Là trung tâm chính trị - kinh tế - văn hóa của tỉnh, thành phố Nam Định được xác định là địa bàn trọng điểm có tiềm ẩn, nguy cơ cao về cháy, nổ. Hiện nay, trên địa bàn thành phố có 2 khu, cụm công nghiệp, 33 cơ sở có nguy hiểm về cháy nổ thuộc Phòng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC và CNCH) Công an tỉnh quản lý, 1.807 cơ sở thuộc diện quản lý về PCCC của thành phố, trong đó có nhiều doanh nghiệp, cơ sở có nguy cơ cao về cháy, nổ như: 20 chợ, 16 siêu thị, trung tâm thương mại và cửa hàng tiện lợi, 32 cơ sở kinh doanh xăng dầu, 77 cơ sở bán lẻ gas, 53 cơ sở sản xuất kinh doanh sản phẩm từ gỗ, 10 cơ sở sản xuất giấy, 111 cơ sở sản xuất, kinh doanh điện tử...
Cán bộ Phòng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (Công an tỉnh) tập huấn nghiệp vụ cho thành viên các Tổ liên gia an toàn phòng cháy, chữa cháy phường Cửa Nam. |
Thời gian qua, UBND thành phố Nam Định luôn quan tâm, chỉ đạo việc thi hành pháp luật về PCCC đến các phòng, ban, các cơ quan, đơn vị, UBND các phường, xã và nhân dân trên địa bàn. Trong đó, UBND thành phố ban hành nhiều văn bản yêu cầu các ngành, các địa phương tích cực thực hiện chỉ đạo của các cấp, các ngành; thành lập và kiện toàn ban chỉ đạo PCCC và CNCH thành phố và các phường, xã. Để tổ chức tuyên truyền, phổ biến sâu rộng pháp luật về PCCC đến các cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, trong 3 năm qua, thành phố đã thực hiện tuyên truyền 600 lượt tin bài, khuyến cáo, hướng dẫn người dân thực hiện các giải pháp an toàn PCCC trên các phương tiện thông tin đại chúng, trên mạng xã hội; tuyên truyền 1.200 lượt trên hệ thống loa truyền thanh các phường, xã và xe ô tô lưu động; hướng dẫn 16.500 thuê bao cài đặt ứng dụng báo cháy 114, hướng dẫn 15 nghìn thuê bao theo dõi Zalo của Cục Cảnh sát PCCC và CNCH; in 750 băng rôn khẩu hiệu tuyên truyền công tác PCCC và CNCH căng treo, niêm yết tại các tuyến đường, nhà văn hóa và khu dân cư; tổ chức 91 lớp tuyên truyền, tập huấn nghiệp vụ PCCC và CNCH với 18.941 người tham gia... Qua đó đã giúp nâng cao nhận thức, kiến thức pháp luật về công tác PCCC trong sản xuất, kinh doanh cũng như trong đời sống sinh hoạt hàng ngày của nhân dân, góp phần hạn chế số vụ cháy nổ và thiệt hại do cháy nổ gây ra, bảo vệ tính mạng, sức khỏe con người, tài sản Nhà nước và của nhân dân; giữ gìn an ninh trật tự, an toàn xã hội.
Bên cạnh đó, UBND thành phố chỉ đạo các cơ quan, đơn vị triển khai thực hiện nghiêm túc công tác PCCC. Thành phố đã kiện toàn 196 đội dân phòng tại 196 thôn, tổ dân phố (đạt 100%) với tổng số 2.254 người tham gia; hướng dẫn 1.807 cơ sở thuộc diện quản lý về PCCC củng cố, duy trì và nâng cao hiệu quả hoạt động của đội PCCC cơ sở. UBND các phường, xã thành lập mô hình “Tổ liên gia an toàn PCCC” theo phương châm từng nhà an toàn, từng khu phố an toàn, từng phường, xã an toàn, lấy phòng ngừa là cơ bản, chiến lược, lâu dài; mỗi phường, xã chọn một thôn, xóm, tổ dân phố xây dựng điểm, sau đó nhân rộng. Đến nay đã xây dựng được 58 mô hình “Tổ liên gia an toàn PCCC” và xây dựng 135 “Điểm chữa cháy công cộng” trên địa bàn 25 phường, xã.
Việc triển khai xây dựng các mô hình an toàn, mô hình tự quản về PCCC tại địa phương đã góp phần nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của người dân với công tác PCCC. Hàng năm lực lượng công an đã tham mưu cho UBND thành phố và các phường, xã phối hợp với Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH mở các lớp huấn luyện, tập huấn nghiệp vụ PCCC và CNCH cho lực lượng dân phòng và lực lượng PCCC cơ sở. Ngoài ra, việc đầu tư trang thiết bị và quản lý các phương tiện PCCC của thành phố, Công ty chợ, Trung tâm phát triển cụm công nghiệp và các phường, xã cơ bản phần nào đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ chung. Các đội dân phòng, đội PCCC cơ sở về cơ bản đã được trang bị các phương tiện PCCC, chuẩn bị tốt các điều kiện phục vụ chữa cháy đáp ứng việc xây dựng và tổ chức thực tập phương án PCCC; tổ chức chữa cháy kịp thời, giải quyết được hậu quả các vụ cháy nổ gây ra. Trên địa bàn thành phố tổ chức xây dựng 8 bến lấy nước, 200 trụ nước phục vụ công tác PCCC.
Cùng với công tác xây dựng lực lượng và đầu tư trang thiết bị PCCC, thành phố Nam Định tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về PCCC, nhất là đối với những địa bàn có tiềm ẩn nguy cơ cháy, nổ như: các doanh nghiệp, trung tâm thương mại, khu dân cư, các cơ sở sản xuất gia công chế biến gỗ, vải sợi, may mặc, chợ, các hộ sản xuất kinh doanh kết hợp nhà ở... Qua công tác kiểm tra đã phát hiện nhiều vi phạm trong thực hiện các quy định về an toàn PCCC và đã yêu cầu các cơ quan, đơn vị, các cơ sở sản xuất kinh doanh khắc phục vi phạm góp phần loại trừ nhiều nguy cơ gây cháy. Trong 3 năm qua, lực lượng công an đã tiến hành kiểm tra 196 khu dân cư, 1.087 cơ sở thuộc diện quản lý về PCCC, kiểm tra 8 chợ hạng 1, 2 và 8 chợ hạng 3, qua kiểm tra đã phát hiện, xử lý vi phạm hành chính đối với 25 cơ sở với số tiền 19,6 triệu đồng; tiến hành kiểm tra 71 lượt đối với 24 cơ sở kinh doanh karaoke, xử phạt 14 cơ sở vi phạm điều kiện an toàn PCCC với số tiền 81,2 triệu đồng; thu hồi 37/37 giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh trật tự đối với các cơ sở kinh doanh karaoke không đảm bảo các điều kiện an toàn PCCC; phát hiện và xử phạt 9 cơ sở karaoke hoạt động trái phép với số tiền 228 triệu đồng; tổ chức tổng kiểm tra, đánh giá thực trạng công tác PCCC và CNCH đối với các cơ sở có nguy cơ cháy nổ cao, các cơ sở sản xuất công nghiệp kịp thời phát hiện khắc phục những tồn tại vi phạm về PCCC.
Với những giải pháp đồng bộ, đến nay, nhận thức của các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị và người dân thành phố Nam Định về PCCC được nâng cao và chuyển biến rõ rệt. Việc chấp hành các quy định của pháp luật về PCCC được thực hiện tương đối nghiêm túc. Lực lượng chữa cháy cơ sở, lực lượng PCCC dân phòng được củng cố, xây dựng và bước đầu có những hoạt động thiết thực, hiệu quả. Từ năm 2020 đến nay trên địa bàn thành phố chỉ xảy ra 22 vụ cháy không có thiệt hại về người, thiệt hại tài sản khoảng trên 32 tỷ đồng; 2 vụ nổ làm 5 người bị thương, thiệt hại tài sản không đáng kể. Thời gian tới, thành phố Nam Định sẽ tiếp tục chỉ đạo triển khai và thực hiện hiệu quả các quy định của pháp luật về PCCC, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về công tác PCCC; xây dựng và nhân rộng các mô hình “tổ liên gia an toàn PCCC” và các điểm chữa cháy công cộng. Định kỳ tổ chức diễn tập phương án PCCC và CNCH tại những khu dân cư, cơ sở lớn có nguy cơ cao xảy ra cháy nổ. Quan tâm bố trí kinh phí cho hoạt động PCCC và CNCH, trang bị phương tiện và duy trì hoạt động của lực lượng dân phòng theo quy định./.
Bài và ảnh: Văn Trọng
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin