Thực hiện Luật Bảo hiểm y tế (BHYT), nhất là Luật Khám bệnh, chữa bệnh (có hiệu lực từ ngày 1-1-2024), ngành Y tế đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp với ngành Bảo hiểm xã hội (BHXH), các địa phương triển khai các giải pháp cải tiến quy trình, thủ tục khám, chữa bệnh (KCB) BHYT, không ngừng thay đổi phong cách, thái độ phục vụ, hướng tới sự hài lòng của người dân.
Trung tâm Y tế huyện Vụ Bản nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế. |
Lấy người bệnh làm trung tâm
Bệnh viện Phổi tỉnh Nam Định là bệnh viện chuyên khoa hạng II, quy mô 280 giường bệnh; có 13 khoa, phòng; 134 viên chức, người lao động, trong đó có 30 bác sĩ, với chức năng nhiệm vụ thực hiện Chương trình chống lao quốc gia trong toàn tỉnh, Chương trình quản lý điều trị Hen - COPD (bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính) cùng với công tác khám, điều trị các bệnh về phổi. Đồng chí Dương Văn Toán, Giám đốc Bệnh viện Phổi tỉnh cho biết: Trong năm 2023, hoạt động phòng, chống lao tại tỉnh Nam Định đã đạt được những kết quả nhất định, phát hiện và đưa vào quản lý điều trị 1.351 bệnh nhân lao, tăng khoảng 10% so với năm 2022, giúp ngăn chặn sớm nguồn lây trong cộng đồng. Bệnh viện đã thực hiện cải cách thủ tục hành chính (TTHC), thay đổi quy trình KCB, thực hiện theo một chiều từ khâu tiếp đón cho đến khi bệnh nhân thanh toán; Bệnh viện đã đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại như máy Gene - Xpert, máy CT-Scanner, Khí máu, nuôi cấy vi khuẩn lao và tạp khuẩn, PCR…; lắp đặt hệ thống camera để giám sát công tác KCB; thiết lập hệ thống biển báo, sơ đồ khám bệnh dễ quan sát giúp người bệnh dễ tìm khi đến bệnh viện. Năm 2023, Bệnh viện đã tiếp nhận 35 nghìn lượt người bệnh đến khám, cấp thuốc điều trị ngoại trú cho hơn 2.500 bệnh nhân, điều trị nội trú cho hơn 6.000 bệnh nhân.
Trung tâm Y tế (TTYT) huyện Vụ Bản có 16 khoa, phòng, 18 trạm y tế xã, thị trấn và 217 cán bộ, nhân viên y tế tuyến huyện, tuyến xã. Trong công tác KCB, Trung tâm đã thực hiện điều trị bệnh cấp tính và bệnh mãn tính; đặc biệt là Trung tâm đã thực hiện tốt các kỹ thuật mổ phiên và mổ cấp tính; đồng thời thực hiện các dịch vụ kỹ thuật cao, kỹ thuật tiên tiến trong khám và điều trị bệnh như: Chạy thận nhân tạo, phẫu thuật nội soi cắt ruột thừa, nội soi đại tràng chẩn đoán và cắt Polyp đại tràng qua nội soi. Đồng chí Phạm Ngọc Hạnh, Phó Giám đốc TTYT huyện Vụ Bản chia sẻ: Với phương châm lấy người bệnh làm trung tâm, nhằm tạo thuận lợi cho người bệnh khi đi KCB, TTYT huyện đẩy mạnh cải cách TTHC, ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý, đáp ứng yêu cầu đổi mới quy trình trong công tác KCB. Thực hiện nghiêm quyết định của Bộ Y tế về đổi mới phong cách, thái độ phục vụ, hướng tới sự hài lòng của người bệnh, TTYT huyện triển khai thiết lập đường dây nóng, duy trì "hòm thư góp ý" nhằm tăng cường tiếp nhận, xử lý các ý kiến phản ánh của người bệnh về chất lượng dịch vụ KCB, làm cơ sở chấn chỉnh lề lối làm việc, tác phong và tinh thần thái độ phục vụ nhân dân của cán bộ, nhân viên Trung tâm. Năm 2023, TTYT huyện đã khám bệnh cho 61.697 lượt người, điều trị nội trú cho 7.059 lượt bệnh nhân. Hiện nay, mỗi ngày TTYT huyện đón tiếp KCB cho 350-400 bệnh nhân.
Toàn tỉnh có 10 TTYT huyện, thành phố; trong đó 9 TTYT huyện, thành phố có 3 chức năng (dự phòng, KCB, dân số), 1 TTYT có 2 chức năng (dự phòng, dân số); 1 bệnh viện đa khoa huyện, 226 trạm y tế cấp xã. Có 10 đơn vị KCB tuyến tỉnh; tổng số cán bộ y tế công lập 3.617 người (tuyến tỉnh và tuyến huyện 2.519 người; tuyến xã 1.098 người); trong đó có 1.198 bác sĩ (tuyến tỉnh và tuyến huyện có 1.030 bác sĩ; tuyến xã có 168 bác sĩ). Đội ngũ cán bộ y tế được tăng cường, trung bình toàn tỉnh có 8,57 bác sĩ/1 vạn dân, có 31 giường bệnh/1 vạn dân. Cơ sở vật chất ngành Y tế từng bước được đầu tư nâng cấp với trang bị thiết bị y tế hiện đại; thực hiện tốt việc tiếp nhận, chuyển giao các kỹ thuật mới, chuyên sâu giữa các tuyến y tế từ Trung ương đến tỉnh, huyện góp phần nâng cao chất lượng KCB cho nhân dân. Tỉnh đã triển khai thực hiện hiệu quả nhiều dự án tăng cường cơ sở vật chất và nâng cao chất lượng nhân lực y tế như: dự án hỗ trợ y tế các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ và đồng bằng sông Hồng tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Phụ sản tỉnh, Bệnh viện Nhi tỉnh, TTYT các huyện (Xuân Trường, Giao Thủy, Ý Yên); Dự án giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực y tế phục vụ cải cách hệ thống y tế tỉnh Nam Định tại tất cả các trạm y tế xã, phường, thị trấn.
Hiện nay, tại các cơ sở KCB, ngành Y tế đẩy mạnh việc thực hiện cải cách TTHC, cung cấp dịch vụ công trực tuyến, hồ sơ sức khỏe điện tử, kê đơn thuốc điện tử và sử dụng hệ thống phần mềm KCB (HIS), tiện ích VNeID tích hợp hóa đơn điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt, sử dụng Căn cước công dân gắn chíp thay thẻ BHYT khi đi KCB. Đã thực hiện liên thông dữ liệu của các cơ sở KCB trên toàn tỉnh và kết nối liên thông dữ liệu của 226 trạm y tế với hệ thống hồ sơ sức khỏe điện tử. Quản lý tốt việc KCB có BHYT, thực hiện minh bạch, công khai, không để xảy ra tình trạng trục lợi quỹ BHYT, lạm dụng kỹ thuật và thuốc chữa bệnh. Triển khai hiệu quả các biện pháp kiểm soát việc thực hiện các quy trình chuyên môn, kỹ thuật, chống lạm dụng thuốc, kỹ thuật, xét nghiệm, sử dụng kỹ thuật của các trang thiết bị xã hội hóa trong quá trình KCB; đảm bảo quyền lợi của người bệnh và cân đối quỹ BHYT toàn tỉnh. 100% các đơn vị KCB trong tỉnh đã thành lập Ban chỉ đạo “Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh”. Việc đổi mới hoạt động tại các bệnh viện, cơ sở y tế đã đem lại hiệu quả thiết thực.
Tăng cường nguồn lực chăm sóc sức khỏe nhân dân
Toàn tỉnh hiện có 1.746.728 người tham gia BHYT, đạt tỷ lệ trên 93% tổng số dân (tăng 9% so với năm 2017). Số người tham gia BHYT theo các nhóm đối tượng đều tăng qua các năm nên số lượt người KCB BHYT tại các cơ sở y tế cũng tăng. Năm 2023 có 3.038.844 lượt người KCB bằng BHYT; tổng kinh phí KCB BHYT là 1.279 tỷ đồng, chiếm 98,8% tổng kinh phí dự toán giao.
Đồng chí Trần Trung Kiên, Giám đốc Sở Y tế cho biết: Chính sách BHYT được xác định là trụ cột trong hệ thống chính sách an sinh xã hội được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm. Thực hiện Luật BHYT và Nghị quyết 21 của Bộ Chính trị về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác BHXH, BHYT, Nghị quyết số 20-NQ/TW, ngày 25-10-2017 Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới; Chỉ thị số 25-CT/TW, ngày 25-10-2023 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tiếp tục củng cố, hoàn thiện, nâng cao chất lượng hoạt động của y tế cơ sở trong tình hình mới, Sở Y tế đã phối hợp với BHXH tỉnh tăng cường các giải pháp nâng cao chất lượng KCB của người có thẻ BHYT.
Ngành Y tế chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ y tế cơ sở; tham mưu UBND tỉnh ký kết hợp tác phát triển toàn diện ngành Y tế với Bệnh viện Bạch Mai giai đoạn 2023-2028. Phối hợp với Bệnh viện Bạch Mai tổ chức khóa đào tạo “Cập nhật chẩn đoán, điều trị người bệnh hồi sức cấp cứu” cho 50 bác sĩ công tác tại các cơ sở y tế trực thuộc Sở; tổ chức 11 lớp đào tạo về hồi sức cấp cứu thông thường cho 1.300 cán bộ, nhân viên y tế; cử 5 người đi đào tạo trình độ CKII, 21 người đi đào tạo trình độ CKI, 8 người đi đào tạo trình độ thạc sĩ, 12 người đi đào tạo trình độ đại học. Ngoài ra, TTYT, Phòng y tế các huyện, thành phố cử 250-300 lượt cán bộ chuyên môn xuống các trạm y tế xã, phường, thị trấn chuyển giao kỹ thuật lâm sàng giúp các trạm y tế thực hiện công tác KCB theo quy định. Chất lượng chuyên môn của đội ngũ y, bác sĩ tại tuyến cơ sở ngày càng được nâng lên; các trạm y tế cấp xã đã thực hiện được tối thiểu 60% danh mục kỹ thuật quy định; 100% trạm y tế xã, thị trấn có nữ hộ sinh trình độ trung cấp trở lên, đảm nhận công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản. Mạng lưới y học cổ truyền tại trạm y tế được củng cố; KCB bằng phương pháp Đông y không sử dụng thuốc đạt trên 20% tổng số ca. Đến nay, có 98,7% số xã, phường, thị trấn trong tỉnh đạt tiêu chí quốc gia về y tế.
Đến nay, đã có 8 bệnh viện đa khoa, chuyên khoa và 9 TTYT huyện, thành phố (khối KCB) được UBND tỉnh giao triển khai phương án tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tài chính mức độ tự bảo đảm chi thường xuyên. Một số đơn vị sự nghiệp được giao quyền tự chủ về tài chính đã năng động thực hiện công tác xã hội hóa, đổi mới phương thức huy động vốn để tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, đổi mới trang thiết bị, tạo điều kiện mở rộng các hoạt động dịch vụ KCB. Để khắc phục khó khăn về nguồn vốn đầu tư thiết bị hiện đại phục vụ công tác KCB, một số bệnh viện đã thực hiện mô hình hợp tác theo phương thức bên liên kết đặt máy móc, trang thiết bị hiện đại tại bệnh viện, cơ sở y tế để đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng KCB cho người bệnh nói chung, người bệnh có BHYT nói riêng.
Năm 2024 và những năm tiếp theo, ngành Y tế tập trung phát triển nguồn nhân lực y tế cả về số lượng và chất lượng, phấn đấu đạt: 9 bác sĩ/1 vạn dân; trạm y tế xã có bác sĩ làm việc đạt từ 82% trở lên; xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế (chuẩn mới) đạt 99% trở lên; dân số tham gia BHYT đạt trên 93,55%. Nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của hệ thống y tế, tạo nền tảng vững chắc phát triển hệ thống y tế công bằng, hiệu quả, chất lượng và bền vững, đáp ứng các yêu cầu bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ nhân dân trong tình hình mới. Đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học công nghệ, ứng dụng kỹ thuật tiên tiến, sử dụng thiết bị y tế công nghệ cao, công nghệ thông tin trong quản lý điều hành và KCB nâng cao chất lượng điều trị. Từng bước nâng cao mức ứng dụng công nghệ thông tin theo tiêu chí Bệnh viện thông minh; thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển kỹ thuật, nâng cao chất lượng dịch vụ KCB tại các tuyến, trong đó tuyến tỉnh triển khai một số kỹ thuật như xạ trị, nội soi, kết hợp xương. Tiếp tục triển khai có hiệu quả và mở rộng thực hiện Đề án bệnh viện vệ tinh, đẩy mạnh hoạt động chỉ đạo tuyến nhằm phát triển chuyên môn kỹ thuật tại tuyến y tế cơ sở; chỉ đạo nâng cao chất lượng bệnh viện, phấn đấu tất cả cơ sở KCB đều tăng điểm chất lượng theo tiêu chí của Bộ Y tế./.
Bài và ảnh: Việt Thắng
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin