Mỹ Lộc quan tâm thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở

08:21, 15/09/2023

Việc thực hiện quy chế dân chủ (QCDC) ở cơ sở thời gian qua đã được cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) và các đoàn thể huyện Mỹ Lộc triển khai sâu rộng và thực sự đi vào cuộc sống. Từ đó củng cố niềm tin, tạo sự đồng thuận, phát huy tinh thần đoàn kết trong các tầng lớp nhân dân, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Sản xuất hàng may mặc dân dụng tại xã Mỹ Thắng.
Sản xuất hàng may mặc dân dụng tại xã Mỹ Thắng.

Hàng năm, Ban chỉ đạo thực hiện QCDC ở cơ sở của huyện đã tích cực tham mưu triển khai các văn bản; kịp thời kiện toàn Ban chỉ đạo và phân công nhiệm vụ cho các thành viên; thực hiện nghiêm chế độ thông tin, báo cáo; tổ chức sơ, tổng kết định kỳ theo quy chế; tích cực tham mưu và tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện QCDC ở cơ sở. HĐND, UBND huyện tăng cường quản lý Nhà nước theo hướng trọng dân, gần dân, có trách nhiệm với dân, vì dân phục vụ; đẩy mạnh cải cách hành chính; chú trọng công tác tiếp dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo. MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội huyện hướng mạnh các hoạt động về cơ sở, tích cực tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân bằng nhiều hình thức đa dạng; chỉ đạo tăng cường giám sát qua hoạt động của Ban thanh tra nhân dân, Ban giám sát đầu tư cộng đồng; tích cực tham gia giám sát, phản biện xã hội và góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền theo Quyết định số 217-QĐ/TW, 218-QĐ/TW của Bộ Chính trị.

Ban chỉ đạo thực hiện QCDC tại 11 xã, thị trấn trên địa bàn huyện đều xây dựng các kế hoạch, triển khai nhiệm vụ trong thực hiện QCDC ở cấp xã. Theo đó đã chú trọng vào các nội dung: đối thoại trực tiếp; phát huy vai trò ban thanh tra nhân dân; công khai niêm yết các quy định, văn bản thủ tục hành chính ở nơi làm việc, nơi tiếp dân… Đơn cử như việc công khai các nội dung về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; dự toán thu, chi, phân bổ và quyết toán ngân sách hàng năm; chủ trương, kế hoạch... được thực hiện nghiêm túc bằng các hình thức như thông qua hội nghị, qua hệ thống truyền thanh, cổng thông tin điện tử, niêm yết tại trụ sở HĐND, UBND xã, thị trấn và nhà văn hóa các thôn (xóm), tổ dân phố. Bên cạnh đó, các nội dung nhân dân bàn, biểu quyết để cấp có thẩm quyền quyết định cũng được các xã, thị trấn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện như: tổ chức lấy ý kiến vào các dự thảo luật; tham gia bàn, biểu quyết hương ước; bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố; bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm thành viên Ban thanh tra nhân dân, Ban giám sát đầu tư cộng đồng. Việc nhân dân giám sát thông qua hoạt động của Ban thanh tra nhân dân, Ban giám sát đầu tư cộng đồng ngày càng hiệu quả như: giám sát việc thực hiện các chế độ, chính sách an sinh xã hội, các công trình xây dựng tại địa phương… Toàn huyện hiện có 11 Ban thanh tra nhân dân với 129 thành viên, 11 Ban giám sát đầu tư cộng đồng với 130 thành viên. Trong 2 năm qua các Ban tiến hành giám sát và phát hiện 78 vụ việc, phản ánh kiến nghị cơ quan có thẩm quyền 18 vụ, 58 việc, đều được giải quyết và phúc đáp trả lời...

Cùng với thực hiện công khai các thông tin, kế hoạch, cấp ủy, chính quyền xã, thị trấn tổ chức hiệu quả các cuộc đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với các tầng lớp nhân dân định kỳ, đột xuất nhằm nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân liên quan đến giải phóng mặt bằng khu đô thị thị trấn Mỹ Lộc, khu xử lý rác thải thành phố Nam Định, Khu công nghiệp Mỹ Thuận, các khu dân cư tập trung và nhiều dự án giải phóng mặt bằng trọng điểm khác trên địa bàn huyện. Năm 2021, tổ chức đối thoại giữa cấp ủy, chính quyền với nhân dân các xã Mỹ Thuận, Mỹ Thịnh về công tác giải phóng mặt bằng dự án Khu công nghiệp Mỹ Thuận cho gần 400 hộ để giải quyết các ý kiến, đề xuất, kiến nghị của nhân dân. Năm 2023, có 100% các xã, thị trấn xây dựng kế hoạch tổ chức đối thoại theo quy chế đối thoại của Ban Thường vụ Huyện ủy. Từ tháng 5-2021 đến tháng 6-2023, cấp xã tiếp 699 lượt công dân đến kiến nghị, khiếu nại, phản ánh; tiếp nhận 331 đơn, đủ điều kiện xử lý 123 đơn, tỷ lệ đơn giải quyết đạt 99%, các đơn chuyển sang kỳ sau đều đảm bảo quy định. HĐND, UBND các xã, thị trấn đã phối hợp với Ban Thường trực Uỷ ban MTTQ các xã, thị trấn đã tổ chức 385 hội nghị tiếp xúc cử tri đại biểu HĐND xã, thị trấn; tiếp thu ý kiến đóng góp của nhân dân tham gia xây dựng chính quyền với trên 800 lượt ý kiến và đều được tổng hợp, tiếp thu chuyển đến các cấp, các ngành giải quyết. Việc thực hiện dân chủ đối với cán bộ, công chức cấp xã theo Nghị định số 04/2015-NĐ/CP, ngày 9-1-2015 của Chính phủ được thực hiện nghiêm túc. 100% số xã, thị trấn thực hiện cải cách thủ tục hành chính theo cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông”. Các thủ tục hành chính liên quan đến đất đai, nhà ở, hộ tịch, công chứng, chứng thực được công khai, giảm bớt thủ tục phiền hà cho nhân dân.

Với sự vào cuộc của các cấp ủy, chính quyền, MTTQ, các đoàn thể, việc thực hiện QCDC ở cơ sở ở Mỹ Lộc có sự chuyển biến rõ nét, ngày càng phát huy vai trò của nhân dân thông qua tham gia thực hiện các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, xây dựng hệ thống chính trị trên địa bàn huyện. Trong phong trào xây dựng nông thôn mới (NTM) nâng cao, kiểu mẫu của huyện từ năm 2021 đến nay, bộ mặt nông thôn ngày càng được đổi mới, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được cải thiện rõ rệt. UBND xã, thị trấn cải tạo nâng cấp 23,72km đường địa phương, tổng kinh phí khoảng 22,7 tỷ đồng. Huyện đang tập trung chỉ đạo quyết liệt xã Mỹ Hà hoàn thiện các tiêu chí để được công nhận xã NTM nâng cao; trình tỉnh thẩm định các xã Mỹ Thịnh, Mỹ Thành đạt chuẩn NTM kiểu mẫu năm 2022; xã Mỹ Thắng đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, thị trấn Mỹ Lộc đạt chuẩn đô thị văn minh, xã Mỹ Phúc, Mỹ Tân đạt chuẩn NTM nâng cao 2023. Từ đầu nhiệm kỳ 2020-2025 đến nay, kinh tế - xã hội của huyện tiếp tục duy trì ổn định và có bước tăng trưởng. Toàn huyện có 98% thôn (xóm), tổ dân phố đạt danh hiệu, xóm, tổ dân phố văn hóa, 89% gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hóa. Tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm còn 1,2%. Công tác quốc phòng, quân sự địa phương được tăng cường, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo./.

Bài và ảnh: Văn Trọng
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com