Năm nay 88 năm tuổi đời, 63 năm tuổi Đảng, ông Bùi Xuân Thủy, số nhà 166, đường Phù Nghĩa (thành phố Nam Định) đã tham gia 2 cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ trường kỳ của dân tộc. Tuy tuổi cao nhưng ông còn rất minh mẫn. Trong ký ức của người cựu chiến binh già, những năm tháng đẹp đẽ nhất tuổi thanh xuân ông đã dành trọn cho chiến trường chiến thắng kẻ thù, giành độc lập, tự do cho đất nước.
Cựu chiến binh Bùi Xuân Thủy, số nhà 166, đường Phù Nghĩa (thành phố Nam Định) thường xuyên đọc báo, cập nhật tin tức. |
Đầu năm 1954, khi mới 19 tuổi, chàng thanh niên trẻ Bùi Xuân Thủy nhập ngũ, biên chế về Ban chỉ huy tỉnh đội Nam Định, tham gia đánh trận đầu tiên ở Đông Biên (Hải Hậu). Đây là vị trí chiến lược vô cùng quan trọng của tỉnh, nếu chiếm được vị trí này, chúng ta sẽ buộc quân Pháp phải đầu hàng, rút khỏi Nam Định. Sau nhiều ngày đêm chiến đấu gian khổ, ông Thủy cùng các đồng đội đã chiến thắng trận Đông Biên, đạt được mục tiêu buộc quân đội Pháp phải rút quân hoàn toàn khỏi Nam Định. Tháng 10-1954, ông Thủy được điều động về Trung đoàn 254, Sư đoàn 350 tiếp quản Hà Nội. Trong những năm 1954-1960, ông còn được cử đi học ở Trường Sĩ quan Lục quân đóng tại Sơn Tây và được kết nạp Đảng khi mới ngoài 20 tuổi. Từ năm 1964-1970, ông tiếp tục được điều về Bộ Tư lệnh Quân chủng Phòng không không quân. Tháng 10-1972, khi Sư đoàn 375 Phòng không không quân được thành lập với nhiệm vụ bảo vệ sân bay Kép, ga Kép, thuộc tỉnh Hà Bắc cũ (nay là tỉnh Bắc Giang), ông Thủy lại được điều động về đây. Thời gian này, Sư đoàn của ông có nhiệm vụ phối hợp với Hà Nội, Hải Phòng đánh máy bay B52 trong trận chiến đi vào lịch sử 12 ngày đêm của Hà Nội. Ông còn nhớ như in kỷ niệm về những ngày giặc Mỹ bắn phá ác liệt Hà Nội trong 12 ngày đêm đỏ lửa. “Lúc đó mặc dù ở Hà Bắc, cách xa Hà Nội cả vài chục cây số nhưng qua theo dõi thiết bị chúng tôi vẫn cảm nhận rõ tính chất khốc liệt của trận chiến này. Đêm đầu tiên khi Hà Nội bị bắn phá, nửa đêm, tôi đang ngồi trong nhà dân viết tài liệu chiến đấu thì nghe tiếng máy bay rào rào trên đầu. Tôi chỉ kịp ôm tài liệu chạy xuống hầm trú ẩn gần đó. Để hỗ trợ Hà Nội, chúng tôi cùng căng mình theo dõi trận chiến và luôn trong tư thế sẵn sàng chiến đấu”, ông Thủy nhớ lại. Năm 1974, theo lệnh điều động mới, ông Thủy tiếp tục hành quân vào Nam, tham gia chiến dịch giải phóng Đà Nẵng. Ông ở lại Đà Nẵng cho đến năm 1978 thì được điều về Sư đoàn 367, có nhiệm vụ bảo vệ Thành phố Hồ Chí Minh và Vũng Tàu. Năm 1978, khi biên giới Tây Nam liên tục bị đánh phá, tàn sát bởi lực lượng Khơmer Đỏ, Thượng tá Bùi Xuân Thủy đảm nhận nhiệm vụ mới, dẫn 1 Tiểu đoàn tên lửa vào sân bay Trà Nóc (Cần Thơ) làm nhiệm vụ đánh quân Pôn Pốt. “Thời điểm này, việc quyết định điều lực lượng phòng không không quân vào sân bay Trà Nóc của Quân đội ta có ý nghĩa rất lớn, góp phần ổn định, động viên tinh thần nhân dân đánh giặc. Cùng với các đơn vị bộ đội khác, chúng tôi đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ Cần Thơ cũng như tuyến biên giới Tây Nam của Tổ quốc”, ông Thủy cho biết. Cuối năm 1979, ông Thủy về Quân chủng Phòng không không quân công tác và đến năm 1980 thì nghỉ hưu. Về địa phương, ông luôn tích cực tham gia công tác xã hội. Ông từng làm Bí thư chi bộ, tham gia Ban công tác Mặt trận, ủy viên Ban chấp hành Hội Người cao tuổi, Hội Cựu chiến binh phường Lộc Hạ trong nhiều năm liên tục. Khi phong trào xây dựng tổ, xóm văn hóa được thành phố phát động sâu rộng trong các tầng lớp, ban, ngành, đoàn thể, ông đã trực tiếp tham gia viết hương ước làng văn hóa… Ghi nhận những cống hiến của ông Thủy, Đảng, Nhà nước đã tặng ông nhiều phần thưởng cao quý. Dành tuổi xuân trên các chiến trường, ông Thủy có nhiều kỷ niệm đáng nhớ. Ông nhớ những ngày đầu bỡ ngỡ mới vào quân đội còn chưa thành thục cách tháo lắp súng. Ông nhớ thương nhiều nhất người bạn đồng niên cùng học chung từ những ngày bé xíu, cùng nhập ngũ một ngày tại một đơn vị rồi hy sinh chưa đầy 2 tháng sau khi vào nhập ngũ ở trận Đông Biên, để mỗi lần sau này khi có dịp trở về nhà, mẹ người bạn thân ấy lại cầm tay ông khóc nức nở. Ký ức về những năm tháng chiến tranh còn đưa ông đến với những trận đánh khốc liệt, lần chiến đấu ở Đà Nẵng rồi bị phơi nhiễm chất độc da cam. Nhưng chiến tranh, đối với ông không chỉ có những kỷ niệm đau thương. Đó còn là những ngày tuổi trẻ sôi sục, tràn đầy nhiệt huyết, quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, những tình cảm quân dân thắm thiết. Ông Thủy nhớ mãi lần dẫn Tiểu đoàn tên lửa vào Trà Nóc đánh Pôn Pốt. Dọc đường đi, đơn vị ông được bà con nhân dân tiếp đón nhiệt tình. “Họ mang gạo, bánh, đường thốt nốt, hoa quả ra tặng bộ đội. Tóm lại bà con có gì trong nhà ăn được, uống được đều mang ra tặng bộ đội hết. Đối với bà con nhân dân, bộ đội là con cái, là người thân trong nhà”, ông Thủy kể tiếp.
Trong câu chuyện chiều cuối năm của chúng tôi với người lính già thỉnh thoảng lại có những câu nói chen ngang, “bổ sung” thông tin ông Thủy chưa kịp nhớ ra của bà Trần Thị Thìn, vợ ông. Bước sang tuổi 83, bà Thìn cũng đã có trên 50 năm tuổi Đảng. Gặp nhau trong một lần tình cờ về phép, ông nhìn thấy bà, khi đó đang bế trên tay em nhỏ rồi nhanh chóng bị nụ cười hiền, ánh mắt đen sâu thẳm của cô thôn nữ thu hút. Năm 1960, họ tổ chức một đám cưới giản dị. Từ khi cưới cho đến khi ông về hưu, 2 ông bà rất ít khi được gặp nhau. Đặc biệt là trong những năm tháng chiến tranh ác liệt. Thậm chí có những thời điểm, theo bà Thìn ông đi đến 3-4 năm mới về. Năm 1974, trong một buổi chiều mùa hè nóng bức ông đột ngột về thăm nhà. Bà chỉ kịp chạy từ chỗ làm về nấu bữa cơm chiều cho chồng, nhìn chồng ăn cơm một lát rồi lại vội vã theo xe đi ngay. Liên lạc giữa họ chủ yếu qua những cánh thư. Tuy nhiên không phải lúc nào thư từ cũng đến được tay một cách thuận lợi. Chúng tôi hỏi bà, có lo lắng không khi ông đi biền biệt và thường xuyên tham gia vào những trận đánh nguy hiểm? “Lúc bấy giờ tôi cũng như hàng nghìn những bà mẹ, người vợ khác, chiến tranh mà, đâu có ai nói trước được điều gì. Chúng tôi lo lắm chứ nhưng không dám nói ra, sợ cả người đi lần người ở nhà “sốt ruột”. Nhưng tôi luôn tự xác định với mình rằng, nếu điều xấu nhất xảy ra, tôi sẽ ở vậy thờ chồng, nuôi con, giữ đạo vợ chồng”, bà Thìn nói.
Đi qua 2 cuộc chiến gian khổ, trường kỳ của dân tộc cũng mang trong mình nhiều thương tật, ảnh hưởng của chiến tranh, cựu chiến binh Bùi Xuân Thủy vẫn giữ được cho mình tinh thần của một người lính. Hàng ngày, ông thường xuyên đọc báo, cập nhật tin tức thời sự. Mấy năm trở lại đây, do tình hình sức khỏe yếu đi nhiều, ông mới xin thôi các hoạt động công tác xã hội ở địa phương. Ông tự hào là một người đảng viên, người lính và luôn tâm niệm sống để xứng đáng là một người lính trên mọi mặt trận./.
Bài và ảnh: Hoa Xuân
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin