Giáo dục truyền thống cho học sinh thông qua di sản văn hóa

07:42, 19/05/2023

Toàn tỉnh hiện có gần 4.000 di tích lịch sử - văn hóa. Trong đó, nhiều di tích lịch sử - văn hóa, kiến trúc nổi tiếng: Đền Trần, Cột cờ Nam Định (thành phố Nam Định), Quần thể di tích lịch sử - văn hóa Phủ Dầy (Vụ Bản), Chùa Cổ Lễ (Trực Ninh), Chùa Keo Hành Thiện (Xuân Trường)…; nhiều di tích lịch sử - văn hóa gắn với các danh nhân như: Trạng Nguyên Nguyễn Hiền, Trạng lường Lương Thế Vinh, nhà thơ Tú Xương, nhà lưu niệm Nguyễn Bính, khu lưu niệm Tổng Bí thư Trường Chinh… Với mong muốn khơi dậy niềm tự hào và trân trọng truyền thống lịch sử quý báu của cha ông cho thế hệ trẻ, thời gian qua nhiều trường học trên địa bàn tỉnh đã tổ chức những tiết học lịch sử giàu ý nghĩa tại các di tích. 

Học sinh Trường Tiểu học Lê Quý Đôn (thành phố Nam Định) chăm chú lắng nghe nhân viên Bảo tàng tỉnh giới thiệu các hiện vật được trưng bày tại bảo tàng.
Học sinh Trường Tiểu học Lê Quý Đôn (thành phố Nam Định) chăm chú lắng nghe nhân viên Bảo tàng tỉnh giới thiệu các hiện vật được trưng bày tại bảo tàng.

Theo đó, ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch triển khai thực hiện hiệu quả kế hoạch triển khai công tác giáo dục truyền thống cho học sinh, sinh viên thông qua di sản văn hóa năm thứ nhất (2022-2023) của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành theo Quyết định số 2752/QĐ-BVHTTDL ngày 31-10-2022. Qua đó góp phần nâng cao hiệu quả công tác giáo dục truyền thống yêu nước, tinh thần dũng cảm kiên cường đấu tranh bảo vệ Tổ quốc, ý thức giữ gìn, tôn vinh bản sắc văn hoá dân tộc cho thế hệ trẻ; rèn luyện tính chủ động, tích cực, sáng tạo trong đổi mới phương pháp học tập, góp phần đào tạo, bồi dưỡng nguồn lực con người - yếu tố có ý nghĩa quyết định thắng lợi của sự nghiệp đổi mới, phát triển và hội nhập quốc tế của đất nước. Kế hoạch được triển khai trên toàn quốc trong năm học 2022-2023 với một số nội dung như: Triển khai mô hình “Câu lạc bộ em yêu lịch sử”, “Giờ học lịch sử” tại các bảo tàng cấp tỉnh, thời gian từ tháng 1 đến tháng 5-2023, áp dụng tại tất cả các bảo tàng cấp tỉnh (phù hợp với điều kiện thực tế của từng bảo tàng); triển khai thí điểm mô hình “Giờ học lịch sử online” tại một số bảo tàng cấp tỉnh, thời gian từ tháng 3 đến tháng 7-2023, áp dụng tại một số bảo tàng cấp tỉnh (có đủ điều kiện cả về nhân lực và hạ tầng kỹ thuật, công nghệ)…

Thực tế, việc phối hợp giữa Bảo tàng tỉnh với các trường học để giáo dục học sinh về truyền thống thông qua di sản văn hóa đã được thực hiện nhiều năm qua, bằng nhiều phương thức và sáng tạo đổi mới như: đưa học sinh đến tham quan hoặc đưa các tư liệu, hình ảnh về di sản văn hóa đến giới thiệu tại các trường để các giáo viên hướng dẫn, giảng dạy cho học sinh hoặc tổ chức các buổi ngoại khóa để quảng bá, giới thiệu hệ thống các hiện vật được trưng bày tại bảo tàng cho học sinh trên địa bàn đến tham quan, tìm hiểu. Hàng năm, Bảo tàng tỉnh đón khoảng 9.000 lượt học sinh, sinh viên, các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh đến tham quan tìm hiểu kiến thức. Các hoạt động giáo dục tại Bảo tàng tỉnh đã giúp bổ sung kiến thức cho học sinh, sinh viên về lịch sử, văn hóa của quê hương, bồi dưỡng cho thế hệ trẻ về truyền thống cách mạng, khơi dậy lòng tự hào dân tộc, tình yêu quê hương đất nước. Trong tháng 4-2023, học sinh Trường Tiểu học Lê Quý Đôn (thành phố Nam Định) được đi thăm, học tập tại Bảo tàng tỉnh. Phần lớn các thầy, cô giáo, học sinh và phụ huynh đều hào hứng và ủng hộ hoạt động. Em Phạm Tú Linh, học sinh lớp 4 cho biết: “Hoạt động ngoại khóa tại bảo tàng giúp em có thêm nhiều kiến thức bổ ích về những dấu mốc, sự kiện của quê hương Nam Định. Em mong muốn sẽ tiếp tục được tham gia những buổi học ngoại khóa như này nhiều hơn nữa”. Những ngày đầu tháng 5, học sinh tại cơ sở mầm non tư thục Happy School (thành phố Nam Định) được tham gia hoạt động ngoại khóa tại Phủ Dầy, xã Kim Thái (Vụ Bản). Tuy ở độ tuổi còn khá nhỏ, chưa hiểu biết nhiều nhưng buổi trải nghiệm thực tế hứa hẹn giúp các em “gặt hái” được nhiều kết quả. Chị Phạm Hồng Liên, giáo viên cơ sở mầm non tư thục Happy School cho biết: “Nhà trường mong muốn giáo dục truyền thống cho các con từ khi còn nhỏ. Dù các con chưa nhận thức được nhiều nhưng tôi tin những buổi hoạt động ngoại khóa như này sẽ dần hình thành ý thức, trách nhiệm, tình yêu đối với quê hương đất nước”. Ngoài địa điểm trên, cơ sở mầm non tư thục Happy School cũng thường xuyên tổ chức các buổi học tập, tham quan cho học sinh tại nhiều di tích văn hóa khác như: Đền Trần, Cột cờ Nam Định… Chị Phạm Thị Hằng, phụ huynh có con đang học tại cơ sở mầm non tư thục Happy School cho biết: “Tôi rất đồng tình và ủng hộ cho con tham gia các buổi học ngoại khóa, các buổi dã ngoại. Sau mỗi buổi học các con lại có thêm những kiến thức bổ ích, từ đó dần hình thành lòng biết ơn các thế hệ cha anh đi trước, phấn đấu trở thành con ngoan, trò giỏi”.

Hy vọng rằng, trong thời gian tới việc giáo dục truyền thống cho học sinh thông qua di sản văn hóa sẽ được đẩy mạnh. Qua đây góp phần đổi mới phương pháp dạy học, gắn lý thuyết với thực tiễn; đồng thời góp phần hình thành và hoàn thiện nhân cách, nâng cao ý thức, trách nhiệm cho thế hệ trẻ trong việc gìn giữ, bảo tồn và phát huy các truyền thống và giá trị di sản văn hóa của dân tộc./.

Bài và ảnh: Thanh Hoa

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com