm soát, công bố và cải cách TTHC trên địa bàn tỉnh; tiếp tục tham mưu thực hiện tốt cơ chế một cửa liên thông thuộc trách nhiệm của Văn phòng UBND tỉnh. Chủ động phối hợp với các sở, ngành nghiên cứu, xây dựng quy trình thực hiện các TTHC liên thông, đơn giản hóa TTHC, rút ngắn thời hạn thực hiện TTHC; tạo điều kiện để công chức tự nâng cao trình độ, kiến thức, năng lực quản lý Nhà nước trong lĩnh vực cải cách hành chính; tăng cường ý thức trách nhiệm của đội ngũ công chức, viên chức, người lao động trong thực thi công vụ.

Sở Nội vụ nghiên cứu, rà soát, điều chỉnh các tiêu chí thành phần trong Bộ chỉ số cải cách hành chính của các sở, cơ quan tương đương sở, UBND các huyện, thành phố theo hướng tăng tỷ số điểm đối với công tác cải cách TTHC tại các cơ quan, đơn vị. Thực hiện tham mưu kịp thời UBND tỉnh việc động viên, khen thưởng các tập thể, cá nhân, đơn vị thực hiện hiệu quả công tác cải cách TTHC, DVC trực tuyến: tham mưu, đề xuất các cơ chế, chính sách hỗ trợ, động viên đội ngũ cán bộ, công chức làm việc tại bộ phận “một cửa” các cấp. Sở Thông tin và Truyền thông tiếp tục rà soát, kiến nghị đề xuất việc kết nối, tích hợp, đồng bộ thông tin tiếp nhận, xử lý hồ sơ trên Cổng DVC quốc gia và Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh đối với các DVC, TTHC thuộc thẩm quyền thực hiện của các đơn vị do các bộ, ngành triển khai cung cấp trên môi trường mạng.

Với những giải pháp căn cơ, đồng bộ và tinh thần “hành chính phục vụ - người dùng là trung tâm”, toàn tỉnh tiếp tục phấn đấu nâng điểm các chỉ số thành phần của Bộ chỉ số phục vụ người dân, DN trong thực hiện TTHC, cung cấp DVC theo thời gian thực trên môi trường mạng, hướng đến mục tiêu hết năm 2025 tỉnh nằm trong “top” dẫn đầu cả nước về cải cách TTHC gắn với CĐS./.

Bài và ảnh: Nguyễn Hương



Gia hạn Chữ ký số Viettel giá rẻ

BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com