Đề án “Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030” của Thủ tướng Chính phủ đã khẳng định: “Phát triển văn hóa đọc là một trong những nội dung quan trọng của sự nghiệp phát triển văn hóa, giáo dục của đất nước”. Năm 2017, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 98/KH-UBND về việc triển khai thực hiện Đề án “Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Nam Định” với mục tiêu: “Xây dựng và phát triển thói quen, nhu cầu, kỹ năng và phong trào đọc (xuất bản phẩm in và điện tử) trong các tầng lớp nhân dân, nhất là trong thanh, thiếu niên, học sinh, sinh viên...
Học sinh Trường Tiểu học Lộc Hạ (thành phố Nam Định) đọc sách tại xe ô tô thư viện lưu động đa phương tiện của Thư viện tỉnh. |
Xác định xây dựng văn hóa đọc trong môi trường học đường là giải pháp hiệu quả góp phần nâng cao năng lực, phẩm chất cho học sinh, ngành Giáo dục và Đào tạo (GD và ĐT) tỉnh đã quan tâm xây dựng, củng cố, phát triển và nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống thư viện trường học trên địa bàn. Tuy nhiên, để hiện thực hóa các mục tiêu đề ra của Đề án “Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Nam Định”, bên cạnh sự nỗ lực của ngành GD và ĐT, cần có sự “chung tay” của các cấp, các ngành và toàn xã hội; đặc biệt là sự ủng hộ của các cơ quan, đơn vị liên quan như: thư viện, nhà xuất bản, nhà sách...
Cùng với việc đẩy mạnh phong trào “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, ngành GD và ĐT tỉnh đã chỉ đạo trường học các cấp phát huy vai trò của thư viện trong công tác giáo dục toàn diện. Hệ thống thư viện trường học được quan tâm, đầu tư xây dựng theo hướng chuẩn hóa, thân thiện và hiện đại. Các mô hình: “Thư viện thân thiện”, “Thư viện xanh”, “Tủ sách lớp học”, “Góc đọc sách ngoài trời”... được triển khai rộng khắp. Phong trào đọc, học và làm theo sách của học sinh có nhiều chuyển biến tích cực. Những năm qua, Thư viện tỉnh đã chủ động liên kết với các trường học trên địa bàn tỉnh triển khai thực hiện các giải pháp nhằm khơi dậy văn hóa đọc trong giáo viên và học sinh. Trong đó, chú trọng tuyên truyền, quảng bá về thư viện và nguồn lực thư viện; khuyến khích các trường học cấp thẻ thư viện cho giáo viên và học sinh; tổ chức “Ngày hội đọc sách” với nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa; phục vụ sách và bồi dưỡng kỹ năng đọc; tổ chức trao tặng sách; tổ chức các hoạt động tham quan, trải nghiệm tại thư viện... Phát huy vai trò của thư viện trung tâm, Thư viện tỉnh đã tích cực hỗ trợ các trường học trong quá trình xây dựng thư viện đạt chuẩn như: Tư vấn về cơ sở vật chất, trang thiết bị chuyên dụng (bàn, ghế, giá sách, kệ sách, đèn điện chiếu sáng); bố trí chỗ ngồi, góc đọc sách phù hợp; cách thức tổ chức kho sách, sắp xếp, phân loại đầu sách theo từng lứa tuổi; hướng dẫn cán bộ thư viện về kỹ thuật, chuyên môn nghiệp vụ; hỗ trợ xử lý vốn tài liệu theo chuẩn nghiệp vụ thống nhất của mạng lưới thư viện trường học; cài đặt và hướng dẫn sử dụng phần mềm ứng dụng trong công tác quản lý và hoạt động thư viện... Đến nay, 100% trường học các cấp trong tỉnh đều có thư viện trường, hơn 10 nghìn tủ sách lớp học. Bên cạnh các thư viện truyền thống với hàng nghìn đầu sách, nhiều trường đã đầu tư thư viện thông minh, thư viện điện tử hiện đại, đáp ứng nhu cầu học tập, tra cứu, tìm kiếm sách và tài liệu tham khảo của cán bộ, giáo viên và học sinh. Mỗi năm các trường học trong tỉnh đã quyên góp được số lượng lớn sách giáo khoa để tặng, cho, mượn đối với những học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Nhân Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam (21-4), Ngày Nhà giáo Việt Nam (20-11), Tuần lễ Văn hóa - Giáo dục, Thư viện tỉnh cùng với các nhà trường đã tổ chức “Ngày hội đọc sách” với nhiều hoạt động tương tác với sách thiết thực, bổ ích như: xếp sách nghệ thuật, tọa đàm giới thiệu tác giả, tác phẩm, thi kể chuyện sách, hùng biện sách, vẽ tranh theo sách, quyên góp, trao tặng sách..., tạo hứng thú, ham mê đọc sách và khơi dậy tinh thần đọc sách cho học sinh.
Thực hiện chương trình phối hợp giữa Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Sở GD và ĐT, từ năm 2007 Thư viện tỉnh đã triển khai hiệu quả công tác luân chuyển sách phục vụ tại các trường học trong tỉnh, bình quân 500 bản sách/điểm trường. Nguồn sách của Thư viện tỉnh cung cấp đã góp phần làm phong phú thêm vốn tài liệu của thư viện các trường học, phục vụ thiết thực cho việc giảng dạy, học tập, mở rộng, nâng cao kiến thức của giáo viên và học sinh. Một số trường học thực hiện việc mượn, đổi sách theo định kỳ và sử dụng hiệu quả nguồn tài liệu của Thư viện tỉnh, tiêu biểu các Trường: THCS thị trấn Cổ Lễ, THCS Trực Nội, THCS Phương Định (Trực Ninh), Tiểu học Hải Giang, Tiểu học Hải Đường (Hải Hậu)... Hoạt động đọc không chỉ được khuyến khích mà còn được đảm bảo thực hiện bằng những quy định cụ thể như Trường THPT Nguyễn Khuyến (thành phố Nam Định) yêu cầu học sinh tham gia đầy đủ các buổi thực tế tại thư viện nhà trường và quản lý hiệu quả đọc thông qua việc viết bài thu hoạch. Công tác thông tin, tuyên truyền về sách và văn hóa đọc được đẩy mạnh với nhiều hình thức sinh động, hấp dẫn như: tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề; giới thiệu, thuyết trình về sách; viết cảm nhận về sách, sân khấu hóa tác phẩm văn học...
Năm 2018, Thư viện tỉnh đã tiếp nhận xe ô tô thư viện từ Dự án “Xe ô tô thư viện lưu động đa phương tiện - Ánh sáng tri thức” của Vụ Thư viện (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch). Ngay sau khi tiếp nhận xe ô tô thư viện, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phối hợp với các sở, ngành, trường học trong tỉnh đẩy mạnh triển khai kế hoạch thực hiện Đề án “Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng và phục vụ xe ô tô thư viện lưu động”. Xe thư viện lưu động là phòng đọc thu nhỏ, được trang bị đầy đủ các trang thiết bị phục vụ nhu cầu đọc như: bàn, ghế, giá sách, đèn, quạt cùng hệ thống máy tính nối mạng internet, máy chiếu, phần mềm chuyên dụng… Vốn tài liệu trên xe phong phú gồm hơn 4.500 bản sách đủ các thể loại: sách thiếu nhi, sách hạt giống tâm hồn, sách rèn luyện kỹ năng sống, sách khám phá khoa học và đời sống... 6 năm qua, Thư viện tỉnh tổ chức hàng trăm chuyến xe ô tô thư viện lưu động phục vụ bạn đọc tại các điểm trường trên địa bàn tỉnh. Các buổi phục vụ lưu động tại các nhà trường của Thư viện tỉnh thường gắn các chủ đề như: “Ngày hội sách cho em”, “Hành trang tri thức cho em”, “Đọc sách vì ngày mai”, “Niềm tin và hy vọng”, “Tri thức và tương lai”… Mô hình xe thư viện lưu động đa phương tiện đã góp phần trang bị thêm kiến thức trong học tập, giải trí, kỹ năng sống, nâng cao vốn hiểu biết cho học sinh. Với số lượng sách phong phú, chất lượng sách tốt, hay, các em được tiếp cận tri thức dưới nhiều hình thức, như: đọc truyền thống, truy cập internet, đọc sách điện tử, sách nói, nghe nhìn qua máy chiếu… Với phương thức phục vụ này, Thư viện tỉnh đã đưa sách tới gần hơn với giáo viên và học sinh, lan tỏa giá trị của sách và khơi dậy tinh thần đọc sách.
Bằng những việc làm thiết thực, Thư viện tỉnh tuyên truyền tới các thầy, cô giáo, học sinh, các bậc phụ huynh về chức năng, vai trò của thư viện trong môi trường học đường và trong đời sống xã hội; lan tỏa đam mê đọc sách, trân trọng, yêu quý sách, góp phần bổ sung tri thức ngoài những kiến thức giảng dạy trong nhà trường cho học sinh; nâng cao ý thức, trách nhiệm trong học tập, rèn luyện đạo đức, văn hóa cho thế hệ trẻ./.
Bài và ảnh: Khánh Dũng
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin