Thành phố Nam Định hiện có 28 trường mầm non, 24 trường tiểu học, 18 trường THCS và 25 trung tâm học tập cộng đồng, giáo dục thường xuyên. Từ nhận thức việc xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh có ý nghĩa quan trọng, tác động trực tiếp đến công tác dạy và học, những năm qua, Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD và ĐT) thành phố đã tập trung chỉ đạo các cơ sở giáo dục đẩy mạnh phong trào xây dựng nếp sống văn hoá (NSVH), tạo dựng văn hóa học đường, nâng cao đời sống tinh thần cho cán bộ, giáo viên, học sinh, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.
Sân khấu hóa tác phẩm văn học tại Trường Tiểu học Trần Nhân Tông. |
Thực hiện các văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở GD và ĐT về xây dựng NSVH học đường, Phòng GD và ĐT thành phố đẩy mạnh các phong trào thi đua: “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, “Cán bộ, công chức, viên chức thực hiện văn hóa công sở trong ngành GD và ĐT”, cuộc vận động “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”, thực hiện “dân chủ, kỷ cương, tình thương, trách nhiệm, tận tụy, chuyên nghiệp”, xây dựng trường học văn minh, hiện đại, đảm bảo các tiêu chí “xanh - sạch - đẹp - an toàn”… Ban giám hiệu các nhà trường đã đề ra các quy định về ứng xử văn hóa học đường, yêu cầu cán bộ, giáo viên, học sinh thực hiện nghiêm túc quy chế NSVH trong giao tiếp, ứng xử nơi công cộng. Đối với cán bộ, giáo viên, nhân viên khi đến trường trang phục phải gọn gàng, lịch sự, đúng quy định; không sử dụng đồ uống có cồn trong giờ làm việc, giờ nghỉ trưa; ứng xử, giao tiếp đúng mực với đồng nghiệp, phụ huynh và học sinh. Đối với học sinh, các nhà trường định hướng khuyến khích các em phát huy tính tự giác, ý thức trong việc thực hiện NSVH nơi công cộng; vui vẻ, hoà đồng với bạn bè, lễ phép với thầy cô, đồng phục gọn gàng, đến lớp đúng giờ...
Các trường đẩy mạnh tổ chức phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao (TDTT), triển khai thực hiện chương trình “Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống và khơi dậy khát vọng cống hiến cho thanh, thiếu niên, nhi đồng giai đoạn 2021-2030”; tổ chức các hoạt động giáo dục thẩm mỹ, tư trưởng chính trị, kỹ năng sống, giá trị sống, văn hóa ứng xử trong môi trường học đường, nâng cao năng lực và phẩm chất của học sinh. Năm học 2022-2023, các trường đã tổ chức thành công các cuộc thi, hội thi văn hóa, văn nghệ, tiêu biểu như cuộc thi “Tuổi trẻ học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; hội thi “Giai điệu tuổi hồng” cấp trường, cấp thành phố; tham gia hội thi “Giai điệu tuổi hồng” cấp tỉnh, đạt giải Nhất toàn đoàn. Các trường học còn đẩy mạnh các hoạt động ngoại khóa dưới hình thức sinh hoạt CLB văn hóa, văn nghệ nhân Ngày Quốc tế Phụ nữ (8-3), Ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (26-3), lễ khai giảng, lễ tổng kết năm học, Ngày Nhà giáo Việt Nam (20-11)… Nhiều trường học còn tích cực phối hợp với Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh, các đoàn nghệ thuật: múa rối nước, múa lân sư rồng về biểu diễn; đồng thời tổ chức hiệu quả mô hình sân khấu hóa các tác phẩm văn học qua các tiểu phẩm kịch ngắn chất lượng. Các nhà trường duy trì nền nếp chương trình tập thể dục buổi sáng, chống mệt mỏi sau mỗi tiết học, bài thể dục giữa giờ, các bài võ nhạc, dân vũ…; hướng dẫn học sinh luyện tập TDTT và lựa chọn ít nhất một môn thể thao theo năng lực, sở trường của bản thân. Phòng GD và ĐT thành phố tổ chức thành công cuộc thi TDTT cho học sinh khối tiểu học, THCS, qua đó lựa chọn đội tuyển học sinh giỏi TDTT dự thi giải TDTT cấp tỉnh và đạt giải Nhất toàn đoàn.
Cấp tiểu học phát động, khuyến khích học sinh tham gia các hội thi, sân chơi dành cho học sinh như: “An toàn giao thông cho nụ cười trẻ thơ”, vẽ tranh quốc tế Toyota “Chiếc ô tô mơ ước”, “Ý tưởng trẻ thơ”, “Trạng Nguyên tiếng Việt”...; khuyến khích các nhà trường thành lập các câu lạc bộ (CLB): Bóng đá, bóng bàn, điền kinh, cờ vua, aerobic…, thu hút nhiều học sinh tham gia, tạo cơ hội để các em được vui chơi, rèn luyện sức khỏe và phát triển năng lực cá nhân. Giao lưu cuộc thi “An toàn giao thông cho nụ cười trẻ thơ” dành cho học sinh và giáo viên cấp tiểu học toàn quốc, ngành GD và ĐT thành phố có cô giáo Phạm Thị Hương Sen, Trường Tiểu học Hùng Vương đoạt giải Nhất, 1 giáo viên và 4 học sinh đoạt giải Khuyến khích.
Đối với bậc học mầm non, các trường, nhóm/lớp thực hiện sáng tạo chương trình giáo dục mầm non; trong đó tập trung triển khai chương trình giáo dục nhà trường theo quan điểm giáo dục toàn diện, tích hợp, lấy trẻ làm trung tâm, phù hợp với từng lứa tuổi; chú trọng đổi mới môi trường hoạt động, tạo cơ hội cho trẻ khám phá, trải nghiệm, sáng tạo. Chất lượng chăm sóc, giáo dục không ngừng được nâng cao, tạo được lòng tin của các bậc phụ huynh và thu hút trẻ tới trường. Các cơ sở giáo dục mầm non đã tổ chức cho trẻ tham gia các hoạt động trải nghiệm tập thể như: Hội chợ Xuân; Tết Hàn thực; ngày hội thể thao; ngày hội đọc sách và kể chuyện mầm non; các hội thi “Rung chuông vàng”, “Trạng nguyên nhí”; các cuộc thi: “Bé khỏe, bé ngoan”, “Bé khéo tay”, “Bé kể chuyện, hát hay”; xem trình diễn ảo thuật, múa rối nước và tham gia chơi các trò chơi dân gian... từ đó giúp trẻ phát triển năng khiếu và phát triển toàn diện. Các Trường Mầm non: Sao Vàng, Thống Nhất, 8-3 đã đầu tư cơ sở vật chất, thiết kế các khu sinh hoạt trải nghiệm; tổ chức cho cán bộ, giáo viên tham gia các lớp đào tạo bồi dưỡng về phương pháp giáo dục Montessori, giáo dục STEM và vận dụng vào thực tế giảng dạy hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ. Năm học 2022-2023, cấp học mầm non đã cử 3 giáo viên tham gia hội thi giáo viên mầm non giỏi tỉnh với thành tích 2 giáo viên đoạt giải Nhất, 1 giáo viên đoạt giải Nhì; ngành GD và ĐT thành phố đoạt giải Nhất toàn đoàn.
Bên cạnh đó, các cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố chủ động, tích cực huy động các nguồn lực ngoài ngân sách Nhà nước để đầu tư cho phát triển giáo dục; trong đó chú trọng xây dựng, hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng, các công trình phụ trợ, trang thiết bị dạy và học, các cơ sở vật chất văn hóa, thể thao như: Tủ sách, thư viện, khuôn viên cây xanh, nhà đa năng, sân tập luyện TDTT, khu vui chơi, giải trí, thực nghiệm… theo hướng kiên cố hoá, chuẩn hóa, hiện đại hoá. Đến nay, toàn thành phố có 44/67 trường mầm non, tiểu học, THCS đạt chuẩn quốc gia (tỷ lệ 65,67%); 42/67 trường đạt chuẩn xanh - sạch - đẹp - an toàn (tỷ lệ 62,68%); 42/67 trường đạt kiểm định chất lượng giáo dục (tỷ lệ 62,68%).
Việc xây dựng nếp sống văn hoá từ những hoạt động trải nghiệm cho học sinh và phát triển phong trào văn hóa, văn nghệ học đường đã tạo không khí thi đua, sôi nổi rộng khắp trong các trường học. Đây cũng là một trong những tiêu chí bình xét, đánh giá, xếp loại thi đua hàng năm giữa các khối lớp trong các nhà trường, giữa các trường học, cấp học trong toàn ngành GD và ĐT thành phố, qua đó góp phần thực hiện nhiệm vụ nâng cao chất lượng GD và ĐT, hướng tới mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng, trình độ và lối sống văn hóa cho quê hương, đất nước./.
Bài và ảnh: Khánh Dũng
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin