Nhằm đổi mới, nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ, thời gian qua, các trường mầm non trên địa bàn tỉnh đã chú trọng xây dựng môi trường giáo dục trong và ngoài lớp học theo hình thức trải nghiệm, tạo cơ hội cho trẻ khám phá theo quan điểm giáo dục “lấy trẻ làm trung tâm”.
Học sinh Trường Mầm non xã Giao Hải (Giao Thủy) trải nghiệm thực hiện an toàn khi tham gia giao thông. |
Tại Trường Mầm non xã Nghĩa Minh (Nghĩa Hưng), từ khuôn viên đến phòng học đều mát mẻ, sạch sẽ. Nhằm tạo cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp, Ban giám hiệu nhà trường đã huy động các nguồn lực trồng cây xanh, vườn cỏ, trang trí nhiều hoa, thiết bị giáo dục, đồ chơi từ vật dụng tái chế… vừa đẹp mắt, vừa giúp trẻ vận động, học tập, tìm hiểu môi trường xung quanh. Tại các nhóm lớp, giáo viên đã tạo dựng môi trường lớp học thân thiện với nhiều màu sắc sinh động. Từ đó, trẻ được tham gia và tự khám phá khi hoạt động ở các góc hoạt động như: góc phân vai, góc xây dựng, góc sách truyện, góc thiên nhiên… Các góc hoạt động được sắp xếp gần gũi, quen thuộc với cuộc sống hàng ngày của trẻ. Dưới sự hướng dẫn của cô giáo, trẻ tự nhận góc chơi, tự chọn bạn chơi, đồ chơi yêu thích, giúp trẻ mạnh dạn, tự tin khám phá, trải nghiệm và thực hành, sáng tạo. Với đặc điểm của lứa tuổi nhà trẻ, mầm non, mỗi em là một cá thể độc lập, riêng biệt, có khả năng nhận thức, sở thích, nhu cầu và hứng thú học tập khác nhau. Do đó, để phát huy tốt nhất hiệu quả giáo dục trẻ, cùng với chú trọng đầu tư cơ sở vật chất đảm bảo để tổ chức các hoạt động cho trẻ khi đến lớp, nhà trường còn tạo điều kiện cho trẻ “học bằng chơi” với nhiều hoạt động gần gũi, hòa mình vào thiên nhiên, qua đó giúp trẻ tự tìm tòi, khám phá, phát hiện những điều mới lạ, hấp dẫn trong cuộc sống. Đồng thời nhà trường phối hợp với Hội cha mẹ học sinh và các ban, ngành, đoàn thể trong xã tổ chức nhiều chương trình trải nghiệm như: Ngày hội đến trường của bé, vui Tết Trung thu, tham quan các di tích lịch sử, văn hóa của địa phương… Từ khi thực hiện xây dựng mô hình giáo dục lấy trẻ làm trung tâm theo chuyên đề của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD và ĐT), giáo viên nhà trường chỉ đóng vai trò người tổ chức, hỗ trợ các con trong lớp học và các hoạt động trải nghiệm, đồng thời chú trọng các hoạt động tương tác, giúp trẻ phát triển toàn diện về thể chất, ngôn ngữ, trí tuệ, khả năng thẩm mỹ, tình cảm và kỹ năng xã hội, tạo tiền đề vững chắc cho trẻ lên các cấp học tiếp theo. Được học tập, vui chơi, hoạt động trong môi trường thân thiện, an toàn, 328 trẻ của Trường Mầm non xã Nghĩa Minh luôn hào hứng, tích cực, mạnh dạn, tự tin tham gia các hoạt động học tập, khám phá, trải nghiệm, thực hành, sáng tạo, phụ huynh học sinh ngày càng tin tưởng vào chất lượng chăm sóc và giáo dục trẻ. Theo đánh giá của Phòng GD và ĐT huyện Nghĩa Hưng, Trường Mầm non xã Nghĩa Minh là một trong 5 trường mầm non có chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ đứng đầu bậc học mầm non của huyện.
Thực hiện sự chỉ đạo của Sở GD và ĐT, các cơ sở giáo dục trong toàn tỉnh đã tích cực đổi mới hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ theo quan điểm giáo dục toàn diện, tích hợp, lấy trẻ làm trung tâm; tăng cường hoạt động vui chơi, tạo cơ hội để trẻ được trải nghiệm, khám phá; chú trọng giáo dục hình thành và phát triển kỹ năng sống phù hợp với độ tuổi của trẻ hướng đến mục đích trang bị kiến thức, rèn luyện kỹ năng sống, góp phần hình thành nhân cách cho trẻ. Theo đó, các trường mầm non đã xây dựng kế hoạch tổ chức hoạt động vui chơi, trải nghiệm, rèn kỹ năng sống cho trẻ. Các nội dung trải nghiệm được các trường lồng ghép phù hợp từng chủ đề, chủ điểm, nhằm giúp trẻ tiếp nhận nội dung cụ thể, xâu chuỗi chủ đề nhẹ nhàng, thông qua đó trẻ được rèn luyện các kỹ năng cơ bản, thực tiễn phù hợp với từng độ tuổi, giúp trẻ phát triển năng lực cá nhân và tăng cường sự tự tin. Không chỉ bó hẹp trong khuôn viên nhà trường, nhiều trường đã tổ chức cho các con trải nghiệm tại một số địa điểm, địa danh lịch sử. Qua đó giúp trẻ lĩnh hội kiến thức, kỹ năng và hình thành thái độ đối với sự vật, hiện tượng và mọi người xung quanh. Trong đó riêng chủ đề “Quê hương - Đất nước”, nhiều trường mầm non, đặc biệt ở khu vực nông thôn đã giúp trẻ thỏa sức được tìm tòi, khám phá, trải nghiệm trên cánh đồng quê hương mình, đi tham quan các con đường làng, ngõ xóm… Vào dịp kỷ niệm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22-12), nhiều trường còn tổ chức cho trẻ tham gia các trò chơi tìm hiểu về công việc của các chú bộ đội, hoạt động góc, hoạt động ngoài trời, múa hát có nội dung ca ngợi về các chú bộ đội… giúp trẻ làm quen và biết về quân phục, công việc của lực lượng quân đội, đồng thời tổ chức thăm viếng nghĩa trang liệt sĩ, thăm bảo tàng lịch sử… Những hoạt động trải nghiệm này đã mang lại ý nghĩa bổ ích cho trẻ, giúp trẻ được bày tỏ cảm xúc, tình cảm biết ơn các Anh hùng liệt sĩ và cố gắng chăm ngoan, học giỏi, nghe lời ông bà, cha mẹ, cô giáo…
Ngoài ra, nhằm đa dạng các hoạt động trải nghiệm, các trường đã tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị; xây dựng môi trường giáo dục trong và ngoài lớp học đáp ứng nhu cầu, hứng thú chơi của trẻ. Đồ chơi trong lớp được sắp xếp khoa học tại các góc giúp trẻ dễ dàng tự lựa chọn và sử dụng. Các nhà trường tận dụng sân, vườn, hiên chơi của các lớp để thực hiện các hoạt động trải nghiệm. Các trường có diện tích sân vườn rộng thiết kế sân trường thành những khu vui chơi ngoài trời đẹp, hấp dẫn như: sân bóng, góc chơi cát, nước, đồi cỏ, khu chơi với đồ chơi ngoài trời, góc chơi trò chơi dân gian, sân chơi giao thông, vườn rau của bé, thư viện thân thiện; trồng nhiều loại hoa, cây cảnh, các loại rau ăn quả, nuôi chim bồ câu, cá cảnh... tạo môi trường thiên nhiên phong phú, giúp trẻ được thỏa sức khám phá thế giới tự nhiên đầy màu sắc, được trải nghiệm, được khám phá mọi lúc, mọi nơi, ở mọi hoạt động giáo dục. Ngoài ra, các trường còn tận dụng nguyên, vật liệu sẵn có của địa phương như rơm, cói, tre, nứa, lá cây… để hướng dẫn trẻ làm những vật dụng đơn giản, kích thích trẻ tư duy để chủ động, tìm tòi khám phá, hợp tác và chia sẻ ý tưởng… giúp trẻ phấn khởi với sản phẩm do chính bàn tay mình tạo ra. Qua đó, trẻ học cách tự quyết định, chia sẻ và cộng tác; được thực hành, tích lũy kinh nghiệm phong phú, mở rộng trí tưởng tượng và bộc lộ khả năng, giúp trẻ phát triển toàn diện.
Từ hiệu quả thiết thực của hoạt động giáo dục trải nghiệm thời gian qua, trong những năm học tới, ngành GD và ĐT tỉnh định hướng tiếp tục phát triển hoạt động giáo dục này nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng đổi mới hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ, góp phần nâng cao chất lượng thực hiện Chương trình giáo dục mầm non mới trong các nhà trường./.
Bài và ảnh: Hồng Minh
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin