Nỗ lực giảm thiểu tai nạn giao thông đường sắt

08:11, 06/03/2023

Theo số liệu của Ban An toàn giao thông (ATGT) tỉnh trong năm 2022, mặc dù tình hình tai nạn giao thông trên địa bàn tỉnh giảm cả 3 tiêu chí (số vụ, số người chết, số người bị thương) nhưng chủ yếu giảm ở đường bộ; riêng tai nạn giao thông đường sắt tăng đột biến so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, trong năm 2022, toàn tỉnh xảy ra 6 vụ tai nạn giao thông đường sắt (tăng 3 vụ), làm 2 người chết (tăng 1 người), 3 người bị thương (tăng 2 người); tăng cả ba tiêu chí, với mức từ 100-200%. Các vụ tai nạn giao thông đường sắt đã không chỉ ảnh hưởng lớn tới sinh mạng, sức khoẻ của người tham gia giao thông, gây thiệt hại tài sản mà còn làm ảnh hưởng lớn đến hoạt động vận tải hành khách, hàng hoá trên toàn tuyến.   

Bảo trì, nâng cấp hạ tầng giao thông đường sắt góp phần đảm bảo trật tự an toàn giao thông tại địa bàn huyện Vụ Bản.
Bảo trì, nâng cấp hạ tầng giao thông đường sắt góp phần đảm bảo trật tự an toàn giao thông tại địa bàn huyện Vụ Bản.

Tuyến đường sắt Bắc - Nam chạy qua địa bàn tỉnh dài trên 41km lại song song với các tuyến Quốc lộ 21A cũ và Quốc lộ 10, qua địa bàn thành phố Nam Định và 3 huyện Ý Yên, Mỹ Lộc, Vụ Bản. Dọc tuyến có nhiều khu dân cư, nhiều tuyến đường dân sinh mở cắt qua đường sắt với lượng người và phương tiện lưu thông lớn nên tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT đường sắt. Năm 2022, toàn tỉnh có 3/4 địa phương có đường sắt để xảy ra tai nạn đường sắt; huyện Vụ Bản xảy ra nhiều nhất với 4 vụ, trong đó có 2 vụ tai nạn nghiêm trọng làm 2 người chết. Trong số các vụ tai nạn giao thông đường sắt xảy ra trên địa bàn tỉnh năm 2022 có 3 vụ xảy ra tai nạn dọc đường; 3 vụ tai nạn xảy ra tại các lối đi tự mở qua đường sắt; có 3 vụ tai nạn giữa ô tô và tàu; 1 vụ tai nạn với người đi xe đạp và tàu; 2 vụ giữa người đi bộ và tàu. Nguyên nhân chính dẫn đến các vụ tai nạn đường sắt thời gian qua đều do lỗi từ người tham gia giao thông; cụ thể 4 vụ lỗi không chú ý quan sát, không chấp hành quy định khi đi qua đường sắt, 2 vụ người đi bộ cố tình vượt đường sắt khi đã nhìn thấy tàu hoả đang tiến đến từ xa hoặc nằm trên đường sắt.

Trước tình hình đó, để góp phần bảo đảm trật tự ATGT chủ động giải quyết các nguyên nhân, điều kiện phòng ngừa, kéo giảm tai nạn đường sắt, UBND tỉnh đã ban hành văn bản yêu cầu Ban ATGT tỉnh; các sở, ngành thành viên Ban ATGT tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện Ý Yên, Vụ Bản, Mỹ Lộc và thành phố Nam Định chỉ đạo thực hiện ngay các giải pháp đảm bảo trật tự ATGT đường sắt. UBND tỉnh yêu cầu các địa phương có tuyến đường sắt đi qua tổ chức đợt cao điểm tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về giao thông đường bộ, đường sắt, không lấn chiếm hành lang ATGT đường sắt, bảo vệ thiết bị và các công trình đường sắt; các biện pháp phòng, tránh tai nạn giao thông tại các điểm giao cắt giữa đường bộ và đường sắt; tổ chức ký cam kết chấp hành pháp luật về giao thông với các hộ gia đình thuộc các xã, phường, thị trấn ven tuyến đường sắt; nâng cao nhận thức, ý thức tự giác chấp hành pháp luật về trật tự ATGT đường sắt của nhân dân. Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, trong công tác lập quy hoạch, giao, cho thuê đất và sử dụng đất đai Sở GTVT đã chủ động phối hợp từ ban đầu với các sở, ngành chức năng của tỉnh như: Sở TN và MT, Sở Xây dựng, Sở KH và ĐT để thể hiện rõ phần diện tích quy hoạch hành lang ATGT đường sắt; các tuyến đường đi vào, các vị trí không được mở lối đi qua đường sắt đảm bảo phạm vi hành lang ATGT đường sắt được theo quy định. Sở GTVT đã chỉ đạo Thanh tra giao thông phối hợp với các đơn vị ngành Đường sắt thường xuyên kiểm tra và nhắc nhở người dân chấp hành pháp luật về trật tự hành lang ATGT đường sắt. Công an tỉnh chỉ đạo lực lượng Cảnh sát Giao thông, Công an các huyện và các xã, phường, thị trấn liên quan tăng cường xử lý các trường hợp vi phạm trật tự ATGT đường sắt. Trong năm 2022, lực lượng Cảnh sát Giao thông toàn tỉnh xử lý 116 trường hợp vi phạm quy định của pháp luật về đảm bảo trật tự ATGT đường sắt, phạt tiền 114,5 triệu đồng. 

Các đơn vị ngành đường sắt phối hợp với các địa phương để đảm bảo ATGT các đoạn giao cắt đường bộ, đường sắt, thu hẹp, xóa lối đi tự mở qua đường sắt; triển khai tổ chức thi công hoàn thành đường gom dọc đường sắt tại phường Văn Miếu, xã Lộc An (thành phố Nam Định) và xã Yên Ninh, Yên Tiến (Ý Yên). Qua đó, xóa bỏ 126 lối đi tự mở trái phép trên địa bàn, gồm: đoạn từ Km104+460 - Km104+620, dài 160m thuộc địa phận xã Yên Ninh, đóng 8 lối đi tự mở; đoạn từ Km106+700 đến Km107+450 dài 750m thuộc địa phận xã Yên Tiến, xoá 52 lối đi tự mở; dự án đường gom tại Km87+668 - Km88+505 thuộc phường Văn Miếu và xã Lộc An xóa 66 lối đi tự mở. Huyện Mỹ Lộc đã phối hợp với Công ty Cổ phần Đường sắt Hà Ninh đóng 1 lối đi tự mở tại Km72+170 (lý trình đường sắt) tại địa bàn xã Mỹ Thuận; tổ chức cắm 1 biển “Chú ý tàu hỏa” tại Km77+670. Trong năm 2022, trên địa bàn huyện Ý Yên đã được nâng cấp 2 đường ngang được cảnh báo bằng biển báo thành đường ngang phòng vệ bằng cảnh báo tự động có lắp đặt cần chắn tự động và 1 đường ngang có người gác; duy trì hoạt động cử người cảnh giới, chốt gác ATGT tại 4 đường ngang; đầu tư nâng cấp các công trình thiết yếu tại Km111+405 thuộc xã Yên Bằng. Công an huyện Ý Yên đã phối hợp với các phòng chức năng và chính quyền các xã Yên Ninh, Yên Tiến, Yên Hồng, Yên Bằng tổ chức ra quân triển khai đợt cao điểm kiểm tra, giải toả vật cản, lập lại trật tự an toàn hành lang ATGT đường sắt; đã tổ chức ký cam kết với 120 hộ dân, phát quang 420 cây xanh, thu giữ 7 chiếc thang bắc qua hộ lan đường sắt, tịch thu 30 biển quảng cáo; xóa 1 lối đi tự mở tại khu vực ga Cát Đằng, xử phạt 1 xe ô tô vi phạm…

Phát huy những kết quả đã đạt được, để góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu Năm ATGT 2023, UBND tỉnh, Ban ATGT tỉnh yêu cầu các đơn vị, địa phương triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp đảm bảo trật tự ATGT đường sắt. Theo đó tỉnh yêu cầu UBND các huyện: Mỹ Lộc, Vụ Bản, Ý Yên và thành phố Nam Định phối hợp chặt chẽ với các đơn vị của ngành Đường sắt để thực hiện các biện pháp bảo đảm trật tự ATGT đường sắt và Kế hoạch số 66/KH-UBND ngày 28-7-2020 của UBND tỉnh về thực hiện đảm bảo trật tự hành lang ATGT và xử lý dứt điểm lối đi tự mở đường sắt trên địa bàn tỉnh; cương quyết không để phát sinh lối đi dân sinh trái phép qua đường sắt, gắn xử lý trách nhiệm người đứng đầu cấp huyện, xã nếu để phát sinh lối đi tự mở qua đường sắt. Tăng cường biện pháp cảnh giới, bảo đảm ATGT tại các điểm giao cắt đường bộ với đường sắt không có rào chắn; làm gờ giảm tốc và cắm biển cảnh báo nguy hiểm tại các điểm giao cắt giữa đường huyện, đường xã, đường nội bộ, đường giao thông nông thôn (bao gồm cả lối đi tự mở), huy động người dân tham gia phù hợp quy định pháp luật (đối với lối đi tự mở). Đối với các lối đi tự mở qua đường sắt có nguy cơ cao xảy ra tai nạn giao thông tiếp tục duy trì những vị trí chốt gác hiện có; kiểm tra, rà soát, bổ sung các vị trí chốt gác mới, các vị trí do ngành Đường sắt đề xuất, kiến nghị và những vị trí Ban ATGT tỉnh đã chỉ đạo nhưng chưa bố trí người chốt gác. Các sở, ngành thành viên Ban ATGT tỉnh, UBND các huyện và các địa phương có đường sắt đi qua thực hiện nghiêm các giải pháp: kiên quyết đấu tranh, xử lý ngăn chặn việc mở đường dân sinh qua đường sắt đấu nối trực tiếp vào đường chính, đảm bảo ATGT tại các điểm giao cắt giữa đường bộ, đường sắt; chủ động lập kế hoạch, thực hiện lộ trình xóa bỏ đường ngang dân sinh, lối đi tự mở trái phép qua đường sắt, xây dựng đường gom dọc đường sắt. Tăng cường công tác phối hợp với ngành Đường sắt triển khai công tác xã hội hóa thực hiện nhiệm vụ cảnh báo, đảm bảo trật tự ATGT đường sắt tại các điểm giao giữa đường bộ với đường sắt có nguy cơ cao xảy ra tai nạn giao thông./.

Bài và ảnh: Thành Trung



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com