Nơi cưu mang những mảnh đời bất hạnh

05:58, 12/05/2023

Được sự quan tâm của các cấp, các ngành, những năm qua, Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh đã thực hiện tốt công tác nuôi dưỡng, chăm sóc và phục hồi chức năng cho các đối tượng diện bảo trợ xã hội, góp phần đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn.

Học sinh khuyết tật học nghề may tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh.
Học sinh khuyết tật học nghề may tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh.

Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh đang quản lý, nuôi dưỡng, dạy nghề phục hồi chức năng và thực hiện trợ giúp xã hội cho 233 đối tượng, trong đó 154 đối tượng được chăm sóc nuôi dưỡng và thực hiện trợ giúp tại trụ sở chính ở thị trấn Xuân Trường, 79 đối tượng trẻ em học nghề và phục hồi chức năng tại cơ sở 2 ở thành phố Nam Định. Các đối tượng được chăm sóc nuôi dưỡng và thực hiện trợ giúp tại trụ sở chính chủ yếu là những người cô đơn, không có người thân... trong số họ nhiều người bị bệnh tâm thần đặc biệt nặng, nhiều người nằm liệt giường không còn khả năng tự chủ. Khi được tiếp nhận vào trung tâm đều ở tình trạng bệnh lý nặng, không ổn định; mất khả năng lao động; không tự chăm sóc được bản thân, hay lên cơn kích động. Một số người già cô đơn không nơi nương tựa do tuổi cao sức yếu nên dễ xảy ra những tai biến, trí nhớ giảm sút… Trẻ khuyết tật có nhiều dạng tật khác nhau, nhận thức hạn chế, phần lớn gia đình có hoàn cảnh khó khăn, ít được gia đình quan tâm, một số em đang ở lứa tuổi phát triển tâm sinh lý phức tạp… Để nâng cao công tác chăm sóc, giáo dục, định kỳ từng quý và cả năm, trung tâm đều xây dựng kế hoạch tổ chức triển khai thực hiện tiếp nhận, quản lý đối tượng; phân công cán bộ trực; rà soát công việc của từng bộ phận để sắp xếp làm việc cho phù hợp. Cùng với đó, trung tâm phân loại đối tượng tâm thần để có kế hoạch chăm sóc quản lý đạt hiệu quả… Hàng năm, trung tâm đều duy trì đều đặn chế độ ăn uống, ngày ăn 3 bữa đảm bảo tiêu chuẩn, định lượng theo quy định phục vụ cho các đối tượng trong diện bảo trợ xã hội; thường xuyên tư vấn, tham vấn cho các đối tượng tiếp cận các dịch vụ y tế, xã hội; cung cấp và hỗ trợ đối tượng tiếp cận, thụ hưởng các chính sách và chương trình trợ giúp xã hội theo quy định. 

Trung tâm đã xây dựng nội quy, quy định cho từng khu vực quản lý chăm sóc, nuôi dưỡng các đối tượng. 100% đối tượng được chăm sóc y tế thường xuyên. Đối với những người bị ốm, bệnh nặng, trung tâm đưa đi bệnh viện các tuyến theo quy định để chữa trị và cử người chăm sóc; thường xuyên liên hệ việc cử cán bộ đi học tập kinh nghiệm tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương, Bệnh viện Tâm thần tỉnh để tổ chức khám, có phác đồ điều trị hiệu quả cho người tâm thần. Đối với người già, người tàn tật nặng không tự phục vụ trong sinh hoạt cần có người khác giúp đỡ, trung tâm đã bố trí, sắp xếp, phân công một số nhân viên để thường xuyên chăm sóc. Đối với trẻ em mồ côi đi học được cán bộ trung tâm đưa đón và hướng dẫn, giúp đỡ các cháu trong học tập. 

Để góp phần phục hồi chức năng cho các đối tượng diện bảo trợ xã hội, Trung tâm còn tổ chức các hoạt động tham gia quét dọn vệ sinh xung quanh đơn vị, vệ sinh phòng ở, vệ sinh cá nhân để từ đó các đối tượng quên đi những cảm giác đau đớn, khó chịu do bệnh lý gây nên và dần bình phục sức khoẻ, hình thành được tư duy trong công việc, có ý thức hơn trong sinh hoạt. Đối với những người già cô đơn, trẻ em khuyết tật, mồ côi…, các cán bộ, nhân viên tại Trung tâm luôn dành cho tình thương yêu, hàng ngày gần gũi, động viên, mang đến cho họ những niềm vui, sự khích lệ, nhất là vào các dịp lễ, tết. Những người còn có khả năng lao động được bố trí công việc lao động hợp lý như: nhổ cỏ, quét dọn vệ sinh, chăm sóc rau xanh… để vừa cung cấp thêm nguồn thực phẩm đạt tiêu chuẩn vệ sinh, an toàn thực phẩm cho các bữa ăn hàng ngày và giữ gìn cảnh quan đơn vị luôn sạch đẹp, vừa giúp bệnh nhân tăng cường sức khỏe. Vào các dịp kỷ niệm Ngày Người khuyết tật Việt Nam, Tết Thiếu nhi, Tết Trung thu...  trung tâm tổ chức các hoạt động vui chơi, văn nghệ chào mừng cho đối tượng là trẻ khuyết tật, trẻ mồ côi, bù đắp cho các em sự thiếu thốn tình cảm và mặc cảm bệnh tật. Vào mỗi buổi sáng, chiều cuối tuần, các đối tượng còn được tham gia sinh hoạt tập thể như chơi thể thao, đánh cờ, sinh hoạt nhóm và tổ chức các tiết mục văn nghệ… Trung tâm cũng thường xuyên tổ chức các buổi sinh hoạt nhóm để các đối tượng có cơ hội chia sẻ, vui chơi cùng nhau, trao đổi và thiết lập các nhóm bạn với nhau. Trung tâm thường xuyên mở các lớp dạy nghề may và nghề mộc, phục hồi chức năng ngôn ngữ và thể chất cho trẻ em khuyết tật. Những cháu học nghề đạt theo yêu cầu, trung tâm tổ chức kiểm tra, cấp chứng chỉ sơ cấp nghề, tư vấn tìm việc làm cho đối tượng hết thời hạn ra khỏi trung tâm. Với tình thương, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ công chức, viên chức, nhiều đối tượng có những chuyển biến và thay đổi rõ rệt, luôn có ý thức đoàn kết, yêu thương, giúp đỡ lẫn nhau và giữ gìn kỷ luật cao 

Để tiếp tục nâng cao chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục, thời gian tới, Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh tiếp tục tập trung nâng cao chất lượng công tác quản lý, điều trị nuôi dưỡng và tổ chức lao động phục hồi chức năng cho các diện đối tượng bảo trợ xã hội. Dạy nghề, dạy văn hóa, phục hồi chức năng, bổ sung chương trình giáo trình phù hợp với đối tượng trẻ khuyết tật. Thực hiện công tác chăm sóc nuôi dưỡng, quản lý đối tượng đảm bảo an toàn. Triển khai thực hiện tốt các hoạt động công tác xã hội trẻ em trên địa bàn tỉnh… Qua đó, để trung tâm thật sự là điểm tựa, là mái ấm của những mảnh đời không may mắn, giúp cho họ vơi bớt những đau đớn do bệnh tật gây ra, xoá đi sự mặc cảm và ngày càng tự tin hơn trong cuộc sống./.

Bài và ảnh: Hồng Minh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com