Những ngày này, cùng với việc nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ năm học, ngành Giáo dục và Đào tạo (GD và ĐT), các nhà trường đang tích cực triển khai công tác phân luồng, hướng nghiệp cho học sinh lớp 9 và lớp 12, nhằm giúp mỗi gia đình, học sinh nhận biết khả năng, định hướng nghề nghiệp, chọn đúng ngành nghề, hướng đi phù hợp năng lực, sở trường và nhu cầu lao động xã hội. Như vậy hướng nghiệp tốt sẽ giúp việc phân luồng học sinh hiệu quả.
Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông tư vấn tuyển sinh cho học sinh các trường THPT của thành phố Nam Định và huyện Mỹ Lộc. |
Chọn ngành nghề phù hợp năng lực và nhu cầu xã hội
Việc phân luồng, hướng nghiệp học sinh lớp 9 THCS và học sinh lớp 12 THPT đang được ngành GD và ĐT và các nhà trường đặc biệt quan tâm. Bởi đây được coi là giải pháp căn bản giúp mỗi gia đình, học sinh tự nhận biết sát thực khả năng của mình, chọn đúng ngành nghề, hướng đi phù hợp với năng lực, sở trường và nhu cầu lao động xã hội, khắc phục tình trạng chọn nhầm nghề hay “thừa thầy, thiếu thợ” của thị trường lao động.
Tại các trường THCS, các nhà trường đang tích cực triển khai các giải pháp nhằm hướng nghiệp cho học sinh, phát triển giáo dục nghề nghiệp (GDNN), góp phần nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực và giảm tải đào tạo cho bậc THPT. Các trường bố trí giáo viên tham gia công tác giáo dục hướng nghiệp (GDHN) và tư vấn nghề cho học sinh lớp 9. 100% trường THCS của tỉnh đều thực hiện nội dung giảng dạy về GDHN theo quy định; đồng thời, phối hợp các Trung tâm GDNN - Giáo dục thường xuyên (GDTX), các trường nghề trong tỉnh tổ chức các hoạt động ngoại khóa, tham quan, trải nghiệm ngành nghề để tư vấn hướng nghiệp trực tiếp cho học sinh... Thầy giáo Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Trường THCS Nghĩa Hải (Nghĩa Hưng) chia sẻ: Nhà trường đã bố trí giáo viên tham gia công tác GDHN và tư vấn học nghề cho học sinh lớp 9; đồng thời thực hiện nghiêm túc nội dung giảng dạy về GDHN theo quy định, tiếp cận Chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) 2018. Trường phối hợp các Trung tâm GDNN-GDTX, các trường dạy nghề trong tỉnh tổ chức tư vấn hướng nghiệp cho học sinh thông qua các hoạt động ngoại khóa, tham quan, trải nghiệm tại các trường dạy nghề, các doanh nghiệp. Hàng năm trường có hơn 72% học sinh tốt nghiệp THCS vào học các trường THPT của huyện; hơn 21% số học sinh tốt nghiệp THCS đăng ký học ở các trung tâm GDTX và học nghề. Năm học 2022-2023, trường có hơn 72% học sinh tốt nghiệp THCS đăng ký thi vào THPT công lập, hơn 20 học sinh chọn đi học tại các trường trung cấp nghề và các trung tâm dạy nghề trong, ngoài tỉnh. Năm học này, trường có 173 học sinh lớp 9. Cả 173 em đã đăng ký dự xét tốt nghiệp THCS. Ngay từ đầu năm học, nhà trường đã nghiêm túc thực hiện chương trình GDHN theo quy định cho học sinh; đồng thời tư vấn, định hướng cho cha mẹ học sinh tại cuộc họp đầu năm học về năng lực và các phẩm chất của con em mình; từng bước tiến hành phân luồng sau những bài thi khảo sát của Phòng GD và ĐT huyện. Vào trung tuần tháng 5-2024, trường sẽ phối hợp các trường THPT trong huyện, trung tâm GDTX và dạy nghề trong tỉnh tư vấn, định hướng cho học sinh lựa chọn hướng đi tiếp sau khi tốt nghiệp phù hợp với sở thích, năng lực bản thân.
Tại các trường THPT, công tác GDHN, dạy nghề được tổ chức thực hiện theo đúng quy định. Học sinh khối 11 được học nghề phổ thông và cấp chứng chỉ học nghề theo chương trình của Bộ GD và ĐT. Các trường tổ chức tư vấn chọn ngành nghề phù hợp thông qua các tiết học, qua sinh hoạt lớp, các chuyên đề đầu tuần, các buổi hội thảo. Học sinh khối 11, 12 được tham gia ngày hội hướng nghiệp hàng năm, tham gia Hội thảo “Đồng hành cùng học sinh khối 12 và phụ huynh học sinh trong kỳ thi tốt nghiệp THPT”; tham gia cuộc thi hướng nghiệp “Hiểu mình - Hiểu nghề - Sáng tương lai”; xây dựng các video giới thiệu về nhóm ngành nghề lựa chọn của học sinh khối 11 và học sinh khối 12. Các nhà trường còn phối hợp với Trung tâm GDNN của Trung ương Đoàn tổ chức thành công Ngày hội hướng nghiệp với chủ đề “Hiểu đúng mình - Chọn đúng nghề - Làm đúng niềm đam mê” cho học sinh. Đồng thời phối hợp với các đơn vị tổ chức hiệu quả chương trình hướng nghiệp lồng ghép với hoạt động tư vấn du học cho học sinh khối 12.
Thầy giáo Trần Mạnh Chiến, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Bính (Vụ Bản) cho biết: Năm học 2023-2024, trường có 6 lớp 12 với tổng số 243 học sinh. Các hoạt động hướng nghiệp đã và đang được trường triển khai cho khối 12 nằm trong chương trình hướng nghiệp do Bộ GD và ĐT quy định xuyên suốt từ tháng 9-2023 đến tháng 5-2024 với các chủ đề, nội dung hoạt động và số tiết theo quy định gồm: Định hướng phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và địa phương; Những điều kiện để thành đạt trong nghề; Tìm hiểu hệ thống đào tạo Trung cấp chuyên nghiệp và dạy nghề của Trung ương và địa phương; Tìm hiểu hệ thống đào tạo đại học và cao đẳng; Tư vấn chọn nghề; Thanh niên lập thân, lập nghiệp; Hướng dẫn học sinh chọn nghề và làm hồ sơ tuyển sinh; Tổ chức tham quan hoặc hoạt động theo chủ đề hướng nghiệp. Hiện tại, căn cứ nguyện vọng học sinh, trường dự kiến có khoảng 160/243 học sinh lớp 12 học tiếp lên đại học (tỷ lệ 66%); 60/243 học sinh (25%) học các ngành nghề khác như: Nấu ăn, cắt tóc, spa, cơ khí; 23 học sinh có xu hướng làm việc tự do hoặc học tiếng tìm cơ hội đi làm hoặc vừa học vừa làm ở nước ngoài...
Chú trọng phân luồng, hướng nghiệp học sinh phổ thông
Đánh giá đúng tầm quan trọng của công tác hướng nghiệp, phân luồng học sinh, UBND tỉnh chỉ đạo ngành GD và ĐT thực hiện tốt công tác này. Đặc biệt, thực hiện Đề án “GDHN và định hướng phân luồng học sinh trong GDPT giai đoạn 2018-2025” của Thủ tướng Chính phủ (Quyết định số 522/QĐ-TTg ngày 14-5-2018), UBND tỉnh đã xây dựng Đề án “GDHN và định hướng phân luồng học sinh trong GDPT tỉnh Nam Định giai đoạn 2018-2025” và Kế hoạch thực hiện Đề án với mục tiêu đến năm 2025: Phấn đấu 100% trường THCS và THPT có chương trình GDHN gắn với sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của địa phương; Phấn đấu 100% trường THPT có giáo viên kiêm nhiệm làm nhiệm vụ tư vấn hướng nghiệp đáp ứng yêu cầu về chuyên môn, nghiệp vụ; Phấn đấu ít nhất 45% học sinh tốt nghiệp THPT tiếp tục học tập tại các cơ sở GDNN đào tạo trình độ cao đẳng. Thực hiện Đề án, ngay từ đầu các năm học, Sở GD và ĐT đã ban hành các văn bản hướng dẫn nhiệm vụ giáo dục trung học, trong đó nhấn mạnh các cơ sở giáo dục tăng cường các hoạt động hướng nghiệp; tổ chức các hoạt động sáng tạo, trải nghiệm khoa học cho học sinh nhằm củng cố kiến thức, rèn luyện kỹ năng cho học sinh; tăng cường các hoạt động hướng nghiệp qua các hình thức trải nghiệm, phối hợp với các doanh nghiệp, các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn tổ chức hướng nghiệp phân luồng cho học sinh thông qua các hoạt động: nghiên cứu khoa học, giáo dục STEM; tổ chức Ngày hội STEM và Cuộc thi Khoa học kỹ thuật; xây dựng hướng dẫn giảng dạy hoạt động GDHN. Các nhà trường đều xây dựng kế hoạch, hướng dẫn giáo viên xây dựng chương trình, biên soạn tài liệu GDHN có nội dung tích hợp sát thực tiễn, gắn với hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của địa phương; phối hợp với ngành Lao động - Thương binh và Xã hội và các cơ quan truyền thông tổ chức tuyên truyền rộng rãi tới học sinh, phụ huynh học sinh và nhân dân trên địa bàn về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc GDHN, phân luồng học sinh phổ thông; phối hợp các cơ sở đào tạo nghề, doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn xây dựng chương trình, tài liệu và đánh giá kết quả GDHN đáp ứng nhu cầu thị trường lao động; tổ chức cho học sinh trải nghiệm thực tế tại các cơ quan, công sở, cơ sở sản xuất, kinh doanh, trường học; tổ chức ngày hội tư vấn hướng nghiệp, thi tìm hiểu về nghề nghiệp..., giúp các em có hiểu biết, hình thành định hướng về nghề nghiệp. Do vậy, những năm học gần đây, trung bình hàng năm tỷ lệ học sinh của tỉnh tốt nghiệp THPT không đi học tiếp đại học, cao đẳng và có bằng đào tạo nghề là 14,4-15% trong tổng số 20%. 100% học sinh lớp 11 được học nghề theo quy định. Năm 2023, Sở GD và ĐT tổ chức an toàn và hiệu quả kỳ thi Nghề phổ thông với 7.270/7.296 thí sinh dự thi được cấp chứng nhận Nghề phổ thông. Thống kê sau kỳ tuyển sinh lớp 10 THPT năm học 2023-2024, có khoảng 73% học sinh THCS vào THPT.
Tuy nhiên, nếu so sánh với mục tiêu Đề án “GDHN và định hướng phân luồng học sinh trong GDPT giai đoạn 2018-2025” của Chính phủ và Đề án “GDHN và định hướng phân luồng học sinh trong GDPT tỉnh Nam Định giai đoạn 2018-2025” với mục tiêu đến năm 2025: “Phấn đấu ít nhất 40% học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục học tập tại các cơ sở GDNN đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp; Phấn đấu ít nhất 45% học sinh tốt nghiệp THPT tiếp tục học tập tại các cơ sở GDNN đào tạo trình độ cao đẳng”, thì ngành GD và ĐT và các ngành liên quan cần nỗ lực hơn nữa trong việc thực hiện mục tiêu trên, trong khi vấn đề “hậu phân luồng” vẫn còn nhiều trở ngại. Vấn đề đặt ra là, công tác tư vấn, hướng nghiệp, phân luồng học sinh các trường phổ thông cần phải được quan tâm từ rất sớm, cần được đẩy mạnh với các giải pháp thực hiện hiệu quả hơn nữa, nhằm giúp học sinh chọn đúng hướng con đường tiếp tục học tập hoặc lựa chọn ngành, nghề phù hợp năng lực, sở trường, điều kiện, hoàn cảnh gia đình và sở thích bản thân, đáp ứng nhu cầu lao động xã hội./.
Bài và ảnh: Minh Thuận
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin