Đổi mới sinh hoạt chuyên môn ở Trường THPT Lê Quý Đôn

08:51, 13/03/2024

Để góp phần đẩy mạnh phong trào “Dạy tốt - Học tốt”, Trường THPT Lê Quý Đôn (Trực Ninh) đã tích cực đổi mới công tác sinh hoạt chuyên môn (SHCM), đẩy mạnh dạy học theo định hướng phát triển năng lực và phẩm chất của học sinh. Nhiều năm qua, trường luôn giữ vững vị trí là một trong các đơn vị tốp đầu khối các trường THPT của tỉnh về chất lượng giáo dục.

Một tiết học của cô và trò Trường THPT Lê Quý Đôn có giáo viên dự giờ.
Một tiết học của cô và trò Trường THPT Lê Quý Đôn có giáo viên dự giờ.

Trường THPT Lê Quý Đôn hiện có 27 lớp học với 1.214 học sinh. Tất cả 61 cán bộ, giáo viên nhà trường đều đạt chuẩn và trên chuẩn về trình độ đào tạo, trong đó số cán bộ, giáo viên có trình độ trên chuẩn chiếm 24,6%. Đội ngũ cán bộ, giáo viên của nhà trường có độ tuổi bình quân còn khá trẻ, say mê chuyên môn và đi đầu về đổi mới phương pháp giảng dạy, ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) vào quản lý và giảng dạy. Hiện tại 100% cán bộ, giáo viên của trường có tài khoản ký số điện tử. Tất cả các loại hồ sơ trong trường đều được quản lý, điều hành và ký duyệt trên phần mềm quản lý hồ sơ eDoc của Viettel.

Hàng năm, việc tổ chức SHCM của nhà trường luôn bám sát chỉ đạo của Sở Giáo dục và Đào tạo (GD và ĐT) trên cơ sở hướng dẫn của Bộ GD và ĐT và có sự thống nhất cao giữa Ban giám hiệu với các tổ, nhóm chuyên môn. Ban giám hiệu chỉ đạo các tổ chuyên môn tiếp tục tổ chức SHCM theo hướng nghiên cứu bài học và theo chuyên đề. Mỗi tuần các tổ, nhóm chuyên môn dành 2 tiết để sinh hoạt tổ chuyên môn. Đối với SHCM theo chuyên đề: Các tổ, nhóm chuyên môn tập trung vào việc báo cáo chuyên đề, thảo luận những chuyên đề khó trong ôn thi tốt nghiệp THPT, những nội dung, kiến thức mới, những phương pháp, hình thức kiểm tra đánh giá mới theo Chương trình GDPT 2018. Đối với SHCM theo nghiên cứu bài học: Mỗi tổ chuyên môn trong một học kỳ xây dựng 2 tiết dạy nghiên cứu bài học thuộc chương trình lớp 10, 11 mới theo phương pháp dạy học tích cực, dạy học theo trải nghiệm STEM để Ban giám hiệu và các giáo viên trong hội đồng dự, trao đổi, học hỏi. Đồng thời, các tổ chuyên môn xây dựng các tiết dạy học mẫu đổi mới SHCM với Chương trình GDPT 2018 của khối 11 mới vào dịp kỷ niệm các ngày lễ 20-10, 20-11; xây dựng quy trình đối với các tiết SHCM dựa trên nghiên cứu bài học gồm 3 bước: Tổ, nhóm chuyên môn phân công giáo viên dạy một tiết theo hướng đổi mới phương pháp dạy học, đổi mới kiểm tra đánh giá, ứng dụng CNTT vào dạy học theo chỉ đạo của Sở GD và ĐT; Góp ý, rút kinh nghiệm cho tiết dạy; Báo cáo kết quả trước cuộc họp lãnh đạo nhà trường...

Từ việc đổi mới SHCM, Ban giám hiệu nhà trường chú trọng hơn tới việc đổi mới phương pháp giảng dạy để giáo viên chủ động, học sinh tích cực, thích học, từ đó phát triển chất lượng đội ngũ tại chỗ và nâng cao chất lượng giáo dục học sinh. Các tổ, nhóm chuyên môn cũng tích cực trao đổi, học hỏi để nâng cao chuyên môn nghiệp vụ. Giáo viên trong tổ, nhóm giúp đỡ nhau, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm chuyên môn, nghiệp vụ. Bản thân mỗi giáo viên cũng tích cực hơn, tự tin hơn do cách góp ý dự giờ tập trung vào phân tích hoạt động học của học sinh. Các em phát triển năng lực, trí tuệ sáng tạo của riêng mình, tích cực, chủ động hào hứng học tập hơn, có tinh thần đoàn kết, chia sẻ với các bạn trong nhóm, trong lớp. Qua các hoạt động nhóm, thuyết trình trước lớp, các em tự tin, năng động hơn. Từ đó hiệu quả học tập, rèn luyện nâng lên rõ rệt, nhiều học sinh yêu thích môn học hơn, chú tâm học, tiến bộ hơn.

Ngoài việc tổ chức SHCM trong trường, Ban giám hiệu còn tạo điều kiện cho cán bộ, giáo viên tham gia các hoạt động của Hội đồng chuyên môn và cụm trường; tăng cường các hoạt động dự giờ, rút kinh nghiệm để từng bước hoàn thiện kế hoạch dạy các môn, hoạt động giáo dục đảm bảo phù hợp với từng đối tượng học sinh và điều kiện của nhà trường. Qua việc tổ chức SHCM, đặc biệt là SHCM theo cụm trường, nhà trường đã triển khai hiệu quả các hoạt động chuyên môn, tổ chức thành công các hội thảo chuyên đề,... Cũng qua SHCM theo cụm trường, nhà trường và các đơn vị bạn trao đổi, giúp đỡ nhau về chuyên môn như: Dự giờ, góp ý giờ dạy, chia sẻ tài liệu phụ đạo, tài liệu bồi dưỡng học sinh giỏi; giúp đỡ nhau nâng cao chất lượng dạy học để không ảnh hưởng đến thành tích thi đua chung của cụm. Từ việc SHCM theo cụm, trường nhìn ra điểm mạnh, điểm yếu của mình để khắc phục, ghi nhận điểm mạnh của trường bạn để học hỏi.

Việc đổi mới SHCM cùng với các giải pháp khác đã góp phần đưa chất lượng giáo dục của nhà trường nhiều năm qua liên tục được đánh giá xếp trong tốp đầu tỉnh trong các kỳ thi tốt nghiệp THPT; đạt giải Nhì, giải Ba toàn đoàn trong các cuộc thi học sinh giỏi các môn văn hóa và thi Hùng biện tiếng Anh cấp tỉnh. Trong các kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh những năm gần đây, trường có tới trên 94% học sinh dự thi đoạt giải. Riêng năm học 2022-2023, trường có 34/36 học sinh dự thi học sinh giỏi các môn văn hóa cấp tỉnh đoạt giải (94,45%), trường đoạt giải Nhất toàn đoàn. Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023, bình quân 1 học sinh đạt 7,53 điểm/môn, trường xếp thứ 5/57 trường THPT toàn tỉnh và có 1 học sinh thủ khoa khối B của tỉnh là em Dương Hải Lâm, lớp 12A2 với tổng số 28,8 điểm, xếp thứ 26 toàn quốc. Học kỳ I năm học 2023-2024, tỷ lệ học sinh xếp học lực Giỏi của trường là 88,19%. 

Cô Trần Hồng Vân, Phó Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: Đổi mới SHCM là một hoạt động thường xuyên thiết thực và hiệu quả đối với việc nâng cao chất lượng dạy và học trong nhà trường, giúp gắn kết các thành viên trong tổ chuyên môn khi cùng tập trung xây dựng kế hoạch dạy học hoặc chuyên đề học tập; tạo cơ hội cho giáo viên được bồi dưỡng, nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, phát triển các kỹ năng sư phạm và phát huy khả năng sáng tạo trong việc áp dụng các phương pháp, kỹ thuật dạy học và ứng dụng CNTT..., từ đó tạo động lực để giáo viên rèn luyện, nâng cao tay nghề, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả giảng dạy. Việc đổi mới SHCM ở Trường THPT Lê Quý Đôn đã và đang góp phần đẩy mạnh phong trào thi đua “Dạy tốt - Học tốt”, đặc biệt là phát triển đội ngũ nhà giáo không chỉ vững về chuyên môn, tâm huyết với nghề mà còn tinh thông trong nghiệp vụ. 

Hướng tới thực hiện đổi mới ở tất cả các khối lớp để thực hiện Chương trình GDPT 2018, trong năm học này và thời gian tới, nhà trường tiếp tục thực hiện việc SHCM theo nội dung nghiên cứu bài học, đổi mới phương pháp dạy học, lấy học sinh làm trung tâm, phát huy năng lực, phẩm chất học sinh; đổi mới kiểm tra đánh giá theo yêu cầu của chương trình mới; tạo điều kiện cho cán bộ, giáo viên tham gia SHCM theo cụm trường./.

Bài và ảnh: Minh Thuận
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com