Bài trừ mê tín dị đoan trong các lễ hội

07:50, 17/03/2023

Hàng năm vào dịp đầu Xuân, trên địa bàn tỉnh diễn ra nhiều lễ hội đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của người dân cũng như thưởng thức các hoạt động văn hóa, thể thao tại các điểm di tích lịch sử, đền, chùa... Đây cũng là thời điểm một số cá nhân lợi dụng để tổ chức các hoạt động mê tín dị đoan. Để phát huy và duy trì những hoạt động văn hóa truyền thống, các cấp, các ngành cũng đã tích cực thực hiện các biện pháp tăng cường quản lý Nhà nước, góp phần bài trừ tệ nạn mê tín dị đoan nhằm bảo đảm lễ hội diễn ra trang trọng, văn minh, tiết kiệm.

Đấu vật chầu Thánh tại Chùa Thanh Am, xã Nam Toàn (Nam Trực).
Đấu vật chầu Thánh tại Chùa Thanh Am, xã Nam Toàn (Nam Trực).

Trên địa bàn tỉnh hiện có hơn 100 lễ hội Xuân tổ chức từ tháng Giêng đến tháng 3 âm lịch, thuộc các loại hình lễ hội truyền thống, gắn với các hoạt động văn hóa, lễ hội làng nghề... thu hút hàng chục nghìn lượt du khách thập phương về vãn cảnh, chiêm bái. Tuy nhiên, các lễ hội đầu Xuân diễn ra cũng là thời điểm hoạt động mê tín dị đoan “nở rộ” và khó kiểm soát. Theo quy định tại khoản 4 và khoản 7, Điều 14, Nghị định số 38/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo nêu rõ, phạt tiền từ 3 đến 5 triệu đồng đối với hành vi tham gia hoạt động mê tín dị đoan trong lễ hội và phạt tiền từ 15 đến 20 triệu đồng đối với hành vi tổ chức hoạt động mê tín dị đoan. Ngoài ra, hành vi hoạt động mê tín dị đoan còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Cụ thể, tại Điều 320 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định phạt tiền từ 10 đến 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm đối với trường hợp dùng bói toán, đồng bóng hoặc các hình thức mê tín dị đoan khác đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm... Mặc dù các chế tài xử phạt đối với hành vi hoạt động mê tín dị đoan đã được quy định rõ ràng nhưng do thu nhập khá lớn từ hoạt động này mang lại lớn, cùng với nhận thức của một bộ phận người dân chưa đầy đủ nên những chiêu trò lừa đảo, tiêu cực vẫn diễn ra công khai tại nhiều lễ hội. Lợi dụng sự thiếu hiểu biết, mê muội của một bộ phận người dân, không ít tổ chức, cá nhân đã thực hiện các hành vi “buôn thần, bán thánh”. Các hoạt động như hầu đồng trái phép, xem bói, xóc thẻ, đoán tướng, cúng sao giải hạn... cũng bị biến tướng nhằm mục đích trục lợi. Với quan niệm “trần sao, âm vậy”, nhiều người mua sắm rất nhiều vàng mã như: tiền đô la, ô tô, xe máy, ti vi, tủ lạnh… để cung tiến cho người âm gây tốn kém, lãng phí, ô nhiễm môi trường và tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ tại các lễ hội. Bên cạnh đó, ở một số lễ hội, di tích, việc sử dụng tiền lẻ không hợp lý ngày càng phổ biến, gây phản cảm, ảnh hưởng đến tính tôn nghiêm và cảnh quan của di tích, nơi thờ tự, gây lãng phí. Hiện tượng khấn thuê, đốt đồ mã, thả tiền, ném tiền bừa bãi vào hậu cung, nhét tiền vào tay tượng Phật, xả rác tùy tiện, hiện tượng thương mại hóa lễ hội dân gian… vẫn tồn tại. Mê tín dị đoan dễ dẫn đến hậu quả xấu cho cá nhân, gia đình, cộng đồng về sức khỏe, thời gian, tài sản. Lẽ ra, sau thời gian nghỉ đón Tết cổ truyền, mọi người phải bắt tay ngay vào nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh, công tác, học tập… vậy mà không ít người lại mất thời gian, tiền bạc vào việc bói toán, rồi hoang mang, lo lắng tìm cách cúng giải hạn. Vô số vàng mã, lễ vật cúng bái được chuẩn bị, gây lãng phí. Một số nơi vì quá mê tín, nhiều người tranh giành, cướp lộc để cầu may gây mất an ninh, trật tự và phản cảm. 

Thời gian qua, cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể địa phương, ban quản lý đền, chùa, khu di tích đã có những quy định cụ thể nhằm chấn chỉnh, ngăn chặn tình trạng mê tín dị đoan trong các lễ hội dịp đầu năm. Trong đó, các địa phương, ban quản lý đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn cụ thể để người dân nâng cao ý thức, thực hiện nếp sống văn minh khi tham gia lễ hội, nhất là trong việc đổi và sử dụng tiền lẻ tràn lan, đặt tiền lễ, giọt dầu đúng nơi quy định, hạn chế đốt vàng mã, đồ mã, giữ gìn vệ sinh chung trong không gian diễn ra lễ hội... Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch và UBND các cấp phối hợp tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm những trường hợp sai phạm trong tổ chức và quản lý lễ hội, phát hiện và ngăn chặn kịp thời các biểu hiện tiêu cực trong lễ hội như: mê tín dị đoan; lưu hành văn hóa phẩm trái phép; tự động nâng giá, ép giá các dịch vụ tại các nơi tổ chức lễ hội…Do vậy, các lễ hội trong tỉnh ngày càng được tổ chức văn minh, nền nếp, giữ được giá trị truyền thống văn hóa tốt đẹp. Lễ hội Khai ấn Đền Trần, phường Lộc Vượng (thành phố Nam Định) là lễ hội lớn, có từ lâu đời, thu hút đông đảo du khách thập phương. Nhiều năm trước kia, tình trạng chen lấn xô đẩy, ném tiền lên kiệu ấn, “cướp” lộc đã gây ảnh hưởng xấu đến hình ảnh du lịch văn hoá tâm linh. Trong vài năm trở lại đây, với sự quan tâm, chỉ đạo, quản lý chặt chẽ của các cấp, ngành chức năng, lễ hội được tổ chức nghiêm túc, bài bản, văn minh, đảm bảo an ninh an toàn, lan tỏa giá trị văn hóa tín ngưỡng dân gian, tư tưởng nhân văn góp phần giáo dục truyền thống lịch sử, hun đúc tinh thần hướng thiện, ý chí đoàn kết và tình yêu quê hương, đất nước cho thế hệ trẻ, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng tâm linh của các tầng lớp nhân dân.

Đón chào các lễ hội trong năm mới là nét văn hóa đặc thù trong đời sống tâm linh của người Việt, cần được trân trọng, giữ gìn. Tuy nhiên, cần quản lý tốt các lễ hội, không để xảy ra hiện tượng lợi dụng lễ hội để hoạt động mê tín dị đoan. Phát huy vai trò của cán bộ, đảng viên trong việc kiên quyết bài trừ tệ nạn mê tín dị đoan trong xã hội, chống lại biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống trong đó có mê tín dị đoan. Đẩy mạnh phong trào xây dựng đời sống văn hóa mới, xây dựng nông thôn mới - đô thị văn minh. Có như vậy, các lễ hội đầu xuân sẽ diễn ra vui tươi, lành mạnh, tiết kiệm, văn minh, vừa tôn vinh được các giá trị truyền thống trong cuộc sống hiện đại, vừa đáp ứng được nhu cầu hưởng thụ và sáng tạo văn hóa của nhân dân./.

Bài và ảnh: Thanh Hoa

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com