Chuyển biến từ thực hiện các kiến nghị sau giám sát chuyên đề của HĐND tỉnh

17:30, 17/04/2024

Thời gian qua, HĐND tỉnh luôn quan tâm đổi mới nâng cao chất lượng giám sát chuyên đề của Thường trực, các Ban HĐND. Qua giám sát, các vấn đề bức xúc, nổi cộm trên một số lĩnh vực đã được các đoàn giám sát phát hiện và kiến nghị kịp thời với UBND tỉnh, các cơ quan, đơn vị xem xét và tập trung giải quyết. Các cơ quan, đơn vị chịu sự giám sát đã nghiêm túc tiếp thu các kiến nghị của HĐND, tạo sự chuyển biến tích cực trong việc tổ chức thực hiện các cơ chế, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước cũng như Nghị quyết của HĐND tỉnh.
Để nâng cao hiệu quả theo dõi, đôn đốc thực hiện nghị quyết, kết luận, kiến nghị giám sát, Thường trực HĐND và UBND tỉnh đã ký kết Quy chế phối hợp hoạt động, tăng cường phối hợp toàn diện trong các mặt công tác, trong đó có nội dung đôn đốc, giám sát việc thực hiện lời hứa của người trả lời chất vấn tại kỳ họp HĐND tỉnh và thực hiện kiến nghị sau giám sát của HĐND. Thực hiện Nghị quyết số 594/NQ-UBTVQH15 ngày 12-9-2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hướng dẫn hoạt động giám sát của HĐND, Thường trực HĐND, Ban của HĐND, Tổ đại biểu HĐND và đại biểu HĐND, Thường trực HĐND tỉnh đã ban hành văn bản đề nghị UBND tỉnh; các sở, ban, ngành của tỉnh; HĐND, UBND các huyện, thành phố; các cơ quan, đơn vị chịu sự giám sát và các tổ chức, cá nhân khác có liên quan thực hiện chế độ báo cáo định kỳ về thực hiện kiến nghị giám sát trước kỳ họp thường lệ hàng năm. Bên cạnh đó, Thường trực HĐND, các Ban HĐND tỉnh luôn chú trọng nâng cao chất lượng các kết luận, kiến nghị các chuyên đề giám sát, bảo đảm chuẩn xác, đúng pháp luật, nội dung kiến nghị cụ thể đúng phạm vi thẩm quyền, trách nhiệm của đối tượng chịu giám sát. Đối với một số kết luận, kiến nghị đòi hỏi phải có biện pháp khắc phục, điều chỉnh ngay, Thường trực, các Ban HĐND có ý kiến yêu cầu các đơn vị khẩn trương thực hiện; những kiến nghị đòi hỏi phải có thời gian, nguồn lực hoặc nhiều cơ quan phối hợp thực hiện, cần tạo điều kiện để cơ quan, đơn vị chịu sự giám sát có thời gian thực hiện, nhưng cũng cần quy định rõ mốc thời gian thực hiện. 

Các đồng chí: Nguyễn Phùng Hoan, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; Mai Thanh Long, TUV, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh và các đại biểu HĐND tỉnh khảo sát việc quản lý, sử dụng đất của các dự án sản xuất, kinh doanh ngoài khu, cụm công nghiệp ở xã Yên Ninh (Ý Yên).
Các đồng chí: Nguyễn Phùng Hoan, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; Mai Thanh Long, TUV, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh và các đại biểu HĐND tỉnh khảo sát việc quản lý, sử dụng đất của các dự án sản xuất, kinh doanh ngoài khu, cụm công nghiệp ở xã Yên Ninh (Ý Yên).

Sau khi nghị quyết, kết luận giám sát được thông qua, Thường trực, các Ban HĐND tỉnh phân công cụ thể Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh, các Ban và các đại biểu HĐND, nhất là đại biểu HĐND ứng cử tại đơn vị thường xuyên theo dõi các cơ quan chịu sự giám sát trong thực hiện các kết luận sau giám sát. Đối với những nội dung kiến nghị chậm được thực hiện hoặc thực hiện không đến nơi, đến chốn, Thường trực, các Ban HĐND tỉnh tiếp tục tái giám sát; những vấn đề quan trọng, phức tạp, kéo dài xem xét để đưa ra chất vấn, giải trình tại phiên họp của Thường trực HĐND, kỳ họp thường lệ HĐND nhằm làm rõ trách nhiệm các cơ quan liên quan, để những vấn đề chưa được thực hiện phải được giải quyết dứt điểm. Trước các phiên họp thường lệ, Thường trực HĐND tỉnh tổ chức các phiên họp giám sát báo cáo kết quả giải quyết kiến nghị của cử tri, trả lời chất vấn và kiến nghị sau giám sát chuyên đề của HĐND tỉnh để UBND tỉnh, các sở, ngành, địa phương giải trình, làm rõ những nội dung đã làm được, những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện các nội dung giám sát của HĐND tỉnh. 

Với nhiều giải pháp tích cực, việc thực hiện kiến nghị sau các cuộc giám sát chuyên đề đã được các cơ quan, đơn vị chịu sự giám sát tích cực chỉ đạo, đề ra các giải pháp cần thiết để thực hiện, thể hiện rõ trách nhiệm với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao. Đơn cử như sau giám sát chuyên đề “Việc quản lý, sử dụng đất của các dự án đầu tư sản xuất, kinh doanh ngoài khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Nam Định giai đoạn 2016-2022”, HĐND tỉnh kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành và UBND các huyện, thành phố khắc phục những tồn tại, hạn chế trong quản lý, sử dụng đất các dự án đầu tư sản xuất, kinh doanh ngoài khu, cụm công nghiệp. Thực hiện kiến nghị trên, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm túc Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về chấn chỉnh, tăng cường công tác quản lý đất đai và xây dựng hệ thống thông tin đất đai; Nghị quyết số 17-NQ/TU, Kết luận số 43-KL/TU của BCH Đảng bộ tỉnh về tăng cường lãnh đạo công tác quản lý Nhà nước về đất đai trên địa bàn tỉnh và các văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh. Yêu cầu các sở, ngành và UBND các huyện, thành phố chủ động nghiên cứu các văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành tham mưu UBND tỉnh trong công tác quản lý các dự án đầu tư bằng nguồn vốn ngoài ngân sách theo đúng quy định; chủ động phòng ngừa, phát hiện và xử lý hành vi vi phạm pháp luật. Chỉ đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương có liên quan rà soát quy trình, thủ tục về đầu tư, kịp thời chấn chỉnh thực hiện theo đúng quy định của pháp luật; nâng cao chất lượng thẩm định đối với các dự án đầu tư thuộc thẩm quyền quyết định của UBND tỉnh... Giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp cùng các đơn vị có liên quan xây dựng và tổ chức theo dõi, đôn đốc đối với các dự án chậm tiến độ; tham mưu UBND tỉnh phương án xử lý đối với các dự án mà những nhà đầu tư không đủ năng lực tài chính, không hoặc chậm triển khai dự án đầu tư theo đúng quy định của pháp luật. Đồng thời giao Sở Kế hoạch và Đầu tư, Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh phối hợp với các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố tổ chức kiểm tra, giám sát, đánh giá các dự án đầu tư, cập nhật tiến độ triển khai thực hiện các dự án đã được giao đất, cho thuê đất ngoài khu, cụm công nghiệp. Kết quả đã kiểm tra giám sát theo kế hoạch đối với 34 dự án (trong đó có 25 dự án thuộc danh mục 178 dự án giai đoạn 2016-2022); kiểm tra giám sát đánh giá đầu tư 67/178 dự án. Qua kiểm tra, giám sát, đã đề xuất UBND tỉnh chấm dứt, thu hồi 4 dự án; thực hiện thủ tục điều chỉnh 42/67 dự án được kiểm tra giám sát; ban hành 46 quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư đối với các dự án chậm tiến độ, đầu tư không đúng theo Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư... Chỉ đạo Sở Xây dựng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND các huyện, thành phố kiểm tra, rà soát đối với các dự án chưa được cấp phép xây dựng và có giải pháp xử lý theo quy định đối với các trường hợp xây dựng công trình không phép, sai phép, vi phạm quy hoạch theo thẩm quyền và phân cấp. Kết quả, Sở Xây dựng đã phối hợp với UBND các huyện, thành phố tiến hành kiểm tra 44 dự án ngoài khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Nam Định giai đoạn 2016-2022 chưa được cấp phép xây dựng và có giải pháp xử lý theo quy định đối với các trường hợp xây dựng công trình không phép, sai phép, vi phạm quy hoạch theo thẩm quyền và phân cấp. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với UBND các huyện, thành phố và các đơn vị có liên quan kiểm tra, rà soát 23 dự án sử dụng đất bãi ven sông trong 206 dự án sản xuất, kinh doanh ngoài khu, cụm công nghiệp giai đoạn 2016-2022...

Từ năm 2023 đến nay, Thường trực HĐND, các Ban HĐND tỉnh đã thực hiện 9 chuyên đề giám sát, trong đó có 7 chuyên đề đã thực hiện xong. Sau giám sát đã ban hành gần 150 kiến nghị đối với UBND tỉnh và các cơ quan, đơn vị chịu sự giám sát. Đến nay, các kiến nghị giám sát đều đã được UBND tỉnh và các cơ quan, đơn vị chịu sự giám sát triển khai, tổ chức thực hiện và đạt được những kết quả tích cực, góp phần tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh./.

Bài và ảnh: Văn Trọng
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com