Khai bút đầu năm là nét đẹp văn hóa truyền thống được người dân Việt Nam nói chung và người dân đất học Thành Nam nói riêng được lưu truyền từ bao đời nay. Những nét chữ ngày đầu năm mới mang theo bao ước vọng bình an, may mắn.
Nhiều học sinh háo hức khai bút đầu xuân với hy vọng một năm mới học tốt, chăm ngoan. |
Tết là khởi đầu hy vọng về những điều tốt đẹp. Cùng vạn vật hòa vào tiết xuân, nhiều người đã gửi gắm những ước vọng cho một năm mới qua từng nét chữ. Khai bút đầu xuân không phải là một nghi lễ bắt buộc trong ngày Tết nhưng từ lâu, nó đã được duy trì như một nét đẹp văn hóa truyền thống của người Việt. Khai bút là khai chữ, khai tâm, khai trí, khai nghề, khai nghiệp… Trước đây, xin chữ là hoạt động giới hạn chủ yếu trong tầng lớp trí thức, nho gia… Họ coi khai bút là chuyện hệ trọng nên phải chọn ngày tốt bởi theo họ, nét chữ đầu tiên mang ý nghĩa tâm linh quan trọng gửi gắm nhiều ước vọng trong năm mới. Đầu năm “quan” khai ấn, “thương” khai trương, “nông” khai canh, còn đối với các sĩ tử, khai bút đầu xuân là để có trí tuệ tinh thông văn hay chữ tốt. Sau lễ cúng giao thừa, họ sẽ đốt lư trầm bên bàn viết và cầm cây bút viết những câu đối, câu thơ, những chữ có ý nghĩa lên giấy đỏ hoặc giấy hoa tiên.
Ngày nay, tục khai bút đầu xuân đã có nhiều đổi thay, không còn phổ biến mang đậm ý nghĩa như xưa. Tuy nhiên, với nhiều gia đình, đặc biệt là giáo viên, học sinh, nhà văn, nhà thơ… phong tục này vẫn rất được coi trọng, bởi ngoài những giá trị “chân, thiện, mỹ”, khai bút đầu xuân còn là sự khởi đầu sự nghiệp, qua đó gửi gắm tâm tư, nguyện vọng về một năm mới suôn sẻ, hạnh phúc và thành công. Trước đây, nhiều ông đồ thường chọn những câu tục ngữ, danh ngôn, câu đối mang dư vị Tết sẽ mang đầy ý nghĩa trong ngày đầu xuân, cũng như đem lại sự lạc quan, tinh thần phấn khởi, vui vẻ trong dịp năm mới. Tuy nhiên, hiện nay, nội dung viết khai bút đầu Xuân đã được mở rộng hơn rất nhiều. Đó có thể là dòng chữ ghi họ tên, tuổi, quê quán của người cầm bút hoặc một vài câu thơ được sáng tác ngẫu hứng. Đôi khi, khai bút cũng chỉ đơn giản là những xúc cảm hay những mong ước tốt đẹp về gia đình, bạn bè, công việc, học hành, thi cử… Tuy nhiên, với một số người muốn những lời viết ra đầu năm có nhiều ý nghĩa thì họ thường chọn những câu thơ, câu danh ngôn hay tạo động lực cho bản thân. Nhiều em học sinh thường có suy nghĩ rằng, nếu đầu năm khai bút chữ đẹp thì cả năm việc học sẽ gặp thuận lợi, nếu chữ xấu, cẩu thả thì cũng sẽ ảnh hưởng đến chất lượng học tập. Học sinh, sinh viên thời nay khai bút, cũng không phải là “bày mực tàu, giấy đỏ” và viết chữ nho như các học sĩ thời xưa mà có thể chỉ đơn giản là dùng bút để viết vài dòng mong ước hay mở cuốn vở để làm bài tập cô giáo giao trước khi về nghỉ Tết… Khai bút ngày nay không nhất thiết phải thực hiện vào sau thời khắc giao thừa, mà người viết có thể tự chọn một ngày đẹp, ngày tốt trong những ngày đầu tiên của năm mới để khai bút. Một cuốn vở thơm mùi giấy mới, màu giấy trắng tinh được mở ra với những nét chữ nắn nót viết lên những câu thơ, câu văn hay đơn giản là những ước muốn… Xã hội ngày càng phát triển, có những bạn trẻ còn chọn khai bút bằng cách viết những câu chúc mừng năm mới qua email, các mạng xã hội như: facebook, zalo, twitter…
Đã gần 70 tuổi nhưng ông Trần Văn Bình, Bí thư chi bộ tổ dân phố số 1 Mỹ Trọng, phường Mỹ Xá (thành phố Nam Định) vẫn luôn lưu giữ tục lệ khai bút ngày đầu năm mới. Ông chia sẻ: “Sau khoảnh khắc giao thừa, khi đã lì xì cho các con cháu trong gia đình, tôi dành một thời gian tĩnh lặng để khai bút. Dòng chữ đầu tiên tôi viết là “Chúc mừng năm mới - bình an, hạnh phúc”. Lời chúc này tôi muốn dành cho gia đình tôi và tất cả mọi người, mong rằng, bước sang năm mới, người dân ổn định cuộc sống, quê hương, đất nước ngày càng phát triển”. Buổi sáng ngày đầu năm mới, em Trần Gia Hiền, học sinh Trường Tiểu học Lê Quý Đôn (thành phố Nam Định) ngay ngắn ngồi vào bàn khai bút bằng những nét vẽ phác thảo ý tưởng về truyện kể bằng tranh. Hiền chia sẻ: “Em rất thích vẽ tranh và đang ấp ủ dự định về việc tự hoàn thành một câu chuyện kể bằng tranh. Ngày đầu năm mới, em khởi đầu bằng một bức vẽ với mong ước rằng trong năm nay, dự định đó của em sẽ hoàn thành. Sau đó, em sẽ viết lời chúc năm mới để tặng ông bà và bố mẹ. Em mong năm nay cả gia đình em sẽ luôn mạnh khỏe, đón nhiều niềm vui”. Em Mạc Gia Bảo An, học sinh Trường Tiểu học Chu Văn An (thành phố Nam Định) lại khai bút bằng cách làm những bài tập cô giáo đã giao trước khi nghỉ Tết… Khai bút càng có ý nghĩa đặc biệt đối với những học sinh, sinh viên sắp bước vào những kỳ thi quan trọng.
Tục khai bút vẫn còn được rất nhiều người duy trì cho tới hiện nay mặc dù đã có nhiều thay đổi. Dù được thực hiện với hình thức nào, nhưng người viết vẫn giữ được sự trân trọng khi viết, tục khai bút vẫn giữ được giá trị và ý nghĩa mang lại những điều tốt đẹp cho một năm mới, một sự khởi đầu mới cho bản thân và những người thân yêu, góp phần tiếp tục giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc./.
Bài và ảnh: Thanh Hoa
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin