Phòng tránh hiểm nguy từ vật nuôi thả rông

08:39, 19/04/2024

Hiện nay, nhiều nơi trên địa bàn tỉnh vẫn diễn ra tình trạng thả rông gia súc, vật nuôi, không chỉ tiềm ẩn nguy cơ lây truyền dịch bệnh sang người mà còn tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn giao thông và mất vệ sinh môi trường nơi công cộng.

Vật nuôi thả rông trên phố Huy Cận (thành phố Nam Định) gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông.
Vật nuôi thả rông trên phố Huy Cận (thành phố Nam Định) gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông.

Không khó để bắt gặp trên nhiều tuyến đường từ thành thị tới nông thôn, thậm chí dọc các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ nơi có mật độ phương tiện qua lại đông đúc, vật nuôi thả rông. Tại nút giao thông từ đường S2 tới cầu Tân Phong (thành phố Nam Định), thường xuyên có một đàn bò hay đi ngang đường vào ban ngày. Nguy hiểm hơn, đàn bò này còn xuất hiện vào lúc chập tối, người điều khiển phương tiện giao thông nếu không chú ý quan sát sẽ rất nguy hiểm nếu xảy ra va chạm. Anh Trần Văn Lục, một tài xế xe tải cho biết: “Ngày nào, tôi cũng lái xe qua đoạn đường này và thường xuyên gặp đàn bò đi trên đường. Mỗi lúc như vậy, đành phải dừng xe chờ cả đàn đi qua mới dám đi tiếp”. Còn chị Lã Thị Thêu, thôn Chợ Sồng, xã Phương Định (Trực Ninh) trên đường đi chợ về nhà, trời nhập nhoạng tối đã đâm xe máy vào một con chó chạy qua đường và bị ngã. Dù chị chỉ bị trầy xước và tím ngoài da nhưng phương tiện lại bị hư hỏng nặng phải tốn khá nhiều chi phí sửa chữa. Mới đây chị Nguyễn Thị Phượng ở phường Lộc Hạ (thành phố Nam Định) đã gặp phải một vụ tai nạn giao thông khi chạy xe va vào một chú chó đang chạy rông trên đường Lưu Hữu Phước dẫn đến chấn thương chân trái. Theo nhiều người có kinh nghiệm, chó phản ứng rất mạnh sau khi bị gây tai nạn, có thể vùng dậy và chạy nhanh đi, thậm chí có trường hợp còn quay lại cắn nạn nhân, vì là chó thả rông nên đa số không thể truy trách nhiệm cho chủ nhân con vật khi nó gây ra hậu quả cho người khác. 

Ở một số nước, việc thả rông vật nuôi và gia súc, gia cầm bị cấm tuyệt đối, nếu vi phạm chủ vật nuôi sẽ bị phạt tù rất nặng và có thể bị cấm nuôi vật nuôi đó vĩnh viễn. Ở nước ta, mặc dù pháp luật đã có những quy định rõ ràng, trong đó tại khoản 2, Điều 34, Luật Giao thông đường bộ quy định: “Không được dẫn dắt súc vật đi vào phần đường dành cho xe cơ giới”. Điểm c, khoản 2, Điều 35 nêu rõ hành vi không được thực hiện là: “Thả rông súc vật trên đường bộ”. Tại Điều 7, Nghị định 144/2021/NĐ-CP ngày 31-12-2021 của Chính phủ đã quy định hành vi thả rông động vật nuôi trong đô thị, nơi công cộng, để vật nuôi xâm lấn lòng đường, vỉa hè hoặc vô tình gây thương tích, tổn hại đến sức khỏe người khác có thể bị phạt cảnh cáo từ 300-500 nghìn đồng. Trường hợp người chủ để vật nuôi gây thương tích hoặc thiệt hại tài sản cho tổ chức, cá nhân có thể bị phạt từ 1-2 triệu đồng. Nếu vật nuôi gây tổn hại cho sức khỏe người khác mà tỷ lệ tổn thương từ 31-60% thì người chủ vật nuôi có thể bị xem xét, truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 138, Bộ luật Hình sự với mức phạt cao nhất lên tới 3 năm tù. Trường hợp vật nuôi làm chết người có thể áp dụng Điều 128, Bộ luật Hình sự với mức phạt cao nhất là 10 năm tù. Bên cạnh đó, khoản 3 Điều 66 của Luật Chăn nuôi 2018 cũng quy định, chủ nuôi chó, mèo cần phải có biện pháp bảo đảm an toàn cho người và vật nuôi khác, giữ gìn vệ sinh môi trường và bảo đảm điều kiện vệ sinh thú y. Các biện pháp bảo đảm an toàn hiện nay bao gồm: Đeo rọ mõm cho chó; xích giữ chó khi ra đường. Việc xử lý các trường hợp thả rông động vật nuôi tại các nơi công cộng, làm mất cảnh quan, môi trường hoặc làm ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng người khác đã được pháp luật quy định rất cụ thể thế nhưng trên thực tế việc này như “bắt cóc bỏ đĩa” do chế tài chưa nghiêm, các cơ quan chức năng lấy tuyên truyền, vận động các hộ dân ký cam đoan, cam kết không chăn thả gia súc (trâu, bò), vật nuôi tại nơi công cộng hoặc thả rông chó, mèo ra đường mà không có người quản lý, chăn dắt…; các trường hợp tái phạm thì xử phạt vi phạm hành chính với số tiền chưa có sức răn đe, dẫn đến hiện tượng tiếp tục vi phạm pháp luật. 

Nhằm tránh những rủi ro không đáng có do vật nuôi thả rông gây ra, các địa phương cần tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân trong việc quản lý động vật cảnh, các loại gia súc, nghiêm cấm tình trạng thả rông vật nuôi, phối hợp với lực lượng chức năng tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm. Ngoài ra, cần tăng cường công tác tuyên truyền, vận động trong cộng đồng dân cư, xây dựng quy ước, hương ước làng xóm để người dân thực hiện. Đồng thời, người chủ vật nuôi cần quản lý tốt vật nuôi, hạn chế thả rông ra đường, tiêm phòng đầy đủ; người tham gia giao thông cũng nên quan sát, cần giảm tốc độ khi có động vật trên đường, tránh tai nạn đáng tiếc xảy ra./.

Bài và ảnh: Văn Huỳnh
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com