Lan tỏa tinh thần học tập suốt đời

08:47, 12/03/2024

Với nòng cốt là các gia đình học tập, dòng họ học tập, thời gian qua, phong trào học tập suốt đời trên địa bàn tỉnh đã có những bước chuyển biến tích cực. Nhiều gia đình, dòng họ, cộng đồng, đơn vị đã có những cách làm hay, sáng tạo, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ, qua đó thúc đẩy việc học tập thường xuyên, góp phần xây dựng xã hội học tập.

Dù mắc bệnh xương thủy tinh nhưng chị Nguyễn Thị Ngọc Tâm ở xã Yên Quang (Ý Yên) vẫn mở lớp học miễn phí cho các em học sinh, góp phần lan tỏa tinh thần học tập tại địa phương.
Dù mắc bệnh xương thủy tinh nhưng chị Nguyễn Thị Ngọc Tâm ở xã Yên Quang (Ý Yên) vẫn mở lớp học miễn phí cho các em học sinh, góp phần lan tỏa tinh thần học tập tại địa phương.

Trong những năm qua, phong trào khuyến học, khuyến tài ở xã Giao Hải (Giao Thủy) đã phát triển sâu rộng, thu hút nhiều gia đình, dòng họ, cộng đồng tham gia. Để phong trào thực hiện có hiệu quả, Hội Khuyến học xã đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền về xã hội học tập và các mô hình học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng; triển khai đến các chi hội cơ sở, các ban khuyến học trực thuộc đăng ký xây dựng mô hình học tập xuất sắc, tiêu biểu và từng bước nhân rộng. Đến nay, hầu hết các tổ chức hội cơ sở đều xây dựng được quy chế hoạt động, phân công cụ thể, có lịch sinh hoạt hàng quý, hàng năm; gắn với việc xây dựng gia đình hiếu học, dòng họ khuyến học với các cuộc vận động lớn của địa phương. Hiện tại, toàn xã có 52 chi hội khuyến học, ban khuyến học với trên 1.900 hội viên tham gia, đạt trên 30% dân số. Đặc biệt, 20 năm qua, Hội đã duy trì “tiếng kẻng học tập” vào 19 giờ hàng ngày để nhắc nhở các gia đình, các cháu học sinh vào giờ tự học, tự ôn bài ở nhà. Khi tiếng kẻng vang lên, các ông bố, bà mẹ tạo mọi điều kiện để con trẻ học bài, bằng việc mở tiếng ti vi nhỏ lại, không ca hát, nói chuyện to... qua đó phát huy hiệu quả rõ rệt trong việc rèn ý thức học tập con em. Cha mẹ học sinh cũng tích cực phối kết hợp chặt chẽ với nhà trường và các đoàn thể của địa phương cùng quan tâm giáo dục, động viên các cháu phấn đấu vươn lên trở thành con ngoan, trò giỏi. Hàng năm, các cấp Hội đã vận động mọi tầng lớp nhân dân, những người con quê hương đang làm ăn, sinh sống ở khắp nơi ủng hộ quỹ khuyến học nhằm động viên, khen thưởng những giáo viên giỏi, học sinh giỏi và giúp đỡ những học sinh có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong học tập. Năm 2023, các dòng họ trong xã đã khen thưởng, động viên giáo viên và học sinh gần 70 triệu đồng, tổng số dư quỹ của các dòng họ đến nay đạt trên 500 triệu đồng. Do có sự động viên tích cực từ Hội Khuyến học xã đến các chi hội, dòng họ, xứ họ đạo, trong những năm học gần đây, nhiều học sinh đã cố gắng vươn lên trở thành con ngoan trò giỏi, tỷ lệ học sinh thi đỗ vào THPT, cao đẳng, đại học ngày càng cao. Các trường học trong xã đều đạt danh hiệu trường tiên tiến và tiên tiến xuất sắc, đứng trong tốp dẫn đầu toàn huyện.

Dòng họ Nguyễn, xã Hải Thanh (Hải Hậu) cũng là điển hình trong phong trào xây dựng các mô hình học tập cơ sở. Được thành lập từ năm 1999, từ đó đến nay ban khuyến học dòng họ tích cực khuyến khích, hỗ trợ, động viên các thành viên trong họ, đặc biệt là các cháu học sinh, sinh viên tích cực học tập; tất cả học sinh trong độ tuổi đều được đến trường học tập, trong các gia đình không có học sinh bỏ học; quan tâm động viên và giúp đỡ những học sinh gia đình có hoàn cảnh khó khăn, đồng thời động viên các thành viên trong họ tham gia vào các lớp học chuyên đề do trung tâm học tập cộng đồng của xã và các đoàn thể tổ chức. Do có sự gắn kết, đoàn kết giữa các thành viên trong dòng họ để xây dựng phong trào học tập, phong trào khuyến học, khuyến tài trong dòng họ đã ngày càng phát triển. Đến nay dòng họ Nguyễn có đến 103 cử nhân, trong đó có 1 tiến sĩ và 8 thạc sĩ... Từ khi thành lập đến nay, ban khuyến học dòng họ đã phát thưởng cho trên 1.500 lượt cháu có thành tích xuất sắc với kinh phí gần một trăm triệu đồng. Dòng họ đã vinh dự được UBND huyện công nhận là dòng họ có phong trào khuyến học xuất sắc 12 năm liên tục và nhận Bức trướng “Khuyến học - khuyến tài” 5 năm liền.

Để lan tỏa phong trào học tập suốt đời, các cấp Hội Khuyến học trong tỉnh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền về xã hội học tập và các mô hình học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng bằng nhiều hình thức. Hội khuyến học các huyện, thành phố triển khai đến các hội cơ sở, các ban khuyến học trực thuộc đăng ký xây dựng mô hình học tập xuất sắc, tiêu biểu và từng bước nhân rộng. Hội cũng thường xuyên tuyên truyền, vận động, khuyến khích cán bộ, hội viên khai thác và sử dụng thông tin trên mạng internet, phục vụ cho học tập, lao động và cuộc sống hàng ngày. Từ đó, nhiều mô hình học tập được hình thành, phát triển, phong trào học tập suốt đời đã thật sự lan tỏa, mỗi nhà, mỗi dòng họ, mỗi cộng đồng và toàn xã hội có cái nhìn toàn diện hơn, thấu đáo hơn về học tập thường xuyên, học tập suốt đời. Bên cạnh đó, các cấp, các ngành, địa phương, đơn vị trên địa bàn toàn tỉnh cũng đã quan tâm, dành nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, hạ tầng internet cho các cơ sở giáo dục, các trung tâm học tập cộng đồng, hệ thống thư viện, nhà văn hóa thôn, khu phố... tận dụng các nền tảng công nghệ để xây dựng, cung ứng đa dạng các kênh và công cụ học tập suốt đời; tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn về kỹ năng tìm kiếm, khai thác sử dụng thông tin trên internet một cách hiệu quả, an toàn, phù hợp cho các đối tượng khác nhau, góp phần thúc đẩy xây dựng năng lực tự học và học tập suốt đời trong cộng đồng. Tại các địa phương, các trung tâm học tập cộng đồng tích cực mở các lớp học chuyên đề về chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, chuyển giao về giống mới, cây, con mới có năng suất cao vào nuôi trồng và đã cho giá trị kinh tế cao; đặc biệt các lớp dạy nghề ngắn hạn đã giúp cho việc chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn phục vụ chương trình xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao của tỉnh, góp phần không nhỏ trong việc nâng cao chất lượng hoạt động và nhân rộng các mô hình học tập suốt đời, làm nền tảng cho việc hình thành xã hội học tập.

Toàn tỉnh hiện có trên 450 nghìn gia đình đăng ký gia đình học tập, trong đó có 66% gia đình được công nhận. Hơn 4.600 dòng họ đăng ký mô hình dòng họ học tập, trong đó có 75,8% dòng họ được công nhận. Hơn 3.500 thôn, làng, tổ dân phố đăng ký cộng đồng học tập, trong đó có 74% đã được công nhận. Tỉnh cũng thực hiện tốt việc xây dựng, phát triển các phong trào “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập”, “Cộng đồng học tập” và “Đơn vị học tập” ở thôn, làng, tổ dân phố nhằm thực hiện tốt Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021-2030” từ cấp tỉnh đến cấp huyện, cấp xã, khu phố và cộng đồng dân cư, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương./.

Bài và ảnh: Hồng Minh
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com