Ngành Giáo dục và Đào tạo thành phố Nam Định đẩy mạnh “số hóa” toàn diện

21:12, 20/04/2023

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra với tốc độ nhanh đã hình thành xu thế phát triển mới trong nhiều lĩnh vực, trong đó chuyển đổi số (CĐS) là một trong những yếu tố quan trọng, đã có những tác động mạnh mẽ đến tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội. Thời gian qua, ngành Giáo dục và Đào tạo (GD và ĐT) thành phố Nam Định là một trong những đơn vị tiên phong năng động triển khai mạnh mẽ các ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong dạy học và quản lý. Nỗ lực số hóa của ngành Giáo dục thành phố đã mang lại nhiều lợi ích đáng kể ban đầu.

Một giờ học ứng dụng công nghệ thông tin của cô và trò Trường THCS Trần Đăng Ninh.
Một giờ học ứng dụng công nghệ thông tin của cô và trò Trường THCS Trần Đăng Ninh.

Tiện ích hệ sinh thái giáo dục thông minh

Trường Tiểu học Trần Nhân Tông nằm trong đề án xây dựng cơ sở giáo dục (CSGD) chất lượng cao của thành phố Nam Định. Công việc quen thuộc đối với các em học sinh của trường trước khi bắt đầu lên lớp, thay vì đếm sĩ số lớp học, các em sẽ trực tiếp điểm danh bằng vân tay hoặc thẻ học sinh tại 1 trong 8 máy điểm danh thông minh được lắp đặt trong trường. Thông tin về sĩ số của từng lớp sẽ được cập nhật ngay lập tức, giúp Ban giám hiệu có thể quản lý, giám sát học sinh một cách hiệu quả. Mặt khác, dữ liệu điểm danh còn đồng bộ với sổ điểm danh, từ đó nhà trường có thể đánh giá chính xác quá trình học tập của các em qua từng tháng, từng quý. Hệ thống này còn kết nối đồng bộ với phụ huynh để nắm được thông tin điểm danh hàng ngày của con, từ đó hoàn toàn yên tâm khi nắm bắt kịp thời các thông tin của con trong thời gian tại trường. Cũng như vậy, trước đây mỗi lần lên lớp, các cô giáo Trường Tiểu học Trần Nhân Tông lại mang rất nhiều tài liệu, giáo án, số sách. Giờ đây các giáo viên chủ yếu thao tác trên phần mềm Vnedu của VNPT. Không chỉ tiết kiệm giấy mực in, thời gian, phần mềm này có nhiều tính năng nổi trội đã giúp việc dạy, quản lý học sinh của giáo viên dễ dàng và hiệu quả hơn.
Hệ sinh thái giáo dục thông minh VnEdu 4.0 còn cung cấp cho nhà trường giải pháp quản lý tổng thể. Từ việc quản lý đào tạo, quản lý cán bộ, giáo viên, nhân viên, đến quản lý thu phí, với các giải pháp mức độ cơ bản và nâng cao. “Mô hình trường học thông minh” của VNPT đã đáp ứng được đa dạng yêu cầu nghiệp vụ điều hành và quản lý của các nhà trường. Trong đó, việc ứng dụng VNPT Money - hình thức thanh toán không dùng tiền mặt mang lại nhiều tiện ích, dễ dàng sử dụng đang được ứng dụng hiệu quả tại các CSGD. 
Hệ sinh thái giáo dục VnEdu 4.0 đã được triển khai một số hạng mục tại nhiều trường học trên địa bàn tỉnh, trong đó triển khai thí điểm toàn diện, hiệu quả tại Trường Tiểu học Trần Nhân Tông (thành phố Nam Định) với 13 hạng mục gồm: Ứng dụng mobile cho giáo viên; ứng dụng Mobile cho phụ huynh; điểm danh thông minh bằng thẻ và vân tay; mạng nội bộ; hệ thống Wifi; camera giám sát; số hóa hồ sơ giáo dục; các ứng dụng quản lý giáo án; quản lý dinh dưỡng; ứng dụng kiểm định chất lượng giáo dục; ứng dụng thời khóa biểu; ứng dụng lịch công tác; chữ ký số giáo viên. Những kết quả bước đầu sau gần 6 tháng triển khai là nền tảng để thành phố Nam Định số hóa dữ liệu, CĐS, tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng CNTT và nhân rộng mô hình tại các trường học trên địa bàn.

Đẩy mạnh “số hóa” toàn diện các lĩnh vực giáo dục

Ngành GD và ĐT thành phố đang đẩy mạnh ứng dụng CNTT, CĐS trong công tác quản lý, giảng dạy và học tập. Cụ thể: Phòng GD và ĐT thành phố đã triển khai Cổng thông tin điện tử theo mô hình tập trung và triển khai sử dụng Hệ thống quản lý văn bản và điều hành tích hợp chữ ký số; phối hợp với VNPT và Viettel Nam Định triển khai ứng dụng CNTT và CĐS trong ngành GD và ĐT giai đoạn 2021-2025; thành lập Ban Chỉ đạo ứng dụng CNTT và CĐS ngành GD và ĐT; tiếp tục triển khai và xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu (CSDL) ngành GD và ĐT; triển khai cập nhật, báo cáo và sử dụng hiệu quả các hệ thống nghiệp vụ về CNTT; tham gia và tổ chức nhiều cuộc họp và hội nghị trực tuyến giữa Phòng GD và ĐT với các cấp và các CSGD để triển khai công tác chỉ đạo, thực hiện kịp thời các nhiệm vụ chuyên môn và các nhiệm vụ khác; hệ thống các thiết bị và đường truyền cũng như các kỹ thuật ứng dụng CNTT được đảm bảo; nhiều trường đã nâng cấp đường truyền, thiết bị phục vụ các hoạt động trực tuyến, đặc biệt là dạy học trực tuyến trong thời gian học sinh tạm dừng đến trường vào thời điểm dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp trên địa bàn thành phố. Đội ngũ giáo viên đã tích cực ứng dụng CNTT trong bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ; khai thác và sử dụng học liệu điện tử, xây dựng bài giảng điện tử, tổ chức dạy học trực tuyến, tích cực hưởng ứng cuộc thi thiết kế bài giảng điện tử E-Learning của Sở và Bộ GD và ĐT. 

Ở cấp mầm non, các đơn vị đã tích cực ứng dụng CNTT và CĐS trong công tác chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục trẻ. 100% cán bộ quản lý, giáo viên có khả năng ứng dụng CNTT trong quản lý, giảng dạy. Trong đó khoảng 40-45% cán bộ quản lý, giáo viên có khả năng sử dụng thành thạo các ứng dụng phần mềm mới, hiện đại... trong việc thiết kế, xây dựng các bài giảng điện tử cho trẻ như Capcut, Powerpoin, Picsart, VideoShow... Để nâng cao trình độ CNTT cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, các nhà trường đã tổ chức các lớp tập huấn, các buổi sinh hoạt chuyên môn để bồi dưỡng cho đội ngũ giáo viên sử dụng thành thạo các phần mềm CSDL ngành Giáo dục, hướng dẫn các kỹ năng cắt ghép ảnh, video, chỉnh sửa ảnh, thiết kế bài giảng điện tử nhằm mang đến cho trẻ những bài học với nội dung hấp dẫn, sinh động. Việc học tập, bồi dưỡng để nâng cao trình độ về CNTT đã được các nhà trường triển khai sâu rộng và đang được lan toả mạnh mẽ đến từng cán bộ quản lý, giáo viên các trường mầm non trên địa bàn thành phố.

Ở cấp Tiểu học, 100% các trường thực hiện ứng dụng CNTT trong quản lý; sử dụng hiệu quả các phần mềm quản lý và tổ chức các hoạt động giáo dục trong nhà trường. Trong đó, Trường Tiểu học Trần Nhân Tông bước đầu triển khai thành công thí điểm CĐS trong quản lý và giảng dạy; Trường Tiểu học Nguyễn Tất Thành được đầu tư đồng bộ trang thiết bị hiện đại, đặc biệt là hệ thống bảng tương tác được lắp đặt tại tất cả các phòng học, phòng chức năng tạo điều kiện thuận lợi cho công tác quản lý và giảng dạy. 100% giáo viên thực hiện thành thạo việc thiết kế bài giảng điện tử và ứng dụng CNTT trong dạy học trực tiếp cũng như sẵn sàng chuyển trạng thái sang dạy học trực tuyến khi có dịch bệnh, thiên tai… Các trường phát động phong trào xây dựng kho học liệu điện tử, tổ chức cập nhật các bài giảng điện tử, các bài dạy trực tuyến thành kho dữ liệu để giáo viên tham khảo và sử dụng hiệu quả. 

Các trường THCS đã tích cực triển khai ứng dụng CNTT trong công tác quản lý, thực hiện hệ thống quản lý văn bản điều hành; thực hiện hiệu quả việc đồng bộ dữ liệu từ phần mềm quản lý nhà trường với CSDL ngành của Bộ GD và ĐT; triển khai thực hiện đầy đủ phần mềm Phổ cập giáo dục - Xoá mù chữ của Bộ GD và ĐT. Các nhà trường đã tăng cường kết nối, trao đổi thông tin giữa nhà trường với phụ huynh qua nhiều ứng dụng như Zalo, Facebook, Youtube, sử dụng sổ liên lạc điện tử... 100% các trường THCS triển khai quản trị nhà trường trên phần mềm VnEdu.vn, thay thế sổ điểm viết tay bằng sổ điểm điện tử. Nhiều trường đã triển khai ký giáo án điện tử cho giáo viên thay thế ký duyệt giáo án in thông thường. Hầu hết các trường THCS đã sử dụng tivi thông minh trong quá trình dạy - học; cử đội ngũ giáo viên tham gia đội ngũ giáo viên CĐS của Sở GD và ĐT. Các trường thường xuyên tham gia các cuộc thi, hội thi do các cấp tổ chức về ứng dụng CNTT trong dạy, học. Mỗi trường đều có trang thông tin điện tử riêng thường xuyên cập nhật, đăng tải các nội dung hoạt động của thầy và trò nhà trường…

Đồng chí Nguyễn Thế Lâm, Trưởng phòng GD và ĐT thành phố cho biết: Để đẩy mạnh “số hóa” trong dạy học và quản lý, trên cơ sở kết quả mô hình thí điểm tại Trường Tiểu học Trần Nhân Tông, Phòng GD và ĐT thành phố đã chọn 8 nội dung được xác định là tiêu chí CĐS tối thiểu để triển khai tại các nhà trường trên địa bàn gồm: Triển khai phần mềm quản lý nhà trường; Triển khai sổ liên lạc điện tử thông minh qua ứng dụng di động; Triển khai điểm danh thông minh; Triển khai học bạ điện tử; Triển khai hồ sơ giáo dục điện tử; Triển khai phần mềm quản lý giáo án điện tử; phần mềm Quản lý thư viện; Triển khai phần mềm Kiểm định chất lượng giáo dục vnEdu-QoE. Ngay trong học kỳ 2 năm học 2022-2023, cụ thể là vào tháng 3, sẽ triển khai CĐS toàn diện tại 100% trường mầm non, tiểu học, THCS trên địa bàn./. 

Bài và ảnh: Minh Thuận



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com