Mùa xuân là Tết trồng cây

08:46, 05/03/2024

Hưởng ứng phong trào “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” năm 2024 do Tỉnh ủy, UBND tỉnh phát động, huyện Vụ Bản đã tổ chức lễ phát động phong trào trồng cây xanh tại xã Hợp Hưng. Các ban, ngành, đoàn thể của huyện đã phát động thi đua, đồng thời tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa của Tết trồng cây trong cơ quan, đơn vị, đoàn viên, hội viên, tạo khí thế sôi nổi trong nhân dân và nâng cao ý thức trách nhiệm của mỗi người cùng chung tay bảo vệ môi trường sống; tích cực trồng cây góp phần tạo nên cảnh quan môi trường xanh tươi, thoáng mát, sạch đẹp. Theo đó, huyện Vụ Bản phấn đấu trồng mới, trồng bổ sung 24.860 cây các loại trên 40 tuyến đường với tổng chiều dài 17.450m. Đến nay, toàn huyện đã trồng mới được 19.290 cây xanh các loại trên các tuyến đường với chiều dài khoảng 11km. Tiêu biểu là các xã Kim Thái vận động trồng mới được 8.250 cây keo; thị trấn Gôi trồng mới, trồng bổ sung được 6.000 cây keo, xà cừ, cau; xã Minh Thuận vận động trồng, chăm sóc được 4.023 cây bằng lăng, xà cừ; xã Cộng Hòa trồng mới được 370 cây cau, xà cừ…

Nhân dân xã Hợp Hưng (Vụ Bản) trồng cây phân tán tạo cảnh quan môi trường sống xanh.
Nhân dân xã Hợp Hưng (Vụ Bản) trồng cây phân tán tạo cảnh quan môi trường sống xanh.

Theo kế hoạch trồng cây, trồng rừng và phát động Tết trồng cây Xuân Giáp Thìn năm 2024 ngày 22-1-2024 của UBND tỉnh, mục tiêu phát động phong trào trồng cây, trồng rừng theo lời dạy của Bác Hồ nhằm nâng cao nhận thức của mọi tầng lớp nhân dân về vai trò, tác dụng, ý nghĩa của việc trồng cây, trồng và bảo vệ rừng, gắn liền với phát triển kinh tế - xã hội; thực hiện có hiệu quả Quyết định số 524/QĐ-TTg ngày 1-4-2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án trồng 1 tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025; Kế hoạch số 63/KH-UBND ngày 16-6-2021 của UBND tỉnh về trồng cây xanh trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025; tạo cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp, không ngừng nâng cao chất lượng môi trường; đảm bảo tiêu chí đất cây xanh trong xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu; góp phần giảm nhẹ thiên tai, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu. Trong năm 2024, toàn tỉnh phấn đấu trồng 1,1 triệu cây phân tán các loại tại khu vực đô thị, khu dân cư tập trung; trồng ven đường phố, công viên, vườn hoa, quảng trường, khuôn viên các trụ sở, trường học, bệnh viện, các công trình tín ngưỡng, nhà văn hóa, nhà ở và các công trình công cộng khác. Khu vực nông thôn trồng cây trên đất vườn, hành lang giao thông, ven sông, kênh mương, đường ra đồng, khu văn hóa lịch sử, tôn giáo, khu, cụm công nghiệp, khu xử lý rác thải tập trung, kết hợp phòng hộ trong khu canh tác nông nghiệp, đất chưa sử dụng. Đối với việc trồng rừng phòng hộ ven biển, phấn đấu trồng mới 9ha; trồng bổ sung phục hồi 100ha rừng thuộc dự án “Tăng cường khả năng chống chịu với những tác động của biến đổi khí hậu cho các cộng đồng dễ bị tổn thương ven biển Việt Nam” tại Nam Định; tập trung trồng tại khu vực bãi bồi ven biển huyện Nghĩa Hưng.

Đồng chí Trần Anh Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cho biết: Hiện nay, trong bối cảnh trái đất đang đứng trước những vấn nạn như ô nhiễm môi trường, nhất là tình trạng nóng lên do hiệu ứng nhà kính; thiên tai lũ lụt, hạn hán, các hình thái thời tiết cực đoan do biến đổi khí hậu,… thì nhiệm vụ bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu đã trở thành một trong những chính sách quan trọng hàng đầu của các quốc gia cũng như từng địa phương. Đặc biệt đối với Nam Định là tỉnh nông nghiệp ven biển. Vì thế, các cấp, ngành, địa phương, đơn vị cần làm cho “Tết trồng cây” trở thành một phong trào quần chúng rộng rãi, sôi nổi và bền vững và tạo nên một nét xuân độc đáo, một phong tục tập quán tốt đẹp của nhân dân trong toàn tỉnh. Việc tổ chức “Tết trồng cây”, trồng rừng phải thiết thực, hiệu quả, không phô trương hình thức; tạo điều kiện để các cơ quan, tổ chức, đoàn thể, trường học, lực lượng vũ trang và mọi tầng lớp nhân dân tích cực tham gia trồng cây, trồng rừng, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị rừng trồng gắn với thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông, lâm nghiệp. Ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã khuyến cáo các ngành, địa phương hướng dẫn, vận động người dân ưu tiên trồng cây bản địa, cây trồng đa mục đích, vừa có giá trị kinh tế vừa có tác dụng làm đẹp cảnh quan, bảo vệ môi trường, phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng và tập quán canh tác của địa phương như: Long não, bằng lăng, sưa đỏ, phượng vĩ, nhãn, vải, lát hoa, nhội, liễu, lộc vừng, lim xẹt, muồng vàng (osaka), bàng Đài Loan, ...

Theo Chi cục Kiểm lâm (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), ngay sau lễ phát động “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” của tỉnh, các địa phương đều tổ chức ra quân hưởng ứng trồng cây phân tán, trồng hoa, hình thành thêm nhiều tuyến đường hoa, tuyến đường cây xanh. Các tổ chức chính trị - xã hội, các đoàn thể, hội tích cực tham gia đảm nhận việc quản lý, chăm sóc, bảo vệ các tuyến đường, số cây phân tán trồng mới, trồng bổ sung. Các huyện, thành phố bảo đảm tiến độ trồng cây, đến nay đạt 70-80% kế hoạch. Cây giống đã được lựa chọn tại các đơn vị, nhà vườn đánh bầu, đánh truyền, ủ để đảm bảo tỷ lệ sống và giúp cây sinh trưởng tốt nhất.

Việc phát động trồng mới, trồng bổ sung cây xanh đã quan trọng nhưng việc chăm sóc, bảo vệ để cây mới trồng sinh trưởng, phát triển tốt càng quan trọng hơn. Vì vậy, các cấp ủy Đảng, chính quyền và nhất là người dân địa phương cần quan tâm chăm sóc, bảo vệ số cây xanh trồng mới, trồng bổ sung; mỗi gia đình nên trồng ở nhà mình thêm một số cây xanh, cây cảnh với phương châm “trồng cây nào tốt cây đó”. Nêu cao tinh thần trách nhiệm của mỗi người dân trong việc tham gia trồng, bảo vệ cây xanh bởi đó chính là bảo vệ môi trường sống của cộng đồng./.

Bài và ảnh: Văn Đại


Từ khóa:

Mùa xuân

Tết trồng cây


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com