Đổi mới hoạt động các Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên

08:18, 11/04/2024

Thực hiện song song hai nhiệm vụ giáo dục thường xuyên (GDTX) và hướng nghiệp, đào tạo nghề, những năm qua, các trung tâm Giáo dục nghề nghiệp (GDNN) - GDTX trên địa bàn tỉnh hoạt động ngày càng hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng các yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Lớp học nghề may công nghiệp tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Trực Ninh.
Lớp học nghề may công nghiệp tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Trực Ninh.

Được đánh giá là một trong những đơn vị đi đầu về hiệu quả hoạt động ở cả lĩnh vực giáo dục văn hóa và đào tạo nghề, Trung tâm GDNN-GDTX huyện Trực Ninh hiện có 12 lớp với trên 400 học sinh. Trong công tác GDTX, nhiều năm liên tục, Trung tâm luôn đứng trong tốp dẫn đầu toàn tỉnh về chất lượng thi học sinh giỏi các môn văn hóa, thi tốt nghiệp THPT và giáo viên dạy giỏi khối GDTX. Kết quả tuyển sinh đầu vào lớp 10 hàng năm luôn vượt chỉ tiêu được giao, học sinh đỗ tốt nghiệp THPT luôn đạt tỷ lệ từ 98% trở lên; trong đó có nhiều em đỗ vào các trường cao đẳng, đại học với số điểm cao. Công tác đào tạo nghề gắn với phương pháp, chương trình giảng dạy theo phương châm “lý thuyết đi đôi với thực hành”, thích ứng nhanh với sự thay đổi của thị trường lao động, giúp các học viên dễ hiểu, dễ áp dụng những kiến thức, kỹ năng vào thực tế để tìm kiếm việc làm. Anh Nguyễn Đức, cựu học viên Trung tâm cho biết: “Khi tôi đang học cuối cấp THCS, theo lực học và điều kiện gia đình, bố mẹ tôi đã định hướng cho tôi học nghề kết hợp học văn hóa tại Trung tâm GDNN-GDTX Trực Ninh. Tại đây ngoài học văn hóa bậc THPT, tôi đã được đăng ký học nghề sửa chữa ô tô. Sau khi học xong, tôi đã tìm được công việc phù hợp tại một xưởng sửa chữa ô tô trên địa bàn thành phố Nam Định. Mỗi năm cũng cho thu nhập khoảng trên 100 triệu đồng, đủ để đảm bảo cuộc sống”. Những năm gần đây, công tác giáo dục văn hóa kết hợp đào tạo nghề tại trung tâm đã phát huy được hiệu quả rõ rệt. Học viên thực hiện được “mục tiêu kép” vừa tốt nghiệp THPT, vừa có nghề trong tay để làm việc, từng bước phát triển kinh tế. Ngoài ra, trung tâm đã phối hợp mở các lớp dạy nghề ngắn hạn cho lao động nông thôn với các nghề may công nghiệp và chăm sóc, cắt tỉa, uốn cây cảnh… đã tạo cơ hội cho người lao động có điều kiện nâng cao kiến thức, từ đó, giúp họ tự tin phát triển kinh tế gia đình, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, giảm tỉ lệ hộ nghèo ở địa phương.

Đối với Trung tâm GDNN-GDTX huyện Mỹ Lộc, để hoàn thành tốt các mục tiêu đề ra, hàng năm, trước khi bước vào năm học mới, Ban giám đốc Trung tâm đã xây dựng kế hoạch tuyển sinh, triển khai thực hiện các giải pháp như: Phối hợp chặt chẽ với Ban giám hiệu các trường THCS trên địa bàn để tư vấn, phân luồng học sinh lớp 9, tuyên truyền tuyển sinh lớp 10 hệ GDTX cấp THPT; tăng cường tuyên truyền trên phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội, qua các thế hệ học sinh của trung tâm... nhằm thông tin kịp thời về quyền lợi và nghĩa vụ khi học sinh vào học tại trung tâm. Ngoài ra, xác định chất lượng dạy và học là yếu tố quan trọng để thu hút học sinh, Trung tâm đã tích cực hưởng ứng cuộc vận động, các phong trào thi đua của ngành Giáo dục phát động; chỉ đạo các tổ chuyên môn và giáo viên chủ động xây dựng kế hoạch dạy học theo định hướng phát triển năng lực học sinh, chú trọng việc duy trì nền nếp trong mỗi buổi học, tăng cường giáo dục kỹ năng sống; thực hiện thi, kiểm tra và đánh giá kết quả giáo dục theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực của học sinh, giúp các em vững kiến thức, kỹ năng cơ bản, tự tin khi tham gia kỳ thi tốt nghiệp... Tỷ lệ tốt nghiệp của học viên hàng năm đều đạt 100%. Bên cạnh đó, trung tâm tích cực triển khai công tác tư vấn hướng nghiệp cho học viên ngay từ khi vào Trung tâm thông qua nhiều hình thức như sinh hoạt ngoại khóa, lồng ghép qua từng môn học, giới thiệu cho học viên tìm hiểu một số ngành nghề và xu thế phát triển trong tương lai... nhằm mục đích bồi dưỡng, hướng dẫn học viên lựa chọn được ngành nghề phù hợp với năng lực bản thân và xu thế phát triển của xã hội. Hàng năm, Trung tâm liên kết với các trường cao đẳng trên địa bàn tỉnh để đào tạo nghề cho học viên khối 10, 11. Các học viên của Trung tâm sau khi ra trường đều có bằng trung cấp nghề và có thể học liên thông lên hệ cao đẳng hoặc có thể đi làm. Đến nay, đã có khoảng hơn 80% học sinh sau khi tốt nghiệp được các công ty, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh nhận vào làm việc với mức thu nhập ổn định. Số còn lại đều áp dụng kiến thức được học để nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp; đầu tư các cửa hàng dịch vụ; mở rộng quy mô trang trại trồng trọt, chăn nuôi... từng bước phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu ở địa phương.

Toàn tỉnh hiện có 2 Trung tâm GDTX cấp tỉnh và 9 Trung tâm GDNN-GDTX cấp huyện. Sau thời gian chuyển đổi, các Trung tâm GDNN-GDTX trong tỉnh đều đã ổn định và phát huy hiệu quả bước đầu về một mô hình đào tạo mới. Hầu hết các Trung tâm đã chủ động xây dựng lộ trình, kế hoạch cụ thể về những bước đi trong thời gian tới, đặc biệt là có sự chủ động trong việc tìm hiểu nhu cầu học nghề của người lao động nông thôn. Tích cực đổi mới phương pháp đào tạo, mở rộng chương trình liên kết, hợp tác với các đơn vị và doanh nghiệp, cơ sở sản xuất để giải quyết việc làm cho người lao động. Các đơn vị đã phối hợp hiệu quả với các trường THCS, THPT và chính quyền địa phương thực hiện tốt công tác phân luồng, tư vấn hướng nghiệp cho học sinh. Đồng thời, chủ động đổi mới phương pháp giảng dạy theo hướng phát triển năng lực để tạo sự hứng thú, phát huy tính chủ động, sáng tạo và tự học, giúp học sinh vững kiến thức, kỹ năng cơ bản, tự tin khi tham gia kỳ thi tốt nghiệp. Hàng năm, bên cạnh việc dạy văn hóa, dạy nghề cho khoảng 6.000 học sinh, 6 trung tâm GDTX, GDNN-GDTX còn liên kết dạy văn hóa chương trình GDTX cấp THPT cho 5 trường cao đẳng nghề trên địa bàn tỉnh với tổng số 3.138 học viên. Việc dạy văn hóa kết hợp dạy nghề ở các trung tâm GDNN-GDTX được coi là giải pháp quan trọng nhằm nâng cao hiệu quả phân luồng học sinh sau THCS, giúp các em có được hai bằng sau khi tốt nghiệp. Qua đó, từng bước đáp ứng nguồn nhân lực cho mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội ở mỗi địa phương, để nhiều lao động nông thôn “ly nông không ly hương”, có được việc làm với mức thu nhập khá, góp phần ổn định cuộc sống.

Tuy nhiên, để nâng cao hơn nữa chất lượng dạy và học ở các trung tâm GDNN-GDTX cũng cần sự vào cuộc quyết liệt, mạnh mẽ hơn nữa của chính quyền địa phương, sự phối hợp chặt chẽ của các ban, ngành liên quan trong tỉnh để phát huy tối đa hiệu quả hoạt động của các trung tâm. Cùng với đó, chính quyền các cấp, ngành chức năng cần quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, nguồn nhân lực bảo đảm, phù hợp với hoạt động của cả hai hình thức học là GDTX và dạy nghề. Đặc biệt, đối với mỗi trung tâm cần phải tích cực đổi mới phương pháp giảng dạy, đào tạo; chủ động tìm hiểu nhu cầu học nghề của người lao động, mở rộng chương trình liên kết, hợp tác với các đơn vị và doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, quan tâm đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên, qua đó nâng cao chất lượng công tác dạy nghề và GDTX đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội địa phương nói riêng và của tỉnh nói chung./.

Bài và ảnh: Hồng Minh
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com