Những tấm gương bình dị mà cao quý năm 2024: Dám nghĩ, dám làm: Bí quyết làm giàu của lão nông tuổi ngoại lục tuần

08:28, 20/03/2024

Sinh sống, làm lụng mấy chục năm ở thôn Nhân Nghĩa, xã Yên Lương (Ý Yên), ông Đỗ Văn Bổng biết rõ quê ông vốn là vùng đất trũng, điều kiện canh tác còn nhiều khó khăn nên nếu cứ làm nông nghiệp theo cách cũ thì khó mà có kinh tế khá, chứ chả dám nghĩ làm giàu. Với ý chí vươn lên làm giàu, dám nghĩ dám làm, khi địa phương có chủ trương khuyến khích, ông đã mạnh dạn ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, xây dựng trang trại tổng hợp mang lại hiệu quả kinh tế cao. Không chỉ làm giàu cho riêng mình, nhiều năm qua, trang trại là địa chỉ tin cậy của bà con nông dân trong khu vực tìm đến mỗi khi cần tư vấn kỹ thuật, cách làm và cả giống, nguồn vốn phát triển sản xuất.

Ông Đỗ Văn Bổng, xóm Nhân Nghĩa, xã Yên Lương (Ý Yên) chế biến cỏ voi làm thức ăn nuôi cá trong trang trại.
Bài và ảnh: Nguyễn Hương
Ông Đỗ Văn Bổng, xóm Nhân Nghĩa, xã Yên Lương (Ý Yên) chế biến cỏ voi làm thức ăn nuôi cá trong trang trại. 

Ngoài 60 tuổi nhưng ông Đỗ Văn Bổng vẫn nhanh nhẹn, khỏe mạnh. Một mình ông vẫn điều hành, cắt đặt công việc cho 5 lao động ngày ngày cắt rau, thái cỏ, chăm sóc cho đàn thỏ trên 1.000 con và gần 2ha mặt nước nuôi cá truyền thống. Trung bình mỗi năm, trang trại của gia đình ông cho doanh thu ổn định từ 1-1,5 tỷ đồng. Thành công đó được ông Bổng đúc kết lại là nhờ sự chịu khó học hỏi, tích cực ứng dụng khoa học vào sản xuất và dám nghĩ, dám làm tạo nên sản phẩm riêng biệt cho trang trại chăn nuôi của gia đình. Trước kia, kinh tế gia đình ông Bổng chỉ trông vào mấy sào ruộng và chăn nuôi gà, lợn nhỏ lẻ. Cần cù, chịu khó xoay xỏa quanh năm nhưng vẫn chỉ đủ lo cuộc sống hàng ngày, kinh tế không khởi sắc. Bước ngoặt đến vào năm 2009 khi UBND xã chấp thuận cho gia đình ông đấu thầu khoảng 3ha đất trũng bỏ hoang. Năm 2012, khi xã có chủ trương dồn điền, đổi thửa, ông lại mạnh dạn xin dồn đổi ruộng của mình về cùng với khu đất đấu thầu này để thuận lợi tổ chức sản xuất gọn vùng, gọn thửa. Với số vốn tích cóp của gia đình kết hợp với vốn vay hơn 50 triệu đồng từ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ông Bổng đã quy hoạch lại trang trại, tổ chức sản xuất tổng hợp, đa cây đa con. Trang trại được sắp xếp chia thành các khu vực theo đặc thù địa hình: chỗ thùng trũng, có mặt nước thì cải tạo làm ao thả nuôi các giống cá truyền thống có chất lượng; khu vực ruộng bằng thì chăn nuôi gia súc, gia cầm gà, lợn, trâu, bò và trồng cây ăn quả, cây xanh tạo môi trường xanh cho trang trại và làm thức ăn cho đàn vật nuôi. 

Ban đầu toàn bộ nguồn giống cá truyền thống ông phải mua từ các trại cá lẻ trong vùng về thả. Dần dần ông học kinh nghiệm tự sản xuất cá giống để đáp ứng nhu cầu con giống tại chỗ của trang trại và còn cung cấp cho các hộ nuôi lân cận. Trong quá trình nuôi, ông áp dụng chặt chẽ quy trình xử lý kỹ thuật đáy ao và môi trường nước theo phương pháp sinh học giúp cho đàn cá khỏe mạnh, sinh trưởng tốt. Đặc biệt, ông Bổng đã sử dụng kết hợp giữa thức ăn công nghiệp và các loại thức ăn tự nhiên như cây chuối, cỏ voi, lá xoan đào, tỏi… chăm sóc cá, vừa giảm chi phí, vừa tạo kháng thể, phòng bệnh cho cá. Trong đó thân chuối, cỏ voi sử dụng như thức ăn hàng ngày, còn củ tỏi được nghiền mịn, trộn lẫn vào thức ăn bổ sung theo định kỳ và lá xoan đào được bó gọn, thả xuống ao khi phát hiện cá có dấu hiệu mắc bệnh trùng mỏ neo và một số vi khuẩn gây bệnh ngoài da xâm lấn. Cách làm này đã khiến việc nuôi thủy sản của gia đình rất dễ dàng, không tốn kém; cá có lớp da ngoài khỏe mạnh, sáng bóng, thịt săn chắc. Ông cũng đã thử nghiệm cách nuôi "gối vụ" để mỗi năm thu hoạch làm 2 lần vào khoảng tháng 10 và cuối năm, vừa tăng thu nhập vừa tránh tình trạng thu hoạch dồn vào chính vụ cuối năm khiến thương lái lợi dụng ép cấp, ép giá. Trung bình mỗi năm trang trại của gia đình ông đã xuất bán khoảng 70 tấn cá truyền thống các loại. 

Cùng với con nuôi chủ lực là cá, từ 3 năm trở lại đây khi đàn lợn bị nhiễm dịch bệnh, giá thức ăn chăn nuôi lại tăng cao nên không mấy hiệu quả, người nuôi canh cánh nỗi lo trắng tay, ông lại tìm tòi qua sách báo, đi tham quan, học hỏi các trang trại trong vùng về chuyển đổi đối tượng nuôi, đưa giống thỏ New Zealand về nuôi. Ông Bổng cho biết: "Ở tuổi ngoài 60, tôi cũng ngại thay đổi; nhưng để khai thác hiệu quả đất đai và luôn giữ vững thế chân kiềng, đảm bảo cho trang trại luôn có nguồn thu từ thủy sản, vật nuôi và cây trồng nên đã quyết tâm học hỏi và chọn nuôi thỏ". Lại một hành trình học hỏi làm chủ kỹ thuật chăn nuôi mới, đến năm 2021, ông quyết định xây dựng chuồng trại nuôi thỏ lấy thịt. Đến nay, trong chuồng nhà ông đã có 100 đôi thỏ bố mẹ và hàng nghìn con thỏ thương phẩm. Mỗi năm xuất bán 4 lứa với sản lượng khoảng 4-5 tấn thịt thỏ ra thị trường đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho gia đình. Với thỏ, ông cũng áp dụng phương thức kết hợp thức ăn công nghiệp với thức ăn rau cỏ tự nhiên để thịt thỏ thương phẩm có độ săn chắc của thịt thỏ tự nhiên, đáp ứng yêu cầu của thị trường trong nước. Ông lại nghiên cứu đặc điểm sinh trưởng để tính toán tỷ lệ cám công nghiệp và rau cỏ hợp lý; cho thỏ ăn các loại như lá trà xanh, lá cỏ xuyến chi để phòng bệnh, tăng sức đề kháng và khiến cho thịt săn chắc, thơm ngon hơn. Nhờ thế, sản phẩm thịt thỏ thương phẩm của gia đình ông luôn được thị trường đón nhận tích cực, tiêu thụ đều đặn ngay cả trong thời điểm dịch COVID-19 bùng phát gay cấn. Thành công với vật nuôi mới khiến ông càng hăng say, tâm huyết với ruộng vườn, sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm với bà con hội viên nông dân trong và ngoài xã. Kinh tế gia đình phát triển, ông có điều kiện không chỉ chăm chút cho người nhà mà còn tích cực giúp đỡ, hỗ trợ nhiều hộ trong thôn gặp khó khăn về kinh tế vươn lên lập nghiệp; tham gia các phong trào, hoạt động xã hội ở địa phương: ủng hộ phong trào "khuyến học khuyến tài" của thôn, các phong trào của Hội Nông dân xã và các hoạt động xã hội khác của làng, xã. 

Đồng chí Phạm Tiến Điện, Chủ tịch UBND xã Yên Lương cho biết: "Trang trại của gia đình ông Đỗ Văn Bổng là mô hình kinh tế chăn nuôi tổng hợp hiệu quả ở địa phương. Ngoài hiệu quả thu nhập, trang trại đã làm chủ được kỹ thuật sinh sản, nhân giống, nuôi thương phẩm thành công giống thỏ New Zealand, thay thế một số vật nuôi truyền thống có sức cạnh tranh kém hơn, mở ra hướng làm kinh tế mới cho người dân trong xã có nguyện vọng học tập". Với kết quả đã đạt được, ông Đỗ Văn Bổng được suy tôn là hội viên nông dân điển hình trong phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi”, tham gia xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Nhắc đến ông, bà con ở xã đều khẳng định ông là tấm gương về ý chí nghị lực, dám nghĩ, dám làm để vươn lên làm giàu cho gia đình và góp sức xây dựng quê hương./.

Bài và ảnh: Nguyễn Hương
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com