Hiệu quả từ tuyên truyền, giáo dục an toàn giao thông ở Trường THPT Trần Văn Bảo

08:26, 14/03/2023

Theo thống kê của các ngành chức năng, 3 nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tai nạn giao thông (TNGT) ở học sinh bao gồm: Đi sai phần đường, vi phạm tốc độ và thiếu quan sát. Ngoài ra, nhiều học sinh còn vi phạm một số quy định cơ bản khi tham gia giao thông: 81% xe máy và 90% xe đạp, xe máy điện không có gương chiếu hậu. Cũng bởi vậy, tỷ lệ vi phạm khi tham gia giao thông của nhóm học sinh đi xe đạp điện, xe máy điện và xe máy là cao nhất. Do vậy, việc hình thành, rèn luyện ý thức chấp hành pháp luật an toàn giao thông (ATGT) qua giáo dục ATGT cho học sinh là rất cần thiết, nhằm giúp học sinh có được hiểu biết cơ bản về các quy tắc đảm bảo an toàn, nguy cơ tai nạn để phòng, tránh và có ý thức chấp hành pháp luật khi tham gia giao thông.

Đội thanh niên xung kích Trường THPT Trần Văn Bảo tham gia phân luồng, hướng dẫn học sinh quan sát trước khi ra quốc lộ, đi đúng làn đường góp phần khắc phục ùn tắc, mất an toàn giao thông giờ cao điểm.
Đội thanh niên xung kích Trường THPT Trần Văn Bảo tham gia phân luồng, hướng dẫn học sinh quan sát trước khi ra quốc lộ, đi đúng làn đường góp phần khắc phục ùn tắc, mất an toàn giao thông giờ cao điểm.

Trường THPT Trần Văn Bảo nằm trên tuyến Quốc lộ 21B, có nhiều phương tiện cơ giới lưu thông, nhất là những giờ cao điểm; lòng đường hẹp, trường nằm ở vị trí sát ngã ba, lại có cầu đường bộ nên giao thông càng thêm phức tạp, mật độ xe nhiều, xung đột giao thông lớn. Tại tuyến đường này vào giờ cao điểm thường xảy ra ách tắc giao thông và tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra TNGT. Vị trí của trường nằm ở gần cầu nên không thể lắp đặt được cột đèn tín hiệu giao thông, nằm trong đường nhánh nên khi từ trường ra đường chính tầm nhìn rất hạn chế. Trước việc triển khai mô hình tuyến đường ATGT là cần thiết nhưng cũng rất khó khăn, Ban giám hiệu đã quyết tâm triển khai xây dựng tuyến đường ATGT. 

Căn cứ tình hình thực tế, Ban giám hiệu chỉ đạo Ban nền nếp nhà trường phối hợp với Đoàn Thanh niên tổ chức giáo dục về đảm bảo ATGT cho học sinh toàn trường trong cả chương trình chính khoá và ngoại khoá. Nhà trường đã phối hợp chặt chẽ với gia đình, các cơ quan chức năng triển khai, giải quyết các vấn đề nhằm đảm bảo ATGT cho học sinh tới trường và về nhà như: Cha mẹ chỉ cho con em đi xe đạp, xe đạp điện đến trường; nếu nhà xa, các em đi học bằng xe máy dưới 50cc, hoặc đi xe đạp điện, và tất cả đều phải đội mũ bảo hiểm đúng, đạt tiêu chuẩn; không dàn hàng ngang 2-3 xe trở lên trên đường, không đùa nghịch, đẩy, kéo nhau khi đi xe, không vượt đèn đỏ... Trong mỗi giờ sinh hoạt lớp cuối tuần, các buổi sinh hoạt dưới cờ đầu tuần, nhà trường, thầy cô dành nhiều thời gian uốn nắn hành vi chưa đúng; tạo điều kiện cho các em trao đổi ý kiến về văn hoá giao thông, những vấn đề hàng ngày các em nhìn thấy khi đi đường, từ đó đánh giá, nhận xét các hành vi đúng - sai, tự rút ra kinh nghiệm, bài học cho bản thân. Định kỳ, nhà trường phối hợp với Cảnh sát giao thông - Công an huyện thường xuyên phổ biến Luật Giao thông đường bộ, chỉ ra các lỗi thường gặp để học sinh nhận biết và tự điều chỉnh; biểu dương gương “người tốt, việc tốt” trong công tác tuyên truyền thực hiện văn hoá giao thông từ khu dân cư đến các trường học; tổ chức triển lãm những hình ảnh đẹp về văn hoá giao thông của học sinh, thanh, thiếu niên xem để các em học tập, thực hiện... Nhà trường thực hiện phương châm “mỗi thầy, cô giáo luôn phải gương mẫu trong việc thực hiện văn hoá giao thông”. Việc triển khai giáo dục ATGT trong trường học đã giúp học sinh không chỉ được trang bị những kiến thức và kỹ năng tham gia giao thông an toàn, giảm thiểu nguy cơ xảy ra TNGT mà còn hình thành nhân cách, những năng lực cần thiết để xây dựng một xã hội giao thông an toàn và văn minh.

Bên cạnh các hoạt động tuyên truyền, giáo dục về ATGT cho học sinh, nhà trường chỉ đạo Đoàn trường thành lập các đội/ nhóm tham gia giữ gìn trật tự ATGT trên tuyến đường. Trong đó, Ban nề nếp và Đội thanh niên xung kích hướng dẫn cho đoàn viên, thanh niên, học sinh chấp hành quy tắc bảo đảm ATGT như: chỉ dẫn phần đường, quan sát xe đi ngược chiều, dừng xe, chủ động phòng tránh các nguy cơ gây va chạm dẫn đến TNGT. Đội thanh niên xung kích giữ gìn trật tự ATGT còn tích cực tuyên truyền các kiến thức pháp luật về bảo đảm ATGT trong đoàn viên, thanh niên, học sinh. Sự tích cực của Đội thanh niên xung kích trong công tác đảm bảo ATGT đã góp phần khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông giờ cao điểm và hạn chế các tình huống va chạm, TNGT do bất ngờ tại khu vực cổng trường học. Nhờ được tuyên truyền các kiến thức về đảm bảo ATGT, học sinh nhà trường đã nghiêm túc chấp hành pháp luật ATGT, đội mũ bảo hiểm khi sử dụng xe đạp điện tham gia giao thông. 

Qua thực hiện, việc đảm bảo ATGT trên tuyến đường hiệu quả hơn. 100% học sinh trong nhà trường tham gia và được trang bị các kiến thức cần thiết về ATGT. Trong những năm qua không có TNGT đối với học sinh tại tuyến đường của nhà trường, học sinh tham gia chấp hành nghiêm Luật ATGT khi lưu thông trên đường. Ngoài ra, học sinh trong nhà trường còn có ý thức tuyên truyền, vận động người thân, bạn bè chấp hành quy định về ATGT. Nhà trường được vinh danh là một trong 1.000 mô hình “cổng trường ATGT” tiêu biểu trên toàn quốc; được Sở Giáo dục và Đào tạo và  Ban ATGT của tỉnh đánh giá cao về việc thực hiện đảm bảo ATGT. Hàng năm trường đều được chọn để phối hợp tổ chức lễ phát động hưởng ứng Năm ATGT... Hoạt động giáo dục và tuyên truyền về ATGT cho học sinh cũng được sự đồng thuận, ủng hộ của các bậc phụ huynh. Hiện nay nhà trường vẫn đang tiếp tục duy trì và tìm cách đổi mới phương pháp giáo dục về ATGT cho học sinh để tất cả các em đều có ý thức về sự an toàn của mình và xã hội khi tham gia giao thông; chú trọng và triển khai thường xuyên mô hình tuyến đường ATGT.

Qua việc triển khai các giải pháp đảm bảo ATGT cho học sinh tại Trường THPT Trần Văn Bảo cho thấy: Để thực hiện có hiệu quả ATGT học đường, cần có sự chung sức của 3 bên: nhà trường, gia đình và toàn xã hội. Trong đó, lực lượng cảnh sát giao thông cần thường xuyên kiểm tra, xử lý, cập nhật, lưu giữ các thông tin những trường hợp học sinh vi phạm pháp luật giao thông, thông báo đến nhà trường để cùng phối hợp giáo dục. Về phía nhà trường, phải đa dạng hoá các sinh hoạt ngoại khoá của học sinh, trong đó có các hoạt động về tuyên truyền, phổ biến pháp luật giao thông, để học sinh có điều kiện trao đổi giao lưu về kiến thức ATGT và kinh nghiệm khi tham gia giao thông. Về phía gia đình, rất cần các bậc phụ huynh nâng cao trách nhiệm quan tâm hơn nữa đến việc giáo dục đạo đức và ý thức chấp hành pháp luật của con em mình, không mua và cho con em đang tuổi học sinh đi xe mô tô, có vậy việc giáo dục mới thực sự đồng bộ và hiệu quả./.

Bài và ảnh: Minh Thuận



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com