Trước đây, trên địa bàn huyện Xuân Trường cũng như ở nhiều vùng nông thôn, theo tập quán việc tổ chức các hoạt động hiếu, hỉ, mừng thọ và lễ hội còn tồn tại nhiều bất cập. Trong việc cưới, nhiều gia đình mời khách tràn lan, tổ chức ăn uống linh đình, sử dụng nhiều bia rượu, thuốc lá; việc làm cỗ chia phần và ăn cỗ lấy phần còn phổ biến, gây tốn kém, lãng phí và là nguyên nhân của nhiều vụ mất an toàn vệ sinh thực phẩm, an ninh, trật tự, an toàn giao thông. Việc tang còn nhiều hủ tục rườm rà, lạc hậu. Công tác quản lý lễ hội chưa chặt chẽ, nạn hành khất có tổ chức, cờ bạc trá hình, kinh doanh các dịch vụ văn hoá và trò chơi không lành mạnh tại khu vực lễ hội diễn ra khá phổ biến.
Nghi thức rước kiệu trong Lễ hội truyền thống Đền làng Xuân Bảng, thị trấn Xuân Trường. |
Trước thực trạng trên, năm 2016, thực hiện chỉ đạo của tỉnh về phong trào xây dựng đời sống văn hóa mới, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Xuân Trường đã ban hành Nghị quyết số 43-NQ/HU về “Nâng cao chất lượng đời sống văn hóa trên địa bàn huyện”. Năm 2019, UBND huyện ban hành Đề án “Đẩy mạnh vận động thực hiện nếp sống văn minh (NSVM) trong việc cưới, việc tang, mừng thọ và lễ hội” (gọi tắt là Đề án NSVM); đồng thời thành lập Ban chỉ đạo Đề án NSVM, bộ phận thường trực giúp việc Ban chỉ đạo và các tổ công tác chịu trách nhiệm đôn đốc, kiểm tra, giám sát thực hiện. Ban chỉ đạo Đề án NSVM tham mưu UBND huyện chỉ đạo xây dựng, điều chỉnh, bổ sung nội dung thực hiện NSVM vào quy chế hoạt động của các cơ quan, đơn vị và quy ước thôn, xóm, tổ dân phố và trở thành tiêu chí bình xét, công nhận các danh hiệu: “Gia đình văn hoá”, “Khu dân cư văn hóa”, “Cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp văn hóa”. Từ năm 2019, 100% thôn, xóm, tổ dân phố đã xây dựng, bổ sung quy ước; 15 cơ quan, đơn vị hoàn thành điều chỉnh, bổ sung quy chế làm việc, làm cơ sở cho việc thực hiện Đề án NSVM thống nhất, đồng bộ tại các đơn vị, địa phương trong huyện. Công tác tuyên truyền thực hiện Đề án được tổ chức đa dạng, phong phú trên sóng đài phát thanh huyện, hệ thống đài truyền thanh cơ sở; trên Cổng thông tin điện tử huyện, trang thông tin điện tử các xã, thị trấn, các trang mạng xã hội zalo, facebook; qua các buổi sinh hoạt câu lạc bộ văn hóa, thể thao, các hội nghị chuyên đề, định kỳ của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp; in ấn, chăng treo pa nô, khẩu hiệu; gắn với các phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu. Việc tôn vinh, khen thưởng các cá nhân, tập thể thực hiện tốt NSVM được tổ chức trong Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc (18-11) ở các khu dân cư.
Sau 4 năm thực hiện Đề án, nhận thức, hành động của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn huyện về thực hiện NSVM có nhiều chuyển biến. 4 năm qua, toàn huyện có 3.761/4.539 đám cưới tổ chức theo NSVM (đạt tỷ lệ 82,3%), chấp hành nghiêm Luật Hôn nhân và Gia đình. Lễ cưới tổ chức trang trọng, gọn nhẹ; trang trí lễ cưới, trang phục cô dâu, chú rể lịch sự, phù hợp truyền thống dân tộc. Các gia đình chỉ tổ chức lễ cưới sau khi các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận kết hôn, cam kết với chính quyền địa phương tổ chức đám cưới theo quy ước NSVM của thôn, xóm, tổ dân phố. Các địa phương trong huyện đã xây dựng và nhân rộng mô hình “Cưới văn minh, cưới tiết kiệm”, làm cỗ đủ ăn, không làm cỗ chia phần, ăn cỗ không lấy phần, số lượng khách mời phù hợp... Tình trạng cán bộ, công chức, viên chức đi dự đám cưới trong giờ làm việc không còn. Các hoạt động văn hóa, văn nghệ trong đám cưới bảo đảm vui tươi, lành mạnh, đúng thời gian quy định. Chương trình lễ thành hôn ngắn gọn, không quá 60 phút; việc tổ chức đưa đón dâu đảm bảo an toàn giao thông, an ninh, trật tự.
Đối với việc tang, từ năm 2019 đến nay, tỷ lệ thực hiện theo NSVM đạt 93,6%; tiêu biểu như các xã: Xuân Thượng, Xuân Tân, Xuân Hồng, Xuân Vinh, Xuân Thủy, Xuân Ninh... Đám tang tổ chức trang trọng theo quy định của pháp luật, phong tục tập quán địa phương và hoàn cảnh gia đình. Các gia đình có hiếu sự đều ký cam kết tổ chức tang lễ theo NSVM với chính quyền địa phương; không còn các hủ tục: khóc thuê, kéo chữ, tế kèn; hạn chế việc rắc tiền thật, rải giấy tiền, giấy vàng, tiền âm phủ trên đường đưa tang. Trong các đám tang, ban tổ chức tang lễ bố trí từ 3-5 vòng hoa viếng luân chuyển. Về cơ bản, các đám tang không làm cỗ mời khách, việc ăn uống chỉ trong nội bộ gia đình và người thân đến giúp việc nhà đám; các nghi lễ sau đám tang như: 3 ngày, 49 ngày, 100 ngày được tổ chức đơn giản, gọn nhẹ, tiết kiệm. Nhiều đơn vị thực hiện tốt NSVM trong việc tang như: xóm 5, xóm 10, xã Xuân Vinh; xóm 9, xã Xuân Thượng; thôn Liên Thượng, xã Xuân Ngọc; xóm 2, xã Xuân Kiên; thôn Ngọc Liên, xã Xuân Hòa; xóm 1, xã Xuân Bắc; xóm 5, xã Xuân Tiến; xóm 11, xã Xuân Phong...
Mừng thọ là nét đẹp văn hóa truyền thống của người Việt dịp đầu Xuân mới. 4 năm qua, huyện Xuân Trường đã tổ chức mừng thọ cho gần 15.900 cụ từ 70 tuổi đến trên 100 tuổi. Hầu hết các địa phương trong huyện tổ chức mừng thọ các cụ cao niên trong 1 ngày vào dịp Tết Nguyên đán. UBND các xã, thị trấn đã phối hợp với Hội Người cao tuổi tổ chức lễ mừng thọ tại hội trường nhà văn hoá xã, đảm bảo trang trọng, ý nghĩa. Một số nơi, chi ủy xóm giao cho chi Hội Người cao tuổi và các đoàn thể chính trị - xã hội tổ chức chúc thọ các cụ tại nhà văn hóa xóm. Các gia đình tổ chức mừng thọ ông bà, bố mẹ bằng tiệc ngọt gọn nhẹ; tiệc mặn được tổ chức trong phạm vi nội bộ gia đình, họ tộc, không mời khách tràn lan, ăn uống linh đình.
Là vùng quê có nhiều di tích lịch sử - văn hóa gắn với các lễ hội lớn như: Lễ hội Chùa Keo làng Hành Thiện, Lễ hội làng Ngọc Tiên xã Xuân Hồng; Lễ hội làng An Cư xã Xuân Vinh; Lễ hội làng Xuân Bảng thị trấn Xuân Trường; Lễ hội Chùa Thọ Vực xã Xuân Phong; Lễ hội làng Nhân Thọ xã Thọ Nghiệp… Các lễ hội thu hút đông đảo người dân địa phương và du khách thập phương về tham quan, chiêm bái di tích và tham gia các hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng. Thực hiện Đề án NSVM, các địa phương trong huyện đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về ý nghĩa, giá trị văn hóa của di tích, di sản và lễ hội. Công tác quản lý và tổ chức lễ hội ở các địa phương trong huyện có nhiều chuyển biến tích cực, đảm bảo vệ sinh môi trường, an ninh, trật tự, an toàn giao thông, phòng cháy, chữa cháy. Từ các lễ hội làng đến lễ hội lớn quy mô vùng đều được tổ chức trang trọng cả phần lễ và phần hội, kết hợp hài hòa các nghi lễ truyền thống, hiện đại, lồng ghép các hoạt động tâm linh với các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, trò chơi dân gian, tạo không khí vui tươi, phấn khởi trong nhân dân. Công tác thanh tra, kiểm tra các hoạt động văn hóa, kinh doanh dịch vụ văn hóa trong lễ hội được tăng cường, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật, thương mại hóa lễ hội như: cờ bạc trá hình, mê tín dị đoan, nạn ăn xin, hành khất, móc túi, đổi tiền lẻ hưởng chênh lệch giá cao, lưu hành văn hóa phẩm bạo lực… trong khuôn viên, nội tự, xung quanh di tích và khu vực lễ hội.
Những kết quả đạt được trong thực hiện Đề án NSVM ở huyện Xuân Trường đã góp phần khơi dậy và phát huy giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp trong cộng đồng, xây dựng môi trường văn hoá an toàn, lành mạnh, văn minh, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương./.
Bài và ảnh: Khánh Dũng
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin