Để giải quyết việc làm cho lao động nữ nông thôn, hàng năm, các cấp Hội Phụ nữ trong tỉnh đã khảo sát nhu cầu học nghề, chủ động xây dựng kế hoạch, mở lớp dạy nghề phù hợp với từng đối tượng; phối hợp với các cấp, ngành giới thiệu việc làm... qua đó giúp chị em có thêm kiến thức phát triển kinh tế gia đình, có thêm việc làm tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống.
Nhiều hội viên phụ nữ huyện Hải Hậu làm nghề may quần áo xuất khẩu có thu nhập ổn định. |
Đầu tháng 2-2023, chị Phạm Thị Hương, xã Điền Xá (Nam Trực) có cơ hội tham gia lớp tập huấn “Khởi sự kinh doanh với các mô hình kinh tế tại gia” do Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh phối hợp với Trung ương Hội LHPN Việt Nam, Công ty TNHH Quốc tế Unilever Việt Nam tổ chức. Tham gia lớp tập huấn, chị Hương được cung cấp các kiến thức: tìm ý tưởng kinh doanh; các bước bắt đầu kinh doanh; tính giá bán và lợi nhuận; cách thức định giá tăng lợi nhuận và dùng nhật ký thu - chi; cách quảng bá thành công cho cửa tiệm... Chia sẻ sau khi tham gia lớp tập huấn, chị Hương cho biết: “Mặc dù đã kinh doanh cây cảnh lâu năm nhưng lâu nay tôi phát triển mô hình theo cách tự phát. Tham gia lớp học, được tiếp nhận nhiều kiến thức bổ ích giúp tôi có thêm định hướng kinh doanh, tự tin làm kinh tế trong thời gian tới”. Chị Hương chỉ là một trong số hàng nghìn hội viên phụ nữ trên địa bàn tỉnh được các cấp Hội Phụ nữ giới thiệu tham gia các lớp tập huấn bồi dưỡng kiến thức sản xuất, kinh doanh, học nghề… mang lại hiệu quả thiết thực.
Triển khai công tác dạy nghề, tạo việc làm cho phụ nữ nông thôn, hàng năm, Hội LHPN tỉnh chỉ đạo các cấp Hội tuyên truyền, vận động lao động nữ tham gia học nghề; cung cấp địa chỉ học nghề, địa chỉ việc làm; tổ chức các hoạt động tư vấn giới thiệu ngành nghề phù hợp gắn với nhu cầu của lao động; liên kết với các cơ sở dạy nghề, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tổ chức các lớp dạy nghề cho hội viên; chỉ đạo Trung tâm Dạy nghề Hội LHPN tỉnh xây dựng chương trình, giáo trình các nghề mới phù hợp với thị trường lao động của địa phương… Cùng với đó, Hội LHPN tỉnh tiến hành khảo sát và vận động những cá nhân có điều kiện đứng ra thành lập tổ, nhóm may công nghiệp, thêu ren, đan cói... để dạy nghề, tạo việc làm tại chỗ cho các chị em. Từ đầu năm 2022 đến nay, các cấp Hội Phụ nữ trong tỉnh đã phối hợp, liên kết với các ngành, các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất, kinh doanh tổ chức tuyển sinh và đào tạo cho trên 2.000 lao động nữ, trong đó có trên 80% phụ nữ có việc làm sau đào tạo. Qua các lớp dạy nghề, học viên được tiếp cận với những kiến thức khoa học, kỹ thuật mới áp dụng vào sản xuất, chăn nuôi, nắm vững các biện pháp phòng, tránh dịch bệnh cho gia súc, gia cầm, cách tổ chức mô hình kinh tế hợp lý, từ đó phát triển sản xuất, kinh doanh hiệu quả hơn. Hội Phụ nữ các cấp còn thành lập các mô hình hợp tác xã, tổ phụ nữ liên kết phát triển sản xuất, tạo thêm nhiều cơ hội việc làm cho hội viên như: đan cói xuất khẩu của Hội Phụ nữ các xã: Mỹ Thuận (Mỹ Lộc), Xuân Tân, Xuân Phong (Xuân Trường); nuôi trồng thủy sản và rau màu sạch xã Nghĩa Bình (Nghĩa Hưng); trồng cây dược liệu ở Hải Sơn, Hải Lộc (Hải Hậu); hoa và rau Long Hải, xã Nam Cường (Nam Trực); nuôi trồng và đánh bắt thủy hải sản Hải Đăng, xã Hải Lý (Hải Hậu); thủ công mỹ nghệ tại xã Trực Thanh (Trực Ninh) sản xuất rau an toàn tại xã Xuân Ninh (Xuân Trường), Giao Hà (Giao Thủy)…
Cùng với dạy nghề, các cấp Hội Phụ nữ còn chú trọng khai thác các nguồn vốn cho phụ nữ vay để phát triển kinh tế. Đến nay, Hội Phụ nữ các cấp trong tỉnh đã đứng ra tín chấp, nhận ủy thác từ các kênh ngân hàng với tổng dư nợ trên 2,8 nghìn tỷ đồng cho 230.974 hộ vay. Nhằm hỗ trợ phụ nữ, nhất là phụ nữ nông thôn có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn với lãi suất ưu đãi hoặc không lãi suất, các cấp Hội Phụ nữ còn tích cực tuyên truyền, vận động hội viên tham gia thực hành tiết kiệm. Trong năm 2022, 100% cơ sở Hội đã duy trì triển khai và thực hiện hiệu quả hoạt động tiết kiệm tại chi, tổ đạt 357,2 tỷ đồng, thu hút 153.334 thành viên tham gia, cho 122.665 lượt phụ nữ vay vốn. Từ các hoạt động hỗ trợ của Hội Phụ nữ các cấp, nhiều hội viên phụ nữ nông thôn đã vươn lên làm giàu, trở thành những nữ doanh nhân, chủ các xưởng sản xuất, tổ hợp tác…, tạo việc làm cho nhiều lao động nữ khác. Có thể kể đến gương các chị: Lê Thị Quỳnh Giang, xã Yên Bằng (Ý Yên), chuyên sản xuất gia vị thực phẩm, doanh thu đạt trên 1,5 tỷ đồng/năm, tạo việc làm cho 10 lao động với thu nhập từ 3-6 triệu đồng/người/tháng. Chị Mai Thị Thúy, chủ xưởng sản xuất Bảo Nguyên, xóm 4, xã Xuân Tiến (Xuân Trường) mạnh dạn phát triển nghề truyền thống sản xuất bánh đa nem, mỳ gạo của địa phương, đạt doanh thu 1,5 tỷ đồng/năm, tạo việc làm cho 10 lao động, trong đó có 7 lao động nữ với thu nhập 4,5-5 triệu đồng/người/tháng. Chị Nguyễn Thị Hiền cùng chồng xây dựng trang trại chăn nuôi lợn hữu cơ thảo dược Hiền Thục, xóm 5, xã Trực Thái (Trực Ninh) phát triển mô hình nuôi lợn sạch và sản xuất các loại nước hoa hồng, tinh dầu bưởi organic thiên nhiên… đạt doanh thu mỗi năm hàng tỷ đồng. Chị Nguyễn Thị Thu, xóm 4, xã Xuân Châu (Xuân Trường), sau khi được tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi của Hội Phụ nữ đã tận dụng lợi thế của địa phương phát triển mô hình nuôi cá chép giòn đạt doanh thu khoảng 1,5 tỷ đồng/năm, tạo việc làm thường xuyên cho 4-5 lao động với thu nhập từ 4-4,5 triệu đồng/người/tháng. Được Hội Phụ nữ xã tạo điều kiện tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi thỏ cũng như giới thiệu, hỗ trợ vay các nguồn vốn ưu đãi, chị Trần Thị Diệm, xóm 4, xã Hải Trung (Hải Hậu) đã phát triển mô hình nuôi thỏ theo công nghệ khép kín của Nhật Bản mang lại hiệu quả kinh tế cao với doanh thu khoảng 4,2 tỷ đồng/năm, tạo công ăn việc làm ổn định tại chỗ cho các thành viên trong gia đình và một số lao động trên địa bàn xã…
Với các giải pháp dạy nghề, giới thiệu việc làm thiết thực cho lao động nữ nông thôn của các cấp Hội Phụ nữ đã giúp chị em có được việc làm ổn định, thêm thu nhập, góp phần nâng cao vị thế của người phụ nữ trong thời kỳ mới. Thời gian tới, để đẩy mạnh công tác dạy nghề, giới thiệu việc làm sau đào tạo cho hội viên phụ nữ nông thôn, các cấp Hội Phụ nữ tiếp tục mở rộng đào tạo các ngành nghề mới đáp ứng nhu cầu thị trường, phù hợp với lao động nữ; tăng cường liên kết với các đơn vị tuyển lao động để giới thiệu học viên vào làm việc; hỗ trợ vốn cho hội viên khó khăn vay phát triển nghề đã học; xây dựng mô hình liên kết sản xuất, tạo việc làm cho phụ nữ nông thôn; gắn công tác dạy nghề cho lao động nữ với giải quyết việc làm, tạo đầu ra cho sản phẩm./.
Bài và ảnh: Hoa Quyên
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin