Nặng lòng với trẻ tự kỷ

07:56, 10/03/2023

Tự kỷ hay còn gọi là rối loạn phổ tự kỷ ở trẻ gồm các biểu hiện lâm sàng đặc trưng như thiếu hụt về kỹ năng xã hội, các hành vi lặp lại, thậm chí không có khả năng giao tiếp và ngôn ngữ... Ngoài nỗ lực của gia đình, nhiều giáo viên can thiệp đã dành rất nhiều tâm huyết, yêu thương với niềm hy vọng các em tự kỷ sẽ phát triển như các bạn đồng trang lứa, có thể hòa nhập và trưởng thành.

Cô giáo Ngô Thúy Phương, Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục và hòa nhập Thiên Trường (thành phố Nam Định) và trẻ trong giờ học tập.
Cô giáo Ngô Thúy Phương, Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục và hòa nhập Thiên Trường (thành phố Nam Định) và trẻ trong giờ học tập.

Chúng tôi gặp cô giáo Ngô Thúy Phương của Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục và hòa nhập Thiên Trường (thành phố Nam Định) khi vừa kết thúc ca can thiệp cuối cùng trong ngày. Vừa sắp xếp lại tài liệu giảng dạy, dụng cụ hỗ trợ, cô Phương vừa chia sẻ: “Mỗi ngày tôi can thiệp cá nhân cho 6 học sinh với các dạng tật khác nhau, mỗi em can thiệp trong khoảng 1 tiếng. Công việc bắt đầu từ 7 giờ sáng và kết thúc vào 18 giờ hoặc có thể hơn tùy ngày”. Học chuyên ngành Tâm lý học của Học viện Quản lý giáo dục - Hà Nội, trong quãng thời gian học tập trên giảng đường và sau những lần được đi thực tập tại các Trung tâm hỗ trợ phát triển hòa nhập, tiếp xúc với các trẻ em tự kỷ, cô Phương thấy đồng cảm và thương các em nhỏ vì không được may mắn như các bạn cùng trang lứa. Sau khi tốt nghiệp, cô đã tham gia nhiều khóa học ngắn về chương trình giáo dục mầm non để hiểu thêm về môi trường giáo dục khác với các trẻ bình thường. Từ đó cô càng cảm thấy thương các trẻ em tự kỷ không có điểm tựa, không có người đồng hành hướng dẫn. Năm 2018, cô Phương quyết định gắn bó với công việc hỗ trợ hòa nhập cho trẻ tự kỷ tại Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục và hòa nhập Thiên Trường, gặp hàng chục trẻ với các dạng tật khác nhau như rối loạn phổ tự kỷ, chậm nói... Với mỗi trẻ, cô phải nghiên cứu xây dựng kế hoạch giảng dạy, hỗ trợ phù hợp. “Quá trình giảng dạy, người giáo viên quan trọng nhất là phải luôn tự kiềm chế mình, nhẹ nhàng với các em. Bởi ở trẻ tự kỷ, nhiều em có những hành vi như hay òa khóc, bực tức, cáu giận, đập phá đồ đạc… không hợp tác với giáo viên. Có những lúc tôi cũng cảm thấy khó khăn, tự mình áp lực chính mình khi chưa thể gần gũi với các con, chưa thể hiểu hết các dạng tật để điều chỉnh hành vi cho các con. Động lực làm tôi phấn chấn trở lại là từ những tiếng gọi tha thiết "Cô Phương!" Khi thấy các con có thể bật âm, tương tác nhiều hơn với cô giáo, tôi cũng cảm thấy rất vui và tiếp tục cố gắng trên hành trình của mình”, cô Phương chia sẻ thêm. Không phải phụ huynh nào cũng dễ dàng chấp nhận tình trạng của con mình. Vì vậy bên cạnh nhiệm vụ giúp trẻ hòa nhập, các cô giáo ở Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục và hòa nhập Thiên Trường luôn dành thời gian để chia sẻ, lắng nghe tâm sự của các phụ huynh, giúp phụ huynh hiểu hơn về tình trạng của con, cùng đồng hành giúp con vượt qua khó khăn. Với sự hỗ trợ can thiệp của cô Phương, nhiều trẻ đã có nhiều thay đổi, có thể bật âm, giao tiếp xã hội, hay đơn giản chỉ từ việc vào lớp biết chào cô, ra về tự đi dép… Phụ huynh bạn M.K (5 tuổi) xúc động khi nhắc đến hành trình đồng hành với con đầy vất vả: “Khi mới đến Trung tâm, M.K là đứa trẻ chưa có ngôn ngữ dù con có vẻ ngoài sáng sủa, thông minh. Nhờ sự đồng hành của cô giáo Thúy Phương, sau hơn 1 năm, dần dần con có nhiều thay đổi. Con biết thể hiện cảm xúc với mọi người, có thể tự làm các việc cá nhân. Tôi thấy may mắn vì đã gặp được cô giáo Phương cùng đồng hành với gia đình giúp con có thể hòa nhập với bạn bè cùng trang lứa”.

Còn với cô giáo Đỗ Thị Hạnh đã có hơn 10 năm gắn bó với công việc can thiệp, hỗ trợ hòa nhập. Công việc đối với trẻ tự kỷ rất nhiều áp lực nhưng lúc nào cô giáo cũng tràn đầy năng lượng và nhiệt huyết mỗi khi làm việc. Tốt nghiệp khoa Tâm lý - giáo dục, ngành giáo dục đặc biệt, chuyên ngành giáo dục hòa nhập (Đại học Sư phạm thuộc Đại học Đà Nẵng) năm 2010, cô Hạnh đã tham gia dạy lớp tình thương, can thiệp ngôn ngữ cho trẻ tự kỷ tại Trung tâm Cứu trợ trẻ em tàn tật thành phố Nam Định; can thiệp cá nhân cho trẻ tại nhà. Năm 2018, cô về làm việc tại Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục và hòa nhập Thiên Trường. Cô Hạnh chia sẻ: “Mỗi học sinh đến đây dù ở dạng tật nào cũng đã thiệt thòi hơn các bạn cùng trang lứa. Mỗi học sinh là một câu chuyện mang lại cho tôi những cảm xúc khác nhau”. Trường hợp của bạn B.P (thành phố Nam Định) bắt đầu can thiệp từ năm 2018. Lúc đó con là một cậu bé 2 tuổi vô cùng nhút nhát, sợ bẩn, sợ người lạ, dễ xúc động, dễ cáu gắt và chưa có ngôn ngữ. Cô đã dành thời gian nghiên cứu tài liệu, xây dựng chuyên đề phù hợp để can thiệp cho con; đồng thời tạo mối quan hệ gần gũi, tin tưởng để con có thể mở lòng, bật âm và tương tác với cô. Sau 2 năm B.P được tốt nghiệp, con đã mở lòng nhiều hơn, có ngôn ngữ và có thể hòa nhập. Đó là niềm vui lớn đối với cô để vững vàng hơn với nghề. Bên cạnh những trường hợp được tốt nghiệp, có thể hòa nhập, cô Hạnh cũng cảm thấy tiếc nuối khi nhắc đến những hoàn cảnh khó khăn và phải dừng can thiệp giữa chừng. Nhiều bạn ở xa, có khi cách Trung tâm hàng chục kilomet, đi lại vất vả, gia đình lại trong diện hoàn cảnh kinh tế khó khăn. Sau một thời gian can thiệp, bố mẹ phải xin cho con được tốt nghiệp sớm vì điều kiện không cho phép. “Tôi cảm thấy rất xót xa và thương các con khi bỏ lỡ cơ hội được điều trị, can thiệp”, cô Hạnh xúc động chia sẻ.

Dạy một đứa trẻ bình thường đã khó, uốn nắn một đứa trẻ tự kỷ còn khó gấp nhiều lần. Thế nên để gắn bó với nghề, các giáo viên như cô Hạnh, cô Phương hàng ngày đang cố gắng nỗ lực, với tâm huyết và tình yêu thương với trẻ, luôn mong mỏi các em có thể hòa nhập với bạn bè cùng trang lứa. Không chỉ là giáo viên với vai trò dạy dỗ, mà các cô còn như người mẹ hiền, kiên nhẫn uốn nắn kỹ năng, dịu dàng trò chuyện để các con mở lòng. Bên cạnh những cố gắng của các giáo viên can thiệp, điều quan trọng nhất trong giáo dục trẻ tự kỷ còn đến từ nỗ lực của gia đình và môi trường xã hội. “Tôi mong cha, mẹ khi thấy con có những biểu hiện bất thường hãy cho con đi kiểm tra, sàng lọc từ sớm để các con có cơ hội điều trị, can thiệp kịp thời, không bỏ lỡ “giai đoạn vàng”. Sự phối hợp, đồng hành từ phía gia đình, cái nhìn đồng cảm với trẻ tự kỷ từ những người xung quanh sẽ giúp các con có cơ hội hòa nhập, được trưởng thành và được yêu thương” - cô Hạnh cho biết./.

Bài và ảnh: Diệu Linh

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com