Qua hơn 5 năm thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW, ngày 25-10-2017 của BCH Trung ương Đảng khóa XII về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, các cấp ủy Đảng, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở đã lãnh đạo, chỉ đạo triển khai nhiều chương trình, đề án cụ thể. Đến nay, tổ chức bộ máy, biên chế của các đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh đảm bảo tinh gọn hơn, giảm đầu mối, giảm cấp trung gian; chất lượng hoạt động từng bước được nâng lên ngày càng hiệu quả.
Khám, sàng lọc cho người tham gia hiến máu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh. |
Thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW, Tỉnh ủy đã ban hành Chương trình hành động số 19-CTr/TU ngày 14-12-2017 và Kế hoạch số 50-KH/TU ngày 16-7-2018; UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 73/KH-UBND ngày 16-7-2018; các cơ quan, đơn vị, địa phương đều ban hành kế hoạch, đề án, văn bản để triển khai, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp theo chức năng, nhiệm vụ được giao. UBND tỉnh ban hành 16 danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách Nhà nước trong các lĩnh vực giáo dục và đào tạo; lao động - thương binh và xã hội; y tế - dân số; thông tin và truyền thông; khoa học và công nghệ; tài nguyên và môi trường; văn hóa, gia đình, thể thao và du lịch; quản lý và khai thác hạ tầng Khu công nghiệp Hòa Xá; nông nghiệp và phát triển nông thôn; văn hóa, thể thao và công tác thanh, thiếu niên thuộc quản lý của Đoàn Thanh niên; tư pháp; xây dựng; công thương; xúc tiến đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp; giao thông vận tải; lưu trữ… Hàng năm, UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc xây dựng kế hoạch và tổ chức đánh giá các dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách Nhà nước bảo đảm thực hiện đúng các quy định của pháp luật.
Bám sát Chương trình hành động của Tỉnh ủy và Kế hoạch của UBND tỉnh, các cơ quan, đơn vị đã xây dựng và triển khai đề án sắp xếp, tổ chức lại đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định. Sau hơn 5 năm thực hiện, toàn tỉnh đã giảm hơn 10% số đơn vị sự nghiệp công lập. Theo đó, trước khi thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW toàn tỉnh có 1.057 đơn vị sự nghiệp công lập và 229 trạm y tế xã, phường, thị trấn; thì đến nay giảm đi còn 844 đầu mối gồm 724 đơn vị sự nghiệp giáo dục và đào tạo, 15 đơn vị lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, 24 đơn vị lĩnh vực y tế, 1 đơn vị lĩnh vực khoa học công nghệ, 18 đơn vị lĩnh vực văn hoá, thể thao và du lịch, 1 đơn vị lĩnh vực thông tin và truyền thông, 61 đơn vị sự nghiệp kinh tế và sự nghiệp khác. Cụ thể, trên lĩnh vực giáo dục và đào tạo, tỉnh ta đã thực hiện sáp nhập các trường quy mô nhỏ dưới 10 lớp, các trường học công lập bảo đảm mỗi xã, phường, thị trấn chỉ có 1 trường mầm non, 1 trường tiểu học, 1 trường THCS. Đến nay, số lượng đơn vị sự nghiệp công lập thuộc lĩnh vực giáo dục và đào tạo của tỉnh hiện có 724 đơn vị, gồm 1 trường cao đẳng sư phạm, 226 trường mầm non, 226 trường tiểu học, 226 trường THCS, 45 trường THPT… Trên lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, tiến hành sáp nhập các trường: Trung cấp Nghề thương mại du lịch và dịch vụ, Trung cấp Kinh tế kỹ thuật nông nghiệp, Trung cấp Cơ điện, Trung cấp Nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống, Trung cấp Công nghệ và truyền thông, Trung cấp Nghề kỹ thuật công nghiệp vào Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghệ, đổi tên thành Trường Cao đẳng Kinh tế và Công nghệ tỉnh Nam Định. Sáp nhập Trung tâm dạy nghề thuộc UBND huyện và Trung tâm Giáo dục thường xuyên thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo thành Trung tâm Giáo dục Thường xuyên và Dạy nghề và chuyển về UBND cấp huyện quản lý. Hiện lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp tỉnh Nam Định có 15 đơn vị gồm 2 trường Cao đẳng (Cao đẳng Kinh tế và Công nghệ tỉnh Nam Định, Cao đẳng Văn hoá Nghệ thuật và Du lịch Nam Định), 3 Trung tâm Giáo dục thường xuyên thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo, 9 Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên cấp huyện, 1 Trường Trung cấp Y tế thuộc Sở Y tế… Trên lĩnh vực y tế, đã thực hiện sáp nhập Trung tâm Y tế huyện, thành phố; Trung tâm Dân số, kế hoạch hóa gia đình và Bệnh viện huyện, thành phố thành Trung tâm Y tế huyện đa chức năng (trừ Bệnh viện huyện Hải Hậu là bệnh viện hạng II). Thành lập Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát bệnh tật tỉnh trên cơ sở hợp nhất 4 Trung tâm gồm: Trung tâm Y tế dự phòng, Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản, Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS và Trung tâm Truyền thông - Giáo dục sức khỏe. Chuyển các bệnh viện đủ điều kiện sang đơn vị sự nghiệp tự bảo đảm kinh phí chi thường xuyên gồm: Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Phụ sản tỉnh, Bệnh viện Nhi tỉnh, Bệnh viện Mắt tỉnh, Bệnh viện Nội tiết tỉnh, Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh, Bệnh viện Đa khoa huyện Hải Hậu, Bệnh viện Phổi tỉnh Nam Định. Số lượng các cơ sở y tế công lập của tỉnh đến nay có 24 đơn vị gồm 13 đơn vị tuyến tỉnh (10 Bệnh viện, 3 Trung tâm); 11 đơn vị tuyến huyện (1 Bệnh viện Đa khoa huyện Hải Hậu là bệnh viện hạng II, 10 Trung tâm Y tế). Các trạm y tế xã, phường, thị trấn được tổ chức thống nhất là đơn vị thuộc Trung tâm Y tế cấp huyện… Trên lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch tiến hành hợp nhất Trung tâm Thông tin triển lãm, Trung tâm Phát hành phim và chiếu bóng và Trung tâm Văn hóa 3-2 thành Trung tâm Văn hóa, Điện ảnh và Triển lãm tỉnh Nam Định. Thành lập Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh Nam Định, nòng cốt là hát chèo trên cơ sở sáp nhập Đoàn Cải lương, Đoàn Kịch nói và Nhà hát chèo. Hợp nhất Bảo tàng tỉnh và Ban quản lý di tích danh thắng thuộc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thành Bảo tàng tỉnh Nam Định. Hợp nhất Trường Nghiệp vụ thể dục thể thao và Trung tâm Đào tạo vận động viên bóng đá thuộc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thành Trung tâm Thể thao thành tích cao tỉnh Nam Định. Hợp nhất Đài Phát thanh huyện và Trung tâm Văn hóa - Thông tin, thành Trung tâm Văn hoá, Thông tin và Thể thao cấp huyện. Hợp nhất Đài Phát thanh thành phố với Trung tâm Văn hóa, thông tin, thể thao và Nhà Văn hóa thiếu nhi, thành Trung tâm Văn hóa, Thể thao thành phố Nam Định. Chuyển Ban Quản lý di tích lịch sử Đền Trần thuộc UBND thành phố Nam Định thành đơn vị sự nghiệp tự chủ kinh phí chi thường xuyên. Số lượng các cơ sở văn hoá, thể thao, du lịch công lập trên địa bàn tỉnh hiện là 18 đơn vị; gồm 6 đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch; Đài Phát thanh và Truyền hình cấp tỉnh; 10 Trung tâm Văn hoá, Thông tin và Thể thao cấp huyện; Ban Quản lý Đền Trần Chùa Tháp thuộc UBND thành phố Nam Định… Trên các lĩnh vực kinh tế, tiến hành thành lập Trung tâm Phát triển hạ tầng và tư vấn đầu tư khu công nghiệp tỉnh thuộc Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh; giải thể Nhà khách UBND tỉnh; giải thể các Trung tâm phát triển cụm công nghiệp thuộc UBND các huyện; chuyển các đơn vị sự nghiệp kinh tế và sự nghiệp khác có đủ điều kiện thành công ty cổ phần, giải thể các đơn vị sự nghiệp hoạt động không hiệu quả.
Song song với giảm thiểu các đơn vị sự nghiệp công lập, sau hơn 5 năm thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW, số lượng biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh đến nay đã giảm đi 10%, bình quân mỗi năm giảm tối thiểu 2,5%, tương ứng với 3.437 người đã được tinh giản. Từ nay đến năm 2025, tỉnh Nam Định đề ra mục tiêu tiếp tục giảm 10% biên chế hưởng lương từ ngân sách Nhà nước tại các đơn vị sự nghiệp công lập. Việc sử dụng biên chế của các đơn vị đảm bảo đúng quy định của pháp luật, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Tinh giản biên chế đã gắn với sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao chất lượng đội ngũ viên chức. Việc đánh giá, xếp loại viên chức hàng năm được thực hiện nghiêm túc thông qua kết quả hoạt động của đội ngũ viên chức. Cùng với tinh giản biên chế, tỉnh ta đã chỉ đạo thực hiện nghiêm các quy định về số lượng cấp phó các cơ quan, đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh, đảm bảo không có cấp phó vượt quá số lượng theo quy định của Trung ương, của tỉnh. Trong 5 năm gần đây, tỉnh ta đã thực hiện sắp xếp giảm 329 lãnh đạo quản lý, trong đó giảm 131 cấp phó theo quy định.
Hoạt động nâng cao năng lực quản trị của đơn vị sự nghiệp công lập được quan tâm. Các đơn vị đã thực hiện đổi mới phương thức quản lý, nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu trong việc quản trị tài chính, tài sản công của đơn vị. Thực hiện sắp xếp cơ cấu tổ chức bộ máy bên trong của từng đơn vị theo hướng tinh gọn, giảm mạnh đầu mối, bỏ cấp trung gian. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và khoa học công nghệ trong việc quản lý, điều hành và hoạt động của đơn vị để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, đồng thời góp phần hoàn thành mục tiêu chung về xây dựng và phát triển chính quyền số, kinh tế số và xã hội số của tỉnh. Bên cạnh đó, các đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh đã xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ; quy chế quản lý tài sản công phù hợp và đúng theo quy định, thực hiện công khai, minh bạch về tài chính. Việc ban hành các quy chế, tạo điều kiện cho các đơn vị chủ động sử dụng nguồn kinh phí ngân sách Nhà nước giao để thực hiện nhiệm vụ; chủ động sử dụng tài sản, nguồn nhân lực nhằm phát triển và nâng cao số lượng, chất lượng hoạt động cung cấp dịch vụ sự nghiệp công, từ đó tiết kiệm chi phí, tăng thu nhập cho viên chức, người lao động.
Phát huy những kết quả đạt được sau hơn 5 năm thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW, thời gian tới, tỉnh tiếp tục sắp xếp, tổ chức các đơn vị sự nghiệp công lập theo hướng dẫn của Trung ương, của tỉnh; tiếp tục giảm số lượng người làm việc hưởng lương từ ngân sách Nhà nước theo lộ trình; giảm chi ngân sách Nhà nước cho các đơn vị sự nghiệp công lập; hoàn thành việc chuyển đổi các đơn vị sự nghiệp kinh tế và sự nghiệp khác có đủ điều kiện thành công ty cổ phần./.
Bài và ảnh: Xuân Thu
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin