Tâm huyết với trẻ tự kỷ

08:32, 05/04/2024

Có dịp gặp các cô giáo tại Trung tâm can thiệp sớm và hỗ trợ giáo dục hoà nhập Mặt trời mới, thị trấn Yên Định (Hải Hậu), chúng tôi được chứng kiến sự kiên trì, tận tâm, trách nhiệm với công việc cùng tình yêu thương trẻ vô bờ bến với niềm hy vọng giúp trẻ mắc hội chứng tự kỷ có cơ hội hoà nhập cộng đồng.

Một giờ học tại Trung tâm Can thiệp sớm và Hỗ trợ giáo dục hoà nhập Mặt trời mới, thị trấn Yên Định (Hải Hậu).
Một giờ học tại Trung tâm Can thiệp sớm và Hỗ trợ giáo dục hoà nhập Mặt trời mới, thị trấn Yên Định (Hải Hậu).

Đều đặn hàng ngày vào lúc 7 giờ sáng, cô giáo Nguyễn Thị Mỳ cùng các cô giáo lại có mặt tại Trung tâm để đón trẻ. Công việc giảng dạy đối với các trẻ tự kỷ rất vất vả, nhưng bằng tình yêu thương, cô Mỳ luôn cảm thấy vui vì đã phần nào giúp các con hòa nhập cộng đồng. Cô Mỳ cho biết, sau khi tốt nghiệp Khoa Giáo dục mầm non, Trường Cao đẳng Sư phạm mầm non (Hà Nội) năm 2012, cô về địa phương công tác tại Trường Mầm non Hải Đông (Hải Hậu). Hơn 6 năm gắn bó với các lứa học sinh đáng yêu, ngây thơ, ít khi nào cô nghĩ mình sẽ chuyển hướng sang lĩnh vực giáo dục đặc biệt. “Cơ duyên” đến với trẻ tự kỷ của cô Mỳ từ khi trong gia đình có trẻ chậm phát triển, tăng động giảm chú ý. Cô đã tìm hiểu về hội chứng tự kỷ để có thể giao tiếp và đồng hành cùng cháu của mình. Cô đã tham gia học thêm nhiều lớp về giáo dục đặc biệt. Càng đọc và tìm hiểu, cô càng đồng cảm với các em nhỏ không may mắn như các bạn cùng trang lứa.

Năm 2022, khi Trung tâm can thiệp sớm và hỗ trợ giáo dục hoà nhập Mặt trời mới mở chi nhánh tại thị trấn Yên Định, cô Nguyễn Thị Mỳ đã quyết định gắn bó với công việc hỗ trợ hoà nhập cho trẻ tự kỷ tại trung tâm. Công việc hàng ngày của cô là đón trả trẻ, hỗ trợ can thiệp trẻ đặc biệt, hỗ trợ lớp nhóm...; tiếp xúc với hàng chục trẻ với các dạng tật khác nhau như rối loạn phổ tự kỷ, tăng động giảm chú ý, chưa có ngôn ngữ... Với mỗi trẻ, cô phải dành thời gian tìm hiểu thói quen cũng như các vấn đề của trẻ để nghiên cứu xây dựng kế hoạch giảng dạy, hỗ trợ phù hợp. Nếu như trước đây khi công tác tại trường mầm non, mỗi lớp cô phụ trách từ 20-30 học sinh thì tại Trung tâm, mỗi ca can thiệp cô chỉ tập trung giảng dạy từ 1-3 học sinh, nhưng áp lực trong công việc lại nhiều hơn. “Dạy trẻ bình thường đã khó, uốn nắn trẻ tự kỷ còn khó khăn nhiều lần vì có nhiều em chưa có nhận thức, ngôn ngữ, kèm theo hành vi như cáu giận, bực tức, không hợp tác với giáo viên. Nhiều lúc tôi cũng tự cảm thấy áp lực chính mình vì chưa thấu hiểu hết các con. Nhưng tình yêu thương đã là động lực để tôi luôn đồng hành, giúp đỡ các con”. Ngoài tình thương dành cho các con, cô còn dành nhiều thời gian để nghiên cứu, tìm hiểu tài liệu về các dạng tật; thường xuyên chia sẻ, trò chuyện, lắng nghe tâm sự của các phụ huynh để hiểu hơn về tình trạng của con mình, cùng đồng hành giúp con vượt qua khó khăn hoà nhập với cộng đồng. Với sự hỗ trợ của cô Mỳ, nhiều trẻ đã có nhiều thay đổi, có thể tốt nghiệp hoà nhập cùng cộng đồng, đơn giản từ việc đến lớp biết chào cô, biết chơi các trò chơi đúng cách, biết thể hiện cảm xúc của mình.... Phụ huynh bạn M.B (3 tuổi) xúc động chia sẻ: “Khi đến Trung tâm, con chưa biết giao tiếp dù trước đó đã đi can thiệp nhiều nơi. Được sự chia sẻ, tư vấn của cô Mỳ, gia đình tôi hiểu hơn những vấn đề của con, từ đó nỗ lực cùng cô giáo can thiệp để con có thể giao tiếp như các bạn. Đến nay, con đã biết thể hiện được cảm xúc của mình, biết chơi với các bạn đúng cách. Tôi rất vui vì gặp được cô Mỳ đúng “giai đoạn vàng” của con để con có cơ hội hoà nhập với bạn bè cùng trang lứa”.

Còn với cô giáo Phạm Thị Phương Trang đã có gần 8 năm gắn bó với công việc can thiệp, hỗ trợ hoà nhập của trẻ tự kỷ. Tình yêu thương và sự cảm thông với trẻ đặc biệt đã sớm nhen nhóm trong lòng cô học sinh THPT nên Trang đăng ký thi vào Khoa Giáo dục đặc biệt (Trường Đại học Sư phạm Hà Nội). Quá trình học tập, Trang đã có cơ hội đi thực tế và tiếp xúc với trẻ đặc biệt nhiều dạng tật khác nhau, vì vậy cô càng khát khao được làm gì đó để giúp các em có cơ hội được hoà nhập, được trưởng thành. Trang đã tham gia hỗ trợ can thiệp cho trẻ đặc biệt tại các trung tâm tại Hà Nội từ khi còn trên ghế nhà trường. Năm 2023, khi biết đến Trung tâm Mặt trời mới, lại mong muốn được giúp các trẻ em kém may mắn tại quê hương, cô giáo Phương Trang trở về và gắn bó với công việc tại đây. Thời gian đầu, cô đảm nhận các công việc chuyên môn, hỗ trợ các trẻ với nhiều vấn đề khác nhau như: chậm nói, khó khăn giao tiếp, chậm phát triển, rối loạn hành vi... Với kinh nghiệm và kỹ năng của mình, hiện nay cô Trang còn là Phó Giám đốc Trung tâm Mặt trời mới, đảm nhiệm việc đánh giá ban đầu cho trẻ; sắp xếp lịch học cho các trẻ; đào tạo giáo viên; lên kế hoạch giảng dạy cùng với giáo viên; duyệt đánh giá định kỳ của trẻ 3 tháng/lần; trao đổi, hỗ trợ phụ huynh... Cô Trang chia sẻ: “Mỗi học sinh đến đây dù ở dạng tật nào cũng đã thiệt thòi hơn các bạn cùng trang lứa. Hành trình để các con tiến bộ không hề đơn giản. Áp lực công việc đến từ nhiều phía. Nhưng gặp nhiều gia đình, thấu hiểu nỗi lòng của người làm cha, mẹ, tôi càng có thêm động lực gắn bó với nghề”. Trường hợp gia đình chị Nguyễn Thị Huê, xã Hải Sơn (Hải Hậu) không may mắn khi cả 3 con đều phải hỗ trợ can thiệp tại Trung tâm. Năm 2021, khi đưa 2 con sinh đôi sinh năm 2019 đến học tại Trung tâm, cả hai anh em được đánh giá ban đầu là tăng động giảm chú ý, chưa có ngôn ngữ, nghịch ngợm, không nghe theo hiệu lệnh của các cô. Cô Trang cũng như giáo viên phụ trách phải mất nhiều thời gian để nghiên cứu giáo án phù hợp giúp hai anh em làm quen với lớp, nghe theo hiệu lệnh của giáo viên. Sau hơn một năm, với sự kiên trì, nhẫn nại bền bỉ của cô Trang và các cô giáo phụ trách, sự đồng hành của gia đình, hai anh em đã ra trường, hoà nhập tốt cùng trẻ lớp mầm non.
Mỗi ngày Trung tâm can thiệp sớm và hỗ trợ giáo dục hoà nhập Mặt trời mới, thị trấn Yên Định hỗ trợ can thiệp cá nhân và bán trú cho hơn 30 trẻ với các dạng tật khác nhau. Bên cạnh các trường hợp hoà nhập tốt với cộng đồng, cũng không ít các em có hoàn cảnh gia đình khó khăn, phải dừng can thiệp giữa chừng. Để phần nào giúp đỡ các học sinh có hoàn cảnh khó khăn được hỗ trợ can thiệp kịp thời, các giáo viên tại Trung tâm đã quyên góp Quỹ để hỗ trợ các em không bỏ lỡ cơ hội được điều trị. Trên thực tế, còn nhiều gia đình vẫn chưa nhận thức đầy đủ về hội chứng này, không tìm hiểu, hợp tác với giáo viên, dẫn đến bỏ lỡ “giai đoạn vàng” can thiệp cho trẻ. “Tôi mong cha, mẹ khi thấy con có biểu hiện bất thường hãy cho con đi sàng lọc từ sớm để con có cơ hội điều trị, can thiệp kịp thời”, cô Mỳ chia sẻ./.

Bài và ảnh: Diệu Linh
 


Từ khóa:

Tâm huyết

trẻ tự kỷ


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com