Những năm gần đây, tệ nạn ma túy, mại dâm trên địa bàn tỉnh vẫn diễn biến phức tạp, đặc biệt là tình trạng thanh, thiếu niên sử dụng ma túy tổng hợp, ma túy đá đang có chiều hướng gia tăng. Trước thực trạng đó, các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ngành, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở đã tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp quyết tâm đẩy lùi các tệ nạn xã hội (TNXH).
Xã Mỹ Thành (Mỹ Lộc) nhiều năm liền đạt xã lành mạnh không có tệ nạn ma túy, mại dâm. |
Theo Chi cục Phòng chống TNXH tỉnh (Sở LĐ-TB và XH), đến tháng 12-2023 toàn tỉnh có 3.017 người nghiện có hồ sơ quản lý và trên 1.100 đối tượng nghi nghiện; 198/229 xã, phường, thị trấn có người nghiện ma túy; có 25 người hoạt động mại dâm có hồ sơ quản lý. Tệ nạn ma túy, mại dâm là một trong những nguyên nhân gia tăng của nhiều vụ án hình sự và hoạt động phạm tội như: trộm cắp, cướp giật, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, gây mất an ninh trật tự, an toàn xã hội, đi ngược lại với truyền thống, văn hóa, thuần phong mỹ tục của dân tộc, cản trở sự phát triển kinh tế - xã hội. Để thực hiện hiệu quả công tác phòng chống TNXH, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành chức năng, các đoàn thể, địa phương triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp từ phòng ngừa, tấn công trấn áp tội phạm, hạn chế ảnh hưởng của các TNXH đến tình hình an ninh trật tự. Sở LĐ-TB và XH tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 35/KH-UBND ngày 1-3-2023 thực hiện lồng ghép hoạt động phòng ngừa mại dâm với các chương trình có liên quan trên địa bàn tỉnh; Kế hoạch số 16/KH-UBND ngày 3-2-2023 về kiểm tra việc chấp hành pháp luật về phòng, chống mại dâm tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ trên địa bàn tỉnh; trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết só 76/2023/NQ-HĐND ngày 14-7-2023 quy định mức hỗ trợ cho người cai nghiện ma túy bắt buộc, cai nghiện ma túy tự nguyện tại các cơ sở cai nghiện ma túy công lập; mức thù lao hàng tháng đối với người được giao nhiệm vụ tư vấn tâm lý xã hội, quản lý, hỗ trợ các đối tượng nghiện tự nguyện cai nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng và quản lý sau cai nghiện ma túy trên địa bàn tỉnh Nam Định.
Công tác tuyên truyền, giáo dục được đổi mới về nội dung và hình thức, đa dạng hóa về phương thức tuyên truyền, tập trung tiếp cận các địa bàn trọng điểm, các đối tượng có nguy cơ cao; đẩy mạnh tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng. Năm 2023, Sở LĐ-TB và XH phối hợp chặt chẽ với Báo Nam Định, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh xây dựng nhiều chuyên trang, chuyên mục với nhiều bài viết tuyên truyền về công tác phòng, chống TNXH ở các địa phương, đơn vị; phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh tổ chức 5 hội nghị tuyên truyền cho 500 cán bộ, hội viên về công tác phòng, chống tệ nạn xã hội; các phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm mua bán người; tham gia vận động người dân cảnh giác, phát hiện, chủ động tố giác tội phạm, tố giác các hành vi đối tượng có dấu hiệu phạm tội. Phát hành 15 nghìn tờ gấp tuyên truyền về công tác cai nghiện và quản lý sau cai nghiện ma tuý; treo 30 băng zôn, khẩu hiệu tuyên truyền hưởng ứng Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người. Thông qua hoạt động tuyên truyền, giáo dục đã tạo bước chuyển biến tích cực về nhận thức và hành động của quần chúng nhân dân trong công tác phòng, chống TNXH, nâng cao tinh thần cảnh giác, kịp thời phát hiện, tố giác tội phạm. Nhờ đó, nhiều vụ buôn bán ma túy với số lượng lớn hay buôn bán người đã được triệt xóa. Sở LĐ-TB và XH phối hợp với các huyện, thành phố tổ chức tập huấn cho 455 cán bộ làm công tác phòng, chống TNXH tập trung vào các nội dung: Một số điểm mới của Luật Phòng, chống ma túy về công tác cai nghiện và quản lý sau cai nghiện ma túy, xác định tình trạng nghiện ma túy, quy trình cai nghiện ma túy, cai nghiện ma túy tự nguyện, cai nghiện ma túy bắt buộc; xây dựng các nội dung tuyên truyền, triển khai công tác phòng chống ma tuý, mại dâm và mua bán người; tiếp cận, vận động người nghiện ma túy cai nghiện, điều trị cắt cơn, quản lý, giám sát, giúp đỡ người cai nghiện tái hòa nhập cộng đồng.
Công tác quản lý, điều trị người nghiện ma túy cũng được các cơ quan chức năng phối hợp chặt chẽ. Sở LĐ-TB và XH phối hợp với Công an tỉnh tiến hành rà soát, đề xuất UBND tỉnh đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị, nguồn nhân lực và khả năng tiếp nhận đối tượng vào cai nghiện ma túy bắt buộc, cai nghiện tự nguyện. Việc rà soát, lập hồ sơ đưa người nghiện ma túy vào cai nghiện tại gia đình, cộng đồng và lập hồ sơ, áp dụng biện pháp xử lý vi phạm hành chính, đưa vào cơ sở cai nghiệp bắt buộc được các cấp, các ngành tích cực phối hợp thực hiện theo đúng quy định của pháp luật. Năm 2023, Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh tổ chức cai nghiện ma túy bắt buộc 377 trường hợp, trong đó tiếp nhận mới 195 người nghiện ma túy. Người nghiện được chữa trị cắt cơn, phục hồi sức khỏe, đảm bảo các điều kiện quản lý, nuôi dưỡng, giáo dục, dạy nghề, lao động trị liệu. Các cơ sở cai nghiện công lập tổ chức tiếp nhận 21 trường hợp cai nghiện ma túy tự nguyện. Các địa phương trong tỉnh tổ chức cai nghiện ma túy tại gia đình và cộng đồng cho 148 người nghiện. Toàn tỉnh có 11 cơ sở điều trị nghiện ma túy bằng thuốc thay thế Methadone và cấp phát thuốc Methadone, hiện nay đang điều trị cho 2.231 người nghiện ma túy. Các ngành chức năng tăng cường phối hợp, tổ chức kiểm tra liên ngành tại 60 cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ bị lợi dụng hoạt động mại dâm; đã phát hiện, cảnh cáo, nhắc nhở 4 cơ sở kinh doanh dịch vụ về một số nội dung hoạt động chưa đúng quy định của pháp luật.
Bên cạnh kết quả đạt được, công tác phòng, chống TNXH gặp nhiều khó khăn. Một số ngành, địa phương tổ chức triển khai thực hiện còn chậm, công tác tuyên truyền, giáo dục phòng, chống TNXH có thời điểm thực hiện chưa thường xuyên. Tệ nạn mại dâm trên địa bàn tỉnh vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ diễn biến phức tạp. Hoạt động mại dâm trá hình, trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ nhạy cảm vẫn tồn tại. Nhận thức, ý thức tự giác, phối hợp của người nghiện và gia đình người nghiện còn hạn chế, thiếu hợp tác, còn hiện tượng che giấu thông tin người nghiện và tình trạng nghiện ma tuý gây khó khăn cho công tác rà soát nắm tình hình người sử dụng trái phép chất ma tuý, xác định tình trạng nghiện và quá trình cai nghiện, quản lý sau cai nghiện. Vấn đề quản lý, điều trị cho người sử dụng ma túy bị loạn thần hiện nay vượt quá năng lực của cơ quan y tế cơ sở. Công tác dạy nghề, giải quyết việc làm cho người sau cai nghiện còn nhiều khó khăn.
Để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống TNXH trên địa bàn, thời gian tới, các cấp, các ngành, các địa phương trong tỉnh tiếp tục thực hiện hiệu quả các hoạt động phòng ngừa ma túy, mại dâm thông qua lồng ghép các chương trình mục tiêu của địa phương. Đẩy mạnh truyền thông, giáo dục về phòng, chống TNXH, nhất là tại các địa bàn có nhiều người nghiện ma túy, tội phạm ma túy, tệ nạn mại dâm nhằm nâng cao nhận thức của nhân dân về hậu quả của ma túy, mại dâm để mỗi người tự phòng, chống và tích cực tham gia phòng, chống. Triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ đấu tranh, kiềm chế sự gia tăng của tội phạm ma túy, giải quyết triệt để các tụ điểm, điểm phức tạp về ma túy. Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ công chức làm công tác phòng, chống TNXH. Đẩy mạnh kiểm tra, kiểm soát các địa điểm, cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh TNXH. Cùng với đó, cần có chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho các đối tượng sau thời gian cai nghiện bắt buộc trở về địa phương để tạo lập sinh kế lành mạnh, hợp pháp, ổn định, phòng ngừa tái nghiện, góp phần làm giảm TNXH trên địa bàn./.
Bài và ảnh: Minh Tân
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin