Phát huy vai trò nhà trường trong phòng ngừa tội phạm tuổi vị thành niên - "Dạy trẻ từ thuở còn thơ"

08:39, 22/03/2024

Đầu tháng 1 năm nay, trên địa bàn tỉnh diễn ra 2 vụ án nghiêm trọng mà đối tượng phạm tội đều ở tuổi vị thành niên. 2 vụ việc xảy ra trong thời gian ngắn đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng phạm tội trong thanh, thiếu niên xuất phát chỉ từ những mâu thuẫn nhỏ nhặt trong sinh hoạt đời thường nhưng tìm cách giải quyết mâu thuẫn manh động, cực đoan, sử dụng vũ lực và các hung khí tự chế nguy hiểm như vỏ chai bia thủy tinh, gạch đá, gậy gỗ, gậy sắt... Hậu quả là người phải nhập viện, người vướng vòng lao lý.

Công an huyện Hải Hậu tuyên truyền về phòng ngừa tội phạm và các tệ nạn xã hội cho học sinh các trường THCS trên địa bàn huyện.
Công an huyện Hải Hậu tuyên truyền về phòng ngừa tội phạm và các tệ nạn xã hội cho học sinh các trường THCS trên địa bàn huyện.

Khoảng 22h30 ngày 5-1, người trực đường dây nóng Công an huyện Xuân Trường nhận tin trình báo của quần chúng nhân dân về việc “tại trục đường 21B thuộc địa phận xóm 4, xã Xuân Ninh có một thiếu niên khoảng 16 tuổi bị thương tích nặng tại vùng đầu, chảy nhiều máu, nằm bất tỉnh”, nạn nhân đã được một xe cứu thương chạy qua đưa đi cấp cứu. Quá trình điều tra, xác minh được biết, nạn nhân sinh năm 2009, trú tại xóm 2, xã Trực Đại (Trực Ninh). 3 thanh, thiếu niên đi cùng nạn nhân sinh năm 2004, 2008 và 2009, đều trú tại xã Trực Đại. Qua khai thác nhân chứng vụ án được biết, tối 5-1, bốn thanh, thiếu niên này rủ nhau sang các huyện Hải Hậu, Giao Thủy, Xuân Trường chơi, nhưng lại chuẩn bị một balo vải màu đen và lấy 11 vỏ chai bia thủy tinh giấu vào balo để mang theo với mục đích khi gặp nhóm thanh niên các huyện khác sẽ gây sự đánh nhau, ném vỏ chai bia đe dọa. 4 thanh, thiếu niên chở nhau trên 2 xe máy không biển kiểm soát, không đội mũ bảo hiểm, phóng xe đến khu vực Quất Lâm (Giao Thủy) nhưng không gặp nhóm thanh niên nào nên cả nhóm bàn nhau sang huyện Xuân Trường. Khoảng 21h30, cả nhóm đến khu vực trung tâm huyện và điều khiển xe với tốc độ cao lạng lách, đánh võng, nẹt pô ầm ĩ để gây chú ý. Trong lúc lạng lách, nhóm thanh, thiếu niên huyện Trực Ninh đã tạt đầu xe máy 2 thanh niên huyện Xuân Trường và 2 nhóm đã rượt đuổi, tạt đầu xe qua lại. Đến khu vực vòng xuyến chân cầu Lạc Quần, 2 thanh niên ở huyện Xuân Trường dừng xe bên lề đường để nhặt 3 viên gạch bê tông rồi tiếp tục rượt đuổi nhóm thanh, thiếu niên huyện Trực Ninh. Sau đó, 2 nhóm xảy ra hỗn chiến bằng gạch và vỏ chai bia thủy tinh. Kết quả, một thanh niên bị gạch ném trúng đầu. Thời điểm đó có một xe cứu thương chạy qua bắt gặp và chở thanh niên này đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Hải Hậu. Nạn nhân sau đó phải chuyển tuyến lên Bệnh viện Việt Đức do thương tích nặng tại vùng đầu.

Sau đó 2 ngày, chiều 7-1, một nam sinh lớp 12 ở huyện Nam Trực bị nhóm thanh, thiếu niên ở độ tuổi 15 đến 18 cùng trú tại huyện đánh tử vong. Theo kết quả điều tra vụ việc bước đầu, xuất phát từ mâu thuẫn với nam sinh nạn nhân từ trước đó, khoảng 16h ngày 7-1, tại khu vực Ao xanh, Cụm công nghiệp Đồng Côi, thị trấn Nam Giang (Nam Trực), 2 nhóm thanh, thiếu niên hẹn gặp nhau để giải quyết mâu thuẫn. Một nhóm gồm 9 thanh, thiếu niên khác; Nhóm còn lại có 2 người là N.A.T (18 tuổi, học sinh lớp 12, Trường THPT Nam Trực) và bạn. Tại đây 2 nhóm không giải quyết được mâu thuẫn bằng đối thoại nên nhóm của Đ. đã dùng gậy gỗ nhặt bên đường và một gậy sắt mang theo đánh T. bị thương ở tay và vùng đầu, gây chấn thương hộp sọ. Tất cả các hình ảnh quá trình diễn ra vụ việc đã được camera an ninh của nhà dân ở xung quanh ghi lại. T. sau đó được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh nhưng đã tử vong vào tối cùng ngày. Ngày T. bị đánh tử vong là chủ nhật, T. không đến trường.

Ngay sau khi các vụ việc xảy ra, lực lượng Công an đã triển khai nhiều giải pháp quyết liệt như điều tra, khảo sát, lập danh sách những thanh, thiếu niên có nguy cơ vi phạm pháp luật và phối hợp gia đình cùng các ban, ngành, đoàn thể theo dõi, quản lý, giáo dục, phòng ngừa vi phạm; tăng cường tuần tra, kiểm soát địa bàn; gặp gỡ, răn đe, tuyên truyền kiến thức pháp luật; tham mưu Ban Chỉ đạo 138 huyện triển khai mô hình “Quản lý, giáo dục thanh, thiếu niên hư có biểu hiện, nguy cơ vi phạm pháp luật”. Các nhà trường tổ chức tuyên truyền, giáo dục học sinh thực hiện nghiêm túc các quy định pháp luật về an ninh, trật tự, an toàn; không tham gia các tệ nạn xã hội; phòng, chống bạo lực học đường. Tại Trường THPT Nam Trực, nhà trường đã phối hợp Công an huyện Nam Trực kiểm tra đột xuất việc thực hiện quy định về an toàn, an ninh trật tự tại một số lớp học; lập danh sách những học sinh dễ bị dụ dỗ, lôi kéo gửi về Công an các xã, thị trấn; chỉ đạo giáo viên chủ nhiệm thường xuyên liên lạc, phối hợp phụ huynh quản lý, giáo dục con em; yêu cầu Đoàn trường và Tổ quản sinh tăng cường công tác kiểm tra trước và sau các giờ học, kiểm tra đột xuất các giờ học về việc thực hiện nền nếp, nội quy của học sinh; chú trọng công tác giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho học sinh; triển khai các chỉ đạo của Trung ương, tỉnh, ngành về phòng, chống tội phạm (PCTP) xâm hại trẻ em và PCTP vi phạm pháp luật liên quan đến người dưới 18 tuổi.

Theo tổng hợp của cơ quan chức năng, tình trạng tội phạm trẻ hóa trên toàn quốc cũng như ở địa bàn tỉnh có chiều hướng gia tăng, trong đó xuất hiện cả những hành vi phạm tội đặc biệt nghiêm trọng, gây nhiều hệ lụy cho cộng đồng. Nếu trước đây, trẻ vị thành niên chủ yếu vi phạm các tội như: trộm cắp, gây rối trật tự công cộng, thì hiện nay, các hành vi phạm tội đang ngày càng nghiêm trọng hơn với các tội danh như cướp tài sản, giết người, buôn bán, sử dụng ma túy, hoặc các hành vi xâm hại, bạo lực... Điều đáng chú ý, có khi chỉ vì lợi ích nhỏ hoặc mâu thuẫn nhỏ mà các đối tượng sẵn sàng thực hiện các hành vi phạm tội. Một trong những nguyên nhân của tình trạng này được phân tích chỉ ra là do mối liên kết giữa các thành viên trong mỗi gia đình lỏng lẻo dẫn tới sự sa sút về đạo đức, lối sống của không ít người trẻ; nhiều thanh, thiếu niên được cha mẹ nuông chiều thái quá, luôn sẵn sàng đáp ứng những điều kiện vật chất, dẫn đến lối sống đua đòi, hưởng thụ, trong khi các em trong độ tuổi phát triển nhanh về thể chất nhưng mới đang dần hình thành, hoàn thiện về nhân cách nên tâm sinh lý bất ổn, kinh nghiệm sống còn ít nên thiếu kỹ năng kiểm soát cảm xúc, dễ thực hiện những hành vi nổi loạn bộc phát. Bên cạnh đó, người trẻ hiện đang phải đối mặt với rất nhiều áp lực từ việc học hành, thi cử, tìm kiếm việc làm, thu nhập, các mối quan hệ bạn bè, xã hội, nhưng không phải ai cũng được chuẩn bị và có sự hỗ trợ đầy đủ từ người lớn để vượt qua, dễ có tâm lý dao động, dẫn đến căng thẳng, rơi vào trầm cảm, thậm chí, không kiểm soát được hành vi, có khi dẫn tới việc chọn bạo lực để giải quyết nhanh các khó khăn đang phải đối mặt. Một nguyên nhân quan trọng nữa là, sự dịch chuyển lối sống từ môi trường thực sang môi trường ảo trên mạng với vô số các hội, nhóm độc hại, các sản phẩm phản văn hóa mang tính bạo lực, làm ảnh hưởng tiêu cực đến lối sống, nhận thức và định hướng hành vi, khiến trẻ dễ lạc lối, mất phương hướng. Đây là thực trạng rất đáng báo động.

Để ngăn chặn nguy cơ gia tăng tội phạm vị thành niên, cùng với nâng cao trách nhiệm, giải pháp nghiệp vụ của các cơ quan, ban, ngành liên quan thì một giải pháp mang tính căn cơ, lâu dài là các nhà trường cần tăng cường phối hợp gia đình trong việc giáo dục kỹ năng sống cho học sinh, chú trọng trang bị kỹ năng giải quyết, xử lý tình huống trong cuộc sống cho các em. Phối hợp các cơ quan chức năng tuyên truyền, phổ biến pháp luật giúp các em trong độ tuổi vị thành niên hiểu rõ hơn về thủ đoạn phạm tội, nguyên nhân phát sinh tội phạm, từ đó xây dựng cho mình ý thức phòng ngừa cũng như hình thành các kỹ năng cần thiết để biết cách phòng, chống tội phạm. Phối hợp toàn xã hội từ nhà trường, gia đình, các tổ chức đoàn thể, chính quyền địa phương để xây dựng môi trường sống lành mạnh, an toàn từ nhà, ra đường, đến trường; quản lý, giáo dục con em, người thân trong gia đình không phạm tội, mắc tệ nạn xã hội. Tổ chức xây dựng, duy trì các mô hình câu lạc bộ phù hợp như câu lạc bộ “Ông bố, bà mẹ có con tuổi vị thành niên”; câu lạc bộ “Tuổi trẻ phòng chống tội phạm”... để nâng cao ý thức chấp hành pháp luật đấu tranh với các hiện tượng tiêu cực trên địa bàn. Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của tổ chức Đoàn, Hội, Đội của thanh, thiếu niên để tổ chức các hoạt động truyền thông, phổ biến, giáo dục pháp luật, các thông tin, kiến thức liên quan đến Luật An ninh mạng, phòng chống bạo lực học đường, đồng hành với thanh, thiếu niên rèn luyện và phát triển kỹ năng sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật./.

Bài và ảnh: Minh Thuận
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com