Được sự quan tâm chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, những năm qua thành phố Nam Định đã triển khai thực hiện có hiệu quả các chỉ tiêu công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ), góp phần nâng cao chất lượng dân số.
Cán bộ Trung tâm Y tế thành phố Nam Định tư vấn về chăm sóc sức khỏe sinh sản cho phụ nữ. |
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về y tế - dân số, Kế hoạch của UBND tỉnh về công tác dân số, hàng năm, UBND thành phố Nam Định đã ban hành kế hoạch, đề ra các giải pháp nhằm ổn định quy mô, cơ cấu, nâng cao chất lượng dân số. Ngay từ đầu năm, Ban Chỉ đạo công tác DS-KHHGĐ thành phố và Ban DS-KHHGĐ 25 phường, xã đều kiện toàn đảm bảo số lượng và chất lượng nhằm phát huy vai trò, hiệu quả hoạt động. UBND thành phố yêu cầu các cơ quan, đơn vị, các phường, xã khi xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội phải có chỉ tiêu về thực hiện công tác DS-KHHGĐ; vận động 100% cán bộ, công chức, viên chức trong độ tuổi sinh đẻ cam kết không sinh con thứ 3 trở lên; xử lý nghiêm những trường hợp cố tình vi phạm. Các hoạt động truyền thông, giáo dục và vận động thực hiện công tác DS-KHHGĐ được đẩy mạnh. Thời gian qua, trong điều kiện bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, công tác truyền thông, giáo dục được thành phố ưu tiên hàng đầu nhằm tận dụng thời gian người dân phải hạn chế ra ngoài, tập trung phổ biến kiến thức, chính sách liên quan đến đông đảo mọi người ở các tầng lớp trong xã hội. Trung tâm Y tế thành phố thường xuyên phối hợp với Đài phát thanh thành phố, Đài truyền thanh các phường, xã tăng thời lượng, nội dung phát sóng thông tin về chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác dân số; mối quan hệ giữa dân số với phát triển bền vững, nâng cao chất lượng dân số, giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh, chăm sóc sức khỏe sinh sản, chăm sóc sức khỏe người cao tuổi... Treo băng rôn, khẩu hiệu trên các trục đường chính, nơi tập trung đông dân cư; tăng cường truyền thông trong chiến dịch truyền thông lồng ghép dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản/KHHGĐ đến vùng đông dân, có mức sinh cao. Khai thác, phát huy lợi thế của các mạng xã hội Facebook, Tiktok, Zalo để đẩy mạnh truyền thông về công tác DS-KHHGĐ. Phòng Dân số thành phố Nam Định và 25 phường, xã đều có tài khoản Facebook riêng, thường xuyên đăng tải thông tin (3-5 tin, bài/tháng) trên trang Facebook về hoạt động của đơn vị và tài liệu truyền thông. Phát động cán bộ, nhân dân tích cực tham gia hưởng ứng các cuộc thi do Tổng cục Dân số phát động: “Sáng tác clip trên nền tảng Tiktok ngành Dân số đồng hành cùng cả nước phòng, chống dịch COVID-19”, “Gia đình sạch khuẩn, gắn kết yêu thương”, “Sống chủ động, viết nên câu chuyện ngày mai”.
Bên cạnh đó, Trung tâm Y tế thành phố và các phường, xã tăng cường tổ chức tư vấn nhóm nhỏ, hộ gia đình, nhất là với phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ về công tác KHHGĐ, chương trình sàng lọc trước sinh, sơ sinh và những lợi ích; vận động người dân tham gia thực hiện sàng lọc, phát hiện, can thiệp sớm tật bệnh ở thai nhi và trẻ sơ sinh. Qua đó từng bước nâng cao nhận thức, chuyển đổi hành vi của người dân về mục tiêu nâng cao chất lượng DS-KHHGĐ. Thành phố còn quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị và đội ngũ cán bộ làm công tác DS-KHHGĐ. Hàng năm, đội ngũ cán bộ, cộng tác viên dân số đều được tập huấn, cập nhật kiến thức về công tác chuyên môn nghiệp vụ; cách thu thập thông tin biến động liên quan đến lĩnh vực DS-KHHGĐ; kiến thức, kỹ năng tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt chính sách dân số… đảm bảo đáp ứng nhu cầu thực hiện kỹ thuật dịch vụ KHHGĐ tại chỗ, thuận lợi và an toàn cho các đối tượng có nhu cầu. Hàng năm, thành phố tổ chức 2 đợt chiến dịch truyền thông lồng ghép với cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản/KHHGĐ, góp phần quan trọng vào việc hoàn thành các chỉ tiêu về KHHGĐ. Năm 2022, địa bàn thành phố có thêm 6.080 cặp vợ chồng sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại, trong đó có 700 ca đặt dụng cụ tử cung; 2.240 người sử dụng thuốc tránh thai uống; 145 ca tiêm, cấy thuốc tránh thai; 2.995 người sử dụng bao cao su; gần 5.000 phụ nữ được khám sức khỏe đường sinh dục; phát hiện và điều trị cho người mắc bệnh.
Cùng với quyết liệt thực hiện các chỉ tiêu KHHGĐ, thành phố Nam Định quan tâm chỉ đạo triển khai có hiệu quả các đề án, mô hình nâng cao chất lượng dân số như: Đề án “Tư vấn và khám sức khoẻ tiền hôn nhân”; “Sàng lọc trước sinh và sơ sinh”; “Can thiệp, giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh”; “Tư vấn và chăm sóc người cao tuổi dựa vào cộng đồng”; điều chỉnh mức sinh, củng cố, phát triển và nâng cao chất lượng dịch vụ KHHGĐ… Phụ nữ trong độ tuổi sinh sản và bà mẹ mang thai được tuyên truyền về “Sàng lọc trước sinh và sơ sinh”, về lợi ích của việc lấy máu gót chân sơ sinh. Vận động thanh niên thực hiện tư vấn và khám sức khỏe trước khi kết hôn, không tảo hôn; phụ nữ mang thai thực hiện tầm soát, chẩn đoán, điều trị một số bệnh tật trước sinh. Các bà mẹ mang thai đã đi khám và chấp nhận cho cán bộ y tế lấy mẫu máu để tiến hành sàng lọc sơ sinh nhằm phát hiện sớm các dị tật ở trẻ, trẻ nghi ngờ thiếu men G6PD; từ đó có các biện pháp can thiệp sớm, giảm thiểu bệnh tật ở thai nhi và trẻ sơ sinh. Trung tâm Y tế thành phố phối hợp với Bệnh viện Phụ sản tỉnh thực hiện lấy mẫu sàng lọc đối với trẻ sơ sinh. Đối với trường hợp nghi ngờ mắc bệnh, gia đình được hướng dẫn đưa trẻ đến các cơ sở y tế khám, kiểm tra. Đề án giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh được triển khai tại tất cả các phường, xã với hoạt động chủ yếu là tăng cường quản lý, kiểm tra các cơ sở y tế có siêu âm chẩn đoán giới tính thai nhi nhằm ngăn chặn các trường hợp vi phạm. Tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh được kiểm soát; cải thiện tình trạng sức khoẻ bà mẹ. Năm 2022, tỷ số giới tính khi sinh của thành phố ở mức 114 cháu trai/100 cháu gái. Tỷ suất sinh giảm 0,1 phần nghìn, đạt chỉ tiêu kế hoạch. Tỷ lệ tăng dân số tự nhiên, tỷ lệ giảm sinh và tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên của thành phố có chuyển biến tích cực. Mô hình tư vấn và chăm sóc sức khoẻ người cao tuổi dựa vào cộng đồng tiếp tục được duy trì; lồng ghép với các hoạt động truyền thông tại các địa phương nhân Ngày Quốc tế người cao tuổi (1-10) và Tháng hành động vì người cao tuổi Việt Nam.
Năm 2023, thành phố Nam Định tiếp tục thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp nhằm huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội vào việc thực hiện công tác DS-KHHGĐ, thực hiện chỉ tiêu giảm sinh và giảm số người sinh con thứ 3 trở lên, sớm đưa về mức sinh thay thế. Phấn đấu giảm tỷ suất sinh 0,1 phần nghìn so với năm 2022; tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên giảm 0,3% so với năm 2022. Để hoàn thành mục tiêu, thành phố đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức, chuyển đổi hành vi thực hiện KHHGĐ của cán bộ, nhân dân theo hướng tích cực, nâng cao chất lượng dân số trong tình hình mới. Đẩy mạnh phong trào thi đua tổ dân phố, thôn, xóm không có người sinh con thứ 3. Nhân rộng các đề án, mô hình về nâng cao chất lượng dân số. Làm tốt công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản, chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ sơ sinh, người cao tuổi; đẩy mạnh tiếp thị các phương tiện tránh thai; tổ chức thực hiện các dịch vụ kỹ thuật tránh thai bảo đảm an toàn, thuận tiện cho mọi đối tượng có nhu cầu./.
Bài và ảnh: Minh Tân
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin