Nam Trực chú trọng công tác quản lý hộ tịch ở cơ sở

08:24, 15/03/2023

Những năm qua, công tác đăng ký, quản lý hộ tịch trên địa bàn huyện Nam Trực luôn được các cấp chính quyền xác định là một trong những nhiệm vụ quan trọng, nhằm bảo hộ các quyền, lợi ích hợp pháp của người dân, góp phần xây dựng các chính sách về dân số, phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh trên địa bàn.

Nông thôn mới nâng cao xã Nam Hải.
Nông thôn mới nâng cao xã Nam Hải.

Để công tác quản lý hộ tịch ở cơ sở ngày càng đi vào nền nếp, ngày càng chuyên môn hóa, bám sát kế hoạch của UBND huyện về việc thực hiện Thông tư số 01/2022/TT-BTP của Bộ Tư pháp quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Nghị định số 87/2022/NĐ-CP ngày 28-7-2020 của Chính phủ quy định về Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, đăng ký hộ tịch trực tuyến, UBND các xã, thị trấn đã kiện toàn đội ngũ cán bộ công chức tư pháp - hộ tịch đủ về số lượng, đảm bảo về chất lượng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao. Đến nay, trên địa bàn huyện có 20 công chức tư pháp - hộ tịch, thuộc 20 xã, thị trấn; 100% công chức tư pháp - hộ tịch cấp xã có trình độ chuyên môn Luật, được bố trí đầy đủ phòng làm việc, trang thiết bị, tủ đựng sổ sách, hồ sơ tài liệu... UBND các xã, thị trấn còn phối hợp với Phòng Tư pháp huyện và các cơ quan chức năng tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho đội ngũ cán bộ, công chức hộ tịch; thường xuyên kiểm tra, rà soát bảo đảm tất cả các sự kiện hộ tịch được đăng ký đầy đủ, chính xác, đúng Luật Hộ tịch và cập nhật kịp thời trên phần mềm đăng ký và quản lý hộ tịch điện tử dùng chung của Bộ Tư pháp. Bên cạnh đó, UBND các xã, thị trấn thường xuyên đẩy mạnh công tác tuyên truyền Luật Hộ tịch, các quy định về Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, cách đăng ký hộ tịch trực tuyến và phổ biến các văn bản hướng dẫn thi hành cho cán bộ, nhân dân thông qua các hình thức như: tổ chức hội nghị, tuyên truyền trên hệ thống đài truyền thanh cơ sở; biên soạn, cung cấp tài liệu, sách nhỏ pháp luật trong các buổi sinh hoạt của các tổ chức hội, đoàn thể, câu lạc bộ... Trong năm 2022, trên địa bàn huyện đã tổ chức 11 lớp tập huấn cho hàng nghìn lượt cán bộ, nhân dân tham dự; biên soạn hàng trăm tài liệu, sách nhỏ, tờ gấp… với các nội dung liên quan đến Luật Hộ tịch và các văn bản hướng dẫn, thi hành quy định về Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử trong môi trường mạng, thông qua phần mềm đăng ký, quản lý hộ tịch điện tử dùng chung. UBND các xã, thị trấn đã tổ chức kiểm tra, đôn đốc việc triển khai các văn bản về công tác hộ tịch nhằm kịp thời phát hiện những vi phạm, sai sót trong quá trình đăng ký hộ tịch của người dân. 

Ngoài ra, đội ngũ công chức tư pháp - hộ tịch, cán bộ tiếp nhận hồ sơ hộ tịch tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả, thực hiện giải quyết việc đăng ký hộ tịch đúng quy định của Luật Hộ tịch và các văn bản hướng dẫn liên quan; tham mưu thụ lý hồ sơ yêu cầu thay đổi, cải chính hộ tịch theo quy định pháp luật. Phòng Tư pháp và UBND các xã, thị trấn đã triển khai thực hiện có hiệu quả phần mềm đăng ký, quản lý hộ tịch dùng chung của Bộ Tư pháp, thực hiện cấp mã số định danh cho trẻ em khi đăng ký khai sinh và cấp thẻ BHYT cho trẻ dưới 6 tuổi thông qua việc ứng dụng công nghệ thông tin. Năm 2022, trên địa bàn toàn huyện đã làm thủ tục đăng ký khai sinh cho 2.882 trường hợp, trong đó có 4 trường hợp có yếu tố nước ngoài; đăng ký khai tử cho 1.763 trường hợp và đăng ký kết hôn cho 1.398 trường hợp. Đây là bước đột phá mới trong công tác quản lý Nhà nước, tạo thuận lợi cho cán bộ, công chức trong giải quyết các thủ tục hành chính, đồng thời giảm bớt thời gian đi lại của công dân. Nét mới trong công tác quản lý hộ tịch ở cơ sở là UBND huyện đã bước đầu thực hiện Kế hoạch số 11/KH-UBND ngày 9-1-2023 của UBND tỉnh về số hóa hộ tịch trên địa bàn tỉnh giai đoạn 1 thực hiện trong năm 2023. Việc thực hiện số hóa dữ liệu hộ tịch góp phần đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chỉ số hiệu quả quản trị hành chính công; chuyển đổi dữ liệu hộ tịch từ sổ giấy sang dữ liệu số theo hướng hình thành hệ thống thông tin hộ tịch, thiết lập hệ thống thông tin hộ tịch đồng bộ, bảo đảm việc kết nối, cung cấp thông tin với cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và các cơ sở dữ liệu chuyên ngành khác, bảo đảm tối đa lợi ích cho người dân. Hiện nay, huyện đã từng bước xây dựng và tạo lập dữ liệu cho Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc, hiện đại hóa công tác đăng ký và quản lý hộ tịch; thiết lập hệ thống thông tin đồng bộ, thông suốt giữa các cơ quan đăng ký hộ tịch trên địa bàn tỉnh và trên toàn quốc. Qua đó, không chỉ đảm bảo thi hành đồng bộ theo Luật Hộ tịch và Luật Căn cước công dân mà còn giúp các cơ quan quản lý, đăng ký hộ tịch, đăng ký khai sinh theo dõi được toàn bộ quá trình thực thi của các cơ quan trực tiếp thực hiện, đồng thời có thể tra cứu chéo, không để xảy ra trường hợp một công dân được đăng ký khai sinh tại nhiều nơi. Việc tổ chức số hóa sổ hộ tịch còn khắc phục được một số nhược điểm so với việc lưu sổ hộ tịch gốc như: tình trạng lưu trữ thủ công sẽ tốn diện tích, công tác bảo quản hồ sơ không cẩn thận dễ bị mối mọt; lưu trữ được toàn bộ thông tin cá nhân vào cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, tránh được vấn đề thất lạc thông tin; khi công dân có yêu cầu cấp trích lục hộ tịch, công chức làm công tác hộ tịch không phải mất thời gian tìm kiếm sổ hộ tịch gốc mà chỉ cần tra cứu dữ liệu trên cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử và có thể đề nghị cơ quan đăng ký, quản lý hộ tịch ở bất cứ đâu cũng thực hiện được việc đăng ký trực tuyến mức độ 3, mức độ 4. Nhờ việc áp dụng số hóa sổ hộ tịch sẽ góp phần giảm thời gian giải quyết thủ tục hành chính, tạo điều kiện cho công chức làm công tác hộ tịch đảm bảo tính chuyên nghiệp trong hoạt động nghiệp vụ, đồng thời giúp người dân giảm đáng kể chi phí, thời gian đi lại, chờ đợi.

Để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác đăng ký, quản lý hộ tịch và thực hiện tốt Kế hoạch số 11/KH-UBND ngày 9-1-2023 của UBND tỉnh về số hóa hộ tịch trên địa bàn tỉnh giai đoạn 1 trong năm 2023, thời gian tới, huyện Nam Trực tiếp tục tăng cường sự chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương quán triệt, thực hiện hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác hộ tịch. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các văn bản liên quan đến Luật Hộ tịch và các văn bản hướng dẫn thi hành. Tổ chức các cuộc giao ban định kỳ về công tác hộ tịch giữa UBND cấp xã và các cơ quan chức năng nhằm trao đổi nghiệp vụ, chia sẻ khó khăn, vướng mắc trong quá trình giải quyết. Tăng cường công tác đào tạo, tập huấn chuyên sâu cho đội ngũ công chức làm công tác hộ tịch. Tiếp tục đầu tư kinh phí, mua sắm trang thiết bị, cơ sở vật chất nâng cao hiệu quả ứng dụng khoa học công nghệ quản lý và áp dụng có hiệu quả “Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử”; tích cực ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác đăng ký và quản lý hộ tịch./.

Bài và ảnh: Ngọc Linh
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com